Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của nhân viên công tác

Một phần của tài liệu Nhân viên công tác xã hội từ thực tiễn tỉnh quảng ninh (Trang 65 - 72)

2.4.1. Yếu tố đào tạo

CTXH là một nghề chuyên nghiệp với đối tượng làm việc là con người, đòi hỏi những người làm nghề này phải được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành CTXH, được thực hành thuần thục các kỹ năng cần thiết để quá trình trợ giúp đạt hiệu quả. Đội ngũ nhân viên CTXH tỉnh Quảng Ninh thể hiện rất rõ điều này: Những nhân viên có trình độ cử nhân CTXH làm việc khá hiệu quả; số nhân viên kiêm nhiệm, được đào tạo các chuyên ngành khác CTXH, mặc dù đại đa số đã được tập huấn, bồi dưỡng về CTXH, nhưng do không có kiến thức nền tảng, hệ thống về nghề, nên hiệu quả công việc chưa cao, nhất là với những

trường hợp khó đòi hỏi phải xây dựng kế hoạch và điều phối tốt trong quá trình thực hiện.

2.4.2. Đời sống của nhân viên công tác xã hội

+ Lương và phụ cấp: Kết quả khảo sát bằng phiếu hỏi đối với nhân viên CTXH về mức thu nhập cho thấy, nhân viên CTXH hiện đang có mức thu nhập khá khiêm tốn, chỉ có 25% có thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng, còn lại đa số có tổng thu nhập trong khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng,

Bảng 2.14: Thu nhập của nhân viên công tác xã hội

TT Tổng thu nhập/ tháng Tỷ lệ (%)

1 Từ 1 đến dưới 2 triệu đồng 6,58%

2 Từ 2 đến dưới 3 triệu đồng 14,47%

3 Từ 3 đến dưới 4 triệu đồng 27,63%

4 Từ 4 đến dưới 5 triệu đồng 26,32%

5 Trên 5 triệu đồng 25,00%

(Nguồn: Khảo sát bằng phiếu hỏi)

+ Sự đáp ứng của thu nhập đối với đời sống của nhân viên CTXH: Với mức thu nhập như hiện tại, chỉ có 25,47% có thu nhập đáp ứng đủ chi tiêu ở mức bình thường của gia đình, số còn lại thu nhập chưa đáp ứng được chi tiêu, trong đó có tới 47,17% rất thiếu. Ngoài thu nhập từ nghề CTXH, có 63,21% có làm thêm các công việc khác, đa số này thuộc về những người kiêm nhiệm ở văn phòng CTXH cấp huyện, cấp xã, trong nhà trường, và thu nhập từ nghề CTXH lại không phải nguồn thu nhập chính của họ.

Bảng 2.15: Đời sống và mong muốn nghề nghiệp của nhân viên CTXH

TT Nội dung hỏi Tỷ lệ

1 Phải làm thêm công việc khác ngoài công việc về

CTXH 63,21%

2 Thu nhập (lương và các khoản phụ cấp) so với chi tiêu (mức bình thường) của gia đình

Thừa chi tiêu

Đủ chi tiêu 25,47%

Thiếu một ít 27,36%

Rất thiếu 47,17%

3 Mong muốn được chuyển sang nghề khác với nghề

CTXH

Rất muốn chuyển

Còn phân vân, không biết có nên chuyển hay

không 21,70%

Không muốn chuyển, vì làm nghề CTXH cũng

được 39,62%

Không muốn chuyển, vì thích làm nghề CTXH 33,02%

Ý kiến khác 5,66%

(Nguồn: Khảo sát bằng phiếu hỏi)

+ Nguyện vọng về nghề của nhân viên CTXH: Tuy mức thu nhập còn thấp và phải tìm kiếm những nguồn thu nhập khác cho gia đình, nhưng số đông (72,6%) nhân viên CTXH không muốn chuyển sang nghề khác mà có mong muốn được tiếp tục làm nghề CTXH; còn 21,7% đang phân vân, không biết có nên chuyển hay không. Có 5,66% có ý kiến khác, cho rằng mình muốn làm nghề CTXH, nhưng cần có chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp phù hợp, hoặc có thể chuyển sang nghề khác nếu có cơ hội tốt hơn về thu nhập.

2.4.3. Hành lang pháp lý để thực hành nghề công tác xã hội

Hiện nay, cơ sở pháp lý để thực hiện nghề CTXH chưa đầy đủ. Chưa có văn bản có tính pháp lý cao tầm luật, pháp lệnh hay nghị định về CTXH; Hiến

pháp, các bộ luật và luật về hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình, nuôi con nuôi, trợ giúp pháp lý, giáo dục, y tế, lao động xã hội... có nhiều nội dung liên quan đến CTXH, cần phải được thực hiện bằng chuyên môn CTXH, nhưng trong các văn bản đó không chỉ rõ tên đó là hoạt động của CTXH, không quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của nhân viên CTXH trong thực hiện, tức là không có hành lang pháp lý cho người làm nghề CTXH hoạt động.

Đề án 32 hiện nay chỉ giới hạn trong giai đoạn 2010-2020, và tuy các Bộ đã có các Thông tư quy định về mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của nhân viên CTXH, nhưng đến nay nhân viên CTXH chưa được công nhận vị trí công việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp liên quan, tức là không có cơ sở để tuyển dụng. Chính vì vậy đã phát sinh tình trạng sinh viên ngành CTXH sau khi ra trường không có việc làm hoặc phải làm một chuyên môn khác với CTXH, trong khi đội ngũ nhân viên CTXH chính thức thì lại có rất nhiều người không được đào tạo về nghề CTXH. Cũng chính vì chưa có vị trí công việc làm cơ sở tuyển dụng nên trong hệ thống văn phòng CTXH của Quảng Ninh, những nhân viên CTXH chuyên trách, chủ chốt về chuyên môn CTXH lại là lao động hợp đồng có thời hạn, được trả lương từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án 32 của tỉnh, hệ số lương rất thấp.

Trong việc thực hiện các hoạt động CTXH cũng có nhiều khó khăn khi cần sự tham gia của các bên liên quan, vì hiện nay chưa có văn bản nào quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan, đơn vị làm về CTXH với các ngành chức năng liên quan như công an, tư pháp, y tế, giáo dục, các đoàn thể quần chúng, nhất là trong hoạt động can thiệp hỗ trợ khẩn cấp. Nhân viên CTXH khi cần các bên vào cuộc thì phải sử dụng cơ chế “mời”, mặc dù vẫn có sự tham gia nhưng vai trò và mức độ trách nhiệm của từng bên chưa được xác định rõ ràng nên hiệu quả phối hợp chưa cao.

2.4.4. Các yếu tố ảnh hưởng khác

Đối tượng trợ giúp là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân viên CTXH.

Do đặc điểm là các nhóm yếu thế, bị suy giảm hoặc mất chức năng xã hội, nên ở

một mức độ nào đó, đối tượng được trợ giúp sẽ gây áp lực cho nhân viên CTXH, tạo ra những mệt mỏi, căng thẳng về thể chất và tinh thần, nhất là khi trợ giúp cho những trường hợp kém hợp tác hoặc kéo dài thời gian như người nghiện ma túy, người vi phạm pháp luật…

Do CTXH là một nghề mới, nhận thức và hiểu biết của không ít lãnh đạo các ngành và chính quyền các địa phương chưa đúng, chưa đầy đủ về nghề CTXH chuyên nghiệp, còn đồng nhất CTXH với hoạt động từ thiện, nhân đạo, vì vậy họ chưa quyết tâm đầu tư, bố trí nhân lực và tạo điều kiện thuận lợi để nhân viên CTXH làm việc. Hơn nữa, tỉnh đang phải thực hiện việc tinh giản tổ chức biên chế cũng tạo những khó khăn không nhỏ trong việc phát triển đội ngũ nhân viên CTXH.

Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nhân viên CTXH chưa phù hợp. Mặc dù công việc có tính đặc thù cao và hết sức phức tạp, nhưng chưa có quy định về mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp cho nhân viên CTXH.

Kết luận Chương 2

Quảng Ninh là một tỉnh phát triển mạnh, đa dạng về ngành nghề kinh tế, nhưng đi kèm là nhiều hệ lụy phát sinh từ mặt trái của quá trình phát triển, trong đó có sự gia tăng các đối tượng yếu thế, đối tượng có vấn đề về chức năng xã hội, rất cần sự trợ giúp chuyên nghiệp của nhân viên CTXH.

Thực hiện Đề án 32 của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm CTXH tỉnh cùng hệ thống thí điểm các văn phòng CTXH cấp huyện, cấp xã, trong nhà trường tại một số địa phương và tại một bệnh viện cấp huyện; bước đầu hình thành được đội ngũ nhân viên CTXH ở các cấp. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế đối tượng cần sự trợ giúp trên địa bàn tỉnh và so với mục tiêu phát triển nghề CTXH mà tỉnh đã đề ra, thì đội ngũ nhân viên CTXH hiện nay chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Đội ngũ nhân viên CTXT hiện có của tỉnh Quảng Ninh có những điểm mạnh như đa số là lực lượng trẻ, có trình độ từ đại học trở lên, tâm huyết với nghề nghiệp, tinh thần thái độ làm việc tương đối tốt; có Chủ nhiệm các văn phòng CTXH là lãnh đạo phòng LĐTBXH cấp huyện, lãnh đạo UBND cấp xã hoặc lãnh đạo nhà trường kiêm nhiệm là yếu tố rất thuận lợi cho hoạt động.

Tuy nhiên, trên thực tế còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của nhân viên CTXH: Về chuyên ngành đào tạo, hơn 80% đội ngũ hiện nay không được đào tạo đúng chuyên ngành về CTXH, tuy đã được tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo lại, nhưng còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả trợ giúp. Về nhân sự thực tế, tình trạng kiêm nhiệm trong các văn phòng CTXH còn quá cao, các văn phòng CTXH cấp huyện, cấp xã chỉ có 01 người chuyên trách còn lại đều là nhân sự của phòng LĐTBXH, hoặc UBND xã kiêm nhiệm; các văn phòng CTXH trong nhà trường thì toàn bộ đều là giáo viên kiêm nhiệm, họ chỉ dành ít thời gian cho hoạt động CTXH vì đây chỉ là việc kiêm thêm.

Thu nhập của nhân viên CTXH còn thấp, đời sống có nhiều khó khăn, phần đông có tổng thu nhập hàng tháng không đủ chi tiêu cho gia đình ở mức bình thường, chưa có quy định về phụ cấp nghề nghiệp cho nhân viên CTXH. Số nhân viên CTXH chuyên trách tại các văn phòng CTXH cấp huyện, cấp xã hiện làm việc theo hình thức hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng, chưa được chính thức tuyển dụng vào hệ thống viên chức của Nhà nước, thu nhập rất thấp.

Đến nay, hoạt động của nhân viên CTXH tỉnh Quảng Ninh mới tập trung được vào việc truyền thông nâng cao nhận thức, tư vấn, tham vấn chính sách và quản lý trường hợp, với hiệu quả đạt được ở mức trung bình; việc quản lý trường hợp cũng mới chỉ tập trung nhiều nhất vào nhóm đối tượng trẻ em có HCĐB và một vài nhóm khác như người bị bệnh tâm thần - rối nhiễu tâm trí, người khuyết tật, học sinh (với văn phòng CTXH trong nhà trường), chưa vươn tới được

những nghiệp vụ CTXH khác và những nhóm đối tượng có nhu cầu khác. Công tác phối hợp giữa nhân viên CTXH với các cơ quan, đơn vị liên quan trong các hoạt động CTXH tuy đã được thực hiện khi nhân viên CTXH yêu cầu nhưng chưa có quy chế phối hợp cụ thể để quy định rõ ràng trách nhiệm của từng bên liên quan nên còn có những khó khăn nhất định trong công tác điều phối, huy động và các bên cùng tham gia trong quá trình trợ giúp đối tượng.

Hành lang pháp lý để thực hành nghề CTXH hiện chưa đầy đủ và chưa có các văn bản có hiệu lực pháp lý cao quy định về nghề CTXH; chưa có quy định về vị trí việc làm của nhân viên CTXH trong các cơ quan liên quan để làm cơ sở cho việc tuyển dụng người được đào tạo nghề CTXH vào làm việc.

Chương 3

Một phần của tài liệu Nhân viên công tác xã hội từ thực tiễn tỉnh quảng ninh (Trang 65 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)