Chương 2 THỰC TRẠNG NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI THỰC TRẠNG NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI
2.1. Đặc điểm tỉnh Quảng Ninh liên quan đến công tác xã hội và nhu cầu về nghề công tác xã hội của tỉnh
Quảng Ninh là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, có đường biên giới dài 132 km giáp Trung Quốc; diện tích tự nhiên trên 6.000 km2 với đặc điểm địa lý đa dạng: đồng bằng, trung du, miền núi, miền biển và hải đảo, được chia làm 14 đơn vị hành chính cấp huyện (04 thành phố, 02 thị xã và 08 huyện) và 186 xã, phường, thị trấn, trong đó có 113 xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Quảng Ninh là một tỉnh đa dạng về dân cư, toàn tỉnh có trên 1.204.000 người với trên 30 dân tộc và người nước ngoài cùng sinh sống, bao gồm các dân tộc Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa, Nùng, Mường, Thái..., trong đó có 43,1% dân số thành thị, 56,9% dân số nông thôn, miền núi, hải đảo, 11,6% là người dân tộc thiểu số.
Quảng Ninh là địa phương hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, với nguồn trữ lượng than chiếm gần 90% của cả nước; có Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới 2 lần được Tổ chức UNESCO công nhận về giá trị thẩm mĩ và địa chất, địa mạo; các di tích văn hóa quốc gia như khu di tích Nhà Trần, Khu danh thắng Yên Tử, bãi cọc Bạch Đằng và các di tích văn hóa như Đền Cửa Ông, Đình Quan Lạn, Đình Trà Cổ, núi Bài Thơ...; có bờ biển dài trên 250 km, có cảng nước sâu Cái Lân, cửa khẩu Quốc tế Móng Cái và cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh giao thương với Trung Quốc. Nhờ thế, tỉnh có thể phát triển đa dạng các ngành kinh tế về công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, du lịch, thương mại và dịch vụ. Năm 2015, Quảng Ninh là tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đứng thứ 3 trong toàn quốc.
Tuy nhiên, song song với quá trình phát triển, Quảng Ninh cũng phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ mặt trái của quá trình phát triển như: sự phân hóa và
khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các nhóm dân cư, giữa đô thị và vùng nông thôn, đặc biệt các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Sự tăng trưởng kinh tế cũng đã làm thay đổi cấu trúc xã hội và nẩy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp như tệ nạn ma túy, mại dâm, người nhiễm HIV/AIDS, tình trạng buôn bán phụ nữ trẻ em, người di cư, gia đình ly hôn... có xu hướng tăng lên qua các năm. Đồng thời, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thì yêu cầu của xã hội về hệ thống phúc lợi và ASXH cũng tăng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe tâm thần, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người khuyết tật, người già cô đơn, người nghèo, phụ nữ bị bạo hành, đòi hỏi tỉnh phải có sự đầu tư tương ứng cả về nhân lực, vật lực và phương pháp giải quyết cụ thể. Để có thể giải quyết những vấn đề này một cách bền vững, đạt hiệu quả lâu dài chỉ có thể thông qua sự can thiệp của CTXH.
Do tỉnh Quảng Ninh là nơi có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đa dạng về thành phần kinh tế nên dẫn đến sự đa dạng và phức tạp trong các vấn đề về xã hội. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh có 58% dân số sống ở thành thị, cao thứ 3 toàn quốc, dễ phát sinh các vấn đề về xã hội phức tạp. Mỗi năm Quảng Ninh đón trên 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 3 triệu lượt khách du lịch là người nước ngoài, đây là nhóm đối tượng cũng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ CTXH. Quảng Ninh còn là một tỉnh có biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, được coi là địa bàn trung gian để bọn tội phạm thực hiện việc buôn bán người (các đối tượng trong và ngoài tỉnh) qua biên giới, là những đối tượng rất cần sự trợ giúp của CTXH, đặc biệt sự trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp.
Thực tế số người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ CTXH và các đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp xã hội ở tỉnh Quảng Ninh có số lượng rất lớn: tính đến 31/12/2015 trên địa bàn tỉnh có 194.655 người cần sự trợ giúp xã hội, bao gồm:
28.120 đối tượng BTXH; 15.653người cao tuổi; 8.967 người khuyết tật; 3501 người mắc bệnh tâm thần; 4.259 người hưởng trợ cấp chất độc hóa học và con đẻ của họ; 3.432 trẻ em có HCĐB; 41.805 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB; 78.000 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo; 2.996 người nghiện ma tuý; 7.813 người nhiễm HIV/AIDS; 62 người mại dâm có hồ sơ quản lý; 47 người là nạn nhân bị
buôn bán; ngoài ra còn các đối tượng sống trong các gia đình có bạo hành, ly thân, ly hôn và các vấn đề xã hội như căng thẳng vì cuộc sống nghèo khổ, phải đối mặt với các tệ nạn xã hội...[ 29]. Các nhóm đối tượng này rất cần được trợ giúp để khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, nhưng các hoạt động trợ giúp hiện tại còn nặng về tính cấp phát tiền mặt hoặc hiện vật, hoặc được nuôi dưỡng toàn bộ trong các trung tâm BTXH, chưa làm cho họ nhìn nhận được vấn đề của mình đang gặp phải, chưa tạo động lực thúc đẩy họ tự vươn lên, vì vậy hoạt động trợ giúp chưa mang tính bền vững, hiệu quả chưa cao, nhiều đối tượng tuy đã được trợ giúp nhưng không thể thoát ra được khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại của mình. Để khắc phục được thực tế này, góp phần ổn định ASXH trên địa bàn tỉnh, cần thiết phải có đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp, thực hiện trợ giúp các nhóm yếu thế bằng những dịch vụ CTXH chuyên nghiệp.
Bảng 2.1: Tổng hợp nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ĐVT: Người
STT Nhóm đối tượng Số lượng
1 Tổng số dân Quảng Ninh 1,204,108
2 Người cao tuổi 15,653
3 Người khuyết tật 8,967
4 Người tâm thần 3,501
5 Người bị ảnh hưởng của chất độc hóa học được
hưởng trợ cấp và con đẻ của họ 4,259
6 Người nhiễm HIV/AIDS 7,813
7 Trẻ em có HCĐB 3,432
8 Trẻ em có nguy cơ cao rơi vào HCĐB 41,805
9 Nạn nhân bị buôn bán 47
10 Người nghiện ma tuý 2,996
11 Mại dâm (có hồ sơ quản lý) 62
12 Đối tượng BTXH 28,120
13 Số người sống trong gia đình hộ nghèo và cận
nghèo 78,000
14 Tổng số đối tượng yếu thế 194,655
(Nguồn: Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh)
Như vậy, với số lượng rất lớn và sự đa dạng về nhóm đối tượng cần sự trợ giúp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh như trong bảng nêu trên, tỉnh cần có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp tại các địa phương đủ về số lượng và thành thạo về nghiệp vụ CTXH làm việc với nhiều nhóm đối tượng khác nhau.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 03 cơ sở BTXH, gồm Trung tâm BTXH tỉnh, Trung tâm Bảo trợ trẻ em có HCĐB và Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế các cơ sở này có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là “nuôi dưỡng” tập trung các đối tượng trong khuôn viên của cơ sở là chính và cộng công suất của cả 3 đơn vị mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của 1.250 đối tượng, mới chỉ đáp ứng được 0,64% số đối tượng cần sự trợ giúp các dịch vụ xã hội và 3,2% nhu cầu nuôi dưỡng tập trung, và không thực hiện các chức năng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác ngoài cộng đồng. Vì vậy, rất cần phát triển nghề CTXH để trợ giúp các nhóm yếu thế.
Về số lượng nhân viên CTXH các cấp, theo mục tiêu của Đề án 32 về phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH là “phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%, trong đó mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định”, thì tỉnh Quảng Ninh cần thiết lập đội ngũ nhân viên CTXH ở các cấp tỉnh, huyện, xã, trong đó cấp xã ít nhất có một nhân viên CTXH chuyên nghiệp. Đối với Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh, theo Đề án thành lập và Đề án vị trí việc làm của Trung tâm, cần có 26 vị trí việc làm với 40 biên chế[33].
Về chất lượng, cần có đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, chuyên sâu về CTXH, nắm vững các quy trình trợ giúp cho từng nhóm đối tượng; có phẩm chất đạo đức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp tốt, trợ giúp đối tượng đạt hiệu quả.