Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ NHÂN VIÊN CÔNG TÁC XÃ HỘI
1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến nhân viên công tác xã hội
Chính sách phát triển nghề CTXH là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và củng cố đội ngũ nhân viên CTXH. Theo Đề án 32, mục tiêu chung được xác định là “Phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống ASXH tiên tiến”[11]. Trong các mục tiêu cụ thể của Đề án cũng đã xác định rõ những mục tiêu liên quan đến nhân viên CTXH trong giai đoạn 2010-2015 là: “Xây dựng và ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức CTXH; tiêu chuẩn đạo đức cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH, tiêu chuẩn, quy trình cung cấp dịch vụ CTXH; áp dụng ngạch, bậc lương đối với các ngạch viên chức CTXH” và
“Phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH trong cả nước, phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 10%. Trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH với mức phụ cấp hàng tháng bằng mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định”.[11]
Các mục tiêu nêu trên của Đề án 32 là yếu tố tiền đề tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ nhân viên CTXH các cấp, từ trung ương đến cơ sở.
Tuy nhiên, thực tế đang còn thiếu chính sách về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ đã được đào tạo về CTXH tốt nghiệp, ra trường, nên còn nhiều người có bằng cấp về CTXH chưa có việc làm hoặc sau khi được tuyển dụng phải làm công việc có chuyên môn khác CTXH.
1.5.2. Công tác đào tạo
CTXH là một nghề đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, vì vậy nhân viên CTXH cần phải được đào tạo để có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp.
Người nhân viên CTXH được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản sẽ nắm vững tiến trình CTXH, nhanh chóng tiếp cận và xác định được vấn đề của đối tượng, dễ dàng hỗ trợ cho đối tượng xây dựng và thực hiện kế hoạch giải quyết vấn đề của mình đạt hiệu quả. Người nhân viên CTXH chuyên nghiệp sẽ luôn tuân thủ các nguyên tắc nghề nghiệp, nắm vững và biết vận dụng tốt các lý thuyết tiếp cận sao cho phù hợp, hiệu quả trong từng trường hợp cụ thể để việc hỗ trợ đối tượng đạt hiệu quả tốt nhất.
Đối với những người đang làm công việc về CTXH nhưng chưa được đào tạo hoặc đào tạo không bài bản sẽ gặp rất nhiều khó khăn về phương pháp và kỹ năng, hiệu quả không cao, cần phải được tham gia các khóa đào tạo lại, tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ CTXH.
1.5.3. Chế độ đãi ngộ
Nhân viên CTXH cần được trả một mức lương tương xứng với yêu cầu nghề nghiệp của mình. Do đặc điểm của nghề cần tính chuyên nghiệp cao, quy trình quản lý trường hợp thường phức tạp và kéo dài về thời gian, nên người nhân viên CTXH phải hết sức tận tụy, trách nhiệm với công việc mới đạt hiệu quả. Muốn nhân viên CTXH toàn tâm toàn ý với công việc thì phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, giúp họ đủ trang trải trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày ít nhất đạt ở mức độ trung bình.
Thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; trong đó, lần đầu tiên quy định về chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức CTXH. Theo Nghị định này CTXH viên chính được xếp lương viên chức loại A2.1, CTXH viên được xếp lương viên chức loại A1, CTXH viên cao đẳng được xếp lương viên chức loại Ao, nhân viên CTXH được xếp lương viên chức loại B, CTXH viên sơ cấp được xếp lương viên chức loại C1[10].
Tuy nhiên, cho đến nay Nhà nước vẫn chưa có quy định về phụ cấp ưu đãi nghề CTXH, nên mức lương và thu nhập của nhân viên CTXH làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn thấp, chưa thu hút, khuyến khích được nhân viên CTXH tâm huyết với nghề nghiệp.
1.5.4. Đặc điểm của đối tượng được trợ giúp
- Đặc điểm của đối tượng được trợ giúp cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến người nhân viên CTXH. Đối tượng làm việc của nhân viên CTXH đa số thuộc nhóm yếu thế, chức năng xã hội suy giảm, thậm chí là đối tượng có “vấn đê” về xã hội như vi phạm pháp luật, nghiện ma túy, người bán dâm, nhiễm HIV/AIDS…với nhiều trạng thái tâm lý, tình cảm khác nhau, sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả công tác trợ giúp và sức khỏe, tâm lý của nhân viên CTXH.
Kết luận Chương 1
Nhân viên CTXH là những người được đào tạo, làm việc một cách chuyên nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn cũng như tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp.
Đối tượng làm việc của nhân viên CTXH đa dạng, là tất cả những người bị suy giảm chức năng xã hội hay đang gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống của họ. Trên thực tế đa số họ thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Về lĩnh vực hoạt động, nhân viên CTXH có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan đến đối tượng mà họ trợ giúp. Những lĩnh vực cần có nhân viên CTXH bao gồm LĐTBXH (BTXH; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, người có công), giáo dục (cơ quan quản lý và các trường học), y tế (các bệnh viện, cơ sở y tế khác), pháp luật (tòa án, trường giáo dưỡng, trại giam…), công tác giảm nghèo....
Nhân viên CTXH cần đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất đạo đức để làm việc với con người, cần có kiến thức sâu rộng, kỹ năng chuyên nghiệp để tư vấn,
giáo dục đối tượng, giúp đối tượng kết nối các dịch vụ xã hội cần thiết, định hướng cho đối tượng tiếp cận để tự giải quyết vấn đề của mình.
Nhân viên CTXH đã được cấp mã ngành đào tạo, có quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, được xếp lương viên chức theo quy định của Nhà nước và hoạt động nghề nghiệp theo quy định tại các văn bản hướng dẫn của Bộ LĐTBXH.
Tuy nhiên, cho đến nay nhân viên CTXH chưa chính thức có vị trí việc làm trong các ngành có liên quan; chưa có cơ chế tuyển dụng, sử dụng nhân viên CTXH như một nghề chuyên nghiệp cần thiết trong xã hội; còn thiếu các bộ công cụ hướng dẫn thực hành nghề nghiệp CTXH trong các lĩnh vực, với các loại đối tượng cụ thể.
Chương 2