Các giai đoạn phát triển tuyến sinh dục

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản và thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ (synanceia verrucosa bloch schneider, 1801) (Trang 32 - 33)

Căn cứ trên kết quả phân tích tiêu bản tổ chức học tuyến sinh dục mô tả đặc điểm các giai đoạn phát triển của tuyến sinh dục dựa theo thang 6 bậc của Pravdin (1973) [19].

Giai đoạn I: Những cá thể chưa chín mùi sinh dục. Tuyến sinh dục chưa phát triển, nằm sát vào phía trong của vách cơ thể (theo hai bên hông và dưới bóng hơi) và là những sợi dày dài, hẹp hoặc là những đường mà mắt thường không thể xác định được đực cái.

Giai đoạn II: Những cá thể trưởng thành hoặc là những sản phẩm sinh dục phát triển sau khi đẻ trứng. Tuyến sinh dục bắt đầu phát triển và dày thêm ra tạo thành trứng hoặc tinh sào – Hạt trứng nhỏ, mắt thường không nhìn thấy được. Có thể phân biệt được buồng trứng hay tinh sào vì buồng trứng có mạch máu tương đối lớn, chạy dọc và hướng về phía giữa thân đập ngay vào mắt. Tuyến sinh dục còn nhỏ và còn lâu mới chiếm hết xoang cơ thể.

Giai đoạn III: Tuyến sinh dục mặc dù còn lâu mới chín nhưng tương đối phát triển. Buồng trứng được tăng lên nhiều về kích thước, chiếm 1/3 đến 1/2 xoang bụng và chứa đầy đủ những hạt trứng nhỏ, đục, hơi xám mà mắt thường trông rõ. Nếu cắt buồng trứng và nạo nó bằng đầu kéo để lấy ra những hạt trứng riêng, thì trứng khó tách ra khỏi những vách ngăn bên trong của buồng trứng và luôn luôn kết thành từng chùm gồm một vài hạt. Tinh sào có phần trước rộng hơn và bị hẹp lại ở phần sau. Bề mặt của nó màu hồng, ở một số cá màu hơi đỏ vì có nhiều mạch máu nhỏ. Khẽ ấn vào tinh sào, không thấy sẹ lõng chảy ra. Khi cắt ngang tinh sào, các mép của nó không tròn mà lại sắt cạnh. Cá ở giai đoạn này khá lâu: nhiều loài (cá chép – Cyprinus carpio, cá vền - Abramis brama, cá Rutilus rutilus) - từ mùa thu cho đến mùa xuân năm sau.

Giai đoạn IV: Các tuyến sinh dục hầu như đạt đến mức phát triển cao nhất. Buồng trứng rất lớn và chiếm khoảng 2/3 xoang bụng. Buồng trứng lớn, trong suốt và khi ấn có trứng chảy ra. Khi cắt buồng trứng và nạo bằng kéo, trứng rời ra từng cái một. Tinh sào màu trắng, chứa đầy sẹ, rất dễ chảy ra khi ta ấn tay vào bụng cá. Nếu cắt ngang tinh sào, Các mép của nó tròn lại ngay, và chỗ cắt có dịch nhờn chảy ra. Giai đoạn này ở một số cá không lâu và nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sau.

Giai đoạn V: Trứng và sẹ chín đến nổi mà khi ta ấn nhẹ tay một cái xuống bụng cá nó liền chảy ra ngay, không phải chỉ từng giọt mà từng tia. Nếu cầm ngược cá lên và lắc nhẹ thì trứng và sẹ chảy ra tự do.

Giai đoạn VI: Các cá thể sau khi đẻ. Sản phẩm sinh dục được đẻ hết. Xoang cơ thể rỗng. Buồng trứng và tinh hoàn rất nhỏ, nhão, sưng lên có màu đỏ sẫm. Thường thường trong buồng trứng còn lại một ít trứng nhỏ. Những trứng đó chuyển biến và thoái hóa đi. Qua một vài ngày nó lại mọng lên và tuyến sinh dục chuyển sang giai đoạn II – III.

Nếu tuyến sinh dục ở trong khoảng giữa của hai giai đoạn nào đó thuộc 6 giai đoạn mô tả trên đây, hoặc là một phần này của các sản phẩm sinh dục phát triển nhiều hơn, phần kia phát triển ít hơn, hoặc là người quan sát khó xác định được giai đoạn chín mùi thì giai đoạn trung gian này được biểu thị bằng 2 con số nối với nhau bởi một gạch. Trong trường hợp này, nếu sản phẩm sinh dục phát triển gần giống giai đoạn nào thì viết giai đoạn đó lên trước. Thí dụ: III – IV; IV – III; IV – II. Những điểm cơ bản của sơ đồ này đều được dùng trong các sơ đồ của tất cả các tác giả tiếp theo.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản và thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá mặt quỷ (synanceia verrucosa bloch schneider, 1801) (Trang 32 - 33)