Chương 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ HIỆU QUẢ KINH
1.2 Tổng quan thực tiễn về hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành sản xuất thức ăn gia súc
1.2.2 Những đặc điểm, điều kiện ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc nước ta hiện nay
- Nguyên liệu phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, Giá thành sản phẩm cao.
Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu nhập khẩu, trung bình khoảng 8 triệu tấn/năm. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập tới 90% và khoáng chất, vitamin, phụ gia phải nhập khẩu 100%. Chỉ tính riêng năm 2013, Việt Nam thu về 2,95 tỷ USD về xuất khẩu gạo nhưng chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (nguyên liệu không đáp ứng nhu cầu, chế biến trong nước giá cao hơn 1-2k/1kg...).
Bên cạnh yếu tố phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn), tình trạng tăng giá của thức ăn chăn nuôi là do việc điều hành giá mặt hàng này nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Trong tháng 1/2014, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam nhìn chung tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Những mặt hàng có khối lượng và kim ngạch tăng, điển hình, nhập khẩu ngô trong tháng 1/2014 đạt 582 nghìn tấn với trị giá đạt 150 triệu USD, tăng gấp 6 lần về lượng và 4,6 lần về trị giá so với tháng 1/2013.
Lúa mì có lượng nhập khẩu tăng 61,2% về lượng và 40,7% về giá trị.
Thị trường chính nhập khẩu lúa mì vẫn từ Australia với khoảng gần 70% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này.
Tuy nhiên nhập khẩu đậu tương trong tháng 1/2014 giảm mạnh về khối lượng với mức giảm tới 74,5%.
Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, mất cân đối trong quy hoạch phát triển, hạn chế trong kiểm tra chất lượng thức ăn..., đang đặt ra cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong ngành thức ăn chăn nuôi quá nhiều khó khăn để có thể phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên "sân chơi" WTO.
Theo số liệu khảo sát của Cục Chăn nuôi Việt Nam, nguồn nguyên liệu trong nước hiện chỉ mới đáp ứng 70% nhu cầu, 30% còn lại phải nhập khẩu.
Trong đó, ngay cả những nguyên liệu có thể sản xuất trong nước như bắp phải nhập khẩu bình quân 500.000-600.000 tấn/năm, nguyên nhân là do chúng ta không chú trọng đầu tư cho cây trồng này trong khi năng suất bắp tại các nước khá cao, năng suất tại Mỹ khoảng 9-11 tấn bắp/ha, năng suất bắp tại Việt Nam chỉ khoảng 3,6 tấn/ha. Do vậy, dù tổng diện tích sản xuất bắp của cả nước hơn 1,1 triệu ha, nhưng Việt Nam vẫn phải đổ hàng trăm triệu USD để nhập sản phẩm này mỗi năm.
Một trong những nguyên nhân, là do hệ thống thủy lợi tại các vùng chuyên canh bắp cho đến nay vẫn không được đầu tư, người sản xuất chủ yếu nhờ vào nước... trời!
Việt Nam còn phải nhập khoảng 400 triệu USD đậu nành (khô dầu) và hơn 100 triệu USD bột cá mối năm. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới với bờ biển dài hơn 3.000km cùng đội tầu đánh bắt hàng ngàn chiếc nhưng lại phải đi nhập bột cá tận ... Peru.
Việt nam không có thế mạnh về sản xuất đậu nành hàng hóa nhưng hoàn toàn đủ khả năng cung cấp nguyên liệu bột cá cho ngành thức ăn chăn nuôi với điều kiện ngành thủy sản chú trọng hơn đối với lĩnh vực này.
“Một nước sản xuất nông nghiệp như Việt Nam mà phải nhập hàng loạt nông sản về làm nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi, làm sao giá thành chăn nuôi không tăng lên được. Ngành nông nghiệp lẽ ra cần có những chính sách hợp lý để loại bỏ những nghịch lý này”
- Tốc độ phát triển của ngành sản xuất thức ăn gia súc tăng nhanh Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích các công ty đầu tư vào ngành thức ăn chăn nuôi trong nước. Số lượng các công ty tham gia vào ngày ngày càng nhiều trong đó khoảng 20 -25 nhà máy đã xây dựng được thương hiệu, số tiền đầu tư từ 2-3 triệu USD. Khoảng 30 nhà máy đầu tư trên 10 tỷ đồng còn lại là các xưởng nhỏ, mỗi tháng sản xuất từ 100-300 tấn thức ăn gia súc.
Tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam khoảng 100 triệu USD, công suất khoảng 2 triệu tấn/năm. Hiện nay, có khoảng 15 công ty nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam với tổng số nhà máy của họ lên tới 36-40 nhà máy công suất 3,6-4 triệu tấn/năm.
Tính về đánh giá đầu tư, các công ty nước ngoài đầu tư chiếm 75%, các công ty trong nước chiếm khoảng 25% về giá trị đầu tư cho ngành thức ăn gia súc.
Ngoài ra, những nhân tố ảnh hưởng đến thị trường thức ăn gia súc ở Việt Nam phải kể đến như:
- Công nghệ, dây truyền sản xuất ảnh hưởng đến năng suất & chất lượng sản phẩm thức ăn gia súc
- Do ảnh hưởng của thiên tai dịch bệnh đe dọa trực tiếp đến đầu ra của thị trường thức ăn gia súc
- Cơ chế, chính sách của nhà nước: Ví dụ Chính sách thuế với nguyên vật liệu nhập khẩu, Cơ chế quản lý chất lượng sản phẩm tại các cơ sở sản xuất….
- Sự cạnh tranh của các sản phẩm nước ngoài trong quá trình hội nhập WTO…
1.2.3 Đánh giá hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc nước ta hiện nay
Với sản lượng 15,5 triệu tấn, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 12 thế giới với mức tăng trưởng trung bình hằng năm từ 13 - 15%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp ngoại, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tăng trưởng không đáng kể. Đơn cử, công ty đang dẫn đầu lĩnh vực này là C.P, năm 2013 doanh thu ngành nông sản của C.P tại Việt Nam tăng 18,3 % so với năm 2012, đạt 1,808 tỉ USD. Trong đó, ngành thức ăn chăn nuôi chiếm 46,6% doanh thu, còn lại là ngành nuôi trồng và thực phẩm. Trong năm 2013, mặc dù tình hình chăn nuôi khó khăn nhưng doanh thu ngành hàng thức ăn chăn nuôi của C.P vẫn tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,48 triệu tấn, trong đó thức ăn cho lợn, gia cầm, thủy sản và các sản phẩm thức ăn chăn nuôi khác chiếm lần lượt 49%, 23%, 25% và 3% doanh thu.
Trong khi đó, theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước đang hoạt động rất èo uột, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phá sản vì không thể vượt qua các khó khăn về chi phí đầu vào cao, thiếu vốn, chính sách bán hàng thiếu linh hoạt. Nếu như các doanh nghiệp ngoại chi rất nhiều “hoa hồng” cho đại lý, có cơ chế thưởng theo doanh số, cho nông
dân mua chịu thức ăn… thì doanh nghiệp nội chỉ có thể chi một phần rất nhỏ nên không thể cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp ngoại tổ chức hệ thống bán hàng tầng nấc, hoa hồng và thưởng doanh số cho nhiều cấp đại lý, hậu quả là người nông dân phải mua thức ăn chăn nuôi với giá cao.
Liên tiếp nhiều năm nay, ngành chăn nuôi trong nước gặp khó khăn vì dịch bệnh và thị trường tiêu thụ sụt giảm. Đỉnh điểm dịch cúm gia cầm năm nay đã khiến giá thịt, trứng giảm sâu dưới giá thành, nhiều nông dân thua lỗ phải bỏ chuồng trại. Thế nhưng, điều bức xúc nhất của nông dân là giá thức ăn chăn nuôi vẫn cứ tăng. Bên cạnh yếu tố phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn), giá thức ăn chăn nuôi tăng là do việc điều hành giá mặt hàng này nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại.
Năm 2013, giá thức ăn chăn nuôi trong nước bị đẩy lên cao với lý do biến động nguyên liệu nhập khẩu. Theo tính toán của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trong khi chỉ cần bán thức ăn chăn nuôi với giá 8.000 đồng/kg là đã có lãi thì hiện giá bán trên thị trường lên đến trên 12.000 đồng/kg, người chịu thiệt không ai khác chính là các hộ chăn nuôi trong nước.
Năm 2014, ngành chăn nuôi cả nước thật sự lâm cảnh bi đát khi cung vượt cầu, sức mua giảm sút do ảnh hưởng dịch bệnh. Ước tính tổng số gia cầm của cả nước tháng 4.2014 giảm 1 - 1,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong khi đó, giá nguyên liệu bắp, cám gạo giảm rất mạnh. Bắp từ 6.200 đồng/kg giảm còn 5.600 đồng/kg, giá cám gạo cũng giảm… nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn giữ mức như năm trước. Các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đối phó với tình hình bằng cách điều chỉnh giảm sản lượng nhưng tăng khuyến mãi hay thưởng doanh số cho đại lý, người nuôi vẫn phải cắn răng mua thức ăn chăn nuôi với giá cao.
Trước tình hình này, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam kiến nghị:
“Để tạo động lực cho người chăn nuôi phát triển sản xuất, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc trong điều hành giá thức ăn chăn nuôi một cách hợp lý”. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần thay đổi cơ cấu sản xuất để tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi, tránh tình trạng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
“Mảnh đất cho phát triển chăn nuôi ở nước ta từ nhiều năm qua thật sự rất màu mỡ, nhất là dành cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi . Dù liên tục kêu lỗ, xin tháo gỡ, xin giảm thuế, nhưng nhìn chung doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi vẫn làm ăn rất béo bở, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế kêu họ cứ kêu, nhưng làm gì có nhà máy nào giảm sút sản lượng, chỉ thấy tăng thêm, mở rộng”.
“Giá thức ăn chăn nuôi đã chiếm đến 70% giá thành sản phẩm thịt gia súc, gia cầm. Nghịch lý là dù người chăn nuôi lao đao nhưng trước nay giá thức ăn chăn nuôi chỉ tăng chứ không giảm. Dù cho người chăn nuôi đang thua lỗ thê thảm họ cũng không giảm giá bán vì đang giữ thị phần lớn. Do đó mọi thiệt hại đều thuộc về người chăn nuôi”.