Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty tnhh mtv vật tư vận tải và xếp dỡ vinacomin (Trang 62 - 77)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA CÔNG TY

2.1. Khái quát chung về Công ty TNHH MTV vật tư vận tải và xếp dỡ - Vinacomin

2.2.2. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Công

2.2.2.1. Các nhân tố khách quan a) Môi trường pháp lý

Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO (ngày 11/01/2007), giai đoạn 2010 - 2012 môi trường pháp lý của Việt Nam đã có những thay đổi trên nhiều lĩnh vực. Nhìn một cách tổng thể thì môi trường pháp lý Việt Nam ngày càng mở rộng, về lĩnh vực xã hội có nhiều điều chỉnh. Song chúng ta vẫn chưa xây dựng đầy đủ các chế tài pháp lý và chất lượng xây dựng các văn bản luật còn quá thấp.

Ngày 23/10/2012, theo Báo cáo mới nhất của IFC - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới, và Ngân hàng Thế giới cho thấy từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012 Việt Nam đã cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách pháp lý tạo thuận lợi về thành lập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong nước. Cũng qua Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013:“Các quy định thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” được công bố cùng ngày cho thấy Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 18 cải cách về thể chế pháp lý ở 8 trên 10 lĩnh vực cải cách trong phạm vi phân tích của báo cáo Môi trường Kinh doanh thường niên trong 8 năm qua. Gần đây nhất, Việt Nam đã tạo thuận lợi trong thủ tục thành lập doanh nghiệp bằng việc cho phép doanh nghiệp trong nước sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng tự in.

Năm 2012, Việt Nam chỉ đứng vị trí 99 trên tổng số 183 nước được xếp hạng và tụt 7 bậc so với Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2009 khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB). Nguyên nhân của việc tụt giảm này không thể loại trừ việc thiếu một môi trường pháp lý minh bạch. Hiện nay, ở Việt

Nam chưa có cơ chế để doanh nghiệp và người dân bảo vệ quyền lợi của mình do quyết định sai làm từ cơ quan hành chính Nhà nước; Luật bảo vệ người tiêu dùng và chống độc quyền đã có nhưng chưa đi vào cuộc sống vì thiếu các quy định cụ thể để thực hiện quyền và bảo vệ quyền của người tiêu dùng; tham nhũng vẫn đang là vấn nạn hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta phải đối mặt. Việc cổ phần hóa bị chững lại, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhà nước.

Đối với ngành than, theo quyết định số 89/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/07/2008 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 cho thấy quyết tâm của Đảng và Nhà nước phát triển ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than, đủ khả năng đáp ứng về cơ bản nhu cầu trong nước và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Theo Công văn số 231/TB-VPCP ngày 02 tháng 7 năm 2012 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình sản xuất, kinh doanh, tài chính và tái cơ cấu của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam định hướng trong thời gian tới, VINACOMIN cần tập trung vào ngành, nghề kinh doanh chính, bảo đảm sản xuất, nhập khẩu than đủ cho nhu cầu của đất nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hoạt động hiệu quả hơn, thực hiện tốt nhiệm vụ của Chính phủ giao.

Với những thuận lợi và khó khăn về môi trường pháp lý nêu trên, hoạt động kinh doanh của Công ty TNHH MTV Vật tư vận tải và xếp dỡ - Vinacomin không tránh khỏi có những biến động mạnh mẽ như đã phân tích trong giai đoạn 2010 - 2012.

b) Môi trường kinh tế

Giai đoạn 2010 - 2012 là một giai đoạn khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Nền kinh tế nước ta đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và khủng hoảng nợ công ở Châu Âu chưa được giải quyết. Hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu bị tác động mạnh, giá cả hàng hóa diễn biến phức tạp. Tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu suy giảm kéo theo sự sụt giảm của các nền kinh tế khác. Một số nước và khối nước lớn có vị trí quan trọng trong quan hệ thương mại với nước ta

như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản và EU đối mặt với nhiều thách thức nên tăng trưởng chậm. Những bất lợi từ sự sụt giảm của kinh tế thế giới ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Năm 2012 là năm Việt Nam có mức độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây (đạt 5.03%, giảm gần 40% so với năm 2006). Lạm phát sau khi có dấu hiệu kiểm soát trong năm 2009 đã bùng nổ trở lại trong giai đoạn 2010 - 2012. Lãi suất cho vay liên tục leo thang (lãi vay tăng mức đỉnh điểm trên 20% năm 2011), và tỷ lệ nợ xấu tăng nhanh (vượt xa ngưỡng 3% trong năm 2012), Thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp, hàng tồn kho ở mức cao, sức mua trong dân giảm. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất, dừng hoạt động hoặc giải thể (tính đến Quý I/2013 có đến 70% doanh nghiệp báo cáo thua lỗ và có đến 55.000 doanh nghiệp công bố phá sản hoặc giải thể).

Chúng ta có thể thấy sự ảnh hưởng của môi trường kinh tế giai đoạn 2010 - 2012 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Vật tư vận tải và xếp dỡ - Vinacomin, đặc biệt là qua sự tác động của một số nhân tố như: các chính sách quản lý kinh doanh xăng dầu, yếu tố Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, đối thủ cạnh tranh.

Các chính sách quản lý kinh doanh xăng dầu

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược quốc gia ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng của Việt Nam. Vì vậy trong bất cứ thời điểm nào, Nhà nước cũng can thiệp về giá, về chính sách thuế, chính sách kinh doanh để bình ổn giá cả thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội nhất định. Sự điều tiết phi thị trường làm cho các công ty xăng dầu chậm thoát khỏi cơ chế bao cấp với các đặc trưng là bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả, chậm thích nghi với cơ chế thị trường.

Ngoài ra còn chịu tác động trực tiếp của thị trường thế giới: Hiện nay, trên thế giới sự biến động giá xăng dầu đã trở nên vấn đề cực kỳ nhạy cảm của tất cả các quốc gia, nhất là các nước nhập khẩu xăng dầu. Vì vậy sự biến động giá của thị trường dầu mỏ thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các Công ty xăng dầu.

Yếu tố Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam

Không thể không kể đến vai trò của Vinacomin đối với các công ty trực thuộc, trong đó có Công ty TNHH MTV Vật tư vận tải và xếp dỡ - Vinacomin, với vai trò là đơn vị chủ quản, cấp trên trực tiếp và đại diện chủ sở hữu của Nhà nước.

Công ty TNHH MTV Vật tư vận tải và xếp dỡ - Vinacomin là một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, có chức năng cung ứng các yếu tố đầu vào (xăng dầu), cung ứng các dịch vụ hậu cần cho các công ty khai thác than. Thị trường chủ yếu của Công ty là trong Tập đoàn, có thể nói Vinacomin là một trong những yếu tố môi trường bên ngoài có ảnh hưởng nhất đối với Công ty. Tập đoàn tác động đến sự phát triển của Công ty bởi hai yếu tố, thứ nhất là sản lượng sản xuất than của Tập đoàn, thứ hai là chính sách sử dụng các sản phẩm nội bộ của Tập đoàn.

Bảng 2.9. Sản lượng than thương phẩm của Vinacomin

Năm ĐVT 2010 2015 2020

Phương án thấp Triệu tấn 47 55 60

Phương án cao Triệu tấn 47 58 65

(Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam) [12]

Thứ nhất về sản lượng sản xuất than, từ nay đến năm 2020 tăng bình quân 2,5%/năm (phương án thấp) và 3,3%/năm (phương án cao). Đây là điều kiện vật chất quan trọng nhất để đảm bảo cho các sản phẩm dịch vụ của Công ty có được đầu ra ổn định. Các công ty khai thác than có tăng trưởng sản xuất thì mới tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu, dịch vụ vận tải, bốc xếp... của Công ty và ngược lại.

Thứ hai về chính sách sử dụng các sản phẩm, dịch vụ nội bộ của Tập đoàn.

Nhiều năm nay Tập đoàn luôn áp dụng chính sách trên để hỗ trợ các sản phẩm nội bộ và hỗ trợ các Công ty trực thuộc. Theo đó, các công ty trong Tập đoàn ưu tiên và có trách nhiệm sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau. Ví dụ các công ty khai thác than phải mua xăng dầu, thuê vận tải, bốc xếp của Công ty. Chính sách này đang tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm dịch vụ của Công ty, gần như toàn bộ thị trường, doanh thu của Công ty là trong Vinacomin. Một sự thay đổi trong chính

sách này sẽ tác động mạnh đến hoạt động của Công ty. Tuy nhiên, chính sách này của Tập đoàn cũng không phải là quá cứng đối với các công ty do các công ty đều hạch toán độc lập, tự chủ kinh doanh và do sức ép của cạnh tranh, sức ép của việc nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Trong một số vấn đề cụ thể các công ty vẫn có thể không tuân thủ chính sách này.

Đối thủ cạnh tranh

Như trên đã trình bày, Công ty là đơn vị thuộc Vinacomin, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ của Công ty được tiêu thụ nội bộ Tập đoàn, cho các công ty than từ xăng dầu, dầu nhờn đến dịch vụ vận chuyển, bốc xếp..., được hỗ trợ bởi chính sách tiêu thụ nội bộ của Tập đoàn. Trong điều kiện đó, các sản phẩm dịch vụ của Công ty ít phải cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cùng lĩnh vực. Có thể nói hiện tại Công ty ít phải chịu sức ép cạnh tranh của thị trường (trừ sản phẩm dầu nhờn), nhưng cũng phải phân tích và nhận diện những đối thủ cạnh tranh để có những ứng xử phù hợp nhằm duy trì và mở rộng thị trường.

Đối thủ cạnh tranh của Công ty được xác định cụ thể đối với từng ngành nghề mà Công ty đang hoạt động. Đó là kinh doanh xăng dầu, sản xuất dầu nhờn, vận tải than đường thuỷ nội địa, bốc xếp than xuất khẩu trên biển.

Kinh doanh xăng dầu: Công ty chủ yếu cung cấp xăng dầu phục vụ sản xuất của các công ty khai thác than, xăng dầu phục vụ tiêu dùng chiếm tỷ trọng không đáng kể. Trên địa bàn vùng Cẩm Phả, Hòn Gai có nhiều công ty kinh doanh xăng dầu, có những công ty lớn như Công ty xăng dầu B12 và những công ty nhỏ. Do quy mô và hệ thống cung cấp xăng dầu phục vụ khai thác than là rất lớn và phức tạp. Với sản lượng hàng năm khoảng trên 240 triệu lít, 700 nghìn lít/ngày, xăng dầu được Công ty mua của các doanh nghiệp đầu mối, vận chuyển đường biển bằng tầu trở dầu về cảng, vận chuyển bằng xe bồn đến các kho tại khai trường sản xuất than và cấp bán đến tận các phương tiện cho khách hàng. Do quy mô và tính chất cung cấp như trên nên Công ty xác định những công ty kinh doanh xăng dầu nhỏ, năng lực thấp không thể cạnh tranh được với Công ty mà đối thủ cạnh tranh chỉ có thể là Công ty xăng dầu B12, là đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối tại miền Bắc. Tuy nhiên do tính chất của quy trình cung cấp xăng dầu phục vụ khai thác than là cấp

bán bằng hệ thống kho chứa và công nhân tại khai trường 24/24 giờ nên Công ty nhận định, ngay cả B12 cũng không phải là đối thủ cạnh tranh của Công ty. Hơn nữa Công ty xăng dầu B12 còn là nhà cung cấp lâu năm của Công ty với quan hệ đối tác rất tin cậy.

Sản xuất dầu nhờn: Lĩnh vực sản xuất dầu nhờn mang thương hiệu COMINLUB là lĩnh vực kinh doanh non trẻ nhất của Công ty (gần 20 năm). Đây là ngành sản xuất mà Công ty xác định có vị thế cạnh tranh yếu nhất trong những ngành nghề của Công ty do chưa có nhiều kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm quảng bá sản phẩm, do chất lượng sản phẩm chưa thể so sách được với các hãng sản xuất lâu năm trong nước và nước ngoài như Mobil - Total, Shell, BP, Castrol, PLC, Komatsu, Cat.. Thị trường cung cấp dầu nhờn cho các công ty khai thác than có những tên tuổi lớn tham gia như trên. Những hãng dầu nhờn trên cũng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Công ty, họ có tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm kinh doanh và chất lượng sản phẩm đã được khẳng định qua nhiều năm. Lợi thế cạnh tranh của Công ty hiện là giá cả và sự đáp ứng nhanh, giá bán sản phẩm dầu nhờn của Công ty bình quân thấp hơn khoảng 10% so với các hãng khác, giá bán bình quân của Công ty khảng 55.000-60.000 đồng/lít (mặt bằng giá năm 2012), đáp ứng khách hàng nhanh do nhà máy sản xuất đặt ngay tại Cẩm Phả, khoảng cách đến nơi tiêu thụ cho các công ty khai thác than chỉ trong phạm vi vài chục Km. Như vậy đối thủ cạnh tranh sản phẩm dầu nhờn là các hãng dầu trong nước và nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam.

Hai lĩnh vực vận tải đường thuỷ nội địa và bốc xếp hàng hóa của Công ty tại vùng Cẩm Phả, Hòn Gai gần như không có đơn vị nào cạnh tranh. Như vậy, do quy mô lớn và tính chất phức tạp trong phục vụ khai thác than nên trong giai đoạn vừa qua, Công ty đã và đang cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực và lĩnh vực kinh doanh của mình.

c) Các yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng

Công ty TNHH MTV Vật tư vận tải và xếp dỡ - Vinacomin có địa bàn hoạt động kinh doanh chủ yếu tại tỉnh Quảng Ninh. Như chúng ta đã biết Tỉnh Quảng Ninh nằm ở phía Đông Bắc Bộ. Phía Bắc giáp Trung Quốc với 118,8 Km đường

biên giới; phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ; phía Tây giáp các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương; phía Nam giáp thành phố Hải Phòng. Có vị trí địa lý chiến lược về chính trị, kinh tế, quân sự và đối ngoại. Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, có nhiều loại đặc thù, trữ lượng lớn, chất lượng cao mà nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước không có được như: than đá, cao lanh tấn mài, đất sét, cát thủy tinh, đá vôi… Riêng về than đá, loại khoáng sản này có trữ lượng khoảng 3,6 tỷ tấn, phần lớn tập trung tại 3 khu vực: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí - Đông Triều; mỗi năm cho phép khai thác khoảng 40 triệu tấn. Với những đặc thù nêu trên, Tỉnh Quảng Ninh đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Vật tư vận tải và xếp dỡ - Vinacomin.

2.2.2.2. Các nhân tố chủ quan a) Bộ máy quản trị của Công ty

Như đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức của Công ty trong phần 2.1.2 của bài viết, hiện nay cơ cấu tổ chức của Công ty được tổ chức khá chặt chẽ. Hiện tại Công ty đang điều hành bởi Bộ máy quản trị bao gồm: Giám đốc Công ty, 05 Phó Giám đốc phụ trách. Bên cạnh đó các chi nhánh xí nghiệp trực thuộc công ty đều được điều hành bởi giám đốc và các phó giám đốc xí nghiệp.

Trong giai đoạn 2010-2012, Công ty gần như không có sự thay đổi về nhân sự đối với các vị trí quản lý: giám đốc công ty, các phó giám đốc công ty, giám đốc xí nghiệp, các phó giám đốc xí nghiệp. Do sự ổn định về bộ máy quản trị dẫn đến sự ổn định về đường lối phát triển, các chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển Công ty trong ngắn hạn và dài hạn.

Mặc dù Công ty đang hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp có 100% số vốn Nhà nước, tuy nhiên không thể không kể đến tầm ảnh hưởng của người lãnh đạo Công ty là Giám đốc Công ty. Trong giai đoạn 2010-2012, đứng trước những khó khăn thách thức to lớn của tình hình kinh tế, Giám đốc Công ty đã chủ trương cắt giảm đầu tư (bao gồm đầu tư ngắn hạn và đầu tư dài hạn), tập trung các sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm cũng như tận dụng tối đa lực lượng lao động tại chỗ. Từ đó làm giảm chi phí nhân công thuê ngoài, cũng như giảm giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động, duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty tnhh mtv vật tư vận tải và xếp dỡ vinacomin (Trang 62 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)