CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA CÔNG TY TNHH MTV VẬT TƯ VẬN TẢI VÀ XẾP DỠ - VINACOMIN
3.1. Các căn cứ chủ yếu cho việc đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh
3.1.1. Định hướng phát triển của Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam
Ngày 09/01/2012, Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 60/QĐ-TTg, ngày 9/1/2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét đến triển vọng đến năm 2030. Theo đó, phát triển ngành than phải dựa trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu than phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc phát triển của ngành than Việt Nam từ nay đến năm 2020 trên các lĩnh vực: thăm dò than; khai thác than; sàng tuyển, chế biến than; bảo vệ môi trường; thị trường than. Tổng tài nguyên và trữ lượng than tính đến ngày 01/01/2011 được xác định bằng 48,7 tỷ tấn, trong đó: than đá: 48,4 tỷ tấn, than bùn:
0,3 tỷ tấn. Tài nguyên và trữ lượng than huy động vào quy hoạch là 7,2 tỷ tấn (trong đó: than đá: 7,0 tỷ tấn, than bùn: 0,2 tỷ tấn).
Với bể than Đông Bắc, mục tiêu đến hết năm 2015 là hoàn thành việc thăm dò phần tài nguyên và trữ lượng than thuộc tầng trên mức -300 m và một số khu vực dưới mức -300 m đảm bảo đủ tài nguyên và trữ lượng than huy động và khai thác trong giai đoạn đến năm 2020. Sản lượng than thương phẩm khoảng 55 - 58 triệu tấn vào năm 2015; 59 - 64 triệu tấn vào năm 2020; 64 - 68 triệu tấn vào năm 2025 và duy trì khoảng 65 triệu tấn từ sau năm 2025.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu đảm bảo sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành đạt năm 2012 là 45-47 triệu tấn, năm 2015 đạt 55-58 triệu tấn; năm 2020 đạt 60-65 triệu tấn; năm 2025 đạt 66-70 triệu tấn; năm 2030 đạt trên 75 triệu tấn. Sản lượng than thương phẩm toàn ngành có thể được điều chỉnh để phù hợp nhu cầu thị trường trong từng giai đoạn, kể cả việc xuất, nhập khẩu than, nhằm mục tiêu đảm bảo hiệu quả chung của nền kinh tế.
Với bể than đồng bằng sông Hồng, sẽ lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, có điều kiện địa chất - mỏ thích hợp để tiến hành thăm dò trong kỳ kế hoạch 2012 - 2015, phục vụ việc đầu tư khai thác thử nghiệm vào cuối kỳ kế hoạch.
Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản hoàn thành công tác thăm dò phần diện tích chứa than có điều kiện khai thác thuận lợi thuộc khối nâng Khoái Châu - Tiền Hải. Phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm (quy đổi) khoảng 0,5 - 1 triệu tấn vào năm 2020; 2 triệu tấn vào năm 2025 và trên 10 triệu tấn vào năm 2030.
Về cơ chế tài chính, theo Quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho ngành than từ nay đến năm 2030 cần khoảng 690.973 tỷ đồng (bình quân 34.549 tỷ đồng/năm). Trong đó, nhu cầu vốn từ nay đến 2015 khoảng 208.810 tỷ đồng (khoảng 41.716 tỷ đồng/năm). Giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 109.156 tỷ đồng (bình quân 21.831 tỷ đồng/năm). Giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 373.237 tỷ đồng (bình quân 37.324 tỷ đồng/năm). Ngành than sẽ được xem xét cho vay vốn từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, một phần vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư phát triển ngành theo Quy hoạch, và tìm cách huy động tối đa các nguồn vốn trên cơ sở hiệu quả sản xuất của từng doanh nghiệp cũng như các giải pháp tiết kiệm, tái cơ cấu doanh nghiệp theo yêu cầu của Chính phủ.
Vấn đề giá bán than chính là yếu tố khuyến khích đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Cùng với chính sách hỗ trợ của nhà nước thì việc điều chỉnh giá bán than là vấn đề quan trọng để các doanh nghiệp ngành Than có điều kiện tái đầu tư và phát triển. Thực tế hiện nay, giá bán than cho các ngành khác đã gần tiếp cận thị trường. Riêng giá bán than cho điện mới đạt 57-63% giá thị trường.
Tính riêng năm 2010, doanh thu từ than bán cho điện thấp hơn chi phí sản xuất tới 3.000 tỷ đồng, năm 2011 là 5.000 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu đầu tư của Vinacomin lên đến 42.000 tỷ đồng/năm. Nếu không tăng giá bán than cho sản xuất điện sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch than nêu trên. Giá than bán cho sản xuất điện cần tăng thêm 26% mới bằng giá thành sản xuất than năm 2010, khi đó giá điện tăng tương ứng 18 đồng/kWh. Nếu điều chỉnh theo giá thành than năm 2011 thì giá điện sẽ tăng thêm 200 đồng/kWh. Để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển, Chính phủ yêu cầu phải chuyển nhanh hoạt động ngành than hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế, có sự điều tiết của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán than cho các hộ sử dụng trong nước theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên than, giúp ngành than ổn định sản xuất, cân đối tài chính, tạo vốn đầu tư để phát triển ngành theo. Riêng than bán cho điện sẽ phải điều chỉnh dần theo lộ trình thích hợp nhằm đảm bảo 2 mục tiêu: ổn định chính trị kinh tế xã hội và phát triển doanh nghiệp.
Theo Quy hoạch, việc khai thác than trước hết phải đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ than trong nước về chủng loại và khối lượng; chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa hoặc không có nhu cầu sử dụng. Năm 2011, lượng than xuất khẩu là 16,8 triệu tấn, kế hoạch xuất khẩu năm 2012 sẽ giảm xuống 13,5 triệu tấn.
Đến năm 2015 sẽ giảm xuống 5 triệu tấn và những năm sau sẽ ổn định ở con số 3 triệu tấn. Hiện nay than sử dụng trong nước chủ yếu là các loại than có nhiệt lượng thấp, còn loại than nhiệt lượng cao trong nước chưa sử dụng nên sẽ xuất khẩu để bù vào phần lỗ từ than bán cho các nhà máy điện. Hiện Chính phủ đã quy hoạch cảng xuất than phù hợp với từng giai đoạn. Một trong những mối lo nhất của các nhà quản lý hiện nay là tìm nguồn than cho các nhà máy điện. Theo Tổng cục năng
lượng cho biết, nhu cầu than nhập khẩu cho các nhà máy điện đến năm 2020 cần tới 48 triệu tấn/năm. Đến năm 2030 nhu cầu này sẽ tăng lên 130 triệu tấn/năm. Để đáp ứng nguồn than này chỉ còn cách nhập khẩu. Tuy nhiên, tìm được nguồn hàng để nhập rất nan giải. Hiện Chính phủ đã giao cho Vinacomin làm đầu mối chủ động tìm nguồn than nhập khẩu để góp phần bảo đảm an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước. Thị trường đang được hướng tới là Australia và Indonesia. Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương xây dựng cơ chế điều hành xuất nhập khẩu than, khuyến khích các nhà đầu tư ra nước ngoài mua than về cho đất nước. Khuyến khích các nhà máy điện tư nhân, nhà máy điện có vốn đầu tư nước ngoài tự nhập khẩu than để phát điện. Việc quy hoạch cảng nhập than cũng đang được triển khai tại miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ cấp than cho các trung tâm nhiệt điện than ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Một trong những điểm mới của Quy hoạch lần này là nâng cao tối đa sản lượng khai thác ở bể than Đông Bắc trong điều kiện kỹ thuật cho phép. Vì vậy, việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng than là một trong các giải pháp quan trọng được đề ra trong Quy hoạch. Theo yêu cầu của Quy hoạch, trước năm 2015 phải hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch bố trí các cơ sở tuyển vùng Quảng Ninh nhằm mục tiêu tối ưu hóa công tác vận chuyển than, đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng về các chủng loại than qua sàng tuyển và đảm bảo phù hợp quy hoạch phát triển đô thị vùng than, quy hoạch giao thông, cảng biển, yêu cầu bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2020 phát triển chế biến than theo hướng đa dạng hóa sản phẩm (nhiên liệu đốt trực tiếp, than dùng cho luyện kim, khí hóa than, nhiên liệu lỏng từ than, nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất...)
Đi kèm với việc khai thác, Bộ Công Thương đã xây dựng khá chi tiết các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, cũng như tăng cường công tác thanh tra kiểm tra về môi trường và tìm cơ chế để thu hút vào việc bảo vệ, cải thiện môi trường sinh thái vùng than; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và củng cố an ninh quốc phòng trên địa bàn; đảm bảo an toàn trong sản xuất, sử dụng tiết kiệm
nguồn tài nguyên đất nước, phát huy tối đa nội lực, kết hợp mở rộng hợp tác quốc tế. Đến năm 2015 cơ bản đạt các chỉ tiêu chính về môi trường tại các khu vực nhạy cảm như đô thị, khu dân cư, điểm du lịch. Đến năm 2020 phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường trên các vùng mỏ.