Vai trò và vị trí của chiến lược nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chiến lược nhân lực của công ty điện lực hưng yên giai đoạn 2015 2020 (Trang 20 - 24)

Chương 1 TỔNG QUAN LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHIẾN LƯỢC NGUỒN NHÂN LỰC TRONG DOANH NGHIỆP

1.1. Tổng quan lý luận về chiến lược nguồn nhân lực

1.1.3. Vai trò và vị trí của chiến lược nguồn nhân lực

Theo Tôn Tử- nhà chiến lược quân sự tài ba thì: “Có chiến lược mà không có chiến thuật là con đường chông gai đi tới thắng lợi, có chiến thuật mà không có chiến lược thì chỉ là những níu kéo trước khi thất trận”. Điều đó một lần nữa khẳng định vai trò, ý nghĩa quan trọng của chiến lược đối với sự sống còn của quốc gia,

của doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp nói riêng, chiến lược có một vai trò cực kỳ quan trọng, điều đó thể hiện rõ nét qua 3 vai trò chiến lược sau đây:

- Thứ nhất, định hướng tương lai:

Chiến lược giúp cho doanh nghiệp nhận rõ được mục đích hướng đi của mình trong tương lai làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp như mở rộng, giữ nguyên hay thu hẹp quy mô. Chiến lược đóng vai trò định hướng hoạt động trong dài hạn của doanh nghiệp, nó là cơ sở vững chắc cho việc triển khai các hoạt động tác nghiệp.

- Thứ hai, là cơ sở để phân bổ nguồn lực:

Khi đã xác định rõ mục tiêu tương lai, chiến lược sẽ giúp nhà quản trị nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tăng cường vị thế của doanh nghiệp đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển liên tục và bền vững. Bên cạnh đó, nó còn giúp cho doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng các cơ hội kinh doanh, đồng thời có biện pháp chủ động đối phó với những nguy cơ và mối đe dọa trên thương trường kinh doanh.

- Thứ ba, tạo niềm tin và sự gắn kết nội bộ:

Thật vậy, muốn quản trị chiến lược có hiệu quả, các tổ chức phải quản lý hệ thống thông tin môi trường kinh doanh. Căn cứ vào đó, các nhà quản trị có thể dự báo được các xu hướng biến động của môi trường kinh doanh và xác định nơi nào mà doanh nghiệp cần đi đến trong tương lai, những gì cần phải làm để đạt được những thành quả lâu dài. Việc nhận thức kết quả mong muốn và mục đích trong tương lai giúp cho nhà quản trị cũng như nhân viên nắm vững được việc gì cần làm để đạt được thành công, tạo sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà quản trị và các nhân viên và cùng nỗ lực để đạt được các mục tiêu mong muốn. Như vậy sẽ khuyến khích cả hai đối tượng trên đạt được những thành tích ngắn hạn, nhằm cải thiện tốt hơn lợi ích lâu dài của doanh nghiệp.

Do vậy “Các công ty cần có một chiến lược- có một khát vọng được chia sẻ rộng rãi, có một mục tiêu rõ ràng và có một nỗi ám ảnh về chiến thắng- Đó là nhiên liệu để chạy cỗ máy”. [8]

Tuy nhiên bên cạnh những vai trò to lớn của mình thì quản trị chiến lược còn có những mặt hạn chế của nó:

- Thứ nhất, để thiết lập quá trình quản trị chiến lược cần nhiều thời gian, chi phí và sự nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, khi một doanh nghiệp đã có kinh nghiệm về quá trình quản trị chiến lược thì vấn đề thời gian sẽ được giảm bớt, và các khoản chi lãng phí cũng sẽ được lược bỏ đáng kể. Hơn nữa, vấn đề thời gian và chi phí cần cho việc lập kế hoạch sẽ kém phần quan trọng nếu doanh nghiệp được bù đắp lại nhiều lợi ích hơn.

- Thứ hai, có thể bị quy kết một cách sai lầm là các kế hoạch chiến lược được lập ra một cách cứng nhắc, kém linh hoạt khi đã được các cấp quản trị phê duyệt thông qua. Có thể thấy các nhà Quản trị chiến lược đôi khi quá tin tưởng là kế hoạch ban đầu của họ nhất thiết phải được thực hiện mà không quan tâm đến các sự kiện phát sinh. Đây được xem là sai lầm nghiêm trọng của việc vận dụng không đúng đắn trong công tác quản trị chiến lược. Chiến lược phải linh hoạt, mềm dẻo và phải luôn được cập nhật bổ sung thậm chí là chuyển hướng chiến lược vì rằng điều kiện môi trường biến đổi và doanh nghiệp có thể quyết định đi theo các mục tiêu mới hoặc mục tiêu sửa đổi.

- Thứ ba, đôi khi có thể xảy ra sai sót lớn trong việc dự báo môi trường dài hạn. Tuy nhiên, khó khăn này không làm giảm sự cần thiết của công tác dự báo.

Thực ra việc đánh giá triển vọng dài hạn không nhất thiết phải chính xác đến từng chi tiết tường tận, mà chúng được đề ra để đảm bảo cho doanh nghiệp không phải đưa ra những thay đổi thái quá mà vẫn thích nghi được với những diễn biến môi trường một cách ít đổ vỡ hơn.

Thực tế hiện nay cho thấy, một số doanh nghiệp dường như vẫn ở giai đoạn kế hoạch hoá và chú ý quá ít đến vấn đề thực thi, kiểm soát và chỉnh sửa bổ sung kế hoạch ban đầu. Hiện tượng này khiến một số nhà quản trị nghi ngờ hiệu quả của quá trình quản trị chiến lược. Tuy nhiên, sai lầm ở đây không phải lỗi tại quản trị chiến lược mà là lỗi tại người vận dụng nó. [11]

1.1.3.2. Vai trò, ý nghĩa của chiến lược nguồn nhân lực

Khi xây dựng hay định vị một doanh nghiệp, thông thường các yếu tố vốn và công nghệ được xem là mấu chốt của chiến lược phát triển, trong khi đó yếu tố nhân lực thường không được chú trọng lắm, nhất là trong giai đoạn khởi đầu.

Sự thiếu quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức đối với yếu tố nhân lực có thể dẫn đến tình trạng "hụt hơi" hay bị loại khỏi "vòng chiến", một khi mức độ cạnh tranh tăng đột biến về chiều rộng (số lượng của đối thủ cạnh tranh và nguồn cạnh tranh đến từ nhiều phía) và chiều sâu (tính đa dạng, giá cả và chất lượng của sản phẩm trên thị trường).

Nhân lực là tác nhân chính tạo ra vốn và đề xuất những ý tưởng mới; đồng thời cũng đảm nhận vai trò chọn lựa và ứng dụng các công nghệ tiên tiến và thực thi các chỉ tiêu nhằm nâng cao thành tích của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, vốn và công nghệ có thể huy động và thực hiện; nhưng để xây dựng được một đội ngũ nhân lực nhiệt tình, tận tâm, có khả năng thích hợp và làm việc có hiệu quả thì phức tạp và tốn kém hơn nhiều.

Vì thế, để có thể tồn tại lâu dài, một công ty dù nhỏ hay lớn cần phải tập trung tăng cường và phát huy khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực qua tất cả các giai đoạn của chu kỳ sinh trưởng của doanh nghiệp. Bước đầu tiên trong quá trình xây dựng ưu thế cạnh tranh và tăng cường khả năng tồn tại của một doanh nghiệp là xác định và công nhận vai trò chiến lược của nhân lực.

Mức độ quan trọng của nhân lực tuy có thay đổi trong từng giai đoạn (khởi đầu, tăng trưởng, bão hòa và suy thoái), nhưng tính xuyên suốt và nhất quán phải được duy trì qua các giai đoạn chính trong suốt chu kỳ phát triển của một doanh nghiệp.

Có thể nói rằng các công ty, doanh nghiệp cần sử dụng những tài nguyên con người sao cho đảm bảo được nhân lực và đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực để thực hiện đảm bảo các chiến lược kinh doanh của mình, do vậy cùng với chiến lược doanh nghiệp, các doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng chiến lược từng bộ phận nhằm thực hiện tốt mục tiêu của doanh nghiệp, mà vấn đề quan trọng nhất đó là xây dựng chiến lược nguồn nhân lực cho doanh nghiệp mình.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chiến lược nhân lực của công ty điện lực hưng yên giai đoạn 2015 2020 (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)