Chương 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CÔNG TY ĐIỆN LỰC HƯNG YÊN
2.3. Phân tích thực trạng công tác quản lý nguồn nhân lực của Công ty
2.3.3. Hoạt động quản lý nguồn nhân lực trong Công ty
- Công ty xây dựng và trình Tổng Công ty phương án quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt (Giám đốc, phó Giám đốc Công ty; Trưởng phó phòng trực thuộc Công ty; Giám đốc, Phó Giám đốc các Điện lực). Tham gia xây dựng tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ đối với các chức danh do Công ty quản lý và tổ chức thực hiện.
- Quản lý (đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động luân chuyển và miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết chế độ lương, nghỉ chế độ, ...), bố trí sử dụng đối với các cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong toàn Công ty.
- Lập phương án đề nghị Tổng Công ty quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, khen thưởng và kỷ luật; Giải quyết chế độ lương, nghỉ chế độ đối với các chức danh: Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty; Kế toán trưởng; Giám đốc, phó Giám đốc Điện lực.
- Quản lý toàn diện về đào tạo CBCNV trong toàn Công ty.
- Theo dõi và thực hiện các chế độ nội bộ theo qui định đối với CBCNV chức trong ngành đã nghỉ chế độ và sinh hoạt trong địa bàn quản lý của đơn vị.
2.3.3.2. Cấp các đơn vị trực thuộc quản lý
- Lập quy hoạch cán bộ trong đơn vị, đề nghị Công ty ra quyết định bổ nhiệm từ cấp Tổ trưởng trở lên.
- Quản lý công nhân viên trong toàn đơn vị.
2.3.3.3. Chức năng, nhiệm vụ của đơn vị liên quan trực tiếp đến công tác quản lý nguồn nhân lực trong Công ty Điện lực Hưng Yên.
1. Phòng Tổ chức Lao động:
a. Chức năng:
Tham mưu cho Giám đốc về công tác tổ chức bộ máy; công tác cán bộ; công
tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực; công tác lao động tiền lương, chế độ bảo hộ lao động; các chế độ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; công tác thi đua khen thưởng; văn hoá doanh nghiệp; đổi mới doanh nghiệp của toàn Công ty.
b. Nhiệm vụ:
- Công tác tổ chức bộ máy:
+ Nghiên cứu đề xuất phương án sắp xếp tổ chức sản xuất khoa học phù hợp với tình hình và trình độ phát triển lực lượng sản xuất trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và Giám đốc Công ty quyết định theo phân cấp.
+ Tham mưu cho Giám đốc thực hiện thành lập, giải thể, sáp nhập, chuyển đổi mô hình hoạt động. Xây dựng quy định, nội quy, chức năng nhiệm vụ cho các đơn vị, các chức danh lao động.
+ Tham mưu cho Giám đốc về chủ trương, kế hoạch nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ công nhân của toàn Công ty đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có đủ phẩm chất chính trị, năng lực công tác, trình độ kỹ thuật và tay nghề đáp ứng được nhiệm vụ của Công ty và phù hợp với chiến lược phát triển con người của Đảng.
- Công tác cán bộ:
+ Xây dựng và lập kế hoạch quy hoạch cán bộ nguồn, giúp Giám đốc phê duyệt quy hoạch cán bộ từ cấp cơ sở.
+ Lập kế hoạch hàng năm và dài hạn về nhu cầu nhân lực trong toàn Công ty.
+ Quản lý công tác nhân sự, bao gồm tuyển dụng, bố trí sử dụng, theo dõi nhận xét, đề bạt, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nâng bậc, đào tạo bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật; giải quyết các chế độ cho người lao động, quản lý chặt chẽ chính xác hồ sơ CBCNV, xây dựng quy định tuyển dụng lao động.
+ Đề xuất hình thức xử lý kỷ luật và mức độ bồi thường vật chất theo quy định; ra quyết định kỷ luật theo phân cấp của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc và quyết định bồi thường trách nhiệm vật chất đối với từng cá nhân vi phạm theo kết luận của Giám đốc.
+ Thực hiện công tác thống kê nhân sự theo đúng chế độ quy định, báo cáo chính xác, đúng kỳ hạn cho cấp trên.
+ Áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tổ chức nhân sự, đào tạo và lao động tiền lương.
- Công tác lao động, tiền lương:
+ Xây dựng các quy định trả lương, thưởng và các hình thức khuyến khích vật chất nhằm thực hiện tốt nguyên tắc phân phối theo lao động và kích thích tăng năng suất lao động. Sau khi quy định được duyệt, tổ chức hướng dẫn, phổ biến và kiểm tra các đơn vị thực hiện.
+ Tổ chức áp dụng và thực hiện định mức lao động, đơn giá tiền lương của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, làm cơ sở cho việc bố trí, sử dụng lao động tiết kiệm, hợp lý, năng suất lao động ngày càng tăng.
+ Quyết toán chi phí nhân công các công trình Sửa chữa lớn, Sửa chữa thường xuyên.
+ Duyệt đơn giá nhân công đối với các công trình Sửa chữa lớn, Sửa chữa thường xuyên.
+ Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, lập kế hoạch lao động và tiền lương hàng năm để trình Tổng Công ty Điện lực miền Bắc duyệt. Tổ chức quản lý và thực hiện tốt công tác lao động và tiền lương của toàn Công ty.
+ Hướng dẫn, kiểm tra và thực hiện chế độ chính sách về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định của Nhà nước đối với người lao động.
+ Tổ chức quản lý công tác lao động và tiền lương toàn Công ty. Thống kê phân tích tình hình thực hiện và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.
- Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực:
+ Lập kế hoạch đào tạo, mở các lớp bồi dưỡng để không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ và tay nghề cho cán bộ, công nhân đáp ứng yêu cầu quản lý, sản xuất và theo kịp tiến bộ kỹ thuật. Tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được duyệt.
+ Lập và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng bậc hàng năm và tổ chức thực hiện theo phân cấp của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc. Chỉ đạo tổ chức các kỳ thi kiểm tra giữ bậc, nâng bậc, kiểm tra công nhận các chức danh.
- Công tác khác:
+ Tham mưu cho Giám đốc các biện pháp, hình thức thi đua, khen thưởng;
phối hợp với Công đoàn Công ty tổ chức phong trào thi đua có hiệu quả, xét chọn khen thưởng kịp thời các Tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sản xuất khác. Quản lý sử dụng quỹ khen thưởng của Công ty đúng chế độ và có hiệu quả.
+ Theo dõi sức khoẻ cho CBCNV toàn Công ty; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, biện pháp về bảo hộ lao động, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc; định kỳ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm định các yếu tố môi trường tác động đến sức khoẻ người lao động.
+ Phối hợp với phòng Thanh tra bảo vệ & pháp chế, Văn phòng tổ chức công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho CBCNV.
+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, công tác dân quân tự vệ theo pháp luật với địa phương.
+ Kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị trực thuộc.
+ Thường trực ban ISO của Công ty
+ Duyệt đơn giá tiền công dịch vụ bán lẻ điện năng trong hồ sơ quyết toán hàng quý với Điện lực trực thuộc.
+ Phối hợp Phòng Tài chính kế toán, Phòng Kinh doanh điện năng duyệt hồ sơ thanh toán tiền công dịch vụ với Bưu điện tỉnh và ra quyết định thanh toán tiền công dịch vụ với Bưu điện tỉnh khi đầy đủ hồ sơ theo quy định.
+ Tham mưu đề xuất các thành phần tham gia Hội đồng BHLĐ, cán bộ làm công tác bảo hộ lao động, đội phòng cháy chữa cháy, ... phù hợp với quy mô, đặc thù của đơn vị.
+ Phối hợp với các Điện lực, phân xưởng và các bộ phận có liên quan tổ chức và huấn luyện lực lượng phòng chống tai nạn và sự cố trong sản xuất phù hợp với đặc điểm của cơ sở lao động.
+ Phối hợp với bộ phận an toàn - vệ sinh lao động và các phân xưởng tổ chức thực hiện các chế độ bảo hộ lao động: đào tạo, nâng cao tay nghề kết hợp với huấn luyện an toàn và vệ sinh lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bồi dưỡng bằng hiện vật, bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, ...
+ Bảo đảm việc cung cấp đầy đủ nhân lực để thực hiện các nội dung, biện pháp đề ra trong kế hoạch an toàn - vệ sinh lao động.
+ Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, lưu trữ theo đúng quy định.
2. Công đoàn:
Công đoàn là một tổ chức của mọi người lao động trong toàn Công ty. Hệ thống tổ chức Công đoàn trong Công ty Điện lực Hưng Yên được tổ chức thống nhất từ Công ty đến các đơn vị, mỗi đơn vị trực thuộc là một Công đoàn bộ phận trực thuộc Công đoàn Công ty.
Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong Công ty. Công đoàn các cấp tham gia với lãnh đạo về công tác chuyên môn trong việc phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Bên cạnh đó, Công đoàn đại diện và tổ chức người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, quản lý kinh tế; trong phạm vi chức năng của mình, Công đoàn thực hiện quyền kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan, đơn vị theo qui định của pháp luật. Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, giáo dục, động viên người lao động phát huy vai trò làm chủ và thực hiện nghĩa vụ của người lao động trong Công ty. Tham gia với chính quyền trong việc xây dựng và đôn đốc thực hiện các nội qui, qui chế, chính sách, chế độ về lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội khác có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Nhận xét:
Nhìn bề ngoài, dường như trách nhiệm quản lý nguồn nhân lực hoàn toàn được giao cho phòng Tổ chức lao động trực tiếp quản lý nguồn nhân lực đảm nhận,
nhưng trong thực tế thì không hoàn toàn là như vậy. Mặc dù mỗi đơn vị, mỗi bộ phận đều có chức năng và nhiệm vụ riêng, nhưng một yếu tố chung quan trọng nhất giúp cho các đơn vị đó thực hiện hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình đó là con người - hay nói một cách chung khác đó là yếu tố nhân lực trong từng đơn vị.
Do vậy, trong thực tế công tác quản lý nguồn nhân lực trong Công ty không chỉ được đảm nhiệm riêng bởi phòng ban chuyên trách về quản lý nguồn nhân lực mà đã được phân giao theo các phòng chức năng trong Công ty mà bộ phận có chức năng chuyên trách quản lý nhân lực đó sẽ đóng vai trò trung tâm, hay nói cách khác là trách nhiệm quản lý nguồn nhân lực trong Công ty được chia sẻ và phối hợp giữa những người cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, họ là những người quản lý trực tiếp và chịu trách nhiệm chính về hoạt động quản lý nguồn nhân lực trong đơn vị, trong bộ phận của mình, do vậy hơn ai hết họ hiểu được rất rõ người lao động dưới quyền quản lý của mình. Họ là những người ra các quyết định về nhân sự trực tiếp trong đơn vị nhằm thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của từng đơn vị, từng bộ phận trực thuộc cũng như nhiệm vụ chung của toàn Công ty. Họ là những người chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả của việc thực hiện hoàn thành các chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Hơn nữa, họ cũng là người chịu trách nhiệm cao nhất về số lượng và chất lượng nhân sự trong đơn vị, trong bộ phận thuộc quyền quản lý của họ.