CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÍ LUẬN
2. Cơ sở lí luận của đề tài
2.3. Một số vấn đề về thiết kế trò chơi học tập nhằm góp phần phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo nhỡ
2.3.1. Khái niệm “Thiết kế”
Theo George Cox thì ông định nghĩa: “Thiết kế là những gì liên kết sự sáng tạo và đổi mới. Nó định hình các ý tưởng để trở thành những đề xuất thực tiễ và hấp dẫn người dùng hoặc khách hàng. Thiết kế được mô tả như sự triển khai sáng tạo đến một mục đích cụ thể nào đó.
Theo định nghĩa của từ điển Vdict thì “Thiết kế là lập hồ sơ kĩ thuật để xây dựng (hay cải tiến) một công trình hay mô hình (quy trình) sản xuất hoặc chế tạo một phương tiện, thiết bị. Hồ sơ bao gồm các bản vẽ tổng thể và chi tiết kèm theo bảng thống kê vật liệu sử dụng, các bản thuyết minh phần tính toán và những chỉ dẫn cần thiết. Trong khi thiết kế, người thiết kế phải xử lí các số liệu kinh tế - kĩ thuật, tính toán, vẽ viết, làm mẫu mã cũng như dự tính chi phú thực hiện, ảnh hưởng và lợi ích kinh tế - kĩ thuật do ý đồ đó mang lại sau khi thực hiện”.
Từ những khái niệm trên tôi hiểu khái niệm thiết kế như sau: “ Thiết kế là tập tài liệu kĩ thuật toàn bộ, gồm có bảng tính toán, bản vẽ mà có thể theo đó mà xây dựng công trình, sản xuất thiết bị.
2.3.2. Thiết kế trò chơi học tập
Từ khái niệm trên, chúng tôi rút ra khái niệm “Thiết kế trò chơi học tập” như sau: “Thiết kế trò chơi học tập là xây dựng mô hình trò chơi học tập trong đó có tên gọi của trò chơi, nhiệm vụ chơi, cách chơi, luật chơi và cách thức tổ chức trò chơi.
2.3.3. Cácquan điểm chỉ đạo thiết kế trò chơi học tập
- Quan điểm hoạt động: Trò chơi thiết kế phải kích thích được hứng thú hoạt động của trẻ, hấp dẫn đối với trẻ, lôi cuốn trẻ tham gia ngay từ tên gọi cho đến cách thức chơi, đồ chơi.
- Quan điểm phát triển:Các trò chơi phải góp phần phát triển nhân cách của trẻ nói chung và phát triển vốn từ cho trẻ nói riêng.
- Quan điểm phát huy tính tích cực, độc lập sáng tạo của trẻ trong khi chơi: Điều này được thể hiện trong luật chơi và cách thức tổ chức trò chơi. Luật chơi không quá gò bó và giáo viên không can thiệp quá nhiều vào trò chơi của trẻ trong quá trình hướng dẫn, tổ chức cho trẻ chơi.
2.3.4. Những nguyên tắc thiết kế trò chơi học tập nhằm góp phần phát triển vốn từ cho trẻ
- Trò chơi phải đảm bảo tính mục đích
Việc thiết kế trò chơi học tập phải nhằm phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi, hướng tới mục đích làm phong phú, chính xác, khái quát hơn vốn từ đã có ở trẻ giúp trẻ ghép từ thành câu và kĩ năng diễn đạt mạch lạc. Vì vậy nhiệm vụ chơi, hành động chơi và luật chơi của trò chơi phải hấp dẫn, tạo cho trẻ sự hứng thú, tập trung và đòi hỏi trẻ phải vận dụng các kiến thức, kĩ năng, các thao tác tư duy, trẻ phải nỗ lực tìm kiếm phương thức giải quyết nhiệm vụ nhận thức mà trò chơi đặt ra cho trẻ.
- Trò chơi phải đảm bảo tính hấp dẫn
Việc thiết kế và sử dụng trò chơi học tập nhằm góp phần phát triển vốn từ cho trẻ 4 – 5 tuổi phải thực sự hấp dẫn, lôi cuốn, kích thích hứng thú của trẻ để trẻ
tự nguyện tham gia vào trò chơi, tích cực, cố gắng, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ đặt ra trong trò chơi. Muốn vậy, trò chơi học tập đặt ra phải hấp dẫn trẻ, từ tên gọi của trò chơi, cách chơi, nội dung chơi phải phù hợp với lứa tuổi, với khả năng của trẻ, không quá khó cũng không quá dễ. Đồ chơi phải hấp dẫn, dễ làm, dễ tận dụng từ nguồn nguyên vật liệu có sẵn,…
- Trò chơi phải đảm bảo tính hệ thống và tính phát triển
Các trò chơi được sắp xếp từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Nhiệm vụ nhận thức, hành động chơi, luật chơi phải được phức tạp hóa dần từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Những kiến thức mới phải dựa trên những kiến thức trẻ dã học, đồng thời làm cơ sở cho trẻ tiếp thu những kiến thức sau nhằm từng bước phát triển vốn từ cho trẻ.
- Đảm bảo tính vừa sức và phù hợp với chủ đề giáo dục
Nghĩa là cần thiết kế trò chơi học tập sao cho phù hợp với trình độ phát triển tâm – sinh lí của trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi nói chung, đặc điểm phát triển vốn từ của trẻ nói riêng, đồng thời phải phù hợp với từng nội dung, từng chủ đề. Bên cạnh đó, trò chơi cần được thiết kế theo hướng mở để cùng một trò chơi có thể chơi theo nhiều cách với mức độ, yêu cầu khác nhau, chơi ở nhiều thời điểm mà không nhàm chán. Mặt khác, việc thiết kế trò chơi không nhất thiết phải theo một trật tự nhất định mà tùy theo nội dung phát triển vốn từ, mức độ hình thành vốn từ cho trẻ, điều kiện đồ chơi, năng lực của giáo viên để tạo ra hệ thống trò chơi luôn đổi mới.
2.3.5. Quy trình thiết kế trò chơi học tập nhằm góp phần phát triển vốn từ cho trẻ mẫu giáo nhỡ
Quy trình thiết kế trò chơi học tập bao gồm các bước sau:
2.3.5.1. Xác định chủ đề và nhiệm vụ nhận thứ ( Mục đích của trò chơi)
Để tiến hành thiết kế trò chơi học tập, trước tiên cần xác định được chủ đề giáo dục trẻ là gì và những nội dung phát triển vốn từ cho trẻ cần tích lũy cho trẻ 4 – 5 tuổi khi thực hiện chủ đề này.
Nhiệm vụ nhận thức hay còn gọi là nhiệm vụ học tập là nét đặc trưng của trò chơi học tập. Mỗi trò chơi học tập đều chứa đựng một nhiệm vụ nhận thức nhất định, nó đặt ra cho trẻ một bài toán mà trẻ phải dựa trên những điều kiện đã có để giải quyết.Nó khêu gợi hứng thú, tính tích cực, trí tò mò của trẻ.
Nhiệm vụ nhận thức của các trò chơi học tập nhằm góp phần phát triển vốn từ cho trẻ 4 -5 tuổi chính là phát triển danh từ, tính từ, đại từ, động từ cho trẻ; ghép từ thành câu; phát triển kĩ năng diễn đạt mạch lạc. Tùy vào từng nội dung, tùy vào khả năng của trẻ trong độ tuổi, từng lớp khác nhau mà có những nhiệm vụ nhận thức khác nhau.
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, chúng tôi chỉ tiến hành thiết kế trò chơi học tập trong chủ đề “Thế giới động vật” nhằm góp phần phát triển vốn từ cho trẻ 4 – 5 tuổi.
2.3.5.2. Đặt tên cho trò chơi
Tên của trò chơi phụ thuộc vào chủ đề và nội dung của trò chơi. Tên của trò chơi là tiêu chí đầu tiên để tạo hứng thú cho trẻ chơi, sau đó là nội dung chơi, đồ chơi,….Tên của trò chơi càng hay, càng hấp dẫn bao nhiêu thì trẻ càng tích cực, hứng thú tham gia vào trò chơi đó bấy nhiêu.
Khi trẻ tích cực tham gia vào trò chơi thì mức độ phát triển vốn từ của trẻ càng được tăng lên.
Trong phạm vi đề tài chúng tôi đặt tên cho một số trò chơi như sau:
- Những con vật may mắn - Thỏ con thi kể chuyện - Sóc con nhanh nhẹn - Con vật nào đã về tổ
- Cuộc thi tài của các con vật trong rừng 2.3.5.3. Lựa chọn đồ chơi
Số lượng và kiểu loại đồ chơi tùy thuộc vào chủ đề, vào mục đích, nội dung hình thành và phát triển vốn từ cho trẻ.Số lượng đồ chơi đưa vào không nên quá nhiều, điều này sẽ làm trẻ sao nhãng việc thực hiện nhiệm vụ nhận thức, chỉ nên vừa đủ cho trẻ tri giác và hành động với chúng.
Về kiểu loại. Để vốn từ của trẻ trở nên phong phú, trò chơi của trẻ có thể là bộ lô tô, đômino, tranh ảnh,…Bên cạnh đó việc sử dụng ngôn ngữ thay cho đồ choie cũng là một cách để kiểm tra và tích lũy vốn từ phong phú cho trẻ.
Để phát triển vốn từ cho trẻ, đồ chơi cần thể hiện được vai trò giáo dục, phản ánh được đặc điểm của đối tượng: Màu sắc, hình dạng, kích thước,…
2.3.5.4. Xác định hành động chơi
Hành động chơi trong trò chơi học tập là hệ thống các thao tác, chủ yếu là thao tác về mặt ngôn ngữ, tró óc, nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển vốn từ mà trò chơi đặt ra.Đó là những hành động trẻ thực hiện trong khi chơi.Trong trò chơi học tập, hành động chơi càng phong phú, nhiều hình thức bao nhiêu thì càng hấp dẫn với trẻ bấy nhiêu, số lượng trẻ tham gia trò chơi càng nhiều thì bản thân trò chơi càng lí thú bấy nhiêu.
Hành động chơi tùy thuộc vào mục đích, nội dung vốn từ cần hình thành và phát triển cho trẻ. Hành động thường gặp trong các trò chơi học tập là các loại hành động: Giấu – tìm, so sánh, lắp ghép, đố - đoán, phân nhóm,…
2.3.5.5. Xác định luật chơi
Luật chơi là những yêu cầu đặt ra trong trò chơi học tập mà buộc trẻ phải làm được và đạt được.Luật chơi là thành tố quan trọng để hình thành tính kỉ luật, nhân cách cho trẻ.Đã là trò chơi học tập thì phải có luật chơi, nếu không có luật chơi thì không còn là trò chơi nữa.
Với nhiệm vụ là phát triển vốn từ nên luật chơi trong trò chơi học tập buộc trẻ phải nói được danh từ, động từ, tính từ, đại từ, biết ghép từ thành câu và kĩ năng diễn đạt mạch lạc.
Và luật chơi trong trò chơi học tập phụ thuộc vào chủ đề, vào cách chơi, nội dung trong từng trò chơi.
2.3.5.6. Hướng dẫn cách chơi
Cách chơi là cách thức mà trẻ phải biết mình làm nhiệm vụ gì trong trò chơi để có thể thự hiện tốt vai chơi của mình.
Cách chơi ở mỗi trò chơi là khác nhau.Cách chơi phụ thuộc vào chủ đề, vào mục đích chơi.
Kết luận chương 1:
Trẻ em 4 – 5 tuổi là những chủ thể riêng biệt, với những năng lực riêng, có khả năng tư du và đây cũng là lứa tuổi phát triển vốn từ nhanh nhất.Hầu hết đứa trẻ nào cũng thích trò chơi học tập, bởi lẽ trò chơi học tập không những làm thỏa mãn nhu cầu chơi mà còn thỏa mãn cả nhu cầu giao tiếp và nhận thức của trẻ. Trong trò chơi, đứa trẻ là chủ thể tích cực hoạt động, chúng tham gia khám phá và giải quyết các vấn đề cùng bạn và cô giáo thông qua số lượng vốn từ mà mình đã có, đồng thời trẻ học hỏi được số lượng vốn từ mới thông qua bạn bè và cô giáo. Có thể nói
“trẻ mẫu giáo học bằng chơi và chơi mà học” và động lực thúc đẩy trẻ em tích cực hoạt động là do trẻ có nhu cầu chơi, sự say mê khám phá và thích giao tiếp với bạn bằng vốn ngôn ngữ của mình. Trong trò chơi, trẻ trở nên cao hơn chính mình,
chúng có thể hành động và nói những câu giống như người lớn ở nhà thường nói với chúng, mà những hành động hay câu nói này trong thực tế trẻ không làm được.
Các nhà nghiên cứu giáo dục đều khẳng định phát triển vốn từ là nền tảng quan trọng để phát triển ngôn ngữ, có ý nghĩa quan trọng quyết định đến mọi mặt sau này của trẻ.Vì vậy, việc phát triển vốn từ cho trẻ thông qua trò chơi học tập là một nguyên tắc hết sực quan trọng và cần thiết trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ trong giai đoạn hiện nay.