Chương 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGÂN SÁCH XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LẬP THẠCH
3.1. Mục tiêu, quan điểm cơ bản công tác quản lý ngân sách xã ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm tới (giai đoạn 2015 – 2020)
Phát huy tiềm năng, khai thác có hiệu quả các công trình kinh tế, xã hội hiện có; thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá; tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao, có giá trị cạnh tranh trên thị trường.
Phát triển nguồn lực, mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm lo tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vững chắc.
Phấn đấu đến năm 2020 đưa Lập Thạch trở thành huyện có đời sống văn hoá phát triển toàn diện.
Để khắc phục những thiếu sót, những tồn tại của công tác quản lý ngân sách xã của huyện thời gian qua, làm tốt hơn trong thời gian tới cần có những phương hướng cụ thể để hoàn thiện công tác quản lý ngân sách xã:
- Thứ nhất, về công tác lãnh chỉ đạo, giám sát của các cấp: cần tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo sát sao, kiểm tra thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan chức năng đối với công tác quản lý ngân sách xã.
- Thứ hai, tuyên truyền phổ biến Luật NSNN, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật NSNN, các văn bản quy định về quản lý ngân sách xã sâu rộng cho từng đối tượng cán bộ, từng người dân để họ hiểu và thực hiện theo Luật, bên cạnh đó người dân cũng thấy được vai trò của NSX trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để làm tốt nghĩa vụ đóng góp với NSNN, giám sát việc sử dụng ngân sách tại địa phương.
- Thứ ba, khai thác có hiệu quả nguồn thu NSNN trên địa bàn, nhà nước phải có cơ chế tạo điều kiện cho ngân sách xã đa dạng hóa nguồn thu, tập trung khai thác hết khả năng tiềm tàng của địa phương, nhất là lợi thế về vị trí địa lý,
tiềm năng về đất đai; tổ chức bồi dưỡng lâu dài cho ngân sách xã, để làm được cần phải thực hiện:
+ Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách xã, thực hiện thu đúng, thu đủ và thu kịp thời vào ngân sách xã. Tiếp tục thực hiện chủ trương “nhà nước và nhân dân cùng làm”, gắn quyền lợi cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân trong việc huy động đóng góp để xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các khoản huy động đóng góp của nhân dân phải kiên quyết thực hiện theo quy định, huy động và sử dụng đúng đối tượng, đúng công trình cần huy động dựa trên các quy định của nhà nước, phải bàn bạc với người dân, lấy ý kiến trực tiếp từ người dân thông qua cuộc họp với người dân chứ không thể chỉ thông qua HĐND xã, thị trấn. Các khoản thu – chi phải công khai minh bạch, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.
+ Tiếp tục phát huy và thực hiện chủ trương đấu giá quyền sử dụng đất để tạo nguồn vốn tập trung cho xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở của địa phương;
Nhà nước nên tính toán phân chia tỷ lệ điều tiết hợp lý để khuyến khích các địa phương khai thác tốt nguồn thu này.
- Các địa phương cần rà soát kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những nguồn thu không đúng quy định của Chính phủ, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế ở địa phương phát triển, khai thác tốt các nguồn thu sự nghiệp trên địa bàn nhằm bổ sung nguồn thu cho ngân sách xã, thị trấn.
+ Định hướng phát triển nguồn thu cho ngân sách xã, cần có quy hoạch và định hướng phát triển ngân sách xã phù hợp cho từng khu vực. Trên cơ sở quy hoạch chung của huyện, mỗi địa phương phải có định hướng và xây dựng mục tiêu cụ thể để lập kế hoạch cho phù hợp. Kế hoạch ngân sách xã phải được xây dựng dài hạn, ổn định và chia mục tiêu cụ thể của từng năm. Kế hoạch phải được xây dựng từ cơ sở, được bàn bạc, thống nhất trong Đảng bộ, HĐND và UBND xã trên cơ sở các quy định của nhà nước. Từ đó ngân sách xã, thị trấn sẽ có điều kiện chủ động hơn trong quản lý, điều hành ngân sách của mình.
- Thứ tư, Tổ chức chi ngân sách xã phải thực hiện đúng dự toán đã phê duyệt, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chi đúng nội dung, đúng mục đích, đảm bảo đúng định mức, đúng chính sách chế độ, thực hiện quyết toán theo đúng Mục lục NSNN, gắn trách nhiệm đối với kế toán và chủ tài khoản ngân sách xã. Vì thế các xã cần phải có kế hoạch, phương án phân bổ dự toán chi tiết đến từng quý, từng tháng, cân đối phù hợp với nguồn thu để từ đó chủ động điều hành chi, đảm bảo hợp lý và đạt được hiệu quả, tránh được tình trạng để tồn ngân sách trong khi nguồn ngân sách xã còn hạn hẹp. Kiên quyết xử lý các trường hợp thu – chi bỏ ngoài hệ thống ngoài sổ sách kế toán. Đối với chi đầu tư XDCB, các công trình phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải xác định được đủ nguồn vốn đầu tư thì mới cho phép tiến hành xây dựng, theo đúng quy định của Luật đầu tư công.
- Thứ năm, Tiếp tục thực hiện công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ngân sách xã, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tài chính – kế toán.
Phải phân công công việc gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ về quản lý thu – chi NSX. Kiên quyết thay thế những cán bộ không đủ trình độ, năng lực, kém phẩm chất đạo đức. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ quản lý, trình độ tin học đáp ứng với những yêu cầu quản lý ngân sách xã trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tạo điều kiện thuận lợi về trang thiết bị tiên tiến để đội ngũ cán bộ tài chính – kế toán NSX yên tâm công tác, phát huy hết khả năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Thứ sáu, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của NSX một cách thường xuyên liên tục. Đôn đốc các khoản thu nộp kịp thời, đúng tiến độ vào ngân sách, rà soát tất cả các nguồn thu theo từng địa bàn, từng tổ đội ủy nhiệm thu được phân công, không bỏ sót nguồn thu. Có sự điều chỉnh kịp thời kế hoạch thu khi có những phát sinh. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách xã thông qua hệ thống kiểm soát chi của KBNN huyện. Đối với cán bộ chuyên quản ngân sách xã của phòng Tài chính – kế hoạch phải thường xuyên nắm bắt cơ sở, kịp thời phát hiện và có uốn nắn kịp thời, tránh để xảy ra những sai phạm đáng tiếc.
- Thứ bảy, chấn chỉnh công tác tài chính – kế toán ngân sách xã nhằm thực hiện quản lý ngân sách xã một cách hiệu quả, đúng theo Luật ngân sách nhà nước và Luật kế toán. Thực hiện mở và lập đầy đủ hệ thống sổ sách, báo biểu kế toán theo đúng quy định; thực hiện công tác lập dự toán, quyết toán NSX kịp thời đúng thời gian mà Luật NSNN đã quy định. Sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý ngân sách xã.
Để thực hiện tốt các phương hướng đã nêu trên qua nghiên cứu thực tế, kết hợp với các tài liệu đã được nghiên cứu, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp với mục tiêu tăng cường công tác quản lý NSX trên địa bàn huyện Lập Thạch nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước nói chung và ngân sách xã nói riêng trong việc động viên, phân bổ, sử dụng nguồn lực của nhà nước, công khai minh bạch các hoạt động thu – chi ngân sách.