Chương 3 MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGÂN SÁCH XÃ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LẬP THẠCH
3.2. Các giải pháp tăng cường công tác quản lý ngân sách xã, thị trấn của huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc
3.2.5. Tăng cường các biện pháp quản lý NSX, tuân thủ và coi trọng các khâu: Lập dự toán NSX; chấp hành dự toán NSX; Hạch toán kế toán và quyết toán
3.2.5.1. Lập dự toán NSX
Hàng năm trên cơ sở hướng dẫn của UBND tỉnh và chỉ đạo của UBND huyện, UBND xã, thị trấn lập dự toán NSX cho năm sau, trình HĐND xã quyết định. Căn cứ vào quyết định của chính phủ; thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính;
chế độ phân cấp về nguồn thu nhiệm vụ chi ngân sách; các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của xã; Kế toán tài chính phối hợp với đội thu thuế xã rà soát, tính toán các khoản thu NSNN trên địa bàn (chỉ trong phạm vi phân cấp do xã quản lý)…, lập dự toán NSX phải tổng hợp theo từng lĩnh vực thu, chi trình UBND xã báo cáo HĐND xã xem xét gửi UBND huyện và phòng tài chính – kế hoạch huyện duyệt.
Dự toán thu: Phải xây dựng dựa trên các căn cứ:
Các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của xã.
Chính sách, chế độ thu, cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi NSX Chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách của cấp có thẩm quyền ban hành như chế độ tiền lương, công tác phí, hoạt động cho các ban, ngành, đoàn thể,
Đối với chi đầu tư căn cứ vào danh mục công trình thuộc phân cấp xã được đầu tư, có đủ nguồn vốn đảm bảo, ưu tiên nguồn vốn cho các công trình đang thực hiện dở dang,
Dự toán chi: Được xác định trên cơ sở:
Tổng mức chi NSX hàng năm bao gồm chi cân đối ngân sách xã và chi thực hiện chương trình mục tiêu(nếu có)
* Đối với chi cân đối NSX:
Đối với năm đầu ổn định ngân sách, chi cân đối ngân sách xã được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cho từng lĩnh vực(chi đầu tư, chi giáo dục, y tế, văn hóa…) do HĐND cấp tỉnh quy định.
Đối với các năm còn lại trong thời kỳ ổn định ngân sách, việc xác định chi cân đối ngân sách xã dựa trên các cơ sở:
+ Thu NSX được hưởng theo phân cấp bao gồm: các khoản thu NSX được hưởng 100% và các khoản thu NSX được hưởng theo tỷ lệ % phân chia giữa các cấp ngân sách cấp trên với ngân sách xã (tỷ lệ % phân chia được ổn định trong suốt thời kỳ ổn định ngân sách).
+ Số bổ sung cân đối của ngân sách cấp trên được giữ nguyên trong suốt thời kỳ ổn định.
* Đối với chi có mục tiêu(chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giao thông nông thôn, kiên cố hoá trường học, đầu tư hạ tầng, làng nghề, và nhiệm vụ quan trọng khác)được xác đinh hàng năm trên cơ sở số bổ sung của ngân sách cấp trên, khả năng huy động nguồn ngân sách xã và huy động đóng góp của nhân dân theo quy định.
Đảm bảo nguyên tắc cân, chi không vượt quá nguồn thu. Nghiêm cấm vay chiếm dụng vốn hoặc vay dưới mọi hình thức để cân đối ngân sách xã.
Lập dự toán thu, chi phải theo đúng các mẫu biểu quy định, đúng thời gian, đúng mục lục ngân sách nhà nước(MLNSNN), theo quy định tại điểm 1.1, mục 1, phần II Thông tư số 60/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ tài chính. Đồng thời gửi kèm báo cáo thuyết minh rõ cơ sở, căn cứ tính toán.
3.2.5.2. Chấp hành dự toán NSX
UBND các xã phải xác định việc chấp hành ngân sách xã là quá trình tổ chức thực hiện dự toán NSX đã được HĐND xã quyết định, bao gồm: Tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu NSX được phân cấp quản lý trên địa bàn, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo đúng quy định của Luật thuế, pháp lệnh về phí, lệ phí, chế độ thu, không để thất thu, đồng thời chống lạm thu; tổ chức thực hiện nhiệm vụ chi về đầu tư xây dựng cơ bản, nhiệm vụ quản lý hành chính, đảng, đoàn thể, các sự nghiệp y tế, giáo dục, văn hóa … trên địa bàn.
Chấp hành dự toán NSX phải làm tốt các thao tác nghiệp vụ kế tiếp nhau như lập dự toán thu, chi theo tháng, quý; chấp hành dự toán thu, chi theo tháng, quý,
và thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách theo chế độ quy định.
Mục tiêu của chấp hành ngân sách xã là nhằm đảm bảo các chỉ tiêu thu, chi trong dự toán trở thành hiện thực. Từ đó góp phần thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ của nhà nước, đó là:
Về thu NSX: là các văn bản pháp luật hiện hành như Luật ngân sách, các luật thuế, pháp lệnh phí và lệ phí, các văn bản qy phạm pháp luật khác về thu NSNN; dự toán thu NSX đã được HĐND xã quyết định, các chính sách thu nộp của nhà nước
Về chi: là Dự toán chi NSX đã được HĐND xã quyết định, khả năng nguồn kinh phí có thể cân đối cho nhu cầu chi ngân sách và khối lượng công việc thực hiện;
các chính sách chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành áp dụng cho ngân sách xã.
3.2.5.3. Hạch toán và quyết toán NSX:
* Hạch toán kế toán: Để thực hiện tốt công tác tài chính, kế toán NSX cần phải thực hiện các nguyên tắc cơ bản sau:
- Về hạch toán các khoản thu: Không hạch toán vào thu NSX các khoản thu để hình thành các quỹ công chuyên dùng của xã, những khoản thu hộ cơ quan cấp trên. Toàn bộ các khoản thu ngân sách xã phải được hạch toán chi tiết theo MLNSNN để phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính và báo cáo thu ngân sách xã.
Những khoản thu NSX trong ngày nếu chưa kịp nộp kho bạc NN thì phải nhập quỹ tiền mặt của xã và hạch toán vào thu ngân sách chưa qua Kho bạc nhà nước, khi nào xuất quỹ nộp kho bạc thì hạch toán thành thu ngân sách qua kho bạc.
Những khoản thu NSX nếu thu xong nộp ngay kho bạc trong ngày thì hạch toán thu ngân sách đã qua kho bạc.
Đối với những khoản thu ngân sách xã phân chia theo tỷ lệ % với ngân sách cấp trên kế toán hạch toán thu ngân sách xã đã qua kho bạc
- Về hạch toán các khoản chi: Các khoản chi phải có trong dự toán, các khoản chi phải được phản ánh bằng đồng Việt nam, theo từng niên độ ngân sách
Phải hạch toán chi tiết các khoản chi NSX theo nội dung kinh tế và MLNSNN đảm bảo sự khớp đúng giữa số liệu kế toán chi tiết và sổ kế toán tổng hợp và chứng từ kế toán,
Đối với những khoản đủ điều kiện chi chính thức như lương, phụ cấp vv…
thì hạch toán chi NSX đã qua kho bạc, những khoản chi tạm ứng, chi chưa bằng hiện vật, ngày công lao động thì hạch toán chi NSX chưa qua kho bạc, khi kho bạc ghi chi và xác nhận vào chứng từ, kế toán chuyển khoản chi đó sang tài khoản chi NSX đã qua kho bạc.
* Quyết toán NSX: Hết niên độ ngân sách, sau khi đã thực hiện xong công việc khóa sổ kế toán và xử lý các các nghiệp vụ kinh tế trong thời gian chỉnh lý quyết toán NSX, kế toán NSX phải tiến hành lập báo cáo quyết toán NSX để hoàn tất một chu trình quản lý NSX và thể hiện được mục đích, ý nghĩa của công tác quyết toán.
Báo cáo quyết toán phải lập theo đúng biểu mẫu của Bộ tài chính quy định, số liệu trong báo cáo phải chính xác, trung thực, rõ ràng dễ hiểu, cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho UBND và HĐND xã và các cơ quan cấp trên.
Nội dung trong báo cáo quyết toán NSX phải đúng nội dung ghi trong dự toán được duyệt và phải báo cáo quyết toán đúng theo MLNSNN
Số liệu giải trình trong thuyết minh báo cáo quyết toán năm phải thống nhất với số liệu trên các báo cáo quyết toán. Thuyết minh báo cáo quyết toán năm phải giải trình rõ được nguyên nhân đạt hay không đạt hoặc vượt dự toán theo từng chỉ tiêu thu, chi ngân sách xã. Từ đó đưa ra được những giải pháp kiến nghị nếu có.
Báo cáo quyết toán chi ngân sách xã không được lớn hơn quyết toán thu ngân sách xã.
Chỉ phản ánh vào báo cáo quyết toán các khoản thu chi ngân sách xã theo quy định. Đối với thu chi của các khoản thu, chi của các Quỹ tài chính, các khoản thu hộ, chi hộ do cơ quan cấp trên ủy nhiệm cho UBND xã trực tiếp thực hiện phải quyết toán riêng.
Báo cáo quyết toán năm, trước khi gửi cho HĐND xã phê duyệt và Phòng Tài chính kế hoạch huyện phải có đối chiếu xác nhận số liệu của Kho bạc nhà nước nơi giao dịch. Đồng thời để có cơ sở cho HĐND xã phê chuẩn thì trong phần thuyết minh quyết toán ngân sách xã, Kế toán NSX phải giải trình rõ các khoản thu chi ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác có liên quan, cụ thể như sau:
- Đánh giá kết quả thực hiện thu chi và cân đối ngân sách xã năm báo cáo so với năm trước và so với dự toán.
- Phân tích nguyên nhân tăng giảm các khoản thu, chi ngân sách xã so với dự toán được giao.
- Thuyết minh nguồn và sử dụng nguồn kết dư ngân sách năm trước chuyển sang năm nay và chuyển sang năm sau.
- Phản ánh số thu, số chi và số còn lại của các quỹ công chuyên dùng của xã.
- Thuyết minh các khoản công nợ, các khoản thu hộ, chi hộ cấp trên.
- Thuyết minh số thu, chi của các hoạt động sự nghiệp do xã đứng ra quản lý.
- Đánh giá tình hình thực hiện thu, chi ngân sách xã qua Kho bạc nhà nước.
Thuyết minh chi tiết các khoản ghi thu, ghi chi vào ngân sách nhà nước (nếu có).
- Quyết toán chi xây dựng cơ bản cần thuyết minh tình hình thực hiện dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, thuyết minh rõ các loại nguồn vốn: nguồn vốn dùng để đầu tư xây dựng cơ bản được cân đối trong ngân sách xã; nguồn vốn từ các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân không đưa vào trong quản lý ngân sách xã dành cho đầu tư xây dựng cơ bản. Giải trình các chi phí không tính vào giá trị tài sản của dự án để xác định giá trị tài sản cho bàn giao cho sử dụng.
- Báo cáo tình hình giải quyết các khoản thu, chi ngân sách xã theo kết luận của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Trong đó phải giải thích rõ những nội dung đã thực hiện được, những nội dung chưa thực hiện được, lý do chưa thực hiện được.
- Giải thích rõ tồn kho vật tư hàng hóa, văn phòng phẩm cuối ngày 31/12 và tình hình tăng giảm tài sản cố định (nếu có); tiền mặt đang tồn quỹ, tiền gửi của
ngân sách xã và tiền gửi khác của xã tài kho bạc nhà nước; kinh phí đã tạm ứng để chi nhưng chưa làm thủ tục quyết toán với kho bạc nhà nước.
- Sau khi thuyết minh theo các nội dung trên, tiến hành phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình thực hiện dự toán thu chi ngân sách xã và tình hình tài chính khác. Đưa ra kiến nghị, đề xuất cho năm ngân sách tiếp theo.