Dự báo triển vọng dầu khí trên cơ sở phân tích cấu trúc địa chất

Một phần của tài liệu Đặc điểm cấu trúc địa chất và vai trò của chúng đối với các bẫy chứa dầu khí khu vực lô m2, bể trầm tích adaman myanmar (Trang 84 - 89)

Như đã phân tích ở trên, các bẫy gặp được trong khu vực Lô M2 là khá đa dạng, từ bẫy cấu trúc đến bẫy phi cấu tạo, nhưng tỷ lệ phát hiện trong Lô M2 vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi đối tượng thăm dò rất đa dạng với nhiều kiểu bẫy khác nhau. Hiện tại mới chỉ tiến hành khoan 2 giếng khoan thăm dò trên những bẫy cấu tạo trong tầng đá vôi dạng reef và dạng thềm tuổi Mioxen sớm. Trong Kainozoi, đối tượng tìm kiếm thăm dò chính ở khu vực Lô M2 là:

- Đá carbonat tuổi Mioxen sớm - Cát kết Oligoxen;

- Cát kết Mioxen và cát kết Plioxen.

3.3.2. Những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò Lô M2 nằm ở rìa Tây vịnh Martaban, nằm trong khu vực được đánh giá là có tiềm năng dầu khí lớn với các mỏ khí được phát hiện thuộc loại trung bình đến lớn ở thềm lục địa Myanmar. Về mặt cấu - kiến tạo M2 được chia làm hai phần qua đới nâng chờm nghịch Indo – Burma, với đặc trưng về cấu trúc địa chất, địa tầng – trầm tích và hệ thống dầu khí hoàn toàn khác biệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các bẫy

gặp được trong khu vực Lô M2 là khá đa dạng, từ bẫy cấu trúc đến bẫy phi cấu tạo, nhưng tỷ lệ phát hiện trong Lô M2 vẫn còn rất khiêm tốn, trong khi đối tượng thăm dò rất đa dạng với nhiều kiểu bẫy khác nhau. Hiện tại mới chỉ tiến hành khoan 2 giếng khoan thăm dò trên những bẫy cấu tạo trong tầng đá vôi dạng reef và dạng thềm tuổi Mioxen sớm.

Phần phía đông của Lô, kết quả giếng khoan SYT-1X đã cho dòng khí trong đối tượng cacbonat tuổi Mioxen sớm, đây được đánh giá là một đối tượng thăm dò quan trọng của Lô. Phần khu vực phía Đông Lô M2, bên cạnh cấu tạo triển vọng đã được khẳng định qua giếng khoan SYT-1X, còn tồn tại cấu tạo tiềm năng thuộc kiểu bẫy địa tầng, với đối tượng chứa chính là các tập cát biển tiến tuổi Mioxen giữa, Mioxen muộn nằm kề áp ở phần rìa nâng cao của bể, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá rủi ro địa chất, trên cơ sở đó tiếp tục công tác thăm dò mở rộng ở khu vực phía đông Lô M2.

Khu vực phía tây Lô M2, trên cơ sở nghiên cứu cấu trúc địa chất đã khẳng định tồn tại các bẫy có triển vọng dầu khí. Đây là các bẫy thuộc dạng kiểu bẫy cấu trúc và bẫy kiểu hỗn hợp, được hình thành liên quan tới hoạt động hút chìm của vỏ địa dương Ấn Độ ở phía Đông bên dưới vỏ lục địa Ấn Úc, chịu ảnh hưởng của pha va chạm tạo núi và tác động của quá trình hình thành và phát triển của diapia sét.

Phần phía tây có hoạt động kiến tạo rất đa dạng, biến đổi môi trường trầm tích nhanh và phức tạp từ phần rìa thềm ra đến khu vực sườn và nước sâu, do vậy đây là khu vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro địa chất. Kết quả giếng khoan SP-1X đã có phát hiện khí trong tập cacbonat tuổi Mioxen, đây là phát hiện mới, tuy nhiên do điều kiện địa chất phức tạp, áp suất vỉa cao, do vậy công tác thử vỉa chưa được tiến hành.

Định hướng công tác tìm kiếm thăm dò ở khu vực phía Tây cần tiếp tục các nghiên cứu địa chất – địa vật lý làm sáng tỏ tiềm năng của của đối tượng cacbonat mới được phát hiện qua giếng khoan SP-1X. Tiếp tục đánh giá đánh giá tiềm năng, rủi ro địa chất đối với các cấu tạo, mở rộng công tác thăm dò với các cấu tạo còn lại ở khu vực phía Tây Lô M2

Kết quả thăm dò ở Lô M2, qua kết quả của hai giếng khoan cho thấy đối tượng tiềm năng đáng được quan tâm nhất là đá cacbonat tuổi Mioxen, Khí được phát hiện trong đá cacbonat reef ở khu vực phía Đông và cacbonat dạng thềm ở khu vực phía Tây. Như vậy đối tượng đá chứa cacbonat ở Lô M2 cũng biến đổi rất phức tạp, tùy thuộc vào vị trí kiến trúc của bể, đã phát triển các tướng môi trường khác nhau và có ảnh hưởng trực tiếp đến qui luật phân bố, cũng như mức độ biến đổi, chất lượng đá chứa của đá chứa cacbonat khu vực Lô M2. Do vậy, nghiên cứu vai trò của kiến tạo có ảnh hưởng đến cấu trúc địa chất, môi trường trầm tích và qui luật phát triển, phân bố của đá chứa cacbonat là hết sức cần thiết, từ đó sẽ giúp đánh giá, lựa chọn cấu tạo thăm dò tiếp theo ở Lô M2.

Bên cạnh đối tượng đá chứa cacbonat, đối tượng đá chứa cát kết Mioxen và Plioxen vẫn là đối tượng tiềm năng ở Lô M2. Sự biến đổi về môi trường trầm tích từ phía Đông sang Tây ở khu vực Lô M2 là nhanh và hết sức phức tạp, chịu chi phối của hoạt động kiến tạo mạnh mẽ trên cung bồi kết ở phía Tây của Lô. Đá chứa là các tập cát kết trong hệ thống biển sâu, quạt cát đáy bồn và turbidite cũng là hướng thăm dò tiếp theo trong phạm vi Lô M2. Tuy nhiên, đây là đối tượng nằm ở khu vực nước sâu nên chi phí giếng khoan thăm dò cao, đòi hỏi công tác nghiên cứu địa chất cần đánh giá hết các rủi ro kỹ thuật và thương mại, trước khi tiến hành khoan thăm dò ở đối tượng này.

Trong khu vực nghiên cứu, các bẫy dạng các quạt cát ngầm, thân cát lòng sông cổ chưa được kiểm nghiệm qua giếng khoan, cũng có thể là những đối tượng chứa quan trọng trong phạm vi Lô M2, cần đầu tư nghiên cứu kỹ tài liệu hiện có, nếu cần thiết khảo sát bổ sung địa chấn 3D nhằm chính xác hóa lại diện phân bố của các loại bẫy này và tính toán triển vọng dầu khí của chúng.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Từ kết quả tổng hợp tài liệu, nghiên cứu phân tích các đặc điểm về địa tầng, cấu trúc địa chất, tiến hóa kiến tạo qua các giai đoạn khác nhau. Kết hợp với các phân tích về hệ thống dầu khí như sinh, chứa và chắn. Tác giả đưa ra một số kết luận và kiến nghị như sau:

Khu vực Lô M2 nằm ở phía tây vịnh Martaban, nằm trên ranh giới giữa hai bể trầm tích Rakhine và Moattama. Phần phía tây Lô M2 nằm ở rìa đông và mang nét cấu trúc của bể trầm tích Rakhine, phần phía đông Lô M2 thuộc rìa phía tây và mang nét cấu trúc của bể Moattama.

Các thành tạo trầm tích trong khu vực nghiên cứu có tuổi từ Eoxen đến Plioxen - Đệ Tứ, có nguồn gốc đa dạng từ lục địa, cận lục địa. Chúng được lắng đọng trong nhiều môi trường khác nhau từ sông ngòi đầm hồ, vũng vịnh đến biển nông và biển sâu.

Khu vực nghiên cứu có cấu trúc khá phức tạp, gồm 4 đới cấu trúc với những đặc trưng tiến hóa kiến tạo khác nhau từ sau Oligoxen sớm: (1) phần phía Đông nằm trên sườn của bể trầm tích Moattama; (2) khối nâng Trung tâm; (3) trũng phía Tây và (4) đới nước sâu phía Tây. Các cấu trúc này được hình thành liên quan đến hoạt động va mảng Ấn độ vào mảng Âu Á và mảng Burma. Các hệ thống đứt gãy chính trong khu vực có lịch sử hoạt động lâu dài phát triển cả trong móng trước Kainozoi và trong các thành tạo Kainozoi. Hoạt động phức tạp của các đứt gãy này đã làm biến dạng mạnh mẽ các thành tạo trầm tích Kainozoi và phức tạp hóa bình đồ cấu trúc khu vực.

Khu vực Lô M2 có lịch sử tiến hóa kiến tạo khá phức tạp theo nhiều giai đoạn khác nhau, từ hoạt động trôi dạt và va chạm giữa các mảng (Creta-Paleoxen), nâng cao bào mòn (Eoxen-Oligoxen), sụt võng mở rộng bể trong Mioxen sớm, pha kiến tạo mở biển Adaman đã tạo bình đồ cấu trúc mới Plioxen chồng gối lên bình đồ cấu trúc tồn tại trước đó ở khu vực phía đông Lô M2. Plioxen sớm, hệ thống trầm tích sườn thềm đã được hình thành ở rìa phía tây Lô M2 do giai đoạn này cung bồi kết dịch chuyển dần về phía vịnh Bengal ở phía tây.

Vùng nghiên cứu có triển vọng dầu khí, đặc trưng bởi các hệ thống sinh, chứa và chắn khá thuận lợi. Đá sinh chính của cả hai khu vực phía đông và phía tây Lô M2 là các tập sét có tuổi từ Oligoxen - Mioxen. Đá chứa trong phần phía đông Lô M2 là cát kết Plioxen, cát kết Mioxen lắng đọng trong môi trường biển nông gần bờ, đá vôi Mioxen sớm – Oligoxen muộn, trầm tích hỗn hợp Oligoxen, phần phía tây Lô M2 đá chứa cát kết Plioxen dạng thân cát đáy bể là tầng chứa chính. Đá chắn ở khu vực phía đông Lô M2 là các tập sét có tuổi từ Oligoxen tới Plioxen, ở khu vực phía tây Lô là các tập sét nội tầng tuổi Plioxen đến Mioxen. Các cấu tạo gặp được trong vùng nghiên cứu gồm các bẫy cấu tạo và phi cấu tạo. Bẫy cấu tạo là loại bẫy phổ biến, tuy nhiên ảnh hưởng của hoạt động kiến tạo đã ít nhiều làm thay đổi khả năng bảo tồn của chúng. Do vậy cần nghiên cứu kỹ, chi tiết hơn về tác động của các hoạt động kiến tạo ở khu vực nghiên cứu để đánh giá lại chính xác hơn về mức độ bảo tồn của các loại bẫy này cũng như triển vọng dầu khí của chúng.

Một phần của tài liệu Đặc điểm cấu trúc địa chất và vai trò của chúng đối với các bẫy chứa dầu khí khu vực lô m2, bể trầm tích adaman myanmar (Trang 84 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(96 trang)