Chương 2: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG TỔ CHỨC KINH DOANH ĐIỆN TẠI CÔNG TY ĐIỆN LỰC HÀ NAM
2.1. Giới thiệu Công ty Điện lực Hà Nam
2.1.2. Khối lượng tài sản quản lý vận hành
Khối lượng tài sản Công ty Điện lực Hà Nam được giao quản lý vận hành cụ thể:
- Khối lượng đường dây:
+ Đường dây 35kV: 436,226 km;
+ Đường dây 22kV: 242,492 km;
+ Đường dây 10kV: 505,647 km;
+ Đường dây 0,4kV: 3.105,35 km;
- Khối lượng trạm biến áp:
+ Trạm biến áp trung gian 35/10kV: 10 trạm /18 máy- 50.800 kVA;
+ Trạm biến áp trung gian 35/6kV: 7 trạm /13 máy- 36.800 kVA;
+ Trạm biến áp phân phối: 1.580 trạm /1.673 máy – 583.993 kVA;
Trong đó:
Trạm của ngành điện: 922 trạm /953 máy- 222.100 kVA;
Trạm của khách hàng: 658 trạm /720 máy- 361.893 kVA
Công tác quản lý vận hành đường dây trung hạ thế bao gồm các công việc trực tiếp của công nhân: Kiểm tra theo dõi thường xuyên tình trạng vận hành lưới điện; Kiểm tra hiện trường phát hiện các vi phạm hành lang an toàn điện; các sự cố không bình thường của lưới đang vận hành; Thay thế các vật tư thiết bị trên lưới khi đã hết niên hạn sử dụng hoặc có sự cố phải thay thế; Quản lý công tác cắt đóng điện trên lưới, trực tiếp thao tác đóng cắt lưới điện khi cần thiết.
Công tác quản lý vận hành các trạm điện được qui định theo tiêu chuẩn ngành. Các trạm trung gian được vận hành bởi các công nhân trực vận hành, cập nhật các thông tin về phụ tải, các điều kiện làm việc của máy biến áp cùng các thiết bị kèm theo. Toàn bộ được phản ánh thông qua sổ trực vận hành.
Các trạm biến áp phân phối được quản lý vận hành theo qui trình không trực vận hành tại chỗ mà kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo hồ sơ cập nhật tại cơ quan, sửa chữa thay thế bổ sung dầu cho máy biến áp. Các trạm phân phối do khách hàng đầu tư cũng phải vận hành tương tự trạm của Công ty nhưng chi phí do khách hàng chịu trách nhiệm.
Việc bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành Điện quản lý là chủ trương lớn của Chính phủ, vì việc làm này đem lại lợi ích thiết thực cho người dân khu vực nông thôn. Ngay từ khi có quyết định của Thủ tướng năm 2008 về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý, Công ty Điện lực Hà Nam đã thành lập Ban chỉ đạo và khẩn trương tổ chức thực hiện chương trình; lập đề án tiếp nhận. Lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam đã tiếp xúc để tranh thủ sự ủng hộ của các sở ban ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp.
Phần lớn lưới điện hạ áp nông thôn nước ta được xây dựng từ 20-30 năm trước đây, không đạt theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường dây và an toàn, đường dây dài, dây dẫn tiết diện nhỏ, nhiều chủng loại. Thiết bị đo đếm điện năng mua trôi nổi ngoài thị trường, không được kiểm định, không chính xác, nhiều nơi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Chất lượng điện không đảm bảo có nơi điện áp cuối nguồn xuống dưới 100V, dẫn đến tổn thất điện năng của lưới điện hạ áp nông thôn rất cao.
Việc quản lý điện nông thôn tại các địa phương đều khoán cho một nhóm người không qua đào tạo nghề điện bài bản. Họ chỉ biết thu tiền, hầu như không đầu tư nâng cấp nên lưới điện ngày càng xuống cấp.
Mặc dù Chính phủ đã có chính sách trợ giá điện bán tổng cho các hộ nông dân song thực tế do công tác quản lý kém, giá điện bán lẻ đến từng hộ tại các thôn, xã cao gấp đôi, thậm chí có nơi cao gấp 4-5 lần giá quy định.
Việc EVN tiếp nhận lưới điện hạ áp để bán điện trực tiếp tới khách hàng dùng điện nông thôn sẽ giải quyết cơ bản những bất cập lâu nay trong quản lý và bán điện ở nông thôn của các tổ chức, cá nhân ngoài EVN.
Đối với người dân nông thôn, sẽ được sử dụng điện đúng với mức giá quy định của Nhà nước. Lưới điện sau khi tiếp nhận sẽ được cải tạo và duy tu sửa chữa thường xuyên, cùng với các biện pháp quản lý chuyên nghiệp chặt chẽ sẽ giảm tổn thất điện năng, giảm quá tải, khiến hệ thống điện hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, giảm sự cố, đồng thời góp phần tích cực trong việc thực hiện chủ trương tiết kiệm điện của Chính phủ, theo đó giảm áp lực trong việc đầu tư phát triển thêm các nhà máy điện.
Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, công việc quan trọng đầu tiên nhằm đảm bảo tính pháp lý kinh doanh điện là tiến hành ký kết hợp đồng mua bán điện với từng hộ sử dụng.
Do các công tơ đo đếm điện trước đây của lưới điện hạ áp nông thôn không được kiểm định nên đo đếm không chính xác, nên Công ty Điện lực Hà Nam phải tổ chức thay công tơ cấp đạt tiêu chuẩn, bổ sung thay thế hệ thống tiếp địa, thay xà mục gãy, thay sứ cách điện vỡ, bổ sung cột đỡ dây để đảm bảo khoảng cách an toàn, phát quang hành lang lưới điện. Việc sửa chữa, cải tạo tối thiểu lưới điện hạ áp chỉ là biện pháp tình thế do chi phí thực hiện có hạn và hơn hết là do quy định về sử dụng chi phí sản xuất kinh doanh điện không cho phép nâng cấp tài sản lưới điện hiện hữu (tăng tiết diện dây dẫn...).
Địa bàn quản lý của Công ty quá rộng, từ trụ sở của các Điện lực trực thuộc Công ty tới các xã có khi xa hàng chục kilômét nên công tác sửa chữa điện và các công tác khác liên quan đến dịch vụ khách hàng không tránh khỏi khiếm khuyết.