CHƯƠNG II: VẺ ĐẸP NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU HỒ DZẾNH
2.2 Giọng điệu Hồ Dzếnh trong tập truyện ngắn Chân trời cũ
2.2.1 Giọng trữ tình ngoại đề đằm thắm
“Trữ tình ngoại đề là một khái niệm chỉ một trong những yếu tố ngoài cốt truyện trong tác phẩm tự sự, là những đoạn văn, đoạn thơ mà tác giả hoặc người kể chuyện trực tiếp bộc lộ những tình cảm ý nghĩ quan niệm của mình đối với nhân vật, đối với cuộc sống thể hiện trong tác phẩm. Nó góp phần bộc lộ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, làm sáng tỏ nên hình tượng nhân vật.”[8, tr.1855]
Là một nhà văn thuộc dòng truyện ngắn trữ tình, Hồ Dzếnh đã sử dụng giọng trữ tình ngoại đề để thể hiện những suy nghĩ, tình cảm và thái độ của mình đối với những nhân vật được nhắc đến trong truyện cũng như đối với quê ngoại thân thương. Đến với Chân trời cũ độc giả không bắt gặp những
biến cố như là bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật mà điều ông chú ý chính là thái độ riêng tư, niềm thương cảm xót xa của ông trước những cảnh ngộ, biến cố ấy. Do vậy dấu ấn của tình cảm, cảm xúc và trạng thái tinh thần của người kể chuyện đậm nét hơn và chiếm phần nhiều hơn so với các biến cố, sự kiện.
Ở Chân trời cũ, tác giả quay về quá khứ nhớ lại những kỉ niệm buồn đau của những người trong gia đình và “ông viết như giãi bày, như tự thú, như xám hối về những câu chuyện của gia đình, viết cho vợi” [40, tr.15]. Đọc các tác phẩm của Hồ Dzếnh chúng ta có thể thấy những câu chuyện ông kể thường là những mảnh đời buồn. Những đoạn trữ tình ngoại đề được nhà văn sử dụng trong tác phẩm chính vì vậy cũng làm cho câu chuyện bớt căng thẳng và giúp cho tác giả bộc lộ tình cảm cũng như lòng trắc ẩn của mình đối với những mảnh đời đó.
Trữ tình ngoại đề trong Chân trời cũ trước hết thể hiện qua những lời độc thoại nội tâm, những tình cảm mà ông dành cho quê hương và người thân trong gia đình. Lặng lẽ và sâu kín, Hồ Dzếnh viết về những con người bình thường với niềm trắc ẩn mênh mông. Niềm trắc ẩn đó trở nên đặc biệt sâu sắc khi ông nhắc đến thân phận của những người mẹ, người vợ tần tảo, luôn hy sinh thầm lặng cho gia đình, gánh chịu mọi vất vả tủi phận để đem đến niềm vui cho mọi người trong gia đình. “Ngày còn nhỏ tôi yêu mẹ tôi một cách bịn rịn. Người chiều, có lẽ vì người thấy ở tôi một cuộc đời thiếu êm vui”[40, tr.23]. Bên cạnh những tình cảm dành cho người mẹ, tác giả Hồ Dzếnh đã dành nhiều dòng trong truyện để nói đến tình cảm của mình dành cho những người trong gia đình. Đó là người anh Cả “Có điều mãi đến nay tôi vẫn lấy làm lạ, là càng ghét anh bao nhiêu, tôi lại càng thương anh bấy nhiêu.” [40, tr.113]. Đó còn là hình ảnh của người chị nuôi “Trước sau, dưới sự phán xét nghiêm ngặt của kỷ niệm, đối với chị Yên, tôi vẫn là người bội bạc. Chữ bội bạc tôi cho là còn nhẹ, tôi toan mượn hai tiếng dã man”[40, tr.93]. Tình cảm
đó cứ miên man mãi và dành cho những người thân yêu của mình: “tôi thương anh tôi khi còn sống, hơn là khi đã chết. Chết như anh là thoát. Tôi thương những giọt nước mắt mẹ tôi chắt ra từ đáy lòng để khóc lần cuối cùng đứa con dại dột”[40, tr.116].
Không chỉ bày tỏ tình cảm của mình đối với những người trong gia đình, những đoạn trữ tình ngoại đề trong truyện cũng giúp Hồ Dzếnh thể hiện tình yêu đối với quê hương đất nước. Quê hương đối với ông không còn là miền đất để gợi thương gợi nhớ nữa mà nó đã mang hồn người. Ông yêu đất nước Việt Nam bởi những cái bình dị nhỏ nhặt, bởi những luống cày mảnh đất gắn với tuổi thơ ông. Nhà văn đã sử dụng những lời lẽ thật nồng nàn và trìu mến khi viết về dải đất thân thương này. Đó là đêm trăng vắng lặng trên sông nước “Gió sông lên đầy. Làng mạc xa xa chìm mờ trong bóng tối đôi lúc vọt ra vài tiếng chó sủa ma”.[40, tr.34] . Đó còn là “những buổi trưa đột nhiên vọng một tiếng gà gáy lạ lùng” [40, tr.59] là “một mảnh vườn đầy nắng gió...thứ nắng gió hiền hòa nhẹ nhàng phe phẩy ngọn cau, giậu hoa dâm bụt”.[40, tr.104]. Hồ Dzếnh đã yêu quê mẹ trên bậc tuyệt vời của tôn giáo, mảnh đất mà ông nói là “cái dải đất thoát ra ngoài sự lọc lừa phản trắc, cái dải đất chỉ bị bạc đãi mà không bạc đãi ai bao giờ”[40, tr.90], nơi đó luôn hiện hữu trong những suy nghĩ của ông. Với phương thức trữ tình ngoại đề nói trên Hồ Dzếnh đã thể hiện được tình yêu sâu nặng đối với mảnh đất Việt Nam – nơi mà ông sinh ra và lớn lên. Là người con mang trong mình hai dòng máu Hoa – Việt nhưng dường như quê nội hiện lên trong ông mờ nhạt hơn.
Thế nhưng ta vẫn bắt gặp trong truyện ngắn của ông tình cảm dành cho quê nội xa xôi. “Lòng tôi nghe vang một thứ gió âm u của miền sa mạc Mông cổ, trôi qua miền Thiểm Tây, Cam Túc luồn vào những khu rừng không tên của hai tỉnh Lưỡng Quảng vượt trùng dương sang tôi, như tiếng thở dài não nùng của những linh hồn phiêu bạt”[40, tr.76]. Có lẽ, những người họ hàng xa xôi
ấy vẫn còn mang lại cho nhà văn giàu lòng yêu thương này những khao khát, mong chờ, những tình cảm dành cho người ruột thịt. Khi viết về Chân trời cũ, Vương Trí Nhàn đã nói rất hay rằng: ... “Sau hết, cái kỳ lạ của Chân tròi cũ nằm ngay trong tình thế của tác giả”, đó là “tình thế chông chênh chân trong chân ngoài, quê hương là thực mà như là hư, là phải mà như không phải, gần gũi đấy mà lại xa vời đấy. Nhưng có lẽ chính vì thế mà ở ông có cái lui tới trong cách nhìn, cách xót xa trong tình cảm, cái khao khát vươn tới một mảnh đất tâm linh tưởng không bao giờ vươn tới nổi...”[20, tr.29]. Có thể thấy, với giọng trữ tình ngoại đề, những cảm xúc tận đáy lòng người viết được trải rộng ra và chia sẻ với bạn đọc.
Biểu hiện thứ hai của giọng điệu trữ tình ngoại đề trong truyện ngắn Hồ Dzếnh là những lời tâm sự với người thân trong gia đình. Nó như là những khúc nhạc luôn ngân lên trong lòng tác giả và sẵn sàng rung lên bất cứ lúc nào. “Hỡi chị! Nếu số phận bắt chị vào làm dâu một gia đình cơ khổ, làm vợ một người chồng không bằng người, chị hãy nhận ở đây, trong dòng chữ này một lời an ủi để may ra lòng đau khổ của chị được san sẻ một vài phần”[40, tr.39]. Tác giả xót xa cho số phận buồn rầu, lam lũ của người chị dâu li hương bạc phận. Đó là người đàn bà đã là “cái đề tài cho tôi khóc bằng thơ để làm hoen ố cả buổi bình minh đáng lẽ rất tươi đẹp”[40, tr.42]. Đó còn là những tâm sự chân tình mà tác giả dành cho người chị nuôi yêu quý của mình. “Chị Yên! Nếu đời chị đừng gặp một tai họa éo le, nếu chị cứ là chị yên ước mong thầm kín một người chồng hiền lành như anh Phụ, thì đâu đến nỗi chị phải xa lìa tôi, lẩn tránh mọi người và tôi đâu có phải viết ra câu chuyện tình đau xót hôm nay” [40, tr.105].
Như vậy, những đoạn trữ tình ngoại đề dào dạt như minh chứng cho một Hồ Dzếnh luôn thao thức với ngày xưa, với người xưa, một con người giàu tình cảm, đầy thiết tha. Mỗi khi tác giả nghĩ về chuyện xưa lại cảm thấy
ăn năn, hối hận, các câu chữ tự nhiên thốt lên tự đáy lòng chẳng phải dấu giếm gì. Những dòng kể rủ rỉ, nhẹ nhàng chân thật đã khiến cho văn xuôi Hồ Dzếnh luôn nồng ấm, dạt dào cảm xúc và tình cảm đối với quê hương đất nước và những người thân trong gia đình.