CHƯƠNG III: VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG CHÂN TRỜI CŨ ĐỐI VỚI VIỆC THỂ HIỆN PHONG CÁCH HỒ DZẾNH
3.1 Vai trò của ngôn ngữ và giọng điệu đối với nội dung phản ánh trong văn Hồ Dzếnh
Trong tác phẩm của mình, Hồ Dzếnh đã sử dụng ngôn ngữ và giọng điệu phù hợp với nội dung đề tài thể hiện, tạo dựng lại được những câu chuyện đã
xảy ra trong quá khứ. Nội dung của các truyện ngắn trong tập Chân trời cũ là những kỉ niệm, những câu chuyện thời thơ ấu cũng như những cảm xúc, chiêm nghiệm của nhà văn trước cuộc đời. Đó là những câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ của tác giả mà qua đó thể hiện sự thương cảm sâu sắc, nỗi ám ảnh về người đàn bà tha hương làm dâu xứ người; là người bố nghiêm khắc;
là tình mẹ thắm thiết, tình anh em sâu nặng và cả tình yêu quê hương đất nước thiết tha. Dưới ngòi bút của Hồ Dzếnh, các phương tiện, biện pháp tu từ (từ láy, so sánh tu từ, ẩn dụ tu từ, phép điệp, câu có thành phần chú thích, câu có tình thái ngữ) trở thành công cụ đắc lực cho việc làm rõ và nhấn mạnh nội dung được phản ánh.
Ngôn ngữ trong Chân trời cũ là ngôn ngữ giàu cảm xúc, giàu chất thơ và khả năng liên tưởng tạo nên những câu chuyện nhẹ nhàng mà độc đáo. Đến với tập truyện này, người đọc được tiếp xúc với câu chuyện của Hồ Dzếnh ngày còn bé, chuyện của gia đình, của người cha, người mẹ, người chị dâu, chị nuôi, người anh trai và cả người hàng xóm như anh đỏ Phụ, chị đỏ Đương...Thành phần chú thích trong câu văn của Hồ Dzếnh là sự bổ sung, lí giải thấu đáo nhằm làm rõ đối tượng được nói đến. “Những khách nợ lâu đời nhất của dì ghẻ tôi – em tôi và tôi là đôi con cùng cha khác mẹ - được em tôi lục ra và đi đòi hết. Thành phần phụ sau dấu gạch ngang là để giải thích cho cách gọi “dì ghẻ” mà qua đó giúp người đọc biết rõ hơn về hoàn cảnh gia đình của tác giả. Hay trong chuyện Chị Yên, nhà văn viết: “Đợi tôi lay đến lần thứ năm – người lớn ai lại ngủ mê thế nhỉ - cậu tôi mới choàng tỉnh dậy, làm ra vẻ ngơ ngác nhìn tôi” . Ở đây thành phần chú thích cho thấy sự tinh tế, nhạy cảm của tâm hồn trẻ thơ và qua đó cũng làm nổi bật bản chất của người cậu họ đốn mạt đã làm hại cuộc đời của người con gái đáng thương.
Sử dụng câu chứa tình thái ngữ cũng giúp nhà văn thể hiện tình yêu quê hương đất nước, yêu gia đình và những người thân. Hồ Dzếnh viết: “Hỡi
nước Việt Nam! tôi nghiêng lòng xuống Người, trên những luống cày mà hương thơm còn phảng phất, vì tôi đã từng uống nước và nói tiếng của Người, vì tôi đã thề yêu Người trên bậc tuyệt vời của tôn giáo.”[40, tr.96].
Những câu văn được kéo dài, mở rộng như một sự phô diễn cảm xúc thể hiện lòng yêu mến quê hương và người xung quanh. Ông đã yêu Tổ Quốc từ những người dân lao động đau khổ, thiệt thòi. Đó là người mẹ Việt Nam tảo tần, nhẫn nhịn nuôi con; là một người chị nuôi tận tụy hết lòng mà phải gánh bao nỗi bất hạnh, là người anh rể hụt hiền lành hai lần lở dở tình duyên, là em Fin xinh đẹp nhưng thờ ơ, là em Dìn dám liều lĩnh đem cái tuổi mười lăm của mình ra thử thách một chuyện vượt lên trí óc...
Tìm hiểu ngôn ngữ trong truyện ngắn Hồ Dzếnh, chúng tôi nhận thấy rằng, nét đặc sắc trong tự truyện của nhà văn này góp phần làm rõ nội dung đề tài và qua đó thể hiện được phong cách của ông đó là việc sử dụng biện pháp so sánh rất độc đáo: Nắng tắt dần dần. Chỉ còn ánh vàng pha sắc tím. Hoàng hôn ở đây không như hoàng hôn ở Giang Tây, Hồ Bắc. Hoàng hôn ở đây ưu hoài như một chinh phụ nhớ chồng và như một gã giang hồ chạnh lòng khóc nước.[40, tr.33]. Nếu như Thạch Lam thường lấy những cảm giác trừu tượng so sánh với những cảm giác cụ thể, quen thuộc thì Hồ Dzếnh ngược lại. Trong phép so sánh của mình, ông lấy tâm trạng buồn thương làm chuẩn để so sánh với các vật thể vô tri hay những âm sắc vô hình. Viết về người chị dâu lưu lạc, nhà văn đã so sánh rất độc đáo: “Tiếng xay lúa ồ ồ nhiều lúc đến hai giờ sáng như những thời khắc thương nhớ âm vọng trong không gian và trong lòng người” [tr.44] hay “Mấy điểm đèn hạt đậu run trên sông như những con mắt buồn từ kiếp trước” [tr.34]. Phép so sánh này giúp người kể chuyện bày tỏ những cảm xúc của bản thân một cách tự nhiên, đồng thời cho phép người đọc mở rộng đến không cùng sự tưởng tượng, liên tưởng theo chiều rộng và
chiều sâu của dòng tình cảm miên man trong tác phẩm. Đây cũng chính là một trong những sở trường của ngòi bút Hồ Dzếnh.
Bên cạnh ngôn ngữ giàu giá trị biểu cảm đó, giọng trữ tình ngoại đề cũng đã góp phần làm bộc lộ chủ đề và tư tưởng mà nhà văn muốn phản ánh trong tập truyện này. Tiếp cận tác phẩm, người đọc cảm nhận được giọng văn êm ái, nhẹ nhàng, trầm buồn như những kiếp người sống cơ cực, mờ nhạt trong xã hội. Chính nhờ giọng ấy mà hình ảnh con người, thiên nhiên hiện lên đều nhuốm màu buồn bã, cô quạnh. Thiên nhiên hiện lên trong tập truyện không chỉ qua hình ảnh mà còn âm vang nhạc điệu: “Bầu trời sáng và rộng, luôn luôn thấy những buổi hiền hòa, cây xanh gió mát nhịp nhàng với nhau như trong một bài thơ cổ. Tuần lễ một lần, ba tôi đánh xe ngựa qua nhà Fin, và cứ thế yên yên, lặng lặng, trong tôi đã nảy nở tự bao giờ mối thiện cảm sâu xa đối với người em gái Kinh lai Mán.” [40, tr.50]
Trong văn xuôi hiện đại chúng ta từng viết đến sở trường của một số nhà văn trong khả năng miêu tả như gió của Nguyễn Tuân, nắng của Nguyên Hồng, thiên nhiên Nam bộ của Đoàn Giỏi, làng quê Bắc Bộ của Kim Lân...Hồ Dzếnh được biết đến bởi biệt tài trong miêu tả cảnh sắc thiên nhiên nhuốm màu tâm trạng bằng thứ ngôn ngữ giàu chất thơ và khả năng liên tưởng. Độc giả khó có thể quên được bức tranh thiên nhiên sang xuân như hòa với sự rạo rực của lòng người qua đoạn văn trữ tình giàu hình ảnh trong truyện ngắn Sáng trăng suông: “Trời thôn quê xanh ra, cao lên, soạn sửa đón ba ngày của một mùa thái bình, thịnh vượng. Gió trong ruộng đã thoáng lẫn hương xuân, và trong khi tắm biếc thêm lũy tre mườn mượt nhung, đã làm rớm chảy sự tươi thơm trong những tấm lòng trai trẻ. Trăm nghìn lần dò hỏi sự thanh tịnh của dòng sông, điệu hiền hòa của chim gió, tôi cảm nghĩ đến những tiếng pháo sắp sửa cười vang để rồi, bất thần ngừng bước chân, tôi đưa tay viết lên không gian hai chữ con con, xinh xinh mà tâm hồn tôi đã nhiều lần nhắc đến:
Tết ” [40, tr.85]. Câu văn réo rắt như vang vọng từ một miền quá khứ vãng lai, như ngân dài từ vùng miền xa xôi nào đó. Thiên nhiên do đó không chỉ là thiên nhiên của đời thường mà dường như cũng mang tâm trạng của con người. Chính vì vậy, đọc Chân trời cũ ta cảm nhận được cái nhẹ nhàng, trong sáng và trầm buồn, sâu lắng.
Hồ Dzếnh là một người mang hai dòng máu của hai dân tộc. Có lẽ vậy mà ở nhà văn có sự pha trộn, hòa lẫn nhịp nhàng giữa chất Trung Hoa và cái hồn đất Việt. Sự vận dụng sáng tạo các phương tiện, biện pháp tu từ kết hợp với giọng điệu phù hợp đã tạo nên những câu chuyện mang sắc thái trang trọng mà vẫn chân thật, thân quen. Không gian cổ xưa được dựng lại với nhiều kỉ niệm của tác giả thời thơ ấu. Cũng giống như Thạch Lam, Hồ Dzếnh tìm đến những đề tài tưởng như là nhỏ - những câu chuyện hồn nhiên như là sự sống có ở bất cứ đâu quanh ta song vẫn mang đến một tầm vóc nhất định.
Độc giả nhận ra con người trong sự lầm lụi đời thường, trong những bôn ba khó nhọc để mưu sinh vẫn cặm cụi làm nên những giá trị tốt đẹp. Để rồi từ đó, mỗi câu chuyện của Hồ Dzếnh khiến ta không khỏi bâng khuâng, phảng phất nỗi buồn thương sâu nặng về thân phận con người. Nó cho ta cơ hội hiểu thấu ý nghĩa sâu xa của cuộc đời giản dị, nhắc nhở ta hướng tới lối sống đôn hậu nghĩa tình. Qua ngôn ngữ và giọng điệu được sử dụng trong các truyện ngắn, người đọc cũng bắt gặp một con người đa sầu, đa cảm, nhạy cảm trước những nỗi buồn đau của thân phận con người.