CHƯƠNG III: VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRONG CHÂN TRỜI CŨ ĐỐI VỚI VIỆC THỂ HIỆN PHONG CÁCH HỒ DZẾNH
3.3 Vai trò của ngôn ngữ và giọng điệu đối với lời người kể chuyện trong truyện ngắn Hồ Dzếnh
Trong bất kì một tác phẩm văn học nào thì ngôn ngữ người kể chuyện cũng luôn được xem là một nhân tố cốt lõi, xuyên suốt. Nhà văn dẫn dắt độc giả đến những câu chuyện, tiếp cận với các nhân vật có lôi cuốn hay không là nhờ vào lời của người kể chuyện. Đến với tác phẩm của Hồ Dzếnh, người đọc được tiếp xúc với những trang văn chân thành với một giọng tự truyện rất đặc trưng mà Chân trời cũ là tác phẩm thể hiện rất rõ cuộc đời của chính nhà văn Hồ Dzếnh. Người kể chuyện trong Chân trời cũ là người kể chuyện bên trong với điểm nhìn cố định mang đậm dấu ấn chủ quan và chiêm nghiệm của nhà văn. Truyện được kể theo ngôi thứ nhất nhân vật xưng tôi đóng vai trò người kể chuyện từ đầu đến cuối tự kể chuyện về mình hoặc những chuyện liên quan đến bản thân. Bằng lớp ngôn từ gợi cảm giàu chất xúc cảm suy tư thể hiện qua lớp từ hội thoại, biện pháp so sánh tu từ, câu hỏi tu từ, phép im lặng cùng với giọng trữ tình, thống thiết mang tính triết lí, dòng hồi ức và những tâm tình ngày thơ ấu với biết bao suy nghĩ, tình cảm được hiện ra rõ nét. Khi miêu tả các sự vật, hiện tượng hay kể lại những chuyện đã xảy ra, Hồ Dzếnh luôn tìm cách thể hiện sát đúng với tính chất, hoàn cảnh, đối tượng. Nhà văn đã thể hiện những cảm xúc thật của lòng mình, những nhận định đánh giá khách quan của mình về những người xung quanh. Hiện lên qua các truyện ngắn là những cảm xúc mơn man, nhẹ nhàng mà sâu lắng, tinh tế về những kỉ niệm ngày thơ ấu, về gia đình và những người thân yêu.
Trong Chân trời cũ, Hồ Dzếnh sử dụng nhiều từ hội thoại và các biện pháp tu từ như so sánh, các câu hỏi tu từ, phép im lặng nhằm tạo nên những câu văn đa tầng ý nghĩa, trang văn cũng thêm lấp lánh hình ảnh và sống động
âm thanh. Có thể thấy, nhà văn không đi sâu vào tâm trạng, cảm xúc của nhân vật, điều ông quan tâm là cảm xúc và tâm trạng của chính mình, ông chỉ nhìn người khác qua điểm nhìn tâm tư của chính ông. Chính vì vậy, truyện ngắn của Hồ Dzếnh đã phá tung những ranh giới về thể loại, chúng có sự hòa trộn đan xen giữa hai thể loại hồi kí và truyện ngắn đồng thời còn là sự tiếp nối giữa truyện và thơ. “Tôi là người biết cảm sầu từ rất sớm nên người đàn bà đã lìa quê hương ấy là cái để cho tôi khóc bằng thơ đã làm hoen ố cả một bình minh đáng lẽ ra là rất tươi đẹp” [40, tr.42] Đó không chỉ là sự thương cảm của người kể chuyện đối với chị dâu mà sâu xa hơn nó còn là biểu hiện cho một tâm hồn đa cảm, một nỗi buồn thấm thía cho những người phải chịu cảnh tha hương.
Khảo sát 11 truyện ngắn của Chân trời cũ, chúng tôi còn nhận thấy lớp từ hội thoại xuất hiện khá nhiều trong lời của người kể chuyện. Đó có thể là lời kể của tác giả hoặc những đoạn đối thoại của các nhân vật nhưng dù ở góc độ nào thì chúng ta cũng nhận thấy lời kể chuyện của Hồ Dzếnh rất tự nhiên.
Độc giả đọc truyện bằng mắt mà lại có cảm tưởng như đang ngồi nghe một người bạn, người thân mình kể chuyện bằng lời nói hàng ngày. Đây chính là nét độc đáo trong các tác phẩm tự truyện của nhà văn giàu tình cảm này. Các từ hội thoại được cấu tạo theo kiểu thêm yếu tố phụ làm cho sắc thái của lời nói , lời kể thêm phần sinh động, có hình ảnh giúp người đọc có thể dễ dàng hình dung được điệu bộ, nét mặt cũng như cảm xúc của nhân vật lẫn thái độ của người kể chuyện. Những từ hội thoại được sử dụng hợp lí giúp người đọc có thể nhận biết cảm xúc, thái độ của nhân vật đối với sự việc. “Chị Yên có một thân hình gầy nhẳng, trái hẳn với cái sức dai dẳng của chị”.[40, tr.92]
Việc sử dụng các hội thoại cũng góp phần hiệu quả trong việc tái hiện lại khung cảnh làng quê bình dị, thân thương “hàng rào râm bụt che khuất căn nhà chị vẫn mùa mùa nở hoa, ngày ngày tươi tắn” và những kiếp người nhọc
nhằn, vất vả nhưng tràn đầy tình thương. Điệp ngữ nối tiếp cũng làm nổi bật vẻ đẹp chân dung của người chị hàng xóm “Chị đỏ Đương đẹp, đẹp một cách kín đáo”. Những câu văn bình dị, dễ hiểu, gần gũi thân quen tạo cho người đọc cảm giác như chuyện của chính bản thân mình.
Chân trời cũ không hiện lên bằng những xung đột, mâu thuẫn, cao trào đem đến sự háo hức, chờ đợi cho người đọc mà chỉ là những tình tiết đơn giản, mạch trữ tình sâu sắc qua giọng kể nhẹ nhàng. Các biện pháp tu từ cú pháp như phép điệp, phép im lặng kết hợp với câu hỏi tu từ và giọng triết lí suy tư cũng góp phần giúp người kể chuyện thể hiện những cảm xúc dạt dào, đôi khi tuôn trào mãnh liệt. Phép im lặng được thể hiện trong lời nói giúp người đọc cảm nhận được sự ngại ngùng, e thẹn của nhân vật trước một vấn đề tế nhị, khó nói. Qua đó, cậu bé Hồ Dzếnh được hiện lên rõ nét trong những lần bối rối xin thầy giáo ra nhận bánh của mẹ: Thưa thầy, không ạ, mẹ con...mẹ con đưa bánh. [40, tr.45]. Hay là sự ngập ngừng lo lắng khi phải xin mẹ tiền học số tiền quá lớn: “Thầy giáo...thầy giáo đòi tiền học”.[40, tr.27].
Cũng có lúc, mạch truyện như ngừng lại, lắng đọng qua những đoạn trữ tình ngoại đề và tình cảm đó được lắng lại, kéo dài, trải rộng ra nhờ biện pháp tu từ ẩn dụ kết hợp với phép im lặng. Đồng thời, qua phép im lặng, nhà văn để cho độc giả tự suy nghĩ và đồng sáng tạo trong những khoảng lặng đó. Bây giờ ba chúng tôi đã mất rồi. Cái người chú kia, dẫu keo kiệt, dẫu hóc hiểm, nhưng là cái bóng tàn còn sót lại ở một chi họ gần nhất, và cũng bắt đầu xa nhất của chúng tôi, như bóng chiều dần tan trên cách đồng rộng rãi...[40, tr.81]. Sử dụng điệp ngữ, câu hỏi tu từ những suy nghĩ, cảm xúc của người kể chuyện cũng được thể hiện rõ: “Tại sao tôi không đủ can đảm nói thật tất cả cho anh đỏ Phụ biết? Tôi không dám nói ra vì đó là sự thật! Có những sự thật không nên nói ra, ai đã viết nên câu chân lí đó? “[40, tr.108].
Chính sự vận dụng linh hoạt và kết hợp nhuần nhuyễn giữa các biện pháp tu từ cũng như giọng điệu cũng giúp cho độc giả cái nhìn toàn vẹn hơn về câu chuyện được kể và tâm trạng của người kể chuyện. Một Hồ Dzếnh luôn thao thức với ngày xưa, người xưa qua Chân trời cũ hiện lên rõ hơn bởi những câu triết lí nhẹ nhàng được đúc rút qua cuộc đời trải nghiệm của mình.
Mỗi khi tác giả yêu quý, ăn năn hay ân hận, các câu chữ cứ thốt lên tự đáy lòng làm cho lời người kể chuyện chân thật hơn, dễ đi vào lòng độc giả hơn.
Những ai đã đọc văn Hồ Dzếnh, tiếp xúc với lời văn giàu cảm xúc như suy tư trầm buồn, như lắng đọng nhiều trăn trở thầm kín sẽ cảm nhận được tấm lòng của người viết và thấy tâm hồn mình trong sáng hơn.
Tóm lại, tìm hiểu vai trò của ngôn ngữ và giọng điệu trong 11 truyện ngắn của tập Chân trời cũ chúng tôi nhận thấy: trong Chân trời cũ, Hồ Dzếnh đã phát huy được sức mạnh của sự vận dụng tổng hợp một cách phù hợp, có sáng tạo các phương tiện, biện pháp tu từ và giọng điệu. Đây cũng chính là những yếu tố làm nên phong cách của nhà văn này qua ngôn ngữ và giọng điệu của người kể chuyện, nội dung thể hiện và việc cá tính hóa nhân vật. Đó là thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, giàu giá trị biểu cảm, chất xúc cảm suy tư và giọng điệu chân thật, trữ tình mang tính triết lí. Tất cả tạo nên một phong cách Hồ Dzếnh luôn lấy cảm xúc làm gốc cho mọi sáng tạo và đây cũng chính là điểm hấp dẫn của văn chương Hồ Dzếnh đối với bạn đọc.