CHƯƠNG 1 CƠ SỚ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ RỦI RO TRONG NHẬP . KHẨU HÀNG HÓA Ở DOANH NGHIỆP
1.1. Tổng quan về quản trị rủi ro trong nhập khẩu hàng hóa
1.1.4. Sự cần thiết tăng cường quản trị rủi ro trong nhập khẩu hàng hóa tại doanh nghiệp
1.1.4.1. Xuất phát từ vai trò của quản trị rủi ro trong nhập khẩu
Với các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, quản trị rủi ro ngày càng trở nên cần thiết và được thể hiện ở vai trò của quản trị rủi ro đối với doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, quản trị rủi ro sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh khỏi nguy cơ phá sản. Quản trị rủi ro cho phép doanh nghiệp có thể tính toán hậu quả của những sự việc không mong muốn. Với những thông tin có được về ảnh hưởng của các rủi ro, các nhà quản lý có thể có những đánh giá chính xác cho hướng đi của doanh nghiệp mình. Nói cách khác, quản trị rủi ro có nhiệm vụ giúp cho doanh nghiệp có thể theo đuổi các mục tiêu của mình (tối đa hóa lợi nhuận, tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp…) mà không bị phá sản bởi những rủi ro phát sinh trong quá trình theo đuổi
các mục tiêu đó.
Thứ hai, quản trị rủi ro đóng góp trực tiếp vào lợi nhuận của doanh nghiệp nhờ vào hoạt động kiểm soát chi phí liên quan đến rủi ro của doanh nghiệp. Đó là vì lợi nhuận của doanh nghiệp phụ thuộc vào tương quan giữa chi phí và thu nhập của doanh nghiệp. Khi quản trị rủi ro góp phần làm giảm chi phí thì sẽ góp phần làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thứ ba, quản trị rủi ro giúp doanh nghiệp tránh được những giảm sút về thu nhập hoặc thiệt hại về tài sản. Quản trị rủi ro giúp doanh nghiệp có cách tiếp cận có hệ thống và khoa học hơn khi giải quyết rủi ro, điều đó giúp các doanh nghiệp chủ động hơn khi phải đối mặt với rủi ro. Đồng thời, quản trị rủi ro hướng dẫn cho các nhà quản lý các bước cần thực hiện để giảm thiểu các tình huống không mong muốn đó, cũng như các bước để giảm thiểu tổn thất nếu như những tình huống đó xảy ra.
Thứ tư, quản trị rủi ro giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp nên doanh nghiệp có thể tham gia vào các dự án có khả năng sinh lời cao. Quản trị rủi ro giúp các doanh nghiệp nhận biết được các rủi ro tiềm năng có thể xảy ra. Chẳng hạn, giám đốc một doanh nghiệp muốn thành lập một chi nhánh ở nước ngoài nhưng lo ngại vì những rủi ro ở nước đó. Nhưng bộ phận quản trị rủi ro của doanh nghiệp khẳng định có thể bảo hiểm những rủi ro đó với mức phí chấp nhận được. Và giám đốc có thể quyết định thành lập chi nhánh đó.
Tuy nhiên, quản trị rủi ro không thể giúp các nhà quản lý dự báo một cách chi tiết các sự kiện không mong muốn. Bên cạnh đó, tính hiệu quả của hoạt động này phụ thuộc nhiều số lượng và chất lượng thông tin cung cấp cho các nhà quản trị khi đưa ra các nhận định.
1.1.4.2. Nhập khẩu chứa đựng nhiều rủi ro
Các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu thường phải đối mặt với các rủi ro không giống với những rủi ro hay gặp trong kinh doanh nội địa cũng như nguồn gốc tạo ra các rủi ro đó. Hoạt động nhập khẩu diễn ra trong môi trường đa dạng và phức tạp, chịu sự điều tiết của đồng thời nhiều nguồn luật, các đối tác tham gia có quốc tịch khác nhau, phương thức giao dịch chủ yếu là gián tiếp, hàng hoá và chứng từ liên quan phải chuyển giao trong thời gian dài và cự ly xa, sử dụng các đồng tiền khác nhau… Do đó mà hoạt động nhập khẩu chứa đựng rất nhiều rủi ro. Để hoạt
động nhập khẩu được diễn ra thuận lợi, các doanh nghiệp cần có các biện pháp tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động nhập khẩu.
1.1.4.3. Tổn thất từ các rủi ro xảy ra trong nhập khẩu thường lớn
Rủi ro trong nhập khẩu xảy ra là do các nguyên nhân phát sinh từ quan hệ giữa các bên tham gia hoặc do những nhân tố khách quan khác. Khi rủi ro xảy ra sẽ làm cho Công ty phải chịu tổn thất nặng nề, đó là không những thiệt hại về kinh tế mà con làm giảm uy tín của mình đối với các đối tác, khách hàng.
- Uy tín của Công ty bị suy giảm
Với một doanh nghiệp không được quản trị rủi ro, tình trạng rủi ro cao của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng tới các khách hàng, những nhà cung cấp và lực lượng lao động của doanh nghiệp.
Các khách hàng sẽ không muốn mua hàng hoá của những doanh nghiệp có độ rủi ro cao vì họ không biết doanh nghiệp có còn tồn tại đủ lâu dài để thực hiện các hoạt động bảo hành đối với sản phẩm bán ra, hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác. Các khách hàng sẽ thích lựa chọn hàng hoá của những doanh nghiệp có độ rủi ro thấp hơn khiến cho khoản thu từ bán hàng của các doanh nghiệp có độ rủi ro cao sẽ bị giảm sút.
Đồng thời, các nhà cung cấp cũng sẽ không muốn duy trì những mối quan hệ lâu dài với doanh nghiệp có độ rủi ro cao, thậm chí không muốn cung cấp hàng cho doanh nghiệp vì lo ngại doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán bất cứ lúc nào.
Tóm lại, tất cả các tác động nêu trên sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp không được quản trị rủi ro, do đó làm giảm giá trị uy tín của doanh nghiệp.
- Công ty phải chịu thiệt hại về kinh tế
Mục tiêu cuối cùng của mọi doanh nghiệp là phải làm tăng giá trị các khoản đầu tư của các nhà đầu tư bỏ vào doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp phải bảo tồn giá trị các khoản đầu tư đó, và hoạt động quản trị rủi ro là thực sự cần thiết đối với doanh nghiệp, các nhà quản trị rủi ro phải cân đối những chi phí bỏ ra cho quản trị rủi ro với những lợi ích thu được từ hoạt động này. Khi quản trị rủi ro góp phần làm giảm chi phí thì sẽ góp phần làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp. Có nhiều cách để quản trị rủi ro có thể giảm chi phí cho doanh nghiệp, chẳng hạn các hoạt động nhằm
ngăn ngừa rủi ro xảy ra, hay bằng việc xác định chính xác những rủi ro nào cần bảo hiểm, rủi ro nào không cần, những rủi ro nào chỉ cần di chuyển một phần, những rủi ro nào cần di chuyển toàn bộ với mức chi phí mua bảo hiểm thấp mà vẫn đảm bảo ngăn ngừa được rủi ro tốt nhất.
Khi phát sinh rủi ro, nếu doanh nghiệp giải quyết bằng biện pháp thoả thuận, đàm phán với phía bên kia (đối tác, khách hàng, người chuyên chở, hãng tàu… ) thì cũng đã thiệt hại về mặt vật chất, thời gian cho doanh nghiệp. Đây chỉ là những rủi ro kinh tế trước mắt, còn về lâu dài thì sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp. Có những trường hợp không thể giải quyết bằng biện pháp thoả thuận, doanh nghiệp phải đưa vụ án ra toà án để giải quyết, mà việc giải quyết đó phải lựa chọn luật pháp phù hợp của các nước có liên quan, điều đó không chỉ mất thời gian, tốn kém về kinh tế mà còn rất khó khăn trong việc giành lại công bằng.
Vì vậy, quản trị rủi ro giúp nâng cao hiệu quả kinh tế các hoạt động của Công ty, giúp tránh được nguy cơ phá sản.
1.1.4.4. Năng lực quản trị rủi ro tốt là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Trong thời gian qua, có những hợp đồng nhập khẩu của công ty đã bị thua lỗ do gặp phải rủi ro không đáng để xảy ra. Bởi công ty chưa thực sự chú trọng, quan tâm đến quản trị rủi ro một cách tốt nhất.
Quản trị rủi ro tốt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp nên có thể giúp cho doanh nghiệp tham gia vào những dự án kinh doanh có khả năng sinh lời cao.
Năng lực quản trị rủi ro và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có mối quan hệ tác động thúc đẩy lẫn nhau. Quản trị rủi ro cho phép doanh nghiệp có thể tính toán hậu quả của những sự việc không mong muốn. Với những thông tin có được về ảnh hưởng của rủi ro, các nhà quản lý sẽ đưa ra những đánh giá chính xác về hướng đi của doanh nghiệp mình. Ngày nay, quản trị rủi ro đã được coi trọng hơn, quản trị rủi ro là một nội dung của quản trị kinh doanh của doanh nghiệp và là yêu cầu đối với các cấp lãnh đạo, những nhà quản trị doanh nghiệp. Vì vậy, nâng cao năng lực quản trị rủi ro có ý nghĩa quan trọng đối với nâng cao hiệu quả hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
1.1.4.5. Xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa đòi hỏi phải nâng cao năng lực quản trị rủi ro
Nền kinh tế đang trong quá trình toàn cầu hoá và biến đổi sâu sắc. Thực trạng bối cảnh kinh tế thế giới trở thành một cơ may và rủi ro đối với các doanh nghiệp, nó không chỉ làm nảy sinh những khó khăn trong việc định hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn làm đảo lộn sâu sắc cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng cao hơn, do đó nguy cơ rủi ro cao hơn với những diễn biến phức tạp hơn. Các biến cố kinh tế vĩ mô như thu nhập, thất nghiệp, lạm phát… Đặc biệt là khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu làm sụp đổ các ngành kinh tế không có khả năng đứng vững trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải tăng cường quản trị rủi ro bằng cách chọn lựa các định chế phù hợp, tạo ra sự thay đổi, giảm thiểu những rủi ro trong chiến lược toàn cầu hoá.