Rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học trong môn khoa học (Trang 57 - 69)

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN CỦA RÈN LUYỆN KĨ NĂNG THIẾT

6. Kĩ năng thiết kế môi trường học tập kiến tạo

1.4. Rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học

1.4.1. Đặc điểm của sinh viên ngành Giáo dục tiểu học

1.4.1.1. Đặc điểm tâm lí của sinh viên ngành Giáo dục tiểu học

Bên cạnh những đặc điểm tâm lí lứa tuổi chung của thanh niên và đặc điểm tâm lí chung của giới sinh viên như tính ổn định của ý thức về bản thân, về quan hệ xã hội, khả năng đánh giá và tự đánh giá, sự trưởng thành của tình cảm đặc trưng giới, tư duy logic và ý chí có tính chủ động, sự phát triển cao của nhu cầu nhận thức, nhu cầu học hỏi, nhu cầu giao tiếp xã hội, nhu cầu lao động nghề nghiệp, nhu cầu tự khẳng định, tính độc lập, tính phiêu lưu mạo hiểm và ưa thử thách, ham thích khám phá và làm việc theo lối mới, nhiều

hoài bão và ước mơ trong đó có ước mơ sáng tạo và làm nên sự nghiệp, song cũng có những nét bồng bột, thiếu chín chắn, dễ sai lầm, hay tự ái, dễ nản chí, dễ thất vọng khi thất bại, dễ hoài nghi khi bị lừa dối, dễ nghĩ liều và làm liều khi bế tắc v.v… [22], [24], [46], [47] thì sinh viên sư phạm tiểu học có những đặc điểm tâm lí đặc trưng riêng.

1. Họ đang học làm nhà giáo, trong tư duy và nhận thức của các em có những đặc điểm của tư duy sư phạm, tức là tư duy khoa học nhưng giàu hình tượng và xúc cảm bởi tính chất của nghề sư phạm tác động đến. Các em học tập và sống trong môi trường sư phạm, giao lưu với các nhà giáo và học sinh khi thực tập, thực hành, kiến tập ở trường tiểu học nên xung quanh các em là các quan hệ thầy – trò nên tư duy giáo dục giữ vị trí quan trọng ở các em.

Trong tư duy và nhận thức của sinh viên sư phạm tiểu học còn có đặc điểm nổi bật là sự phát triển cao của tư duy và nhận thức ngôn ngữ vì trong đào tạo và sau này trong nghề các em sử dụng ngôn ngữ và duy ngôn ngữ hàng ngày.

2. Tình cảm nghề nghiệp của sinh viên sư phạm tiểu học tương đối ổn định do thế giới trẻ em mang lại. Các em căn bản yêu trẻ và yêu kiểu lao động của nghề cũng như vẻ đẹp của nghề giáo nên tình cảm của các em phát triển tương đối nhiều mặt: tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức, tình cảm thẩm mĩ.

Những nét đó là trội so với tình cảm của sinh viên các ngành khác. Khi một sinh viên sư phạm suy nghĩ thì hầu như không có tính lí trí thuần túy, mà thế nào cũng có xúc cảm đạo đức, xúc cảm thẩm mĩ len vào.

3. Nhu cầu của sinh viên sư phạm tiểu học mang tính xã hội cao và nhu cầu bậc cao chi phối các em. Bởi vì nghề dạy học sau này các em làm là loại nghề có tính xã hội hóa cao độ. Nếu nói thuần túy tinh thần thì nghề của các em là làm việc vì người khác, vì xã hội. Trên thực tế không hẳn đúng như vậy, song rõ ràng nghề giáo là nghề lo cho nhiều người. Cho nên, thế giới nhu cầu của sinh viên sư phạm bao hàm rất nhiều nhu cầu xã hội như giao tiếp xã

hội, tri giác xã hội, hoạt động xã hội, quan hệ xã hội, vị thế xã hội v.v… và đặc biệt là thái độ quan tâm đến trẻ em, gia đình và nhà trường. Do sự chi phối mạnh mẽ của nhu cầu nghề nghiệp và nhu cầu xã hội phát triển cao nên hứng thú của sinh viên sư phạm tiểu học cũng tập trung vào tính chất và nội dung nghề nghiệp, ví dụ như rèn luyện tay nghề, trẻ em, gia đình và nhà trường, những sự kiện trong nghề giáo.

4. Ý chí và nghị lực của các em chủ yếu do mức độ định hướng nghề nghiệp và thích ứng nghề chi phối. Nét tâm lí này không đồng đều trong sinh viên. Ở đa số sinh viên vấn đề này là ổn nếu các em chọn nghề tự giác, thích ứng nghề tốt và có nhiều hoài bão nghề nghiệp trong sáng. Ở một số ít sinh viên vấn đề này không ổn nếu các em thích ứng nghề không tốt, chọn nghề không tự giác, học tập và rèn luyện ít thành công, tình cảm nghề nghiệp giảm sút, thái độ nghề nghiệp lãnh đạm hoặc lệch lạc.

5. Tâm vận động của nghề dạy học về nguyên tắc là phát triển tốt vì lao động của nghề là hỗn hợp cả trí óc và thể chất. Dạy học không chỉ là lao động trí óc nhưng cũng không chỉ là lao động chân tay, mà là cả hai và cả hai dạng lao động này luôn gắn liền với nhau trong các kĩ năng sư phạm. Đặc điểm này ảnh hưởng tốt đến khả năng và kĩ năng tâm vận động của sinh viên. Gọi là “kĩ sư tâm hồn” song kĩ sư này cũng luôn phải động tay động chân và vận động thể chất nói chung không kém gì công nhân hay nghệ sĩ trình diễn sân khấu hoặc điện ảnh, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục tiểu học vì người học còn là trẻ em từ 6 – 10 tuổi.

6. Đặc điểm chú ý, trí nhớ và tri giác của sinh viên đương nhiên là hoàn thiện, đạt đến độ chín. Các em phát triển khả năng phân phối và tập trung chú ý vì ngày ngày phải sử dụng chú ý để học tập và thực hiện những nhiệm vụ khác của trường, của lớp, làm những việc khác trong sinh hoạt cá nhân. Trí nhớ và tri giác logic và có chủ định phát triển cao do yêu cầu của hoạt động học tập thường xuyên. Các em sử dụng ghi nhớ có ý nghĩa là chủ yếu và hàm

lượng kinh nghiệm trong hình ảnh tri giác đã phong phú. Vì vậy, sinh viên có khả năng quan sát tốt nếu được huấn luyện đúng.

1.4.2.2. Đặc điểm học tập của sinh viên ngành Giáo dục tiểu học

1. Sinh viên sư phạm tiểu học là người học có kinh nghiệm học tập, có thói quen học tập có hệ thống và đa số có kĩ năng học tập cơ bản như đọc tài liệu, tìm và khai thác thông tin ở thư viện hay trên mạng, biết học hỏi qua chia sẻ ở nhóm bạn hoặc trên diễn đàn, hội thảo, hội nghị… Tuy nhiên, ở một số ít sinh viên những kĩ năng đó chưa tốt, một phần do phương thức đào tạo còn ít tập trung vào kĩ năng, một phần do các em này chưa chủ động học hỏi và rèn luyện. Một số em chưa thích ứng với cách học ở đại học mà vẫn học tập theo lối học sinh phổ thông nên phụ thuộc giáo trình, sách vở và thầy cô nhiều.

2. Tuy là người học nhưng sinh viên là người học trưởng thành nên kinh nghiệm sống đã đầy đủ và ít nhiều những tiền lệ trong kinh nghiệm sống cũng ảnh hưởng đến học tập. Chẳng hạn, nhiều em luôn tin rằng giáo trình và sách luôn đúng mặc dù niềm tin đó không có cơ sở thuyết phục. Các em không nghĩ rằng sách và giáo trình do người viết ra, do người duyệt nên chúng không phải luôn luôn đúng. Những em này ít tìm tòi suy nghĩ và tham cứu các ấn phẩm khoa học khác ngoài giáo trình và sách do thầy cô giao. Đặc biệt hầu như rất ít sinh viên sư phạm đọc và phân tích các tạp chí khoa học.

Đó là những biểu hiện ban đầu của tính bảo thủ, trì trệ trong học tập.

3. Khả năng đáp ứng các chiến lược học tập hiện đại của sinh viên sư phạm tiểu học nhìn chung là thấp. Các em thiếu những kĩ năng học hợp tác, học tập theo dự án, học tập dựa vào vấn đề, học tập dựa vào nghiên cứu trường hợp, học tập kiến tạo v.v… Phần nào nhược điểm này do phương thức đào tạo giáo viên chưa tạo điều kiện để sinh viên học như vậy. Phần khác do chính các em thụ động và chỉ thích học theo thói quen cũ. Hiện nay, cách học của sinh viên căn bản vẫn là nghe, ghi chép, đọc sách, nhớ, hiểu và nhớ lại khi

thi nên chỉ có một số ít đạt được trình độ áp dụng và tư duy phê phán, còn lại học mà không biết làm, học mà không thực sự biết đúng hay sai, chỉ cần đúng giáo trình là được.

4. Phong cách học tập của sinh viên sư phạm tiểu học nói chung chưa phong phú, chưa sinh động. Đa số các em học giống nhau và giống nhau ở kiểu nghe, ghi chép, đọc sách, nhớ, hiểu và nhớ lại khi thi. Nhiều em chưa tạo được cho mình phong cách học tập hiệu quả nhất đối với mình, chưa tận dụng được sở trường và thế mạnh của mình trong học tập mà vẫn học theo xu thế chung, giống như mọi người. Hễ giống như mọi người là yên tâm rồi mà không biết rằng mình có những điểm mạnh riêng hay điểm yếu riêng nên cần phải chọn cách học thích hợp nhất với mình để đạt hiệu quả cao nhất.

5. Thái độ học tập của sinh viên sư phạm tiểu học nói chung là tốt và tích cực. Đa số các em trân trọng việc học, trường lớp và thầy cô, tin tưởng vào tương lai nghề nghiệp. Các em nghiêm túc trong học tập, kiểm tra và thi, tuân thủ kỉ luật học tập và nội qui của trường lớp, hăng hái tham gia các hoạt động của Đoàn TNCS và các phong trào xã hội của trường, kể cả những phong trào văn hóa, văn nghệ, hỗ trợ mùa thi, hoạt động nhân đạo v.v… Đó là những ưu điểm rất nổi bật của sinh viên sư phạm. Nhưng nói riêng về học tập, đặc biệt trong các hệ tại chức, liên thông thì kỉ luật học tập chưa mang tính tự giác cao, chủ yếu là do qui chế bắt buộc các em chấp hành.

1.4.2. Nguyên tắc rèn luyện

1.4.2.1. Đảm bảo rèn luyện qua thực hành

Học kĩ năng trên nguyên tắc thì phải học qua làm, qua hành động của chính cá nhân, không thể chỉ bằng nghe giảng, đọc sách và hiểu lí thuyết.

Nguyên tắc này đổi hỏi nhà giáo và sinh viên phải tổ chức thực hành qua các môn học, đặc biệt là các môn NVSP, hoạt động thực tập, kiến tập sư phạm và rèn luyện NVSP thường xuyên.

1.4.2.2. Đảm bảo rèn luyện qua các hoạt động ứng dụng tri thức về học tập kiến tạo khi thực hành, thực tập giảng dạy

Nguyên tắc này nhắc nhở sinh viên cần tranh thủ rèn luyện kĩ năng TKBHKT trong mọi lúc, mọi nơi khi tham gia các hoạt động kiến tập, thực tập, thực hành giảng dạy, không chỉ khi học NVSP. Các em cần lưu ý vấn đề rèn luyện kĩ năng này khi học mọi môn học, quan sát giảng viên dạy như thế nào để học hỏi và cũng để rút kinh nghiệm cho mình. Khi đã có nhận thức lí luận về HTKT, sinh viên có thể quan sát, nhận xét, phê phán bài giảng của giảng viên, tự mình ứng dụng lí luận đó để thử thách xem mình sẽ làm như thế nào trong trường hợp này, trong trường hợp khác.

1.4.2.3. Đảm bảo rèn luyện đúng các nguyên tắc và qui tắc cơ bản của bài học kiến tạo

Các nguyên tắc và qui tắc cơ bản của BHKT là những điều kiện tiên quyết để sản phẩm TKBH đúng kĩ thuật và có chất lượng tốt. Nếu có làm ra sản phẩm mà kết quả hành động không đáp ứng chuẩn hay yêu cầu đề ra thì chưa gọi là có kĩ năng. Vì thế, khi rèn luyện kĩ năng TKBHKT sinh viên phải luôn lưu ý những nguyên tắc và qui tắc cơ bản của bài học kiến tạo. Khi thực hành TKBH phải quan tâm đến sản phẩm thiết kế của mình có đúng với những nguyên tắc và qui tắc đó hay không. Từ đó, có căn cứ để xem xét lại kĩ năng của mình để bổ sung, điều chỉnh.

1.4.2.4. Đảm bảo rèn luyện đúng nội dung và cấu trúc của kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo

Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, đòi hỏi sinh viên phải học được và rèn luyện đủ 6 kĩ năng thành phần và 17 thao tác cơ bản của kĩ năng thiết kế BHKT. Nếu thiếu bất cứ phần nào thì coi như chưa học được kĩ năng này.

Theo nguyên tắc này sinh viên cần rèn luyện dần dần từng phần, từng thao tác và kĩ năng thành phần rồi tiến tới thực hành thiết kế tổng thể một BHKT và

phát triển sang một số bài học khác. Sau nhiều lần luyện tập như vậy các thành phần của kĩ năng tích hợp lại và trở thành kĩ năng toàn vẹn, một thuộc tính chủ động của cá nhân.

1.4.3. Nội dung rèn luyện

1.4.3.1. Học tập lí luận về bài học kiến tạo và kĩ năng thiết kế BHKT Điều trước hết phải làm khi học kĩ năng là phải nghiên cứu lí luận về chính kĩ năng đó và lí thuyết về công việc mình phải làm. Công việc phải làm ở đây chính là thiết kế BHKT, còn kĩ năng ở đây chính là kĩ năng TKBH đó.

Nội dung lí luận mà sinh viên phải nghiên cứu trước khi học kĩ năng TKBHKT bao gồm:

- Lí thuyết kiến tạo trong dạy học - Lí thuyết bài học ở tiểu học - Lí thuyết bài học kiến tạo

- Lí thuyết phương pháp dạy học theo triết lí kiến tạo - Lí thuyết thiết kế dạy học và thiết kế bài học

- Lí thuyết về chính kĩ năng thiết kế BHKT

1.4.3.2. Phân tích chương trình môn Khoa học ở tiểu học để xác định khả năng áp dụng bài học kiến tạo

Khi rèn luyện kĩ năng TKBHKT sinh viên phải thực hiện trên vật liệu cụ thể là môn Khoa học ở tiểu học. Vì thế, các em phải phân tích chương trình Khoa học, luyện tập kĩ năng phân tích nội dung học tập và kĩ năng tổ chức nội dung sao cho thích hợp với BHKT. Trải nghiệm những hành động này các em sẽ phát hiện được chủ đề nào thích hợp, chủ đề nào không thích hợp, những hình thức học tập nào có thể thiết kế thành BHKT.

1.4.3.3. Học và luyện tập kĩ năng thiết kế BHKT qua hoạt động thực hành thiết kế bài học

Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong rèn luyện kĩ năng và đó là nội dung

không thể thiếu. Không thể học được kĩ năng chỉ qua học lí thuyết sách vở mà phải làm thực sự. Sinh viên phải biết tranh thủ thời gian học thực hành của các môn học (Tiếng Việt, Văn, Lí, Hóa, Sinh, Công nghệ thông tin, Toán, v.v…) để rèn luyện kĩ năng TKBHKT bởi sau này chính các em sẽ phải dạy các môn đó. Phải tự hỏi và tự giải đáp nếu mình dạy Toán hay Lí như bài hôm nay theo lí thuyết kiến tạo thì phải TKBH này thế nào.

1.4.3.4. Khuyến khích nhu cầu và thái độ tích cực đối với học tập kiến tạo hàng ngày

Đây là nội dung mà nhà trường, khoa, bộ môn và giảng viên phải thực hiện. Cần phải khuyến khích nhu cầu và thái độ tích cực đối với học tập kiến tạo và dạy học theo lí thuyết kiến tạo trong sinh hoạt chuyên môn, trong quá trình giảng dạy môn học của mỗi giảng viên, trong thiết kế dạy học và TKBH, trong đánh giá giảng dạy và học tập, đặc biệt là đánh giá quá trình học tập của sinh viên và sản phẩm TKBH của giảng viên. Cần truyền thông rộng rãi trong nhà trường đại học về HTKT và các chiến lược, phương pháp dạy học đáp ứng HTKT.

1.4.4. Những con đường và hình thức rèn luyện

1.4.4.1. Rèn luyện qua các môn học thuộc nội dung đào tạo NVSP

Những môn này là một trong những thế mạnh khi rèn luyện kĩ năng dạy học nói chung và kĩ năng TKBHKT nói riêng vì có nhiều điều kiện nghiên cứu lí thuyết, thực hành kĩ năng một cách trực tiếp. Nội dung các môn học và hoạt động này trực tiếp gắn liền với giáo dục, dạy học, học tập và trẻ em. Do đó, sử dụng chúng để hỗ trợ sinh viên rèn luyện các kĩ năng nghề nghiệp, trong đó có kĩ năng thiết kế bài học là hình thức rất có hiệu quả. Các môn này tạo thuận lợi để sinh viên nghiên cứu lí luận và thực hành áp dụng các kĩ năng dạy học theo lí luận đã học.

1.4.4.2. Rèn luyện qua hoạt động thực hành và thực tập sư phạm

Đây là hình thức rèn luyện chủ đạo và có ảnh hưởng lớn nhất. Khi phải thực hành soạn giảng và thực tập giảng dạy trên lớp, sinh viên cần cố gắng thực hành thiết kế bài học kiến tạo, qua đó rèn luyện kĩ năng TKBHKT một cách thiết thực nhất. Vì đây là dịp trực tiếp lên lớp nên các em có dịp hiểu rõ hơn lí thuyết và kĩ năng trên cơ sở những sự kiện và bằng chứng thực tế chứ không chỉ qua suy luận, phán đoán nữa. Trong thực hành, thực tập sư phạm sinh viên cũng có cơ hội lớn để chia sẻ kinh nghiệm với các nhà giáo thực thụ, với các bạn học nên điều kiện học và luyện tập kĩ năng càng thuận lợi.

1.4.4.3. Rèn luyện qua nghiên cứu sản phẩm thiết kế của giảng viên

Nếu để ý và chịu khó học hỏi thì sinh viên có thể rèn luyện qua xem xét kinh nghiệm của các thầy cô của mình qua các bài giảng của họ. Quan sát và phân tích các thiết kế của giảng viên để học hỏi những cái hay cái đúng và tránh những cái sai, những cái chưa hay. Các giảng viên đều là bậc thầy của mình nên chắc chắn sinh viên sẽ học hỏi được nhiều điều tốt, đặc biệt khi biết cách trực tiếp trao đổi ý kiến, chia sẻ quan điểm và cách làm với họ.

1.4.4.4. Rèn luyện qua hoạt động tự học và nghiên cứu

Đây cũng là con đường có ý nghĩa quyết định. Nếu không tự giác và chủ động luyện tập thì không bao giờ có kĩ năng cho dù trường lớp và thầy cô dạy tốt như thế nào. Cần thường xuyên nghiên cứu lí luận về học tập kiến tạo, thử áp dụng vào học tập của mình, thử áp dụng vào thiết kế bài học cho học sinh tiểu học để học dần các kĩ năng trong thiết kế BHKT. Đó cũng là con đường kiểm nghiệm những gì đã học trên lớp, khi đi thực tập sư phạm, khi chia sẻ với bạn học.

1.4.5. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo ở trường sư phạm

1.4.5.1. Nội dung và phương pháp dạy học trong đào tạo NVSP

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học trong môn khoa học (Trang 57 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(218 trang)