Một số khái niệm

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học trong môn khoa học (Trang 182 - 185)

Khái niệm “Kĩ năng” trong phạm vi chuyên đề này được hiểu như sau:

Kĩ năng là một dạng hành động biểu thị năng lực cá nhân tương ứng với yêu cầu thực hiện thành công một nhiệm vụ thực tế, có sự kiểm soát của ý thức, có kĩ thuật tiến hành và dựa vào những điều kiện sinh học, tâm lí và xã hội của cá nhân trong những hoàn cảnh nhất định để đạt được kết quả nào đó đã qui định trước.

Như vậy kĩ năng là một dạng hành động thực tế, là cái có thật chứ không phải khả năng thực hiện hành động, không phải chỉ là thuộc tính tâm lí cá nhân, không phải kĩ thuật hành động và cũng không phải là hành động ứng dụng tri thức.

Bởi vì mỗi thứ kể trên chỉ phản ánh một tính chất hay thuộc tính riêng lẻ của kĩ năng chứ chưa phải là kĩ năng.

1.2. Bài học

Bài học thường được hiểu một cách truyền thống là hình thức tổ chức dạy học, thậm chí là bài lên lớp bên cạnh những hình thức khác như tham quan, thực

hành, seminar, câu lạc bộ v.v… Ở đây ta thừa nhận và sử dụng khái niệm bài học như một đơn vị nội dung để tổ chức dạy học, trong đó khái niệm hoặc kĩ năng hoặc giá trị trung tâm nào đó làm cơ sở. Mỗi bài tương ứng với một khái niệm, một kĩ năng hay một giá trị nhất định. Như vậy, có thể xác định khái niệm bài học như sau:

Bài học là đơn vị nội dung cơ bản được sử dụng để tổ chức dạy học trong môn học nhất định mà cơ sở của nó là một khái niệm, kĩ năng hay giá trị tương đối độc lập được tách ra từ toàn bộ nội dung học tập, nhờ hệ thống bài học được tổ chức theo cách nhất định mà tạo nên nội dung và quá trình dạy học của môn học.

Theo quan niệm này, bất cứ trên lớp hay ngoài lớp đều có bài học và các hình thức của bài học tương đối phong phú. Học trình dùng bài học làm đơn vị tổ chức nội dung học tập là kiểu học trình truyền thống và đến nay vẫn rất thông dụng trong nhà trường phổ thông.

1.3. Thiết kế bài học

Theo quan điểm của Đặng Thành Hưng, ngày nay bất cứ nghề nào cũng đòi hỏi thiết kế trước khi làm việc. Thiết kế bao gồm cả cách thức (làm thế nào cho hiệu quả) và sản phẩm (sản lượng và chất lượng ra sao). Văn hóa thiết kế là nét tiêu biểu cho tính chuyên nghiệp của lao động. Nghề nhà giáo là nghề nghiêm túc và phức tạp nên càng cần phải thiết kế trước khi dạy học. Thiết kế dạy học có chức năng định hướng cụ thể cho tiến trình dạy học, giúp nhà giáo dự kiến được người học phải làm những gì và làm như thế nào thì học được điều mà họ cần học, và nhà giáo phải làm những gì, làm như thế nào để giúp người học thực hiện thành công những việc của họ. Khi thiết kế dạy học ở một đơn vị cụ thể của học trình là bài học thì ta gọi đó là thiết kế bài học. Nói cách khác, thiết kế bài học chính là thiết kế dạy học tại một đơn vị của dạy học.

Như vậy khái niệm thiết kế bài học theo nghĩa sau:

Thiết kế bài học là tổ hợp các hoạt động chuẩn bị cho dạy học tại một bài học như là đon vị của quá trình dạy học, bao gồm việc nghiên cứu người học, phân tích nội dung và các hoạt động học tập, dự kiến các hoạt động của người dạy, tính toán, lựa chọn những phương pháp và phương tiện dạy học, phương án tổ chức môi trường và các hoạt động chỉ đạo, giám sát, đánh, khuyến khích học tập v.v… tạo nên một phương án dạy học bài đó nhất quán, toàn vẹn.

Quá trình thiết kế bài học buộc nhà giáo phải xem xét lại kinh nghiệm của mình, phải phân tích nội dung học tập vừa tổng thể vừa chi tiết, phải đánh giá lớp học và người học của mình, phải hình dung và tổ chức trước những hoạt động tối thiểu, cần thiết mà người học phải thực hiện để lĩnh hội tốt nội dung đó, phải cân nhắc ý tưởng, phương pháp và kĩ năng dạy học của mình sao cho phù hợp, phải biết trước mình nên thiết lập môi trường học tập thế nào thì thuận lợi, và tất nhiên còn phải thường xuyên học tập, tìm tòi cách ứng dụng khoa học-kĩ thuật vào dạy học, phát triển nhu cầu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. Vì vậy có thể nói thiết kế là kiểu hoạt động sáng tạo vì nó dự kiến được cách làm với ý đồ chủ quan của nhà thiết kế.

Thiết kế bài học thì không phải viết cái giáo án. Một thứ là hàng loạt hoạt động trí tuệ có cơ sở khoa học và nền tảng kinh nghiệm của nhà giáo. Còn thứ kia là

cái văn bản ghi lại kết quả thiết kế thôi. Giáo án là công cụ ghi nhớ thay cho trí nhớ của người dạy và hầu như nó chỉ giúp người ta khỏi quên kết quả của những gì mình đã định làm. Sản phẩm của thiết kế thường được thể hiện thành văn bản, đó là giáo án trong dạy học, là bản vẽ cái nhà trong xây dựng, là bản vẽ kĩ thuật trong công nghiệp v.v…

Văn bản đó có thể được viết hay vẽ tùy tiện nếu quả thực không có quá trình thiết kế. Khi đó nó định hướng sai lầm trong công việc. Một giáo án đúng nghĩa phải là sản phẩm của quá trình thiết kế, kết quả của hoạt động thiết kế bài học. Cho nên không thể lầm lẫn hai thứ này và không thể đem giáo án thay cho thiết kế bài học.

1.4. Học tập kiến tạo

Theo những nguyên tắc và đặc điểm của học tập kiến tạo đã được khái quát ở phần tổng quan, có thể định nghĩa khái niệm học tập kiến tạo như sau:

Học tập kiến tạo là kiểu hay chiến lược học tập chủ động, mang tính chất tìm tòi, phát hiện và giải quyết vấn đề học tập hoặc tích lũy và phát triển giá trị, trong đó nội dung học tập không được cho sẵn như những kết luận đã có từ trước mà là cái mà người học phải nỗ lực tìm kiếm, tiếp nhận, xử lí, đánh giá và sáng tạo để phát triển chính năng lực nền tảng của mình và đạt kết quả học tập do những nỗ lực của mình.

Khi nhìn từ góc độ người dạy, thì học tập kiến tạo chính là chiến lược học tập tích cực, được thúc đẩy bởi nhu cầu và động cơ bên trong người học, được thực hiện bằng chính kinh nghiệm, giá trị, hoạt động và những nỗ lực của bản thân người học.

1.5. Bài học kiến tạo

Bài học kiến tạo đương nhiên là bài học. Tuy nhiên khi bài học được thiết kế và thực hiện theo lí thuyết kiến tạo thì bài học có những đặc trưng khác biệt và có thể định nghĩa khái niệm này như sau:

Bài học kiến tạo là kiểu bài học được thiết kế và tiến hành theo những nguyên tắc và bản chất của học tập kiến tạo, trong đó những hoạt động giảng dạy và học tập đảm bảo được môi trường học tập mang tính chủ động, quá trình học được định hướng theo chiến lược kiến tạo và quá trình dạy có chức năng khuyến khích, chỉ dẫn và tập trung vào người học.

Nói cách khác, bài học kiến tạo là kiểu bài học có chức năng tích cực hóa người học và quá trình học tập, định hướng người học vào hoạt động tìm tòi, suy ngẫm, chủ động khai thác, tiếp nhận, đánh giá thông tin và xử lí các sự kiện, tình huống, tự giác với quá trình học tập của mình. Bài học kiến tạo đồng nghĩa với bài học tích cực hóa người học và tích cực hóa bằng con đường khuyến khích người học nỗ lực tìm tòi bằng chính hoạt động của mình.

1.6. Kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo

Kĩ năng TKBHKT trước hết là kĩ năng, và đó là kĩ năng nghề nghiệp của nhà giáo, một trong những kĩ năng dạy học. Vì vậy kĩ năng TKBHKT mang đủ những tính chất và đặc điểm của kĩ năng nói chung nhưng chúng liên quan đến dạy học và bài học.

Như vậy, kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo được hiểu là một dạng hành động nghề nghiệp tự giác của nhà giáo, dựa vào tri thức khoa học của mình về bài học kiến tạo, về môn học và kĩ năng dạy học, dựa vào những điều kiện sinh học, tâm lí và xã hội cá nhân có liên quan đến dạy học theo chiến lược kiến tạo, được tiến hành có kĩ thuật và có kết quả theo yêu cầu đã định của dạy học bài học đó.

Kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo là một trong số những kĩ năng dạy học, thuộc giai đoạn chuẩn bị lên lớp. Do bài học là một đơn vị cơ bản của dạy học nên kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo cũng là kĩ năng thiết kế dạy học theo lí thuyết kiến tạo. Thiết kế dạy học thực chất là thiết kế nhiều bài học và có tính hệ thống.

Một phần của tài liệu Rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học trong môn khoa học (Trang 182 - 185)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(218 trang)