CHƯƠNG 3 BIỆN PHÁP RÈN LUYỆN KĨ NĂNG THIẾT KẾ BÀI HỌC
3. Phương pháp và các hoạt động học tập
Sinh viên đọc tài liệu nhưng không đơn giản chỉ đọc mà phải làm tóm tắt với yêu cầu cụ thể là: 1/ Khái quát được bản chất vấn đề. 2/ Trình bày tóm tắt bằng ngôn ngữ của mình, 3/ Dung lượng tóm tắt không vượt quá 10% văn bản toàn văn của tài liệu. Để tóm tắt được tài liệu sinh viên phải nghiên cứu sâu sắc, hiểu và giải thích được những yếu tố cốt lõi trong nội dung chuyên đề.
3.1.2. Nghiên cứu và thảo luận về từng vấn đề trong chuyên đề
Việc nghiên cứu chuyên đề được thực hiện dưới hình thức nhóm. Mỗi nhóm nghiên cứu sâu một vấn đề nhưng không chỉ dựa vào tài liệu chuyên đề mà phải bổ sung tư liệu khoa học do mình tìm kiếm và tiếp nhận, xử lí. Hình thức thông thường là làm báo cáo tổng quan. Hình thức cao hơn là kèm theo tổng quan phải có nhận xét, bình luận. Báo cáo sẽ được trình bày và thảo luận trong các dịp semina hoặc tổ chức học nhóm trong quĩ thời gian tự học của sinh viên.
3.2. Giao và thực hiện các bài tập lí thuyết
- Giảng viên hoặc bộ môn, khoa tổ chức học chuyên đề dưới hình thức giao và làm bài tập nhóm cho sinh viên. Nội dung bài tập là phát triển những luận điểm, nguyên tắc, qui tắc, đặc điểm, đặc trưng v.v… của lí thuyết kiến tạo, của bài học kiến tạo, của phương pháp dạy học theo lí thuyết kiến tạo, của dạy học khoa học ở tiểu học v.v… thành những tiểu luận khoa học, có minh họa bằng những sự kiện thực tế trong dạy học khoa học.
- Đây là hoạt động có yêu cầu rất cao đối với sinh viên nếu các em không nghiên cứu nghiêm túc và hoàn thành tốt những hoạt động trước đó. Cũng rất khó khăn với những sinh viên không chịu khó quan sát giờ học, phân tích chính những giờ mình học ở trường, tìm kiếm và tham khảo các nguồn tư liệu bên ngoài chuyên đề và giáo trình, đặc biệt là các bài báo và chuyên khảo.
- Các chủ đề bài tập như vậy rất nhiều, ví dụ:
+ Bản chất của học tập kiến tạo trong dạy học khoa học ở tiểu học + Những đặc trưng của môi trường học tập kiến tạo
+ Cấu trúc của bài học kiến tạo môn Khoa học
+ Những nguyên tắc của bài học kiến tạo môn Khoa học + Phương pháp dạy học theo lí thuyết kiến tạo ở tiểu học
+ Phương pháp dạy học hiện đại trong giáo dục khoa học ở tiểu học + Những xu thế hiện đại trong giáo dục khoa học ở tiểu học
+ Lí thuyết bài học hiện đại
+ Những mô hình học tập kiến tạo trong môn Khoa học v.v…
Việc nghiên cứu theo chuyên đề được tổng kết vào những dịp tổ chức hội nghị học tập hoặc hoạt động của Đoàn TMCSHCM của Trường, của Khoa.
3.2.2.2. Hướng dẫn SV đọc và phân tích các sản phẩm mẫu thiết kế bài học kiến tạo qua hoạt động độc lập và thảo luận
Những hoạt động này được thực hiện trong các môn NVSP và trong dịp kiến tập, thực tập, trong quĩ thời gian học thực hành. Giảng viên hỗ trợ sinh viên thực hiện một số hoạt động sau:
- Tìm kiếm và sưu tập các giáo án hay thiết kế bài học của mọi người, từ các nơi khác nhau và từ mạng internet về dạy học Khoa học ở tiểu học. Trong quá trình tìm kiếm và sưu tập, ít nhiều sinh viên đã tiếp xúc với kinh nghiệm đa dạng của các nhà giáo hay các chuyên gia vì các em phải đọc lướt qua và phần nào nhận ra ý tưởng của những thiết kế mà mình sẽ chọn làm tư liệu.
Đây cũng là hoạt động giúp sinh viên rèn luyện kĩ năng học tập kiến tạo một cách thiết thực và bằng trải nghiệm của chính mình. Qua đó sinh viên càng hiểu sâu sắc lí luận và những con đường ứng dụng nó vào thực tiễn học tập và dạy học. Khi đã trải qua học tập kiến tạo sinh viên càng biết rõ ràng cách rèn luyện các kĩ năng dạy học theo triết lí kiến tạo.
- Phân tích và hệ thống hóa các tư liệu đã sưu tập theo chuyên đề hay vấn đề, hoặc theo bài học Khoa học. Quá trình này giúp sinh viên nhận diện thiết kế nào là bài học kiến tạo và thiết kế nào không phải bài học kiến tạo. Nó cũng giúp sinh viên tập trung được các thiết kế khác nhau của bài học kiến tạo trên tài liệu một bài hoặc nhiều bài khác nhau của môn Khoa học.
Tất cả những tác động đó đều ảnh hưởng tích cực đến nhận thức lí luận của các em, thậm chí tác động đến những kĩ năng tư duy phê phán, tư duy phân kì cũng như kĩ năng quan sát khoa học của sinh viên. Chúng cũng tác động đến quá
trình hình thành và phát triển kĩ năng thiết kế BHKT và tác động đó có tính thuyết phục cao hơn khi đọc và nghiên cứu riêng chuyên đề lí luận.
- Hướng dẫn sinh viên đọc, phân tích và nghiên cứu kĩ lưỡng những thiết kế thuộc nhóm các bài học kiến tạo. Quá trình nghiên cứu này được chỉ đạo bởi những đặc trưng, nguyên tắc, qui tắc của bài học kiến tạo và của môi trường học tập kiến tạo. Đó thực chất là nghiên cứu để đánh giá thẩm định chất lượng của những thiết kế này dựa theo những tiêu chí lí thuyết nêu trên.
Quá trình thẩm định giúp sinh viên ở tư cách chuyên gia mà bàn luận về bài học kiến tạo và thiết kế bài học kiến tạo một cách sinh động. Điều đó phát triển lí trí khoa học rất mạnh mẽ. Các em rà soát từng bản thiết kế, căn cứ vào những tiêu chí của bài học kiến tạo mà phân tích, nhận xét, phê phán hoặc biểu thị ý tưởng, quan điểm, kinh nghiệm và cảm nhận của mình.
Những hành động này trực tiếp giúp các em ôn luyện và củng cố nhận thức lí luận, được gợi mở về kĩ thuật và kĩ năng thiết kế BHKT, có điều kiện phán đoán về kĩ năng của tác giả bản thiết kế. Chúng cũng tạo ra cơ hội để sinh viên chia sẻ, học hỏi lẫn nhau qua những nhận xét, bình luận và ý kiến đánh giá.
- Kết quả của quá trình thẩm định ngoài những tác động tích cực đến nhận thức lí luận của sinh viên còn giúp chọn lọc ra được những thiết kế tốt nhất, đáp ứng đầy đủ nhất các tiêu chí và nguyên tắc của bài học kiến tạo môn Khoa học.
Giảng viên hoặc cán sự lớp định hướng sinh viên vào những hình mẫu này để phân tích sâu hơn, chi tiết hơn, nhưng khái quát hơn và ở tầm lí luận cao hơn.
Những thiết kế mẫu đó được xem như bằng chứng thực tế của bài học kiến tạo qua khối óc và bàn tay của các nhà giáo và các chuyên gia. Chúng sẽ được sinh viên xem là tài liệu đối chứng với những trải nghiệm của các em khi nghiên cứu chuyên đề, khi thực hành thiết kế bài học kiến tạo hoặc khi thực tập giảng dạy trong quá trình rèn luyện NVSP, và ngay cả khi chính các em học tập ở trường sư phạm trong các môn học khác. Điều này giúp phát triển tình cảm và thái độ nghề
nghiệp tích cực, khiến sinh viên gắn bó hơn với nhiệm vụ rèn luyện kĩ năng TKBHKT.
- Sau khi phân tích dưới hình thức hợp tác nhóm, nhiều bài học lí luận và thực tiễn sẽ đọng lại ở từng sinh viên. Đó lại là yếu tố khuyến khích các em tiếp tục độc lập suy nghĩ, giải thích, phân tích… để phát triển nhận thức của mình phong phú và sâu sắc thêm. Đây là một giai đoạn nghiên cứu độc lập của từng cá nhân sinh viên nhưng được phát động từ những cuộc đối thoại nhóm, được kích hoạt từ nhiều luồng tư tưởng và từ nhiều nền văn hóa khác nhau của nhiều cá nhân cho nên việc nghiên cứu độc lập này mang tính xã hội sâu sắc, có ảnh hưởng lớn đến quá trình xử lí bên trong nội tâm của mỗi người.
Những cuộc đối thoại nội tâm được chuyển từ bên ngoài vào cá nhân về bản chất là những tương tác ở trình độ cao nhất, hiệu quả nhất mà giáo dục muốn đạt được. Đó chính là quá trình tự giáo dục của con người. Chỉ có các quá trình tự giáo dục mới mang lại hiệu quả về giáo dục giá trị, tức là hình thành niềm tin, tính cảm, thái độ, kĩ năng sống, định hướng nghề nghiệp, khả năng thích ứng nghề, sự thoả mãn nghề nghiệp, và cao hơn nữa là lí tưởng nghề nghiệp, hoài bão và khát vọng nghề nghiệp.
- Khi hướng dẫn hoặc tham gia cùng sinh viên phân tích các sản phẩm thiết kế bài học được thu thập từ nhiều nguồn, giảng viên hoặc cố vấn học tập cần tổ chức lưu giữ những tư liệu này cùng với những biên bản thảo luận nhóm, những tài liệu khác phản ánh tiến trình nghiên cứu để làm học liệu cho lớp sinh viên sau.
Trong tư liệu này có nhiều gợi ý bổ ích cho các đề tài khóa luận tốt nghiệp hoặc những nguồn tham khảo cho sinh viên khi các em cần đến.
3.2.2.3. Tổ chức thực hành nghiên cứu các đề tài mini
Trên cơ sở kết quả của những hoạt động rèn luyện trên, giảng viên hoặc bộ môn phát triển hệ thống các đề tài nghiên cứu nhỏ, có tính chất tập sự nghiên cứu nhưng hoàn toàn tuân theo qui trình nghiên cứu khoa học-công nghệ. Những đề
tài này khuyến khích các em tìm tòi tri thức ngoài giáo trình, ngoài tư liệu có sẵn đã sưu tập được, và tìm cả những mẫu kĩ năng dạy học được mô tả ở các nguồn sách báo khác nhau, đặc biệt ở trên các mạng giáo dục. Đây cũng là biện pháp rèn luyện kĩ năng học tập kiến tạo theo chiến lược tìm tòi - nghiên cứu.
Hệ thống đề tài nhỏ nhằm rèn luyện kĩ năng TKBHKT có thể độc lập, có thể nằm trong những đề tài nghiên cứu chính thức của khoa hay bộ môn. Nó cũng được xem là hình thức tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên.
3.2.3. Tổ chức thực hành, trải nghiệm rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học kiến tạo
3.2.3.1. Tổ chức rèn luyện nghiệp vụ thường xuyên theo các nhóm nhỏ
Hoạt động này tốt nhất là tiến hành dưới hình thức dự án, đề án do sinh viên tự nguyện tham gia nhưng bắt đầu phải có người khởi xướng. Người khởi xướng là giảng viên, cán sự lớp, cố vấn học tập, cán bộ Đoàn. Trên nền tảng nhận thức lí luận và những kĩ năng thiết kế đã có một cách lẻ tẻ và chưa thực sự thuần thục, sinh viên có cơ hội thực hành thường xuyên để ôn luyện và nâng cao kĩ năng bằng công việc thực tế.
- Hướng dẫn sinh viên thành lập các nhóm nhỏ từ 5-7 người và giao nhiệm vụ thiết kế dự án cho mỗi nhóm với thời hạn và tiến độ nhất định
- Hướng dẫn cách quản lí và thực hiện dự án học tập của mỗi nhóm
- Lưu ý tránh không để các dự án trùng lặp nhau để có cơ hội cho các em học hỏi nhau nhiều hơn và hạn chế những biểu hiện ỷ lại của một số sinh viên có bản tính thụ động.
- Trong các dự án thể hiện những yêu cầu cụ thể về rèn luyện các kĩ năng dạy học, trong đó đặc biệt lưu ý những kĩ năng dạy học hiện đại. Khi thực hiện dự án sinh viên có cái nền chung để rèn luyện kĩ năng thiết BHKT hiệu quả hơn.
- Thiết kế dự án cũng là một kĩ năng thiết kế dạy học nên việc đó bổ sung và củng cố cho việc rèn luyện kĩ năng thiết kế BHKT rất đắc lực. Giảng viên chỉ cần lưu ý các em biết cách học hỏi nhau trong khi tiến hành dự án.
- Khi sinh viên thiết kế dự án hoạt động nhóm, điều cần được gợi ý là mục tiêu dự án. Mục tiêu đó phải hướng đến sản phẩm cụ thể. Trong trường hợp cần tập trung vào rèn luyện kĩ năng thiết kế BHKT thì sản phẩm dự án phải là bản thiết kế bài học KT của một hay một số bài học Khoa học.
- Với mục tiêu rèn luyện kĩ năng TKBHKT thì chủ đề của các dự án cần gợi ý cho sinh viên với sự thảo luận và đồng thuận của các em gồm:
1. Con người và sức khỏe (lớp 4 và lớp 5) 2. Vật chất và năng lượng (lớp 4 và lớp 5) 3. Thực vật và động vật (lớp 4 và lớp 5)
4. Môi trường và tài nguyên thiên nhiên (lớp 5)
Mỗi chủ đề bao gồm một số bài học hoặc module. Mục tiêu của các dự án này là rèn luyện kĩ năng TKBHKT, do đó sản phẩm của dự án sẽ là các thiết kế bài học tương ứng cho các bài học và cho cả chủ đề học tập. Khi đánh giá sản phẩm dự án tức là giảng viên và sinh viên sẽ đánh giá được chất lượng thiết kế bài học và kĩ năng thiết BHKT.
Mỗi chủ đề và mỗi bài thuộc từng chủ đề nó mục tiêu và nội dung khác nhau nên phương pháp và kĩ thuật dạy học cũng khác nhau. Đó là điều kiện thuận lợi để các nhóm dự án thực hành thiết kế BHKT với những sản phẩm khác biệt nhau. Những sản phẩm này là minh chứng cho kĩ năng TKBHKT của sinh viên.
3.2.3.2. Lồng ghép rèn luyện kĩ năng thiết kế bài học theo lí thuyết kiến tạo trong quá trình dạy học các bộ môn lí luận dạy học ở tiểu học
Trong nội dung đào tạo NVSP có các bộ môn Lí luận dạy học cụ thể như Lí luận dạy học Khoa học, Lí luận dạy học Toán, Lí luận dạy học đạo đức, Lí luận dạy học Tiếng Việt v.v… và các môn Tâm lí học, Giáo dục học. Vì thế nội dung và biện pháp rèn luyện kĩ năng TKBHKT được lồng ghép vào các môn này và được thực hiện khi sinh viên học tập các môn đó. Cách thức lồng ghép là phân bố nội dung này sao cho thích hợp với đặc trưng của bộ môn. Cụ thể như sau:
1. Môn Giáo dục học
- Trong phần Lịch sử giáo dục và Lí luận dạy học đưa Lí thuyết kiến tạo vào như là nội dung của Lịch sử giáo dục và Lí luận dạy học. Hoặc nếu cần đưa toàn bộ Lí thuyết học tập vào các môn này. Để giúp sinh viên rèn luyện nhận thức lí luận thì môn Giáo dục học là môn có thế mạnh và giàu tiềm năng.
- Trong phần Phương pháp dạy học, đưa nội dung Phương pháp dạy học trong giáo dục khoa học ở tiểu học, Phương pháp dạy học theo lí thuyết kiến tạo và những mô hình học tập kiến tạo.
- Trong phần Bài học, đưa nội dung Bài học kiến tạo và thiết kế BHKT.
- Trong phần Đánh giá kết quả học tập, đưa nội dung đánh giá thiết kế bài học và đánh giá kĩ năng học tập kiến tạo.
2. Môn Tâm lí học
- Trong các phần học về nhận thức, tư duy đưa nội dung Bản chất của lí thuyết kiến tạo với ví dụ phương án của J. Jiaget và liện hệ lí thuyết phát sinh nhận thức của Piaget với học tập kiến tạo ở tiểu học trong môn Khoa học.
- Trong các phần học về các lí thuyết tâm lí học, đưa một số lí thuyết học tập thuộc dòng triết lí kiến tạo, ví dụ lí thuyết Piaget, , Lí thuyết Vùng cận phát triển của L.X. Vygotsky, Lí thuyết trải nghiệm của J. Dewwey, Lí thuyết học xã hội của A. Bandura, Lí thuyết hình thành hành động trí tuệ của P. Ia. Galperin, Lí thuyết hành vi của B.S. Skinner, Lí thuyết nhận thức của R. Bruner, Lí thuyết khái quát hóa nội dung của V.V. Đavyđov. Không chỉ đơn giản đưa vào môn Tâm lí học, mà quá trình dạy học phải nhấn mạnh những nội dung này, lưu ý rằng chúng thuộc các lí thuyết kiến tạo trong giáo dục.
3. Môn Lí luận dạy học tiếng Việt
- Trong phần Phương pháp dạy học tiếng Việt, thực hiện nội dung Phương pháp dạy học theo lí thuyết kiến tạo, nhấn mạnh ứng dụng của Lí thuyết Vùng cận phát triển của L.X. Vygotsky trong phương pháp dạy học, phương pháp dạy ngôn
ngữ của V.V. Đavyđov, Lí thuyết hình thành hành động trí tuệ của P.Ia. Galperin và những liên hệ của chúng với dạy học Khoa học.
- Trong môn này cũng có thể tiến hành các bài tập thực hành thiết kế bài học kiến tạo với môn Tiếng Việt tiểu học. Tuy không phải trực tiếp thiết kế cho môn Khoa học song thực hành thiết kế giúp sinh viên mở rộng tri thức lí luận và di chuyển kĩ năng thiết kế, thích ứng với các môn học khác nhau.
4. Môn Lí luận dạy học Toán
- Trong Phương pháp dạy học Toán tiểu học, thực hiện nội dung Lí thuyết kiến tạo của Piaget, Lí thuyết nhận thức của Bruner, Phương pháp dạy học Toán theo lí thuyết kiến tạo, Bài học kiến tạo.
- Trong phần lí thuyết và thực hành thiết kế bài học Toán, thực hiện nội dung thiết kế bài học kiến tạo môn Toán tiểu học. Hầu như bài nào trong Toán tiểu học cũng có thể thiết kế để học tập kiến tạo, chỉ trừ có học tính nhẩm và bảng cửu chương thôi. Ví dụ, bài học về tam giác vuông, chỉ cần giao các tam giác vuông bằng gỗ hay bìa có những kích thước khác nhau cho các nhóm học sinh và hướng dẫn các em đo lường, ghi chép, tính toán các số đo của 3 cạnh tam giác, suy nghĩ về mối liên hệ giữa những số đo này, cuối cùng chính học sinh sẽ phát hiện ra qui luật Pitago: bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương của 2 cạnh góc vuông.
5. Môn Lí luận dạy học môn Đạo đức
- Đưa các mô hình phát triển giá trị thuộc kiểu phương pháp kiến tạo trong giáo dục giá trị, ví dụ như thảo luận nhóm, tranh luận dựa vào song đề…
- Giới thiệu các lí thuyết kiến tạo của A. Bandura (Lí thuyết học xã hội), Lí thuyết tương tác xã hội của L.X. Vygotsky.
Về nguyên tắc bộ môn nào cũng vậy, hễ là Lí luận dạy học hay Lí luận giáo dục ở tiểu học đều có thể dạy lồng ghép nội dung lí thuyết và thực hành về Lí thuyết kiến tạo, phương pháp dạy học theo lí thuyết kiến tạo, bài học kiến tạo và