I. Quyền và nghĩa vụ của CĐUĐ trong CTCP.
2. quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta trong thời gian qua
- Quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước vẫn mang tính khép kín. Phần lớn các doanh nghiệp được cổ phần hóa là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (1.372 doanh nghiệp có số vốn dưới 5 tỉ đồng, chiếm 59,2% số doanh nghiệp cổ phần hóa). Về cơ cấu cổ đông, bình quân Nhà nước giữ 45,6% vốn điều lệ, cán bộ, công nhân viên giữ 39,3%, cổ đông bên ngoài giữ 15,1% và số doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối (trên 50%) là 27,4%. Riêng năm 2004, có 42% doanh nghiệp cổ phần mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Những con số đó đã cho thấy sự tham gia của các cổ đông bên ngoài còn rất hạn chế, chưa thu hút được nhiều cổ đông lớn, có tiềm lực về công nghệ và tài chính.
- Tiến độ cổ phần hóa còn chậm thể hiện qua những số liệu về số lượng các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa đều thấp hơn chỉ tiêu đề ra. Chẳng hạn, dự kiến trong 3 năm từ 2000- 2002 sẽ tiến hành cổ phần hóa 1.056 doanh nghiệp nhà nước, nhưng đến tháng 12 năm 2002 mới chỉ cổ phần hóa được 523 doanh nghiệp, bằng 50% số doanh nghiệp dự kiến; trong 6 tháng đầu năm 2004 cũng mới đạt được 20% kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, song điều đáng lưu ý là do những nguyên nhân chủ quan như sau:
Thứ nhất, còn nhiều vướng mắc về tư tưởng, nhận thức của lãnh đạo, đảng viên và người lao động trong các doanh nghiệp. Những vướng mắc này xuất phát từ nhận thức về việc cổ phần hóa còn hạn chế và trên hết là tâm lý lo ngại lợi ích của mình sẽ không được bảo đảm. Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp không muốn doanh nghiệp chuyển sang hình thức cổ phần bởi vị trí quản lý của họ có thể sẽ bị thay đổi, và ngay cả khi còn nắm giữ vị trí quản lý, cũng khó có thể điều hành công ty theo lối cũ mà phải chịu sự giám sát mới chặt chẽ hơn của hội đồng quản trị và các
cổ đông. So với khi chưa cổ phần hóa, người lãnh đạo ở các doanh nghiệp cổ phần hóa còn phải đương đầu và chịu trách nhiệm nhiều hơn, trong khi sự hiểu biết về cách thức điều hành một công ty cổ phần còn hạn chế. Điều đó sẽ làm cho họ lúng túng ngay cả đối với những vấn đề tưởng đơn giản. Người lao động trong các doanh nghiệp cũng có nhiều điều phải lo lắng như sau cổ phần hóa họ sẽ làm gì nếu như trở thành lao động dôi dư. Bản thân doanh nghiệp khó có đủ kinh phí để giải quyết chính sách hay tìm việc làm mới cho người lao động….
Thứ hai, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiến hành cổ phần hóa. Đó là: quy trình cổ phần hóa rườm rà, phức tạp, có phần còn cứng nhắc; khó xác định đúng được giá trị của doanh nghiệp khi chuyển sang công ty cổ phần bởi chưa có chế tài cụ thể tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp, ngay cả các cơ quan chức năng nhiều khi cũng không thống nhất được các mức giá khác nhau về tài sản của doanh nghiệp. Thêm nữa, nếu như trường hợp giá trị quyền sử dụng đất được tính vào giá trị của doanh nghiệp thì lại kéo theo những tranh chấp mà các doanh nghiệp phải đương đầu trong quá trình sử dụng. Các doanh nghiệp còn khó định được giá trị của các lợi thế kinh doanh (như thương hiệu) như là một phần giá trị tài sản vô hình của doanh nghiệp…
Thứ ba, nhiều doanh nghiệp không muốn chuyển sang cổ phần hóa bởi chưa có được môi trường thật sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Trong thực tế, khi các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa thì thường được coi là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, không được đối xử ngang hàng như những những doanh nghiệp nhà nước khác. Điều này thể hiện rất rõ qua khả năng tiếp cận các nguồn vốn của những tổ chức tín dụng nhà nước. Nếu như khi còn là doanh nghiệp nhà nước, những doanh nghiệp này không chỉ nhận được nguồn vốn từ nhiều kênh khác nhau như đầu tư cơ bản, bổ sung vốn lưu động, được xóa nợ, hay bảo lãnh nợ, thì nay không những không còn các nguồn vốn trên, mà lại còn bị rơi vào tình trạng khó được vay vốn bởi tâm lý lo ngại họ là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, không có người bảo đảm (Chính phủ, các Bộ hay Uỷ ban nhân dân các cấp) khi không có khả năng trả được nợ. Trong lĩnh vực thuế, cách tính thuế đối với một số tài sản của doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa cũng chứa đựng những bất hợp lý. Chẳng hạn, nếu tài sản được chuyển giao khi còn là doanh nghiệp nhà nước thì không bị tính thuế trước bạ, nhưng sau khi doanh nghiệp đã cổ phần hóa thì phải chịu thuế này… Sự phân biệt đối xử như kiểu “con cùng cha khác mẹ” đã tạo lên tâm lý lo ngại trong lãnh đạo doanh nghiệp khi phải đương đầu với nhiều khó khăn phía trước, nên rất lưỡng lự trước việc lựa chọn phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.
- Việc cổ phần hóa chưa được thực hiện đều khắp trong các lĩnh vực. Công tác cổ phần hóa mới chỉ tập trung ở các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, thương mại và xây dựng, còn số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong các lĩnh vực khác vẫn ít. Trên thực tế, cũng chưa đặt ra vấn đề cần cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn hay một số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nhưng lại đang hoạt động trên những địa bàn không thật sự cần thiết. Các doanh nghiệp được cổ phần hóa chủ yếu là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (có 1.372 doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỉ đồng, chiếm 59,2% số doanh nghiệp cổ phần hóa). Vì thế, chưa đem lại những tác động tích cực và toàn diện cho nền kinh tế quốc dân.
- Hiệu quả của quá trình cổ phần hóa chưa cao như mong muốn. Cổ phần hóa là nhằm đưa
các doanh nghiệp nhà nước đạt được hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thương trường. Tuy vậy, vì một số khó khăn mà các doanh nghiệp cổ phần hóa vấp phải như đã trình bày ở trên, nên nếu đánh giá thật khách quan thì hiệu quả hoạt động của những doanh nghiệp đã cổ phần hóa chưa cao, chưa tạo ra được những bước ngoặt như mong muốn. Chủ yếu các doanh nghiệp đã cổ phần hóa mới chỉ tập trung vào việc tiết kiệm chi phí, giảm giá thành để tăng lợi nhuận chưa kể được ưu tiên giảm và miễn thuế 2 năm đầu. Thực tế hoạt động của nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa vẫn cầm chừng, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn của Nhà nước hiện có
tại các doanh nghiệp và vay vốn ngân hàng vì phần vốn huy động qua phát hành cổ phiếu nhỏ bé (chiếm 15,1%), không thực sự thu hút được những nhà đầu tư chiến lược. Cũng chính vì vậy, đầu tư cho đổi mới công nghệ ở các công ty cổ phần hóa diễn ra chậm chạp và các công ty này ít có khả năng mở rộng sản xuất, kinh doanh trên quy mô lớn một cách có hiệu quả. Ngoài ra, cách thức quản lý trong những công ty cổ phần hóa hiện cũng còn nhiều bất cập giữa mối quan hệ của cơ quan chủ quản, hội đồng quản trị, giám đốc… làm hạn chế tính năng động, sáng tạo để nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.