Chương II. TÌNH CẢM VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA ĐÁM
3. Sự phóng đại và giản đơn trong tình cảm
Dù một đám đông biểu hiện tình cảm thế nào, tốt hay xấu, thì nó cũng có tính cách kép, đó là giản đơn và phóng đại. Về điểm này cũng như về nhiều điểm khác, cá nhân nằm trong đám đông gần với người nguyên thủy. Không thể đạt tới những sắc thái, họ nhìn sự vật trong một khối và không nhận thấy những chuyển tiếp. Trong đám đông, sự phóng đại những tình cảm được tăng cường bởi
sự việc: một tình cảm được biểu lộ lan truyền rất nhanh bằng con đường gợi ý và lây nhiễm, nên sự tán thưởng rõ ràng dành cho tình cảm ấy làm gia tăng đáng kể sức mạnh của nó.
Tính giản đơn và phóng đại những tình cảm của đám đông đã khiến nó không biết đến nghi ngờ và lưỡng lự. Giống như phụ nữ, những tình cảm lập tức đi tới cực đoan. Nỗi hoài nghi được nói ra tức thì biến thành sự thực hiển nhiên không cần bàn cãi. Một sự khởi đầu ác cảm hoặc không tán
thưởng, ở một cá nhân tách riêng sẽ không trở nên đậm nét, và sẽ lập tức trở thành hận thù hung dữ ở một cá nhân nằm trong đám đông.
Sự mãnh liệt của tình cảm trong đám đông còn được phóng đại lên, nhất là ở đám đông không thuần nhất, do không có trách nhiệm. Tin chắc không bị trừng phạt, đám đông càng đông sự tin chắc càng bền vững, và quan niệm về một sức mạnh nhất thời đáng kể nhờ số lượng, đã làm cho tập thể khả dĩ có những tình cảm và hành động mà cá nhân riêng lẻ
không thể có. Trong đám đông, kẻ ngu đần, kẻ dốt nát, kẻ đố kỵ được giải phóng khỏi ý thức về sự vô giá trị và sự bất lực của mình, ý thức ấy được thay thế bằng ý niệm về một sức mạnh tàn bạo, nhất thời, nhưng vô cùng to lớn.
Sự phóng đại, ở đám đông, khốn khổ thay lại thường dựa trên những tình cảm xấu, di chứng mang tính lại giống của những bản năng người nguyên thuỷ. Vì sợ trừng phạt nên những cá nhân riêng rẽ và có trách nhiệm buộc phải hãm những bản năng ấy lại. Đó là
điều làm cho đám đông dễ dàng bị dẫn tới những quá khích xấu xa nhất.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khi được gợi ý khéo léo, đám đông sẽ không thể có hành vi anh hùng, tận tụy và những đức hạnh cao cả. Thậm chí, đám đông còn có thể làm những điều đó tốt hơn nhiều so với cá nhân riêng lẻ. Chúng ta sẽ có dịp trở lại vấn đề này khi nghiên cứu đạo đức của đám đông.
Vì ưa thổi phồng trong tình cảm nên đám đông chỉ bị ấn
tượng bởi những tình cảm quá khích. Diễn giả nào muốn lôi cuốn đám đông đều phải lạm dụng sự khẳng định mạnh mẽ.
Thổi phồng, khẳng định, nhắc đi nhắc lại, và không bao giờ thử chứng minh điều gì bằng sự suy luận, là những phương pháp biện luận ai cũng biết của các diễn giả trong các cuộc hội họp quần chúng. Đám đông còn muốn chính sự thổi phồng ấy trong tình cảm những người hùng của họ. Các ưu điểm và đức hạnh bề ngoài của những người hùng bao giờ cũng phải được khuếch đại. Người ta đã
nhận xét rất đúng rằng trong rạp hát đám đông đòi hỏi nhân vật chính của vở kịch phải có đức tính can đảm, đạo đức và đức hạnh không bao giờ được thực hiện trong đời sống.
Trong lĩnh vực sân khấu, người ta có lí khi nói tới một nhãn quan đặc biệt. Có một nhãn quan như vậy thật, nhưng những quy tắc của nó thường không liên quan tới lương tri và logic. Nghệ thuật nói trước đám đông tất nhiên là ở cấp độ thấp, nhưng đòi hỏi những khả năng hoàn toàn đặc biệt. Thật khó có thể giải thích để hiểu sự thành
công của một số vở kịch. Nhiều giám đốc nhà hát khi nhận những vở ấy, bản thân họ thường không chắc chắn về sự thành công của chúng, bởi vì muốn đánh giá thì điều cần thiết là họ phải có khả năng tự biến đổi thành đám đông*[14]. Còn ở đây, nếu ta có thể tìm hiểu sâu về sự phát triển, ta sẽ thấy ảnh hưởng ưu trội của chủng tộc. Một vở kịch làm cho đám đông của một nước này phấn khởi, đôi khi lại chẳng có chút thành công nào trong một nước khác, hoặc chỉ có một thành công tương đối và có tính
chiếu lệ, bởi vì nó không vận dụng những động lực có khả năng làm khơi dậy công chúng mới.
Tôi không cần nói thêm rằng sự thổi phồng của đám đông chỉ ảnh hưởng tới tình cảm và chẳng tác động gì tới trí tuệ. Tôi đã chỉ ra rằng riêng việc cá nhân nằm trong đám đông, trình độ trí tuệ của anh ta đã thấp xuống ngay lập tức và rất đáng kể. Đó là điều ông Tarde[15] cũng nhận thấy trong nghiên cứu của ông về tội ác của đám đông. Vậy, chỉ trong lĩnh vực tình cảm, đám đông
mới có thể leo lên rất cao hay ngược lại tụt xuống rất thấp mà thôi.