Chương II. TÌNH CẢM VÀ ĐẠO ĐỨC CỦA ĐÁM
4. Lòng bất khoan dung, tính chuyên chế và bảo thủ
Đám đông chỉ biết tới những tình cảm giản đơn và cực đoan;
những ý kiến, tư tưởng và niềm tin đã gợi ý cho đám đông đều được chấp nhận hoặc bị vứt bỏ tất thảy, rồi được xem như những chân lí tuyệt đối hay những sai lầm cũng không kém phần tuyệt đối. Bao giờ cũng xảy ra như thế đối với những
niềm tin được xác định qua con đường gợi ý, mà lẽ ra chúng phải được sinh ra qua con đường suy lí. Ai cũng biết những niềm tin tôn giáo đều bất khoan dung biết nhường nào, và như bạo chúa chúng tác động xiết bao tới tâm hồn con người.
Không chút nghi ngờ với những gì là chân lí hoặc sai lầm, mặt khác lại có khái niệm rõ ràng về sức mạnh của mình, đám đông vừa chuyên chế vừa bất khoan dung. Cá nhân có thể chịu đựng được mâu thuẫn và tranh cãi, còn đám đông thì
không bao giờ chịu đựng được điều đó. Trong những cuộc hội họp đông người, diễn giả chỉ mới bộc lộ chút mâu thuẫn thôi, lập tức đã bị bao vây bởi những tiếng la hét cuồng nộ và những lời thoá mạ kịch liệt, ngay tiếp theo là những hành động gây tổn thương và xua đuổi dù diễn giả có cố nài nỉ.
Nếu không có sự hiện diện của người có quyền lực, người có ý kiến trái ngược thậm chí còn bị giết. Tính chuyên chế và bất khoan dung là tiêu biểu cho tất cả các loại đám đông, nhưng chúng ở nhiều mức độ rất khác
nhau, và ở đây lại xuất hiện khái niệm cở bản về chủng tộc, kẻ thống trị mọi tình cảm và mọi tư tưởng của con người.
Tính chuyên chế và bất khoan dung phát triển đến cấp độ cao nhất là ở những đám đông người Latin. Nó đi đến chỗ hoàn toàn phá huỷ ý thức độc lập cá nhân vốn rất mạnh mẽ ở người Anglo - Saxon. Đám đông Latin chỉ nhạy cảm với sự độc lập tập thể của nhóm phái mà nó thuộc về và đặc điểm của thứ độc lập tập thể này là nhu cầu nô lệ hoá áp đặt niềm tin của mình cho bất cứ kẻ nào không cùng ý
kiến một cách tức thời và bạo lực. Ở những dân tộc Latin, những kẻ Jacobins[16] ở mọi thời đại, từ những người thời Toà án dị giáo, đã không bao giờ có thể vươn lên tới một thứ quan niệm nào khác về tự do.
Đối với đám đông, tính chuyên chế và bất khoan dung là những tình cảm rất rõ ràng, mà nó hiểu dễ dàng và chấp nhận cũng dễ dàng, nó thực hành những điều đó ngay khi người ta áp đặt chúng cho nó.
Đám đông ngoan ngoãn tôn trọng sức mạnh và chẳng mấy ấn tượng với lòng nhân từ mà
đối với nó chỉ là một hình thức của sự yếu đuối. Cảm tình của đám đông không bao giờ dành cho các ông chủ nhu nhược mà dành cho những bạo chúa đã mạnh mẽ đè bẹp họ. Bao giờ đám đông cũng dựng tượng đài cao nhất cho các bạo chúa. Nếu như đám đông sẵn sàng khinh rẻ những bạo chúa đã bị lật đổ thì chỉ vì bạo chúa ấy đã mất sức mạnh, hắn đã thuộc vào loại kẻ yếu mà người ta khinh bỉ bởi vì người ta không sợ những kẻ ấy nữa. Loại anh hùng quý hoá với đám đông bao giờ cũng có cấu trúc như
một César. Hình ảnh sặc sỡ phù hoa của ông ta cám dỗ họ, quyền lực của ông ta bắt họ kính nể và thanh gươm của ông ta làm họ sợ.
Luôn sẵn sàng nổi dậy chống lại một quyền lực yếu, song đám đông lại khom lưng nô lệ trước một quyền lực mạnh. Nếu sức mạnh của quyền lực bị gián đoạn, thì đám đông tuân theo những tình cảm cực đoan, luân chuyển từ vô chính phủ sang nô lệ, rồi từ nô lệ sang vô chính phủ.
Vả lại sẽ là kém hiểu biết về
tâm lí học đám đông khi tin vào sự ưu trội trong những bản năng cách mạng của nó. Chỉ riêng tính bạo lực của đám đông cũng đã làm ta ảo tưởng về điểm này. Những bùng phát nổi loạn và phá hoại của nó bao giờ cũng rất nhất thời. Đám đông bị cái vô thức thống trị quá nhiều, và do đó chịu ảnh hưởng bởi sự di truyền lâu đời, nên nó thành ra cực kì bảo thủ.
Bị bỏ rơi một mình, đám đông sẽ chán ngán sự mất trật tự và theo bản năng nó sẽ sớm hướng về sự nô lệ. Chính những người Jacobins kiêu
hãnh nhất, khó trị nhất lại là những người nhiệt tình đón chào Bonaparte nhất, khi ông ta thủ tiêu mọi quyền tự do và cứng rắn giơ bàn tay sắt.
Rất khó để hiểu lịch sử, nhất là lịch sử của những cuộc cách mạng quần chúng khi ta không hiểu những bản năng bảo thủ sâu xa của đám đông.
Họ muốn thay đổi tên những thiết chế của mình, và đôi khi họ thực hiện các cuộc cách mạng bạo lực để có được những thay đổi ấy; nhưng nền tảng của các thiết chế này lại là sự biểu hiện quá mạnh mẽ những
nhu cầu di truyền của chủng tộc khiến chúng khó mà không luôn luôn quay trở lại. Tính hay thay đổi của họ chỉ dựa trên những sự việc hoàn toàn mang tính bề ngoài. Thực ra, đám đông có những bản năng bảo thủ không thể thay đổi được như bản năng của người nguyên thuỷ. Lòng sùng kính đối với truyền thống là tuyệt đối. Nỗi sợ hãi vô thức của họ đối với những cái mới có khả năng làm thay đổi điều kiện sống thực tế của họ, là hoàn toàn sâu sắc. Nếu các nền dân chủ đã sở hữu được quyền lực,
như chúng có hôm nay, vào cái thời mà người ta sáng chế ra máy dệt cơ khí, máy hơi nước và đường sắt, thì sự hiện thực hoá những sáng chế ấy đã không xảy ra, hoặc có xảy ra thì phải trả giá bằng những cuộc cách mạng và những cuộc tàn sát liên miên. Thật may cho những tiến bộ văn minh, bởi vì sức mạnh của đám đông chỉ bắt đầu nảy sinh khi những phát minh lớn của khoa học và công nghệ đã được hoàn tất.