Khi phải lôi kéo đám đông trong một thời khắc, và xui
khiến đám đông tiến hành một hành vi nào đó, chẳng hạn cướp phá một toà lâu đài, hi sinh thân mình để bảo vệ một vị trí quan trọng hay một chiến luỹ, cần phải tác động lên đám đông bằng những gợi ý nhanh, mà sự gợi ý mạnh nhất vẫn là nêu gương, nhưng khi đó cần thiết là đám đông phải được chuẩn bị bởi một số hoàn cảnh nhất định, và đặc biệt người nào muốn lôi kéo nó phải có phẩm chất mà tôi sẽ nghiên cứu sau, dưới cái tên uy tín.
Nhưng khi vấn đề là làm cho những tư tưởng và niềm tin
thâm nhập vào tâm trí đám đông - ví dụ những lí thuyết xã hội hiện đại - thì phương pháp của những người đứng đầu rất khác nhau. Chủ yếu họ dùng ba phương pháp rất rõ ràng:
khẳng định, nhắc đi nhắc lại, lây nhiễm. Tác dụng của những phương pháp ấy khá chậm, nhưng hiệu quả của nó một khi đã được tạo ra thì rất lâu bền.
Sự khẳng định thuần tuý và đơn giản, thoát khỏi mọi lí luận và mọi chứng cứ, là một trong những phương tiện chắc chắn nhất để làm cho một tư tưởng thâm nhập vào tâm trí đám
đông. Sự khẳng định càng súc tích, càng thiếu vẻ bề ngoài của những chứng cứ và chứng minh, thì nó càng nhiều uy lực.
Các sách tôn giáo và các bộ luật của mọi thời đại thường được viết bằng sự khẳng định đơn giản. Những chính khách phải bảo vệ một mục đích chính trị nào đó, những nhà công nghiệp quảng ba sản phẩm của mình bằng quảng cáo, đều biết giá trị của sự khẳng định.
Tuy nhiên, sự khẳng định chỉ có ảnh hưởng thực sự với điều kiện phải thường xuyên được nhắc đi nhắc lại, và càng
nhiều càng tốt, trong cùng những cách nói như nhau. Tôi nghĩ chính Napoléon đã nói rằng chỉ có duy nhất một hình thái tu từ nghiêm túc, đó là sự nhắc đi nhắc lại. Sự việc được khẳng định bằng cách nhắc đi nhắc lại sẽ đạt tới xác lập trong tâm trí con người đến nỗi cuối cùng anh ta chấp nhận nó như một chân lí đã được chứng minh.
Người ta hiểu rõ ảnh hưởng của sự nhắc đi nhắc lại đối với đám đông, khi nhìn thấy nó có sức mạnh đến thế nào đối với những đầu óc sáng suốt nhất.
Sức mạnh sinh ra từ việc nhắc đi nhắc lại ấy cuối cùng đã bám chắc vào những miền sâu thẳm của vô thức nơi xây dựng những động cơ cho hành động của chúng ta. Sau một thời gian nào đó, chúng ta không còn biết ai là tác giả của sự khẳng định được nhắc đi nhắc lại ấy nữa, và cuối cùng chúng ta tin vào nó. Sức mạnh kì lạ của quảng cáo là từ đó. Khi chúng ta đọc một trăm lần, một nghìn lần rằng sô cô la tốt nhất là sô cô la X, chúng ta tưởng tượng là đã nghe nói đến nó tốt ở nhiều khía cạnh, và cuối cùng
ta tin chắc điều đó. Khi chúng ta đã đọc nghìn lần rằng bột Y đã chữa cho nhiều nhân vật quan trọng khỏi những căn bệnh dai dẳng nhất, cuối cùng chúng ta có ý định dùng thử nó khi chúng ta bị nhiễm căn bệnh ấy. Nếu chúng ta luôn đọc thấy trên một tờ báo rằng ông A là một kẻ hoàn toàn vô lại và ông B là một người rất lương thiện, thì cuối cùng chúng ta tin điều đó; dĩ nhiên, trừ phi là chúng ta thường xuyên đọc một tờ báo khác có ý kiến trái ngược, hoặc hai từ chỉ phẩm chất bị đảo ngược. Chỉ có sự khẳng
định và sự nhắc đi nhắc lại là cân tài cân sức để có thể đấu tranh với nhau.
Khi một sự khẳng định được nhắc đi nhắc lại một cách đầy đủ, và khi có sự nhất trí trong việc nhắc đi nhắc lại, - như điều này đã xảy ra đối với một số hãng kinh doanh tài thính nổi tiếng, đủ giàu có để mua mọi quỹ trợ giúp - thì cái mà ta gọi là luồng ý kiến sẽ được hình thành và bây giờ cơ chế mạnh mẽ của sự lây nhiễm can thiệp vào. Trong đám đông, tư tưởng, tình cảm, xúc cảm, niềm tin có một khả năng lây nhiễm mãnh
liệt như khả năng của vi trùng.
Hiện tượng này rất tự nhiên vì ta quan sát thấy nó ở bản thân loài vật ngay khi chúng họp thành đám đông. Một con ngựa ợ hơi trong chuồng, những con ngựa khác cùng chuồng nhanh chóng bắt chước ngay. Một sự hốt hoảng hay một cử động hỗn loạn của vài con cừu sẽ nhanh chóng lan ra cả đàn. Ở con người trong đám đông, mọi xúc cảm đều lây nhiễm rất nhanh, và chính điều này đã giải thích tính đột ngột của những hoảng loạn. Các rối loạn não bộ, như điên loạn, bản thân chúng cũng
có tính lây nhiễm. Người ta biết đến nhiều thầy thuốc tâm thần cũng hay mắc bệnh tâm thần.
Thậm chí mới đây người ta đã nhắc tới những hình thức bệnh điên, ví dụ chứng sợ khoảng rộng hay sợ chỗ đông người, được truyền từ người sang loài vật.
Sự lây nhiễm không đòi hỏi nhiều cá nhân đồng thời hiện diện tại một điểm duy nhất, nó có thể xảy ra từ xa, dưới ảnh hưởng của một số biến cố định hướng mọi tâm trí vào cùng một hướng, và đem lại cho họ những tính cách đặc biệt của
đám đông, nhất là khi những tâm trí được chuẩn bị trước do các nhân tố xa mà tôi đã nghiên cứu ở phần trên. Chẳng hạn, chính vì vậy mà sự bùng nổ cách mạng 1848 xuất phát từ Paris, bỗng đột ngột lan rộng ra phần lớn châu Âu và làm chao đảo nhiều chế độ quân chủ.
Sự bắt chước, mà người ta đã gán cho nó quá nhiều ảnh hưởng tới các hiện tượng xã hội, trên thực tế, chỉ là một hiệu quả đơn giản của sự lây nhiễm. Vì đã chỉ ra ở chỗ khác ảnh hưởng của nó, tôi chỉ giới
hạn viết lại điều mà tôi đã nói cách đây hơn hai mươi năm, và từ đó đến nay vẫn được nhiều nhà văn khác phát triển trong những xuất bản phẩm mới đây:
“Giống như loài vật, con người đương nhiên có bản tính bắt chước. Đối với anh ta, bắt chước là một nhu cầu, dĩ nhiên với điều kiện sự bắt chước ấy hoàn toàn dễ dàng. Chính nhu cầu này đã làm cho cái ta gọi là mốt thời trang có ảnh hưởng mạnh đến thế. Dù là những ý kiến, những tư tưởng, những biểu hiện văn học, hay đơn giản là áo quần, có bao nhiêu
điều đã dám thoát khỏi ảnh hưởng của nó? Người ta lãnh đạo đám đông không phải bằng những lập luận, mà bằng những kiểu mẫu. Ở mỗi thời đại đều có một số ít nhân vật có cá tính in dấu hành động của họ, và đám đông vô thức bắt chước họ. Tuy nhiên các cá nhân này không nên quá xa lánh những tư tưởng đã được tiếp nhận. Lúc đó bắt chước họ sẽ là quá khó và ảnh hưởng của họ sẽ không còn là gì nữa. Chắc chắn chính vì lí do này mà những người quá cao siêu so với thời đại của mình nói chung không có ảnh
hưởng nào đối với đám đông.
Khoảng cách quá lớn. Cũng chính vì lí do ấy mà những người châu Âu với tất cả lợi thế văn minh của mình, lại chỉ có một ảnh hưởng không đáng kể đối với những dân tộc Đông phương, họ quá khác biệt những dân tộc này.
Tác động kép của quá khứ và của sự bắt chước lẫn nhau rốt cuộc đã làm cho mọi người trong cùng một đất nước và cùng một thời đại đều giống nhau; ngay cả những người có vẻ phải trốn ra khỏi tác động kép ấy nhất như nhà triết học,
nhà bác học và nhà văn, thì tư tưởng và phong cách cũng có hơi hướng thân thuộc, làm ta nhận ra ngay họ thuộc về thời đại nào. Chẳng cần phải nói chuyện lâu với một cá nhân cũng biết rõ họ đọc gì, việc làm của họ và môi trường mà họ đang sống”*[12].
Sự lây nhiễm mạnh đến mức nó áp đặt cho cá nhân chẳng những một số ý kiến mà còn cả một số cung cách cảm nhận. Chính sự lây nhiễm làm cho ở một thời đại nào đấy người ta đã coi khinh một tác phẩm nào đấy, ví dụ tác phẩm
Tannhọuser[13], rồi vài năm sau, chính những người đã chê bai nó nhiều nhất lại khâm phục nó.
Chính bằng cơ chế lây nhiễm, chứ không bao giờ bằng cơ chế suy luận, mà những ý kiến và niềm tin của đám đông được truyền bá. Chính trong những quán rượu, và bằng cách khẳng định, nhắc đi nhắc lại và lây nhiễm, mà những quan niệm hiện thời của người công nhân được thiết lập; và những niềm tin của đám đông ở mọi thời đại cũng được tạo ra chẳng khác gì lắm. Renan[14] đã so
sánh rất đúng những nhà sáng lập đầu tiên ra Ki Tô giáo “với những người công nhân xã hội chủ nghĩa truyền bá tư tưởng của họ từ quán rượu này sang quán rượu khác”; và Voltaire đã nhận xét về Ki Tô giáo rằng
“chỉ có đám vô lại xấu xa nhất đi theo tôn giáo này trong vòng hơn một trăm năm”.
Trong những ví dụ giống những ví dụ tôi vừa mới kể, người ta nhận thấy rằng sự lây nhiễm sau khi tác động vào tầng lớp bình dân, rồi sẽ chuyển sang các tầng lớp trên trong xã hội. Đó là điều mà
ngày nay ta nhìn thấy ở các học thuyết xã hội chủ nghĩa, khi chúng bắt đầu tranh thủ được cả những người vốn dự kiến là nạn nhân đầu tiên của chúng. Cơ chế lây nhiễm mạnh mẽ đến nỗi trước tác động của nó, bản thân quyền lợi cá nhân cũng biến mất.
Và chính vì vậy bất cứ ý kiến nào đã trở nên đại chúng cuối cùng luôn phải được áp đặt vào những tầng lớp xã hội cao nhất, với một sức mạnh to lớn, cho dù ý kiến đắc thắng ấy có tỏ ra phi lí đến mấy. Ở đây, phản ứng của những tầng lớp
dưới trong xã hội đối với tầng lớp trên càng lạ lùng hơn, vì những niềm tin của đám đông bao giờ cũng sinh ra dù ít dù nhiều từ một vài tư tưởng cao siêu vốn chẳng có ảnh hưởng trong môi trường mà nó được nảy sinh. Những người lãnh tụ bị tư tưởng cao siêu này chinh phục, liền chiếm lấy nó, bóp méo nó đi và tạo ra một phe phái, phe phái lại bóp méo nó lần nữa, rồi truyền bá nó vào giữa đám đông, đám đông lại tiếp tục làm nó méo mó hơn nữa.
Khi đã trở thành chân lí đại
chúng, bằng cách nào đó tư tưởng cao siêu ấy quay ngược về nguồn và bấy giờ tác động lên tầng lớp trên của một dân tộc. Rốt cuộc, chính trí tuệ đã dẫn dắt thế giới, nhưng thực ra nó dẫn dắt thế giới từ rất xa.
Các triết gia sáng tạo ra những tư tưởng đều đã trở về với cát bụi từ rất lâu rồi, trong khi tư tưởng của họ, nhờ hiệu quả của cơ chế mà tôi vừa mô tả, cuối cùng đã chiến thắng: