Bên trên những niềm tin cố định mà ta vừa mới chỉ ra sức mạnh, còn có một lớp gồm những ý kiến, ý tưởng, tư tưởng luôn luôn sinh ra và mất đi. Một vài thứ chỉ kéo dài một ngày, còn những thứ quan trọng nhất ít khi vượt quá đời sống của một thế hệ. Chúng tôi cũng đã lưu ý rằng những thay
đổi bỗng xảy ra trong những ý kiến này đôi khi chỉ mang tính bề mặt nhiều hơn là thực chất, và rằng bao giờ chúng cũng mang dấu ấn của những phẩm chất chủng tộc. Ví dụ, xem xét những thể chế chính trị ở đất nước chúng ta đang sống, ta thấy rằng những đảng phái bề ngoài rất trái ngược nhau:
người theo chủ nghĩa dân chủ, người cấp tiến, người đế chế, người xã hội chủ nghĩa v.v…, họ đều có một lí tưởng tuyệt đối giống nhau, và ta cũng thấy rằng lí tưởng này chỉ gắn bó với cấu trúc tinh thần của chủng
tộc chúng ta; bởi vì ở những chủng tộc khác, dưới những cái tên tương tự, ta lại thấy một lí tưởng hoàn toàn trái ngược.
Không phải cái tên được đặt cho những ý kiến, cũng không phải sự cải biên lừa dối thay đổi nội dung của sự vật. Những người tư sản của Cách mạng, thấm đẫm toàn văn học Latin, mắt nhìn chăm chăm vào nền cộng hoà La mã; chấp nhận luật pháp, cây phủ việt và tấm áo choàng của người La Mã, cố gắng bắt chước những thể chế, những tấm gương của nền cộng hòa La Mã, nhưng họ vẫn
không trở thành người La Mã, bởi vì họ ở dưới thế lực của một sự gợi ý mang tính lịch sử mạnh mẽ. Vai trò của nhà triết học là tìm xem những niềm tin cổ xưa hãy còn lại cái gì ở bên dưới những thay đổi bề mặt, và trong làn sóng chuyển động của những ý kiến, cần phân biệt cái gì đã được xác định do những niềm tin chung và tâm hồn chủng tộc.
Không có tiêu chuẩn triết học này, người ta có thể tin tưởng rằng đám đông thay đổi niềm tin chính trị và tôn giáo một cách thường xuyên và tuỳ
ý. Thực vậy, toàn bộ lịch sử chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, văn học hình như chứng tỏ điều này.
Chẳng hạn, ta chỉ lấy một giai đoạn ngắn ngủi trong lịch sử nước Pháp, từ 1790 đến 1820, nghĩa là ba mươi năm, thời gian của một thế hệ. Trong giai đoạn này ta thấy những đám đông, thoạt tiên theo chế độ quân chủ, rồi trở thành cách mạng, rồi theo đế chế chủ nghĩa, rồi lại trở lại thành người theo chế độ quân chủ.
Trong lĩnh vực tôn giáo, cũng trong thời gian ấy, họ đi từ
Công giáo đến chủ nghĩa vô thần, rồi sang thần luận, rồi lại quay trở về với những hình thức quá khích nhất của Công giáo. Và không phải chỉ có đám đông, mà cả những người lãnh đạo cũng như thế. Chúng ta ngạc nhiên lặng ngắm những vị đại biểu Hội nghị Quốc ước vĩ đại kẻ thù chẳng đội trời chung với vua chúa, chẳng cần Thượng đế, cũng không cần muốn có những ông chủ, họ lại trở thành những nô bộc hèn mọn của Napoléon, rồi thành kính mang những cây nến thờ trong đám rước dưới thời vua
Louis XVIII[8].
Và trong bảy mươi năm tiếp theo, đã còn có biết bao thay đổi trong ý kiến của đám đông.
Vùng “Abion nham hiểm”[9] ở đầu thế kỉ này trở thành đồng minh của nước Pháp dưới thời người nối ngôi Napoléon; nước Nga hai lần bị Pháp xâm chiếm, thế mà họ đã vỗ tay thích thú nhường ấy khi nước Pháp bị thất bại lần sau cùng, rồi họ bỗng nhiên được coi như một người bạn.
Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, triết học, những ý
kiến kế tiếp nhau còn nhanh hơn nữa. Chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa thần bí v.v…, sinh ra và lần lượt chết đi. Người nghệ sĩ và nhà văn hôm qua được hoan nghênh, ngày mai đã bị rẻ khinh sâu sắc.
Nhưng khi chúng ta phân tích những thay đổi nhìn bề ngoài rất sâu sắc này, chúng ta thấy điều gì? Tất cả những gì trái ngược với niềm tin chung và với tình cảm chủng tộc sẽ chỉ có một thời gian sống rất phù du, và dòng sông quanh co lại nhanh chóng chảy theo
dòng của nó. Những ý kiến không gắn liền với một niềm tin chung nào, với một tình cảm chủng tộc nào, và do đó, sẽ không thể có tính cố định, đều bị phó mặc hoàn toàn cho ngẫu nhiên, hay nếu ta muốn, chúng bị phó mặc cho những thay đổi nhỏ nhặt nhất của môi trường sống. Được hình thành do sự gợi ý và lây nhiễm, những ý kiến bao giờ cũng có tính nhất thời; đôi khi chúng sinh ra rồi biến mất cũng nhanh chóng như những đụn cát được hình thành bởi gió bên bờ biển.
Ngày nay, tổng số những ý kiến lưu động của đám đông nhiều chưa từng có; và điều đó xảy ra do ba lí do khác nhau.
Thứ nhất vì những niềm tin cũ càng ngày càng mất ảnh hưởng, chúng không còn tác động được như ngày xưa lên những ý kiến nhất thời để đem lại cho những ý kiến này một định hướng nào đó.
Sự xoá mờ niềm tin chung đã nhường chỗ cho một loạt những ý kiến đặc thù không có quá khứ cũng chẳng có tương lai.
Lí do thứ hai vì sức mạnh của đám đông trở nên càng ngày càng to lớn, và càng ngày càng có ít đối trọng; tính cực kì lưu động của những tư tưởng, mà ta đã thấy ở chúng, có thể được tự do biểu hiện.
Cuối cùng, lí do thứ ba là vì sự phát hành báo chí gần đây đã không ngừng đưa ra trước mắt đám đông những ý kiến trái ngược nhất. Những gợi ý mà mỗi ý kiến có thể tạo ra sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt do những gợi ý đối nghịch. Kết quả là mỗi ý kiến không đạt tới chỗ lan rộng và tất phải có một đời
sống rất ngắn ngủi. Chúng chết đi trước khi có thể đủ lan rộng để trở thành phổ biến.
Từ những nguyên nhân khác nhau đó mà sinh ra một hiện tượng rất mới trong lịch sử thế giới, và hoàn toàn đặc trưng của thời hiện tại, tôi muốn nói tới sự bất lực của những chính quyền trong việc hướng dẫn dư luận.
Ngày xưa, và cái ngày xưa ấy chẳng xa lắm đâu, hoạt động của các chính quyền, ảnh hưởng của một vài nhà văn và của một số rất ít các tờ báo là
những thứ thực sự điều chỉnh dư luận. Ngày nay, các nhà văn đã mất hoàn toàn ảnh hưởng, và những tờ báo chỉ còn làm công việc phản ảnh ý kiến. Còn những chính khách, còn lâu họ mới điều khiển được dư luận, họ chỉ tìm cách chạy theo đuôi nó mà thôi. Họ sợ dư luận, cái thứ dư luận mà đôi khi đi tới chỗ khủng bố và khiến họ phải chấp nhận lối hành xử thiếu ổn định.
Vậy ý kiến của đám đông càng lúc càng có khuynh hướng trở thành cái biểu lộ tối cao của chính trị. Ngày nay nó đi tới
chỗ áp đặt những liên minh, như ta thấy gần đây sự liên minh của người Nga xuất phát chủ yếu từ một phong trào bình dân. Đó là một triệu chứng rất lạ khi ngày nay ta được thấy các giáo hoàng, vua và hoàng đế chịu trả lời phỏng vấn để trình bày tư tưởng của họ về một chủ đề nhất định để cho đám đông đánh giá. Ta có thể nói rằng xưa kia chính trị không phải là chuyện thuộc về tình cảm. Ngày nay liệu còn có thể nói như thế nữa không, khi người dẫn lối chính trị càng lúc càng là những xung động của
đám đông hay thay đổi, không biết đến lí trí, và chỉ tình cảm mới có thể hướng dẫn được nó thôi?
Còn về báo chí, ngày xưa là người hướng dẫn dư luận; thì ngày nay, cũng như chính quyền, nó phải chịu lu mờ trước quyền lực của đám đông. Chắc hẳn nó có một sức mạnh đáng kể, nhưng vì nó chủ yếu là sự phản ánh của những ý kiến đám đông và sự biến thiên không ngừng của chúng. Trở thành tổ chức thông tin đơn thuần, báo chí đã từ chối áp đặt bất cứ tư tưởng và bất cứ chủ
thuyết nào. Nó đi theo tất cả những thay đổi của tư tưởng chung, và sự cần thiết phải cạnh tranh buộc nó phải đi theo dư luận nếu không thì sẽ mất độc giả. Ngày xưa những tờ báo lâu năm trang trọng và nhiều
ảnh hưởng như tờ
Constitutionnel, tờ Siècle, tờ Débats, mà thế hệ trước thành kính nghe những lời phán truyền của chúng, thì đều đã biến mất hoặc đã trở thành những tờ báo thông tin trong khuôn khổ những bài viết cho vui, những bài kể xấu ăn chơi thượng lưu và những bài quảng
cáo tài chính. Ngày nay, đâu còn những tờ báo khá phong phú để cho phép các biên tập viên đưa ra ý kiến cá nhân, và những ý kiến này sẽ có sức nặng gì đó đối với những độc giả chỉ yêu cầu được thông tin hay giải trí, và đằng sau mỗi lời khuyên nhủ họ luôn e ngại kẻ đầu cơ. Ngay phê bình cũng không còn nữa cái quyền năng tung hô quảng cáo cho một cuốn sách hay một vở kịch. Phê bình có thể làm hại chúng, chứ không giúp ích cho chúng.
Những tờ báo chỉ ý thức về sự vô ích của tất cả những gì là
phê bình hay ý kiến cá nhân, cho nên dần dần bỏ hẳn phê bình văn học, tự hạn chế chỉ đưa ra tên cuốn sách với hai hay ba dòng quảng cáo; và hai mươi năm nữa có lẽ phê bình kịch nghệ cũng sẽ như vậy thôi.
Dò xét dư luận ngày nay đã trở thành mối bận tâm chủ yếu của báo chí và chính quyền.
Một biến cố, một dự án lập pháp, một bài diễn văn sẽ tạo ra hiệu quả gì, đó là điều mà họ luôn phải biết; và chuyện ấy không dễ, bởi vì chẳng có gì lưu động hơn và dễ thay đổi hơn là
tư tưởng của đám đông; và chẳng có gì thường xuyên hơn là nhìn thấy đám đông chào đón bằng lời nguyền rủa cái mà hôm trước đám đông đã nồng nhiệt hoan hô.
Sự thiếu vắng hoàn toàn việc chỉ đạo dư luận, đồng thời với việc tan rã của những niềm tin chung, có kết quả cuối cùng là sự phân tán hoàn toàn mọi niềm tin, và sự thờ ơ của đám đông tăng dần đối với cái gì không động chạm rõ rệt tới quền lợi tức thời của họ. Những vấn đề chủ thuyết, như chủ nghĩa xã hội, chỉ tuyển mộ
thêm được những người bảo vệ có lòng tin thực sự trong các tầng lớp ít được học hành, ví dụ công nhân hầm mỏ và xí nghiệp. Còn tầng lớp tiểu tư sản, công nhân có đôi chút học vấn đều rơi vào chủ nghĩa hoài nghi, hay ít ra, rất hay thay đổi.
Sự tiến triển như vậy đã xảy ra từ ba mươi năm nay là rất ấn tượng. Ở thời kì trước tuy không xa lắm, những ý kiến vẫn còn có một khuynh hướng chung; chúng được sinh ra từ việc chấp nhận vài niềm tin cơ bản nào đó. Chỉ bằng
việc là người theo chế độ quân chủ, người ta tất nhiên có một số tư tưởng rất kiên định cả về lịch sử lẫn khoa học, và chỉ bằng việc là người cộng hoà, người ta đã có những tư tưởng hoàn toàn trái ngược. Một người theo chế độ quân chủ biết chính xác rằng con người không có nguồn gốc từ khỉ và một người cộng hòa cũng biết không kém phần chính xác rằng mình có nguồn gốc từ khỉ.
Người quân chủ phải nói về Cách mạng với một sự ghê tởm, còn người cộng hoà với thái độ tôn sùng. Có những cái tên,
như tên Robespierre và Marat[10], anh ta phải đọc lên với dáng vẻ sùng kính, còn những cái tên khác như César, Auguste, Napoléon, người ta không thể nói lên mà không thoá mạ. Ngay đến cả trong đại học Sorbonne, cái cung cách quan niệm ngây thơ về lịch sử như vậy cũng phổ biến*[11].
Ngày nay, đứng trước sự tranh cãi và phân tích, tất cả các ý kiến đều mất uy tín;
những góc cạnh của chúng nhanh chóng bị hao mòn, và chẳng còn lại bao nhiêu điều có thể làm ta say mê. Con người
hiện đại càng lúc càng bị sự thờ ơ xâm chiếm.
Ta đừng quá thương xót cho sự sụp đổ chung này của những ý kiến. Dù đó là một triệu chứng suy đồi trong đời sống của một dân tộc, ta cũng không thể cãi lại được. Chắc chắn rằng những nhà thấu thị, nhà truyền đạo, các lãnh tụ, nói tóm lại là những người có niềm tin vững vàng đều có một sức mạnh khác hẳn với những người có thói quen phủ định, những nhà phê phán và những kẻ thờ ơ; nhưng cũng đừng quên rằng với sức mạnh hiện
tại của đám đông, nếu một ý kiến độc nhất nào có thể chiếm đủ được uy tín để áp đặt thì nó sẽ phải nhanh chóng khoác một tấm áo quyền lực có tính chuyên chế đến mức tất cả đều phải lập tức cúi gập mình trước nó, và cũng không nên quên rằng thời đại tranh luận tự do đã khép lại từ lâu. Đám đông đôi khi đại diện cho những ông chủ ôn hoà, như hoàng đế Héliogabale[12] và Tibère đã như vậy khi cần, nhưng đám đông cũng có tính thất thường hung dữ. Khi một nền văn minh sẵn sàng rơi vào tay đám đông,
nó sẽ bị phó mặc cho quá nhiều may rủi để có thể tồn tại lâu dài. Nếu một điều gì đó có thể làm chậm giờ sụp đổ ít lâu, đó chính là nhờ vào tính chất cực kì lưu động của những ý kiến và nhờ sự thờ ơ tăng dần của đám đông đối với mọi niềm tin chung.
Chú thích:
*1 Tôi hiểu dã man về mặt triết học. Còn về mặt thực tế chúng đã tạo nên một nền văn minh hoàn toàn mới, và trong mười lăm thế kỉ chúng đã làm
cho con người thấy thiên đường kì diệu của giấc mơ và hy vọng mà con người sẽ không thấy nữa.
2 Moloch: nữ thần khát máu được nhắc đến trong Kinh Thánh. Để đón mừng bà, những đứa trẻ phải “đi qua lửa”, nghĩa là bị hiến tế; rồi bị thiêu.
3 Galilée (1564 - 1642):
nhà vật lí và thiên văn Italia, người phát hiện ra định luật rơi tự do và sự chuyển động của Trái Đất.
4 Issac Newton (1642 -
1727): nhà vật lí và thiên văn Anh, khám phá ra lực hấp dẫn.
5 Gottfriel Leibniz (1646 - 1716): nhà triết học và toán học Đức.
6 Mọse: chính khách, sử gia, nhà thơ, nhà đạo đức, nhà lập pháp của người Do Thái.
Ông đã dẫn dân tộc mình từ Ai Cập sang Palestin.
7 Tibère (42 tCN - 37):
hoàng đế La Mã từ năm 14 đến năm 37.
8 Louis XVIII (1755 -
1824): Vua Pháp trong giai đoạn từ 1814 đến 1824, ngoại trừ thời gian Một trăm ngày khi Napoléon từ đảo Elbe trở về, mưu toan lập lại Đế chế.
9 Tên gọi cổ xưa của quốc đảo Anh.
10 Jean-Paul Marat (1743 - 1793): nhà cách mạng Pháp, thành viên của câu lạc bộ des Cordeliers, bị coi là một trong những người chịu trách nhiệm trong cuộc thảm sát tháng Chín. Trúng cử vào Hội nghị Quốc ước, ông là nghị sĩ phái Núi, từng được coi là “người
bạn của nhân dân”. Ông bị một phụ nữ ám sát vào ngày 13 tháng Bảy năm 1793.
*11 Về điểm này, một số trang viết trong sách của các vị giáo sư chính thống cũng rất kì lạ, chứng tỏ tinh thần phê phán trong nền giáo dục đại học của chúng ta đã kém phát triển biết chừng nào. Tôi xin dẫn làm ví dụ một vài dòng trích từ sách về Cách mạng Pháp của một vị nguyên là giáo sư lịch sử ở Sorbonne, và từng làm bộ trưởng giáo dục:
“Việc chiếm ngục Bastille là
một sự kiện tuyệt đỉnh trong lịch sử không những chỉ của nước Pháp, mà còn của cả châu Âu; nó mở đầu một thời đại mới của lịch sử thế giới!”
Còn về Robespiere ta kinh ngạc khi đọc trong sách ấy, rằng nền chuyên chính của ông ta đặc biệt thuộc về ý kiến, sự thuyết phục và uy tín đạo đức;
nền chuyên chính ấy là một thứ giáo hoàng trong tay một con người đức hạnh (tr. 91 và 220).
12 Héliogabale (204-222):
hoàng đế La Mã từ 218 đến 222, là một tư tế ở Baal, ông
trở thành hoàng đế sau vụ mưu sát người bà con là Caracalla vào năm 217. Sự độc ác và bạo tàn của ông cũng như việc áp đặt tôn giáo cho người La Mã đã dẫn tới cuộc nổi dậy khiến ông bị giết.