2.3.1 Mối tương quan giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hợp thành hệ thống chính sách quan trọng trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế, các công cụ của hai chính sách này vừa có tính độc lập, vừa có tính tương tác hỗ trợ nhau trong điều tiết kinh tế vĩ mô. Sự phối hợp đồng bộ hoạt động của hai chính sách này sẽ giúp chính phủ điều hành đạt được hai mục tiêu quan trọng của kinh tế vĩ mô là tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên nếu các chính sách này không được phối hợp một cách nhịp nhàng gắn kết thì sẽ gây trầm trọng hơn đến sự tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho kinh tế vĩ mô bất ổn. Vì vậy tìm ra cơ chế tác động, phối hợp giữa hai chính sách này là hết sức cần thiết.
Chính sách tài khóa tác động lên nền kinh tế thông qua chi tiêu chính phủ và thuế khóa, chính sách tài khóa khác với những chính sách kinh tế cơ bản khác như chính sách tiền tệ, đó là chính sách nhằm ổn định kinh tế bằng cách kiểm soát tỉ lệ lãi suất và nguồn cung tiền. Hai công cụ chính của chính sách tài khóa là chi tiêu của chính phủ và hệ thống thuế, những thay đổi về mức độ và thành phần của thuế và chi tiêu chính phủ có thể ảnh hưởng đến các biến số vĩ mô của nền kinh tế, như tổng cầu và mức độ hoạt động kinh tế, kiểu phân bố nguồn lực, phân phối thu nhập.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ lại tập trung vào ổn định cung tiền, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và cân bằng cán cân thanh toán. Tùy theo từng giai đoạn và diễn biến của kinh tế vĩ mô mà chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu ưu tiên nào là chủ yếu.
Tuy nhiên, do đều tác động đến các biến số vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát, cung tiền, tăng trưởng kinh tế cho nên giữa CSTK và CSTT cũng sẽ có những tác động ảnh hưởng lẫn nhau.
Trong ngắn hạn, CSTK có tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới các yếu tố thuộc cơ chế truyền dẫn CSTT. CSTK tác động trực tiếp và gián tiếp lên tổng cầu của nền kinh tế thông qua các quyết định thu, chi hoặc thông qua sự tác động
lên lãi suất. Điều đó có xu hướng ảnh hưởng đến tiền lương và giá cả, qua đó tác động lên lạm phát và kỳ vọng lạm phát. Về mặt lý thuyết thì thấy được những ảnh hưởng của CSTK lên các kênh truyền dẫn của CSTT, nhưng trên thực tế rất khó để cụ thể hóa (lượng hóa) rõ ràng ảnh hưởng của CSTK đến CSTT trong ngắn hạn.
Trong dài hạn, CSTK có thể ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của CSTT rất rõ nét. Nếu một CSTK kém bền vững lâu dài sẽ tác động lên mục tiêu của CSTT. Kỳ vọng thâm hụt ngân sách lớn và liên tục cộng với nhu cầu nợ lớn của Chính phủ có thể giảm lòng tin vào nền kinh tế và gây rủi ro đến sự ổn định của thị trường tài chính.
Thiếu niềm tin vào sự bền vững tài chính của Chính phủ có thể trở thành yếu tố tiềm ẩn gây ra bất ổn cho thị trường trái phiếu, ngoại hối và thậm chí làm sụp đổ cơ chế tiền tệ.
Ngoài ra, CSTK còn có ảnh hưởng đến dòng chu chuyển vốn quốc tế, qua đó làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát luồng ngoại tệ ra vào đất nước của ngân hàng trung ương, gây rủi ro cho hệ thống tài chính: Chính sách thu và chi tài khóa xây dựng không hợp lý sẽ có tác động tiêu cực tới quá trình phân bổ nguồn lực, điều này sẽ làm tăng rủi ro liên quan đến dòng vốn quốc tế.
Bên cạnh đó, CSTT cũng có ảnh hưởng nhất định đến CSTK: CSTT có mục tiêu chính mang tính trung hạn là ổn định giá cả, giá trị đồng tiền và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thông qua việc kiểm soát lãi suất và cung tiền. Một CSTT thắt chặt sẽ làm giảm nhu cầu đầu tư, thu hẹp sản xuất và có thể dẫn đến giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước. Lãi suất tăng hay giảm cũng ảnh hưởng đến giá trái phiếu chính phủ ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Tỷ giá tăng (đồng bản tệ giảm) sẽ làm gia tăng khoản nợ chính phủ bằng đồng ngoại tệ quy đổi.
CSTT thắt chặt sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của chính phủ, do khi thực hiện thắt chặt tiền tệ, có nghĩa là sẽ làm giảm lãi suất tăng, qua đó làm giảm đầu tư, khả năng thu thuế của chính phủ cũng ảnh hưởng. Đồng thời, lãi suất tăng dẫn đến giá trái phiếu chính phủ giảm, làm tăng khoản nợ chính phủ.
Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu sử dụng mô hình phân tích IS LM để phân tích tác động của chính sách tài khóa và chính tiền tệ.
2.3.2 Mô hình IS – LM
Phần nghiên cứu tiếp theo, tác giả sử dụng mô hình IS – LM, do các nhà kinh tế học người Anh John Hicks (1904 – 1989) và nhà kinh tế học người Mỹ Alvin Hansen (1887 – 1975) đưa ra và phát triển. Mô hình IS – LM được sử dụng để kết hợp các hoạt động khác nhau của nền kinh tế, từ đó thấy được tác động của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đến nền kinh tế.
Đường IS ( Investment và Saving): Chỉ ra các điểm mà tổng lượng hàng hóa được sản xuất bằng tổng lượng cầu về hàng hóa, nó mô tả các điểm mà tại đó thị trường hàng hóa nằm trong mức cân bằng. Đối với mỗi mức lãi suất nhất định sẽ thể hiện mức sản lượng cần thiết để thị trường hàng hóa cân bằng. Khi lãi suất tăng, chi tiêu đầu tư dự kiến và xuất khẩu ròng giảm, làm giảm tổng cầu. Khi đó, tổng sản lượng hàng hóa sẽ giảm để đảm bảo mức cân bằng của thị trường hàng hóa.
Nếu nền kinh tế nằm ở diện tích bên trái đường IS, nó sẽ có tình trạng dư cung về hàng hóa. Ngược lại, nếu nền kinh tế nằm ở diện tích bên phải đường IS, nó sẽ có tình trạng dư cầu về hàng hóa.
Đường LM ( Liquidity Preference và Money Supply ) bao gồm các điểm thỏa mãn điều kiện cân bằng của thị trường tiền tệ, lượng cung tiền bằng lượng cầu tiền.
Đối với mỗi mức sản lượng cho trước, đường LM cho biết lãi suất bao nhiêu để duy trì trạng thái cân bằng trên thị trường tiền tệ. Khi tổng sản lượng tăng, cầu tiền tăng và lãi suất cũng tăng, cho nên cầu tiền vẫn bằng cung tiền và thị trường tiền tệ tiếp tục ở trạng thái cân bằng.
Mô hình IS – LM cho thấy rằng cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đều tác động đến sản lượng.
Hình 2.1 Mô hình đường IS – LM
( Nguồn: Giáo trình Kinh tế Vĩ Mô – Trường ĐH Kinh tế TP HCM)
Chính sách tài khóa làm dịch chuyển đường IS vì trực tiếp tác động tổng cầu làm thay đối sản lượng cân bằng, do vậy, với chính sách tài khóa mở rộng, sẽ làm đường IS dịch chuyển qua phải và ngược lại, với chính sách tài khóa thặt chặt làm tổng cầu giảm, làm dịch chuyển IS qua trái. Tuy nhiên tác động của chính sách tài khóa mở rộng sẽ gây ra hiện tượng lấn át đầu tư tư nhân.
Chính sách tiền tệ làm dịch chuyển đường LM vì tác động vào cung tiền lam thay đổi lãi suất cân bằng, đường LM dịch chuyển nếu cung tiền thực hoặc cầu tiền thực thay đổi.
Ảnh hưởng của chính sách tài khóa và tiền tệ cho thấy rằng chính phủ có thể dễ dàng giúp cho nền kinh tế thoát khỏi chu kỳ kinh tế bằng biện pháp như nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc mở rộng chính sách tài khóa đối với nền kinh tế đang suy thoái hay đối phó với tình trạng thất nghiệp quá cao, hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đối với nền kinh tế lạm phát cao do tăng trưởng. .
Các đường IS và LM đều có hình dáng thông thường, trong đó đường IS dốc xuống phía bên phải, đường LM dốc lên về phía bên phải.
Cơ chế vận hành:
Khi Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa mở rộng sẽ dẫn đến tăng tổng cầu, lượng tăng và thu nhập của người dân sẽ tăng theo. Thu nhập tăng sẽ tác động đến cầu tiền và làm cầu tiền tăng lên, với giả thiết lãi suất cung tiền thực không thay đổi thì lãi suất sẽ tăng. Lãi suất tăng sẽ tác động ngược trở lại đối với thị trường hàng hóa. Kết quả cuối cùng là lãi suất tăng và thu nhập tăng. Lãi suất là một biến số quan trọng của chính sách tiền tệ, thông qua cơ chế truyền dẫn trong nền kinh tế, CSTK đã có tác động đến CSTT, từ đó sẽ xảy ra những tác động lan truyền qua lại giữa hai chính sách.
Việc kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có ý nghĩa ngắn hạn và dài hạn:
Khi nền kinh tế gặp suy thoái: Sử dụng chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ mở rộng.
Khi nền kinh tế lạm phát cao: Dùng chính sách tài khóa thu hẹp và chính sách tiền tệ thu hẹp.
Nếu hai chính sách được kết hợp nhịp nhàng và đồng bộ sẽ phát huy tối ưu hiệu quả của từng chính sách đến nền kinh tế, từ đó góp phần đẩy nhanh các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tạo sự phát triển bền vững và ổn định, tạo việc làm cho người dân.