Hành lang pháp lý c ủa hoạt động M&A NHTM

Một phần của tài liệu Tài liệu luận văn Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Kinh Doanh Của Ngân Hàng (Trang 25 - 28)

CHƯƠNG 2: LÝ THUYẾT VỀ HOẠT ĐỘNG M&A VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG

2.1. Lý thuyết về hoạt động hợp nhất sáp nhập và mua lại ( M&A)

2.1.7. Hành lang pháp lý c ủa hoạt động M&A NHTM

Hiện nay vẫn chưa có một luật cụ thể dành riêng cho hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam. Những quy định dành co hoạt động này vẫn còn nằm rải rác ở các luật, nghị định và thông tư khác nhau như: Luật cạnh tranh 2004, Luật đầu tư 2005, Luật doanh nghiệp 2015, Luật chứng khoán 2006 và Luật sửa đổi bổ sung năm 2010, Nghị định số 69/2007/NĐ-CP, thông tư số 07/2007/TT-NHNN, thông tư số 04/2010-NHNN… Tuy nhiên, mỗi luật điều chỉnh hoạt động M&A từ một góc độ khác nhau:

Luật cạnh tranh 2004: tại điều 16 xem M&A doanh nghiệp là hành vi tập trung kinh tế. Từ điều 18 đến điều 20 quy định trường hợp tập trung kinh tế bị cấm; trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm và thông báo việc tập trung kinh tế.

Luật đầu tư 2005: quy định trong các hình thức đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp qua hình thức mua cổ phần hoặc góp vốn; đầu tư thực hiện việc sáp nhập và mua lại doanh nghiệp của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lãnh thổ Việt Nam.

Luật doanh nghiệp 2015: tại điều 150, 151, 152, 153 đề cập đến khái niệm thủ tục, quy định về việc chia tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.

Luật chứng khoán 2006 và Luật sửa đổi bổ sung năm 2010: Điều 29, Điều 32 , Điều 69 Luật chứng khoán năm 2006, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật chứng khoán năm 2010 điều chỉnh hoạt động mua lại và sáp nhập trong lĩnh vực chứng khoán và công ty đại chúng.

Nghị định số 69 và Thông tư số 07: Nghị định số 69/2007/NĐ-CP ngày 20/04/2007 của chính phủ về nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của NHTM Việt Nam và thông tư sổ 07/2007/TT-NHNN ngày 29/11/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 69/2007/NĐ-CP đã tập trung vào việc quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; điều kiện của tổ chức tín dụng nước ngoài mua cổ phần của ngân hàng Việt Nam; điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của NHTM Việt Nam trên thị trường chứng khoán; điều kiện tham gia quản trị tại ngân hàng Việt Nam.

Thông tư số 04: Thông tư số 04/2010/TT-NHNN ngày 11/02/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại tổ chức tín dụng. Thông tư số 04 đã kế thừa và loại bỏ những hạn chế của Quy chế về sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 241/1998/QĐ-NHNN5 ngày 15/07/1998 của Ngân hàng Nhà nước, theo đó phạm vi các đối tượng được/thuộc diện sáp nhập, hợp nhất được mở rộng; kế thừa tinh thần của Luật Doanh nghiệp năm 2005 về hợp nhất, sáp nhập, Luật Cạnh tranh năm 2004 về tập trung kinh tế, đồng thời đảm bảo tuân thủ các cam kết của Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, cụ thể.

Về hình thức mua lại và sáp nhập: Thông tư quy định việc sáp nhập, hợp nhất và mua lại giữa các tổ chức tín dụng chỉ được tiến hành dưới một số hình thức nhất định. Các hình thức sáp nhập bao gồm: Ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng

hợp tác sáp nhập vào một ngân hàng; công ty tài chính sáp nhập vào một công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính sáp nhập vào một công ty cho thuê tài chính. Các hình thức hợp nhất bao gồm: Ngân hàng được hợp nhất với ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng hợp tác để thành một ngân hàng; các công ty tài chính hợp nhất thành một công ty tài chính; các công ty cho thuê tài chính hợp nhất thành một công ty cho thuê tài chính. Các hình thức mua lại bao gồm: Một ngân hàng được mua lại công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính; một công ty tài chính được mua lại công ty cho thuê tài chính.

Về điều kiện tiến hành mua lại và sáp nhập: Thông tư cũng quy định điều kiện để tiến hành hợp nhất, sáp nhập hay mua lại các tổ chức tín dụng, theo đó việc hợp nhất, sáp nhập hay mua lại không được thuộc trường hợp tập trung kinh tế bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh. Các tổ chức tín dụng tham gia các hoạt động này phải phối hợp xây dựng một đề án thực hiện hợp nhất, sáp nhập, hoặc mua lại không trái với nội dung của hợp đồng đã ký. Ngoài ra, tổ chức tín dụng còn lại sau khi tiến hành hợp nhất, sáp nhập, hoặc mua lại phải đảm bảo đáp ứng điều kiện về vốn pháp định theo quy định của pháp luật.

Về mặt thủ tục: Ngân hàng Nhà nước sẽ lấy ý kiến tham gia của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại địa phương, Uỷ ban nhân dân địa phương nơi tổ chức tín dụng tham gia mua lại đặt trụ sở chính và nếu thấy cần thiết sẽ lấy ý kiến của các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến một hoặc một số nội dung trong hồ sơ đề nghị mua lại và quan điểm về việc mua lại để ra quyết định chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận. Nếu được chấp thuận nguyên tắc, các tổ chức tín dụng tham gia phải lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền của tổ chức tín dụng để thông qua lại các nội dung thay đổi tại đề án trước khi lập hồ sơ chính thức gửi lại cho Ngân hàng Nhà nước để được chấp thuận chính thức. Sau đó, các tổ chức chấm dứt hoạt động cần phải hoàn tất thủ tục rút giấy phép kinh doanh, tổ chức mới phải hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng bố cáo hợp nhất… Thông tư nghiêm cấm việc phân tán tài sản của tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức trong quá trình xin chấp thuận. Bên cạnh hệ thống quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động mua lại và sáp nhập ngân hàng còn phải tuân theo các thỏa thuận, hiệp ước song phương và

đa phương như cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quy định trong Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, các hiệp định đã ký kết trong ASEAN... Tóm lại, thị trường sáp nhập, mua bán ở Việt Nam còn sơ khai nên việc thiếu kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực này là điều không thể tranh khỏi.

Khung pháp lý ban hành chưa có sự thống nhất, nằm rải rác ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau.Để hoạt động sáp nhập và mua lại phát huy được lợi ích cho các NHTM thì Nhà nước cần hoàn thiện hơn hệ thống các văn bản pháp luật của mình về hoạt động này cũng như tăng cường hỗ trợ các ngân hàng trong việc thực hiện sáp nhập và mua lại.

Một phần của tài liệu Tài liệu luận văn Nâng Cao Hiệu Quả Hoạt Động Kinh Doanh Của Ngân Hàng (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)