CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG M&AVÀ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ
3.4. Đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh một số NHTM thông qua hoạt động M&A ( giai đoạn từ 2011-2015)
3.4.5. Đánh giá của các chuyên gia về việc nâng cao hiệu quả hoạt động kinh
Trích từ bài báo “ Hậu M&A Ngân hàng nổ lực giải quyết nợ xấu khủng” đang trên Vietbao.vn ngày 10/10/2015 có nêu ý kiến của Tiến sỹ Cấn Văn Lực một chuyên gia tài chính ngân hàng là “ Ngành ngân hàng đã có sự cải tổ hệ thống cũng như gia tăng các ngân hàng nhỏ, yếu kém vào các ngân hàng lớn. Mặc dù khó tránh khỏi khó khăn về hoạt động và nợ xấu, nhưng sau thời gian tái cơ cấu, các nhà băng sau sáp nhập sẽ lớn mạnh về vốn và quy mô hoạt động”
Trích từ bài báo , Xử lý nợ xấu sau sáp nhập: Đừng như “bình mới – rượu cũ”, của Thạch Huê đăng ngày 01/6/2015 đăng trên trang congly.com.vn như sau:
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank nhận định, sáp nhập là giải pháp cần thiết và có tính tất yếu để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng ở Việt Nam. Xu hướng ngân hàng nhỏ, yếu sáp nhập với ngân hàng lớn có năng lực tài chính tốt đang diễn ra khá sôi động và dự báo sẽ tiếp diễn với tốc độ cao hơn trong thời gian tới. Thực tế, nhóm ngân hàng sáp nhập giai đoạn trước năm 2015 đã có những chuyển biến tích cực về các hoạt động như huy động vốn, thanh khoản, xử lý nợ, cho vay.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại nhìn nhận vấn đề xử lý nợ xấu sau sáp nhập theo cách khác. Ông cho rằng, khó thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu nếu chỉ bằng giải pháp sáp nhập, hợp nhất ngân hàng. Không thể đòi hỏi vừa cải thiện hoạt động của hệ thống ngân hàng lại vừa muốn lập tức giảm tỷ lệ nợ xấu. Dù cho có mối liên hệ hữu cơ xong xử lý nợ xấu là bài toán nan giải và cần thêm thời gian cũng như nỗ lực của toàn hệ thống.
TS. Cao Sĩ Kiêm nhận xét: “Hầu hết các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về mặt cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị”.
Trích lời của TS. Lê Xuân Nghĩa, chưa thể đòi hỏi được sự ổn định và lớn mạnh chỉ sau giai đoạn ngắn các ngân hàng sáp nhập, hợp nhất, mà cần phải có thời gian để đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động trong thời gian tới thì sức khỏe các ngân hàng mới tốt lên.
Và theo ý kiến của một số chuyên gia làm việc tại các NHTM đã đóng góp để hoàn thành bài luận văn này, luận văn chỉ nêu ra ở đây một số ý kiến nổi bật nhất.
Đa số các chuyên gia khẳng định rằng, M&A là một phương pháp tốt để cải thiện sức khỏe của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tái cơ cấu toàn diện như hiện nay.
Mọi người đều nhìn thấy những lợi ích trước mắt mà hoạt động M&A mang lại cho các ngân hàng tham gia như là tăng quy mô về tổng tài sản, tăng quy mô vốn, gia tăng mạng lưới giao dịch…Nhiều người cho biết thông qua những số liệu được các ngân hàng công bố thì hoạt động M&A đã đáp ứng được mong đợi của NHNN trong đề án tái cơ cấu: giảm số lượng ngân hàng, kiểm soát được và từng bước xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng. Việc sáp nhập, hợp nhất diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém, vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Tình hình nợ xấu của các ngân hàng theo như được công bố đã cải thiện rất nhiều.
Khi được hỏi về nhận định hoạt động M&A nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau như sau:
Một số chuyên gia cho rằng vì các ngân hàng vẫn còn trong giai đoạn ban đầu của hoạt động kinh doanh hậu M&A, chưa đủ để khẳng định rằng các ngân hàng đã nâng cao hay chưa. Những con số công bố sau hoạt động M&A chỉ mới cho thấy những dấu hiệu đáng hi vọng về một tương lai mới cho hệ thống ngân hàng Việt Nam mà thôi. Còn việc có nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh hay không phụ thuộc rất nhiều vào định hướng hoạt động và phát triển của từng ngân hàng, chúng ta cần nhiều thời gian để theo dõi thêm.
Một số người lại cho rằng, hoạt động M&A đã phần nào thể hiện vai trò của mình trong nâng cao hiệu quả hoạt động các ngân hàng, thể hiện qua những con số nợ xấu khổng lồ của những ngân hàng yếu kém trước khi thực hiện M&A nay đã được kiểm soát và về đến mức có thể chấp nhận được, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu vẫn nằm trong mức cho phép theo thông tư số 13 của NHNN, tỷ lệ tăng trưởng của tổng tài sản, chất lượng tổng tài sản được nâng cao…
Về khía cạnh nợ xấu, nhiều chuyên gia cho rằng hoạt động M&A chưa thực sự giải quyết được triệt để vấn đề nợ xấu, theo chuyên gia nếu cả hai ngân hàng đểu trong tình trạng nợ xấu cao thì sau M&A nợ xấu càng ở mức khó kiểm soát hơn. Trong khi đó, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam vẫn chưa được tính toán rõ ràng theo thông lệ quốc tế, chưa có cơ quan thanh tra kiểm tra về vấn đề này nên rất khó tin tưởng các tỷ lệ nợ xấu do ngân hàng công bố. Gánh nặng nợ xấu sẽ kéo theo tình trạng chi phí trích lập dự phòng tăng lên thì làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, do đó để khẳng định hoạt động M&A nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thì cần có nhiều thời gian để chứng minh.
Đồng thời với những lợi ích trên thì sau khi thực hiện M&A các ngân hàng còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: dung hòa về văn hóa kinh doanh, tích hợp hệ thống, giải quyết nguồn nhân lực… Theo các chuyên gia thì việc gì cũng có hai mặt của nó, hoạt động M&A quan trọng không phải là quá trình tiến hành M&A, thương vụ M&A thành công hay không là ở giai đoạn hậu sáp nhập, trên thế giới nhiều ngân hàng lớn mạnh nhưng sau khi thực hiện M&A do không dung hòa được trong hoạt động giữa hai hệ thống đã phải từ bỏ. Tại Việt Nam do hoạt động M&A đa số vẫn là trong tình trạng bắt buộc theo chỉ đạo của NHNN, việc này sẽ dẫn đến việc các ngân hàng chưa tìm hiểu kỹ càng đã buộc phải sáp nhập hay hợp nhất với nhau, sau đó gặp nhiều khó khăn dung hòa và cơ cấu lại hệ thống hoạt động kinh doanh.
Hậu M&A nhiều ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng công tác tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ nhân lực còn nhiều hạn chế. Phụ thuộc vào vị thế của từng ngân hàng mà nhân viên ngân hàng đó sẽ nhận được lợi thế nhiều hơn về việc giữ vị trí làm việc tại ngân hàng sau khi M&A. Sau khi thực hiện M&A thì sẽ có vị trí thừa người, vị trí thì thiếu người, dẫn đến nhiều nhân viên sẽ bị sa thải, hoặc bị điều đến vị trí khác không
đúng chuyên môn. Điều này gây bất an, bất mãn trong đội ngũ công nhân viên, nếu xử lý không tốt ngân hàng dẫn đến việc mất đi nguồn nhân viên giàu kinh nghiệm giỏi chuyên môn.