8. Kết cấu của luận văn
1.2. Quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Trên thế giới có nhiều cách nhìn khác nhau về khái niệm quản lý:
Theo Warren Bennis, một chuyên gia nổi tiếng về nghệ thuật lãnh đạo đã từng nói rằng: “Quản lý là một cuộc thử nghiệm gắt gao trong cuộc đời mỗi cá nhân, và điều đó sẽ mài giũa họ trở thành các nhà lãnh đạo”. Tiếng Việt cũng có từ “quản lý” và “lãnh đạo” riêng rẽ giống như “manager” và “leader” trong tiếng Anh;
Theo Haror Koontz, quản lý là một hoạt động thiết yếu đảm bảo sự phối hợp nỗ lực của các cá nhân nhằm đạt đến mục tiêu tổ chức nhất định;
Theo Mariparker Follit (1868 – 1933), nhà khoa học chính trị, nhà triết học Mỹ thì: “Quản lý là một nghệ thuật khiến công việc được thực hiện thông qua người khác”;
Tư tưởng và quan điểm “quản lý” đã có từ cách đây hơn 2500 năm nhưng cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, vấn đề quản lý theo khoa học mới xuất hiện. Người khởi xướng là Fredrich Winslow Taylor với cuốn sách “Các nguyên tắc quản lý theo khoa học”. Theo ông thì người quản lý phải là nhà tư tưởng, nhà lên kế hoạch chỉ đạo tổ chức công việc.
Theo Đặng Quốc Bảo và ctg (1998, tr. 16) cho rằng “Quản lý là một quá trình lập kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra những nỗ lực của các thành viên trong một tổ chức và sử dụng các nguồn lực của tổ chức để đạt được những mục tiêu cụ thể”.
Từ các định nghĩa được nhìn nhận từ nhiều góc độ, chúng ta thấy rằng tất cả các tác giả đều thống nhất về cốt lõi của khái niệm quản lý, đó là trả lời câu hỏi; Ai quản lý? (Chủ thể quản lý); Quản lý ai? Quản lý cái gì? (Khách thể quản lý); Quản lý như thế nào? (Phương thức quản lý); Quản lý bằng cái gì?
(Công cụ quản lý); quản lý để làm gì? (Mục tiêu quản lý).
Từ đó chúng ta có thể đưa ra định nghĩa:
Quản lý là sự tác động có ý thức của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý nhằm chỉ huy, điều hành, hướng dẫn các quá trình xã hội và hành vi của cá nhân hướng đến mục đích hoạt động chung và phù hợp với quy luật khách quan.
Theo Nguyễn Đăng Dung (2002, tr.18), “Quản lý nhà nước là sự chỉ huy, điều hành xã hội của các cơ quan nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để thực thi quyền lực Nhà nước, thông qua các văn bản quy phạm pháp luật”.
Từ các khái niệm về quản lý, quản lý nhà nước và ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao chúng ta có thể đưa ra định nghĩa Quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao như sau:
Quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh của các cơ quan nhà nước nhằm hỗ trợ và khuyến khích các tổ chức, cá nhân hình thành và phát triển các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ đó tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp mới thành lập có thể phát triển thành các doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
1.2.2. Nội dung quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Góp phần vào việc chuyển dịch nền kinh tế nông nghiệp của đất nước, bằng việc thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nhà nước sẽ góp phần tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, từ đó phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và nông thôn, nâng cao đời sống của người dân.
Nội dung quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là việc ban hành, phổ biến, tổ chức thực hiện và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Về cơ bản nội dung quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp bao gồm 03 hoạt động sau:
1.2.2.1. Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến ươm tạo doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng, nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc thành lập, hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp mới.
Các cơ chế chính sách cũng sẽ tạo điều kiện kích thích, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các tổ chức, cá nhân có ý tưởng kinh doanh hoặc muốn thành lập doanh nghiệp mới liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng.
Việc ban hành các cơ chế chính sách ươm tạo doanh nghiệp sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cũng như cung cấp một nguồn nhân lực tham gia vào hoạt động của ngành nông nghiệp.
Giúp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp, như các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà đầu tư, khách hàng… để tạo ra các điều kiện thuận lợi cho việc ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
1.2.2.2. Tổ chức triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Tổ chức, triển khai và quản lý các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp mới trong quá trình ươm mầm, khởi nghiệp và phát triển thông qua các hoạt động như:
Cung cấp thông tin, tư vấn về thị trường, pháp luật, tài chính, quản lý cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận các nguồn lực cần thiết để phát triển kinh doanh.
Tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
1.2.2.3. Kiểm tra, giám sát và đánh giá hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình ươm tạo doanh nghiệp đồng thời cung cấp cái nhìn tổng quan về quá trình ban hành, triển khai thực hiện cơ chế chính sách, giúp hoàn thiện và nâng cao công tác ban hành và tổ chức thực hiện chính sách về sau.
Quá trình này sẽ tập trung vào việc đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; Hiệu quả của các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; Xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
1.2.3. Nguyên tắc quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nhằm thu hút tối đa sự tham gia khởi nghiệp của các cá nhân tổ chức vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung cũng như lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nói riêng cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
Thống nhất giữa chính trị và kinh tế, kết hợp hài hoà giữa kinh tế và xã hội: Nguyên tắc này được thể hiện trong việc xác định cơ chế pháp lý ươm tạo, đặc biệt là cơ cấu ươm tạo theo các địa phương, vùng lãnh thổ, thành phần kinh tế nhằm mục đích phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế bảo đảm phù hợp với các quy luật khách quan, các điều kiện về kinh tế - xã hội và lịch sử trong từng giai đoạn cụ thể.
Tập trung dân chủ: Nguyên tắc này đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về ươm tạo cần thống nhất về mặt lãnh đạo như từ công tác xây dựng, thực hiện kế hoạch, thực thi chính sách, các luật pháp có liên quan… nhưng vẫn phát huy được tính chủ động sáng tạo của các đơn vị thực hiện ươm tạo. Từ đó giảm thiểu tối đa tình trạng ươm tạo thiếu hiệu quả, lãng phí đồng thời phát huy được tính sáng tạo.
Quản lý theo ngành kết hợp với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ: Thực chất của Quản lý nhà nước chính là quản lý tất cả các ngành, các lĩnh vực, tuy nhiên mỗi vùng, mỗi lãnh thổ lại có những đặc điểm và điều kiện rất khác nhau nên phương pháp quản lý nhà nước về ngành cũng khác nhau nhằm phát triển ngành và khai thác tốt nhất lợi thế của các vùng lãnh thổ từ đó kết hợp hài hoà giữa các mặt lợi ích trong ươm tạo.
Tiết kiệm và hiệu quả: Tiết kiệm và hiệu quả trong ươm tạo được đánh giá bằng việc đạt được hiệu quả kinh tế xã hội mong muốn với mức chi phí ươm tạo thấp nhất, giúp hiệu quả ươm tạo được nâng cao nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng các dự án được ươm tạo.