8. Kết cấu của luận văn
1.3 Kinh nghiệm quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trong, ngoài nước và bài học kinh nghiệm
1.3.2. Kinh nghiệm tại một số địa phương trong nước
Khái niệm Vườn ươm vẫn còn khá mới mẻ ở Việt nam. Tuy nhiên, cũng có một số mô hình vườn ươm đã được xây dựng và phát triển, tập trung ở hai trung tâm chính của Việt Nam là Hà nội và TP.HCM. Vườn ươm được chia làm 3 nhóm: Vườn ươm trong các Khu công nghệ cao, Vườn ươm trong trường đại học và vườn ươm trong doanh nghiệp. Ở phía Bắc có 5 vườn ươm, bao gồm vườn ươm thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về Quản lý (CRC) trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Vườn ươm HBI, Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao Hoà Lạc của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, 2 vườn ươm còn lại do Công ty Công nghệ Tin học Tinh Vân và công ty FPT thành lập. Khu vực phía Nam có 6 vườn ươm là Vườn Ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao thuộc Khu Công nghệ cao (Saigon HiTech Park), Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công
nghệ thuộc Đại học Bách khoa TP. HCM; Vườn ươm Khu Công viên Phần mềm Quang Trung (Software Park), Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ thuộc Đại học Nông lâm TP. HCM, Vườn ươm Khu công nghiệp Tân tạo và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2022, cả nước có 500 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao được thành lập mới. Trong đó, có 450 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt, 50 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản. Các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang,…
1.3.2.1. Kinh nghiệm tại Hà Nội
Hà Nội là một trong những thành phố có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao lớn nhất Việt Nam. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao về vốn, đất đai, kỹ thuật, công nghệ và thị trường.
Ngoài những chính sách từ Trung ương thì Hà Nội cũng đã ban hành nhiều chính sách riêng nhằm thúc đẩy và phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói chung cũng như phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Có thể kể đến như:
Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND ngày 9/7/2012 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch Phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030;
Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND Thành phố về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung Thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020;
Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 8/7/2015 của HĐND thành phố về việc ban hành một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020;
Quyết định số 27/2017/QĐ-UBND ngày 07/8/2017 của UBND thành phố về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 của HĐND thành phố về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020;
Quyết định số 28/2017/QĐ-UBND ngày 07/8/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 03/2015/NQ- HĐND ngày 8/7/2015 của HĐND thành phố về một số chính sách thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2016 - 2020;
Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 HĐND thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội (thay thế Nghị quyết số 04/2012/NĐ-HĐND ngày 05/4/2012 và Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 08/7/2015);
Nhờ những chính sách trên đã giúp Hà Nội nhanh chóng nhân rộng và giúp các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đứng vững và phát triển thuận lợi. Tính tới thời điểm hiện tại Hà Nội hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 105 mô hình trồng trọt, 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn
nuôi. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh (Thạch Thất), HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ), Công ty TNHH xuất nhập khẩu KINOKO Thanh Cao (Mỹ Đức),… Ngoài ra, Hà Nội cũng đã quy hoạch 9 khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và kêu gọi đầu tư vào 7 dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tại Hà Nội là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô.
Tuy nhiên, việc ban hành chậm trễ các văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi dành riêng cho NNCNC khiến cho doanh nghiệp và các cấp chính quyền lúng túng, chưa thể thực hiện được các ưu đãi một cách kịp thời. Để chính sách thực sự phát huy hiệu quả, Thành phố cần rà soát quy trình và ban hành kịp thời, nhanh chóng các văn bản hướng dẫn thi hành. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp và các cấp chính quyền nắm bắt rõ ràng các chính sách ưu đãi, từ đó có thể thực hiện đúng và đủ các quy định.
1.3.2.2. Kinh nghiệm tại Đà Nẵng
Theo báo cáo của UBND TP. Đà Nẵng năm 2021, Thành phố đã quy hoạch 04 phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.986ha để khai thác, thực hiện chức năng nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, kết hợp du lịch đều nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Hiện huyện Hòa Vang đang tập trung triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hạ tầng kỹ thuật và tổ chức xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nông nghiệp công nghệ cao này.
Bên cạnh việc quy hoạch quỹ đất dành cho nông nghiệp công nghệ cao, TP. Đà Nẵng cũng ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực này như:
Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND ngày 07/7/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;
Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 09/01/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc xây dựng Quyết định quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030;
Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 11/01/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Trong đó tập trung vào các ưu đãi như: Hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng nhưng không quá 3 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất (nhà xưởng, thiết bị sản xuất, bảo quản, tưới tiêu) 50% chi phí nhưng không quá 2 tỷ đồng/dự án; hỗ trợ xây dựng, trình diễn mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC 50% nhưng không quá 1 tỷ đồng/mô hình; hỗ trợ 100%
lãi suất vay đầu tư trong 3 năm với mức vay tối đa 10 tỷ đồng/dự án…
Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thông qua các văn bản này, thành phố Đà Nẵng đã khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, thành phố cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về vốn, đất đai, kỹ thuật.
Đến nay, Đà Nẵng đã hình thành 16 mô hình ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực; hình thành các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; hình thành được hơn 20 cánh đồng lúa hữu cơ với diện tích 345ha; có 6 Hợp tác xã hoạt động và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu là sản xuất cây trồng theo chuẩn VietGAP và có 18 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
1.3.3. Bài học kinh nghiệm cho TP. HCM trong chính sách phát triển ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao
Thứ nhất, Chính sách là yếu tố quyết định lớn đến việc hình thành và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được xem là cơ sở pháp lý phát triển ngành nông nghiệp. Các chính sách này tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và nông hộ sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Thứ hai, việc thành lập Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao và xây dựng các Khu Nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện vai trò của nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong nhiều văn bản quan trọng, như Nghị quyết số 26-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 Đại hội X, Luật công nghệ cao, đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 và tầm nhìn 2025, Nghị định số 61/2010/NĐ-CP quy định một số ưu đãi và hỗ trợ đầu tư bổ sung của nhà nước dành cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.
Khu nông nghiệp công nghệ cao là nơi tập trung các điều kiện thuận lợi để nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, có năng suất, chất lượng cao, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Thứ ba, để có thể thực hiện một cách đồng bộ và có hiệu quả những chính sách ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cần phải có sự nhận thức đầy đủ và sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị xã hội, đặc biệt cần có sự quyết tâm của các cấp chính quyền cũng như
cần có sự phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Trong chương này luận văn đã trình bày các lý thuyết có liên quan đến quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và hệ thống hóa những thành tựu, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó lựa chọn những nội dung, yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao để sử dụng phân tích, đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra những vấn đề chưa được nghiên cứu giải quyết, những vẫn đề cần giải quyết cũng như những khoảng trống của các nghiên cứu trước đây. Từ đó làm cơ sở khoa học có tác dụng định hướng cho nội dung phân tích ở Chương 2 của luận văn.
Chương 2