Cơ sở lý luận về rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Luận văn kinh tế hạn chế rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp thương mại gạo tại các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam khu vực tây nam bộ​ (Trang 27 - 32)

3.1.1 Khái niệm rủi ro tín dụng

Theo Hiệp ước Basel II: Rủi ro tín dụng là rủi ro phát sinh do người đi vay hoặc đối tác của ngân hàng không thực hiện được nghĩa vụ của mình theo các điều khoản đã thỏa thuận.

Theo Arindam Bandyopadhyay (2016): Rủi ro tín dụng là khả năng tiềm tàng mà một cá nhân hoặc một tổ chức vay ngân hàng không thể hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng vay và những mất mát trong tương lai liên quan đến khoản nợ đó.

Tuy có nhiều quan điểm khác nhau về rủi ro tín dụng, nhưng nhìn chung các khái niệm rủi ro tín dụng đều thể hiện là rủi ro phát sinh trong quá trình cấp tín dụng của ngân hàng, biểu hiện là khách hàng không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ nợ của mình theo đúng cam kết dẫn đến tổn thất về tài chính đối với người cho vay.

3.1.2 Phân loại rủi ro tín dụng

Có rất nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại RRTD, theo Phạm Thái Hà (2017) thì rủi ro tín dụng được phân loại dựa trên các tiêu chí:

- Căn cứ vào mức độ tổn thất: rủi ro mất vốn và rủi ro đọng vốn.

- Căn cứ theo đối tượng sử dụng: rủi ro công ty, tổ chức kinh tế, định chế tài chính, rủi ro khách hàng cá thể và rủi ro quốc gia hay khu vực địa lý.

- Căn cứ phạm vi của RRTD: rủi ro hệ thống và rủi ro cá biệt và.

Còn theo Nguyễn Văn Tiến (2013) nếu căn cứ vào nguyên nhân phát sinh rủi ro thì rủi ro tín dụng gồm có Rủi ro giao dịch, rủi ro danh mục và rủi ro tác nghiệp; căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng thì rủi ro tín dụng được phân chia thành: rủi ro không hoàn trả nợ đúng hạn, rủi ro do không có khả năng trả nợ và rủi ro không giới hạn ở hoạt động cho vay.

3.1.3 Nguyên nhân dẫn đến rủi ro tín dụng

Theo Phạm Thái Hà (2017) rủi ro tín dụng xảy ra do các nguyên nhân:

3.1.3.1 Nhóm nguyên nhân khách quan

- Xuất phát từ môi trường kinh tế: Tùy vào mỗi giai đoạn kinh tế suy thoái hay hưng thịnh, sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người đi vay. Trong giai đoạn hưng thịnh thì người đi vay hoạt động tốt, RRTD của người cho vay thấp. Ngược lại, trong giai đoạn khủng hoảng, khả năng hoàn trả của người đi vay bị giảm sút, khi đó RRTD của người cho vay tăng.

- Xuất phát từ chính sách kinh tế, pháp luật của nhà nước: Khi nhà nước có bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thu nhập, kinh tế đối ngoại,.. hay thay đổi hoặc ban hành các chính sách luật đều ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh, do đó ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp.

- Xuất phát từ phía khách hàng vay vốn:

 Năng lực quản lý điều hành của khách hàng: Người quản lý điều hành là người chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của toàn doanh nghiệp do đó trình độ, năng lực của người điều hành có tính chất quyết định đến hiệu quả sử dụng vốn vay, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện cam kết với ngân hàng. Ngoài ra đạo đức và uy tín ở người quản lý cũng là 1 vấn đề cần quan tâm nếu như người quản lý không có thiện chí trong vấn đề cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho ngân hàng để phục vụ cho việc cấp tín dụng, hoặc có khả năng trả nợ nhưng không có thiện chí trong việc trả nợ.

 Tình hình tài chính thiếu minh bạch, yếu kém: Rủi ro xuất phát từ việc khách hàng cung cấp các BCTC ảo, được khách hàng che giấu bằng cách tạo ra một bản BCTC không chính xác để gởi cho ngân hàng trong hồ sơ vay. Cán bộ thẩm định lại căn cứ vào các số liệu ảo mà khách hàng cung cấp lập các bản phân tích tài chính của doanh nghiệp dẫn đến rủi ro tài chính thiếu tính thực tế và xác thực.

3.1.3.2 Nhóm nguyên nhân chủ quan từ phía các NHTM

- Xuất phát từ cán bộ tín dụng: Một cán bộ tín dụng yếu kém về năng lực, thiếu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ dẫn đến rủi ro chưa đánh giá đúng về khoản vay hoặc

đưa ra những quyết định sai lầm trong cho vay, dễ dẫn đến thất thoát cho ngân hàng.

Mặt khác đạo đức của cán bộ tín dụng cũng là một trong những yếu tố quan trọng vì một khi cán bộ tha hóa về đạo đức mà lại giỏi về mặt nghiệp vụ thì thật sự nguy hiểm khi được bố trí trong công tác tín dụng.

- Xuất phát từ hoạt động kiểm soát nội bộ: Hiện nay, các NHTM đều có bộ phận kiểm soát nội bộ, tuy nhiên, ở một số ngân hàng, bộ phận này chưa thật sự hoạt động có hiệu quả, hầu như chỉ tồn tại trên hình thức, nên chưa kịp thời phát hiện các tồn tại, sai phạm, lỗ hổng trong hoạt động tín dụng để đề ra các giải pháp chấn chỉnh phù hợp.

3.1.4 Các chỉ tiêu đo lường rủi ro tín dụng

Theo Phạm Thái Hà (2017) rủi ro tín dụng được đo lường bởi các chỉ tiêu sau:

- Nợ quá hạn: được tính bằng tỷ số:

Tỷ lệ nợ quá hạn = Số dư nợ quá hạn

x 100%

Tổng dư nợ

Ngân hàng có chỉ tiêu nợ quá hạn càng lớn thì ngân hàng đó đang có mức rủi ro tín dụng càng cao và ngược lại.

- Nợ xấu: Là việc người cho vay khó hoặc không thể thu hồi được khoản tiền từ người đi vay do người đi vay làm ăn thua lỗ hoặc phá sản, nợ phải trả tăng, hay mất khả năng thanh toán...

Theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 09/2014/TT-NHNN về “Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” thì dư nợ của các tổ chức tín dụng được chia làm 05 nhóm như sau:

 Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn, bao gồm: nợ trong hạn, nợ quá hạn dưới 10 ngày và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ nợ gốc và lãi, …

 Nhóm 2: Nợ cần chú ý, bao gồm: nợ quá hạn từ 10 ngày đến 90 ngày, nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu, …

 Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn, bao gồm: nợ quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày, nợ gia hạn nợ lần đầu, …

 Nhóm 4: Nợ nghi ngờ, bao gồm: nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu, …

 Nhóm 5: Nợ có khả năng mất vốn, bao gồm: Nợ quá hạn trên 360 ngày, nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu,…

Như vậy chất lượng các khoản vay sẽ được chia thành năm (05) mức theo cách phân nhóm nợ với nhóm 1 là những khoản vay tốt nhất và nhóm 5 là những khoản vay xấu nhất. Rủi ro tín dụng sẽ tỷ lệ nghịch với chất lượng khoản vay với nhóm 1 là những khoản vay có rủi ro thấp nhất và nhóm 5 là những khoản vay có rủi ro cao nhất. Các khoản nợ thuộc nhóm 3, nhóm 4 và nhóm 5 được gọi là nợ xấu và là tiêu chí để phản ánh RRTD, các khoản nợ xấu càng cao thì RRTD càng lớn và ngược lại.

Nợ xấu được phản ánh rõ nhất qua chỉ tiêu:

Tỷ lệ nợ xấu = Số dư nợ xấu

x 100%

Tổng dư nợ

- Dự phòng RRTD: Dự phòng rủi ro đánh giá khả năng chi trả của ngân hàng khi rủi ro xảy ra. Theo quy định của NHNN Việt Nam thì tỷ lệ trích lập dự phòng đối với các nhóm nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5 theo thứ tự lần lượt là 0%, 5%, 20%, 50%

và 100%.

3.1.5 Các yếu tố ảnh hưởng đến rủi ro tín dụng

Các yếu tố ảnh hưởng đến RRTD gồm yếu tố bên trong doanh nghiệp và yếu tố bên ngoài doanh nghiệp, trong nghiên cứu này đề tài chỉ xem xét đến yếu tố bên trong doanh nghiệp gồm:

- Quy mô hoạt động của doanh nghiệp: các DN có quy mô nhỏ hay siêu nhỏ thường là các DN hoạt động theo quy mô gia đình, ít có sự tách bạch trong quản lý kinh doanh và nhạy cảm với biến động theo chiều hướng xấu của thị trường vì vậy khả năng chịu đựng của các DN này kém hơn so với các DN lớn. Mối quan hệ giữa

quy mô hoạt động của DN và RRTD đã được Louis H.Amoto và Christie H.Amoto (2004) nghiên cứu tìm ra.

- Thời gian gia nhập ngành của doanh nghiệp: các DN trẻ mới gia nhập ngành thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính bên ngoài vì sự chênh lệch thông tin, vì vậy khi có sự biến động bất lợi của thị trường thì các DN này cũng ít có khả năng chống đỡ rủi ro hơn so với các DN có thâm niên lâu năm. Theo nghiên cứu của Alex R. Kira và Zhongzhi He (2012) thì DN có ít hơn 5 năm hoạt động thì ít có khả năng tiếp cận vốn vay hơn các DN có thâm niên trên 5 năm và thâm niên hoạt động càng cao thì có khả năng vay vốn càng cao, điều này có nghĩa là thời gian gia nhập ngành của DN càng thấp thì RRTD càng tăng.

- Lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE): để đánh giá khả năng sinh lợi của DN, nếu ROE càng cao thì vốn chủ sở hữu của DN được quản lý, sử dụng có hiệu quả sẽ tạo ra lợi nhuận. Lê Khương Ninh và cs (2017) đã tìm ra mối quan hệ giữa ROE và RRTD.

- Đòn bẩy tài chính: cho biết cấu trúc vốn của DN, đánh giá khả năng tự chủ về tài chính của DN có ảnh hưởng nhiều đến khả năng trả nợ của DN. Một số nghiên cứu đã tìm ra mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính và rủi ro tín dụng như Lê Khương Ninh và cs (2017), Norlida Abdul Manab và cs (2015), Trần Trọng Phong và cs (2015).

- Vòng quay tài sản: được dùng để đánh giá hiệu suất sử dụng tài sản của DN.

Khi tỷ số này càng cao đồng nghĩa DN khai thác có hiệu quả tài sản sẽ tạo ra lợi nhuận càng cao nên có khả năng trả nợ ngân hàng, rủi ro tín dụng sẽ thấp. Lê Khương Ninh và cs (2017) đã tìm ra mối quan hệ giữa vòng quay tài sản và rủi ro tín dụng.

- Hệ số tổng nợ phải trả trên tổng tài sản: Hệ số đo lường mức độ sử dụng nợ của doanh nghiệp để tài trợ cho tổng tài sản, hệ số càng cao nghĩa là đi vay nhiều, tự chủ tài chính thấp, mức độ RRTD càng tăng. Diana Bonfim (2009) đã tìm ra mối quan hệ giữa tổng nợ phải trả trên tổng tài sản và RRTD.

Một phần của tài liệu Luận văn kinh tế hạn chế rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp thương mại gạo tại các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương việt nam khu vực tây nam bộ​ (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)