Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Thực trạng công tác quản lý thu thuế GTGT đối với doanh nghiệp tại Cục Thuế tỉnh Hòa Bình
3.1.8. Các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý thu thuế GTGT đối với
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý thu thuế GTGT. bao gồm:
a) Cơ cấu, trình độ, năng lực quản lý thuế của các cơ quan quản lý thuế - Về cơ cấu, hệ thống quản lý thuế của nước ta được tổ chức như sau:
+ Ở Trung ương có Tổng cục thuế thuộc Bộ Tài chính. Bộ máy giúp việc cơ quan Tổng cục gồm các phòng chức năng và các phòng nghiệp vụ;
+ Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các Cục thuế, chịu sự chỉ đạo song song của Tổng cục thuế và Ủy ban nhân dân cùng cấp;
+ Ở cấp quận, huyện và cấp tương đương có Chi cục thuế thuộc Cục thuế, chịu sự chỉ đạo song trùng của Cục thuế và Ủy ban nhân dân cùng cấp.
Như vậy, cơ cấu trên là hợp lý và tương đối chặt chẽ. Cơ cấu đó có tác động lớn tới việc thực thi thuế GTGT. Cụ thể, việc thống nhất hệ thống tổ chức bộ máy quản lý về thuế không những cho phép Nhà nước quản lý thống nhất chế độ thuế trong cả nước, mà còn tạo cơ sở về mặt tổ chức bảo đảm thực hiện thành công đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thuế.
- Về trình độ, năng lực quản lý thuế của các cơ quan này:
Nếu trình độ, năng lực quản lý thuế cũng như đạo đức của cán bộ quản lý thuế tốt thì việc thực thi luật thuế GTGT sẽ đạt hiệu quả cao và ngược lại.
- Về cơ chế quản lý thuế:
Hiện nay, Nhà nước đang có công cuộc cải cách về cơ chế quản lý thuế.
Cải cách này thể hiện ở cơ chế tự khai, tự nộp. Cơ chế tự khai, tự nộp là cơ chế quản lý thuế hiện đại, hiệu quả, được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, nó cho phép các cơ quan thuế phân bổ nguồn lực theo hướng chuyên
môn hóa, chuyên sâu trong quản lý cải tiến các quy trình quản lý rõ ràng làm tăng sự minh bạch trong quản lý thuế, đồng thời giảm bớt chi phí quản lý, thúc đẩy cải cách.
- Về công tác thu nợ và cưỡng chế thuế:
Hiện nay, tình trạng nợ đọng thuế khá phổ biến, số nợ thuế gần như không giảm qua các năm. Cơ quan Thuế lại chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện chức năng thu nợ tại các cục thuế, các cán bộ quản lý thu thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc thu nợ cùng với các nhiệm vụ khác như hướng dẫn, hỗ trợ đối tượng nộp thuế, thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Công tác thu nợ chưa được thực hiện khoa học, chưa ứng dụng được tin học vào thu nợ và phân tích nợ.
- Về các hoạt động tuyên truyền thực hiện các văn bản thuế nói chung và luật thuế GTGT nói riêng. Tổ chức nhiều hội nghị, đối thoại trả lời những vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực thi pháp luật thuế GTGT. Công tác tuyên truyền, phổ biến luật về thuế, tập huấn nghiệp vụ có nhiều tiến bộ hơn so với các năm trước. Các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, để đẩy mạnh tuyên truyền giải thích các luật thuế. Tổng cục Thuế cũng đã mở trang website điện tử, xuất bản các loại ấn phẩm về thuế để tuyên truyền hướng dẫn về các nội dung chính sách thuế; thủ tục về thuế.
- Về các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ việc quản lý thuế
Không gian của hoạt động kinh doanh thường rộng lớn.Vì vậy, thông tin về lô hàng của từng đợt xuất nhập khẩu phải được phối kiểm trên phạm vi cả nước chứ không chỉ gói gọn tại một địa phương. Trong khi đó, thời gian xét hoàn thuế lại ngắn nên cơ quan thuế không thể thẩm tra toàn bộ chứng từ cũng như lai lịch của các bên có liên quan. Điều này dễ gây ra sai sót không chủ ý và xảy ra những sai lệch khi hoàn thuế. Ngay công tác kiểm tra sau thông quan cũng khó mang lại kết quả tốt vì thiếu hệ thống điện toán toàn diện, thiếu máy kiểm tra chuyên dùng, camera, cân điện tử…
b) Ý thức chấp hành pháp luật thuế của người dân
Ý thức chấp hành pháp luật thuế của người dân là yếu tố có ảnh hưởng quyết định tới việc thực thi luật thuế GTGT. Ý thức chấp hành này thể hiện rõ rệt qua hành vi tự khai nộp thuế của các đối tượng kinh doanh.
- Các Doanh nghiệp ít khi vi phạm về thời gian quy định nộp tờ khai thuế GTGT mà chủ yếu vi phạm về cơ chế tự khai, tự nộp thuế. Nguyên nhân là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của người dân Việt Nam còn kém. Nhiều người có tư tưởng, nộp đủ thuế là “khác người”, vậy nên, họ tìm mọi cách để gian lận, mà gian lận dễ dàng nhất là dùng hóa đơn chứng từ khống để nộp thuế và hoàn thuế GTGT. Chất lượng kê khai được thông qua việc thực hiện đúng theo biểu mẫu quy định, các chỉ tiêu kê khai phù hợp với thực tế phát sinh trong quan hệ mua, bán hàng hóa dịch vụ tại cơ sở kinh doanh. Hiện nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh có quy mô vừa và lớn đang kê khai nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, nếu chất lượng kê khai thấp sẽ gây thất thu thuế cho NSNN là không nhỏ và dẫn đến không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Ở đây, nếu doanh nghiệp muốn gian lận thuế GTGT, doanh nghiệp chỉ cần tìm cách ghi trên các hóa đơn mua hàng vào số tiền thật lớn, tương ứng số thuế thật nhiều và tìm cách làm cho giá trị hàng bán ra thật thấp để có số thuế tương ứng, hoặc lập hồ sơ hàng bán ra là xuất khẩu để có số thuế GTGT = 0. Khi đó doanh nghiệp sẽ được Nhà nước hoàn toàn bộ số thuế GTGT đầu vào. Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều người lập doanh nghiệp để lập hồ sơ mua hàng khống, rồi lập hồ sơ xuất khẩu khống, để lập thủ tục hoàn thuế, lấy tiền của ngân sách quốc gia.
- Nhiều doanh nghiệp có quy mô kinh doanh khá lớn nhưng thuế GTGT đầu ra lại nhỏ hơn thuế GTGT đầu vào nên luôn tồn tại số thuế còn được khấu trừ. Với thực trạng nêu trên đã nói lên phần nào chất lượng của công tác kê khai nộp thuế đối với DN còn hạn chế.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể nói trước hết là từ công tác tổ chức bộ máy kế toán tại doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhà nước và
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã có tổ chức bộ máy kế toán khá chặt chẽ, hạch toán và ghi sổ kế toán tương đối đúng quy định. Từ đó, kết quả kê khai, báo cáo tài chính trong khu vực kinh tế này cơ bản phản ánh đúng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mặc dù đã thực hiện chế độ kế toán theo quy định nhưng tổ chức bộ máy kế toán phần lớn không rõ ràng;
một kế toán có thể làm việc cho nhiều doanh nghiệp nên theo dõi hạch toán không đầy đủ và còn nhiều sai sót; thậm chí có doanh nghiệp hàng năm không có báo cáo tài chính. Một nguyên nhân khách quan là các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu cung cấp hàng hóa dịch vụ cho người kinh doanh nên đòi hỏi việc sử dụng hóa đơn chứng từ là chặt chẽ, đúng với thực tế giá cả. Doanh nghiệp thực hiện chức năng còn lại là cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng; trong khi người tiêu dùng lại không có thói quen yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn. Chính vì vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ không xuất hóa đơn hoặc có xuất hóa đơn nhưng phản ánh không đúng thực tế nên làm giảm đáng kể số thuế phải nộp. Như vậy, chất lượng công tác kê khai nộp thuế đối phụ thuộc rất nhiều vào tính trung thực, tự giác của doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn có tác động của yếu tố khách quan, như: quá trình hội nhập kinh tế và các quy định của tổ chức kinh tế quốc tế có liên quan đến quản lý thu thuế GTGT.
Hội nhập kinh tế có tác động không nhỏ đến cơ chế quản lý thu thuế GTGT. Nhà nước phải xây dựng một lộ trình cắt giảm thuế suất, xây dựng các chuẩn về danh mục mặt hàng đánh thuế đối với khu vực và các tổ chức kinh tế quốc tế mà Việt Nam tham gia, cải cách thủ tục hành chính.
Sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước có liên quan: Để tiến hành công tác quản lý thu thuế GTGT, cơ quan thuế cần sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước như: Công an, Quản lý thị trường, Địa chính, Kho bạc…
Hoạt động phối hợp có ý nghĩa quan trọng trong xác định thông tin về hoạt động kinh doanh và tình hình chấp hành pháp luật thuế của NNT.