Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP CÓ NGUỒN THU
1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tự chủ tài chính trong các trường Đại học công lập có thu
1.4.1. Các nhân tố khách quan
* Môi trường pháp lý
Môi trường pháp lý bao gồm các nghị định, các thông tư hướng dẫn của Nhà nước quy định về các nội dung có liên quan đến tài chính và cơ chế quản lý tài chính của các trường đại học công lập. Nó là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả thực hiện quyền tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập có thu. Môi trường pháp lý không chỉ là hành
lang cho mọi hoạt động của nhà trường; đảm bảo cho các trường đại học công lập đi đúng hướng, thực hiện tốt các chức năng và nhiệm vụ được Nhà nước giao phó và tránh được những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Một môi trường pháp lý lành mạnh còn nâng cao ý thức trách nhiệm của các trường đại học và thu hút được sự tham gia của toàn dân đối với giáo dục nhằm củng cố, tăng cường hiệu quả của hệ thống giáo dục để phục vụ tốt việc học tập của nhân dân.
Hiện nay để quản lý và hướng dẫn các trường đại học công lập thực hiện tốt vấn đề tự chủ tài chính. Nhà nước đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp lý cần thiết như:
- Nghị quyết số 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về công tác xã hội hoá giáo dục đào tạo. Nghị định này nhằm tạo ra phong trào học tập sâu rộng trong toàn xã hội theo nhiều hình thức; vận động toàn dân, trước hết là những người trong độ tuổi lao động, thực hiện học tập suốt đời để làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn và có cuộc sống tốt đẹp hơn, làm cho xã hội ta trở thành một xã hội học tập. Vận động toàn dân chăm sóc thế hệ trẻ, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong nhà trường với giáo dục ở gia đình và giáo dục ngoài xã hội; tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các đoàn thể quần chúng, các doanh nghiệp.v.v... đối với sự nghiệp giáo dục.
- Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Chính phủ về việc thu và sử dụng học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
- Thông tư liên tịch số 46/2001/TTLT/BTC-BGD&ĐT ngày 20 tháng 6 năm 2001 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý thu, chi học phí đối với hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy trong các trường và cơ sở đào tạo công lập. Sự ra đời của Thông tư 46 đã
thống nhất và tăng cường công tác quản lý thu, chi học phí đối với các hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy trong các trường và cơ sở đào tạo công lập, liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác quản lý thu, chi học phí đối với hoạt động đào tạo theo phương thức không chính quy trong các trường và cơ sở đào tạo công lập.
- Năm 2006, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 ra đời quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và quản lý tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định này đã quy định rõ về các nguồn thu và cơ chế sử dụng các nguồn tài chính một cách cụ thể. Chính vì vậy đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy khả năng tự chủ tài chính của trường đại học công lập và giảm thiểu gánh nặng cho Ngân sách nhà nước.
- Quyết định số 1310/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh khung học phí đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2009 – 2010. Quyết định này đã giải quyết được phần nào những khó khăn về tài chính cho các trường đại học công lập khi nhừ nước cho phép nâng mức trần học phí cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường đại học công lập.
Các quyết định, thông tư trên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút nguồn tài chính từ việc đóng góp của dân cư, tạo nên nguồn tài chính đáng kể cho hoạt động của các đơn vị trực thuộc Bộ. Tuy nhiên, do được ban hành và thực hiện từ năm 1998, quy định học phí chính quy đến nay không còn phù hợp với yêu cầu phát triển của giáo dục đại học. Mặc dù, quy định tỷ lệ học phí dành để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập (khoản 2.1), không dưới 45% đối với khối đào tạo theo Quyết định 70 đã được bãi bỏ theo điều 33, phần b của Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Thủ tướng
Chính phủ. Do vậy, việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp thay đổi khung định mức học phí và việc sử dụng học phí hết sức cần thiết và có tính thực tiễn cao.
* Môi trường dân cư
Môi trường dân cư bao gồm trình độ dân trí, nhận thức của người dân về lĩnh vực giáo dục đào tạo.v.v... Môi trường này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề tự chủ tài chính của các trường đại học công lập. Nhiều người dân còn coi Giáo dục đại học là trách nhiệm và nghĩa vụ của Nhà nước thì sẽ rất khó khăn cho các trường đại học công lập trong việc thu học phí, nhất là với các lớp chất lượng cao. Đào tạo đại học là đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho con người, học để làm cho nên người học phải đóng góp kinh phí đào tạo là điều hợp lý. Khác với giáo dục phổ thông là học để biết cách làm người, học để sống. Nếu người dân coi việc đóng học phí là hợp quy luật và “Đắt sắt ra miếng” thì sẽ tạo cơ hội cho việc nâng cao chất lượng đào tạo với các lớp tài năng và đào tạo chất lượng cao. Đây là yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ cho việc chủ động về các nguồn thu cho nhà trường.
* Môi trường kinh tế
Môi trường kinh tế bao gồm: Tốc độ phát triển kinh tế, mức tăng thu nhập.v.v... Nhóm nhân tố này ảnh hưởng đến cơ cấu đào tạo và khả năng chi trả của người học. Khi kinh tế phát triển, các doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh, nhu cầu về lao động cao sẽ là cơ hội cho các trường đại học đa dạng hóa các loại hình đào tạo để tăng thu.
1.4.2. Các nhân tố chủ quan.
* Năng lực quản lý tài chính của nhà trường
Đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thúc đẩy đội ngũ cán bộ giảng viên nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ trong các trường đại học. Một cơ chế quản lý tài chính tốt sẽ đảm bảo được thu nhập cho người lao động ngày một tốt hơn, sử dụng tài sản của đơn vị hiệu quả hơn,... Chính vì vậy nó góp phần tăng thu và giảm chi hợp lý.
* Trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên
Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo trong các trường đại học nói chung. Chất lượng đào tạo tốt, uy tín của nhà trường nâng cao, số lượng sinh viên gia tăng sẽ đóng góp không nhỏ vào việc tăng thu cho nhà trường. Tuy nhiên để có được đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao đòi hỏi các trường đại học phải có định mức thanh toán hợp lý mới giữ chân được họ, việc làm này sẽ tăng chi. v.v...
* Khả năng khai thác thị trường đào tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý
Các trường đại học chính là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo. Hiện nay sự cạnh tranh giữa các trường đại học ở Việt nam ngày một gia tăng. Nhiều trường đại học công lập, dân lập cùng tham gia đào tạo một nghề.
Chính vì vậy, đòi hỏi khả năng nhạy bén và sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp trong các trường đại học có ý nghĩa quyết định tới việc phát triển quy mô đào tạo và mở rộng ngành nghề đào tạo, các loại hình đào tạo,... Cơ chế tự chủ tài chính được quy định tại Nghị định 43/CP-2006 với lộ trình là từng bước giảm thiểu nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thì việc khai thác thị trường đào tạo hiệu quả sẽ có ý nghĩa quyết định đến việc tăng thu từ các hoạt động sự nghiệp của nhà trường.