Kinh nghiệm của các nước

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực tự chủ tài chính tại trường đại học công nghiệp hà nội (Trang 37 - 42)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NĂNG LỰC TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP CÓ NGUỒN THU

1.5. Một số bài học kinh nghiệm trong công tác tự chủ tài chính trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo trên thế giới có thể vận dụng ở Việt Nam

1.5.1. Kinh nghiệm của các nước

*Kinh nghiệm của Hàn quốc.

Hiện nay Hàn Quốc là nước có những phát triển vượt bậc về phát triển khoa học công nghệ và trong đó không thể không kể đến những thành tựu to lớn trong giáo dục đại học của Hàn Quốc. Mặc dù, Hàn Quốc và Việt Nam

hiện nay là hai nước có nền kinh tế và hệ thống chính trị khác nhau, nhưng nếu nhìn vào chỉ số GDP trên đầu người và hệ thống chính trị của Hàn Quốc vào những năm đầu 1980 khi nước này bắt đầu đổi mới giáo dục ĐH thì có thể nhận thấy những nét tương đồng với Việt Nam hiện nay.

Thực vậy, cho đến trước thời điểm đổi mới và giao quyền tự chủ toàn diện cho các trường đại học của Hàn Quốc vào năm 1995, chính sách giáo dục đại học của Hàn Quốc được cho là tập trung đến mức cực đoan. Bộ Giáo dục Hàn Quốc giữ quyền kiểm soát:

- Việc thành lập các trường đại học.

- Đặt ra các quy định về thời lượng chương trình, năm học, chỉ tiêu tuyển sinh, tiêu chuẩn thi cử, chuẩn hoàn thành khóa học, kiểm định chất lượng.

- Việc bổ nhiệm, khen thưởng hiệu trưởng; đề ra các chuẩn chất lượng giáo viên.

- Duyệt chỉ tiêu tuyển sinh, và quy định hình thức thi tuyển đầu vào ĐH.

- Xác định chương trình khung, yêu cầu đăng ký tốt nghiệp để kiểm soát số lượng sinh viên.

- Duyệt chi ngân sách, xác định chuẩn cơ sở vật chất, thư viện, v.v.

- Quy định trình tự báo cáo của các trường về tài chính, nhân sự, sinh viên lên Bộ Giáo dục.

Và thực tế là chính phủ Hàn Quốc cũng đã loay hoay trong hai thập kỷ 70-80 của thế kỷ trước để tìm ra mô hình cho đổi mới giáo dục đại học. Cụ thể là, trong thời gian này, Hàn Quốc đã có ít nhất là 6 lần thay đổi quy định tuyển sinh đại học: lúc thì Bộ Giáo dục quy định đề chung, lúc thì trường được phép ra đề, lúc thì kết hợp cả hai hình thức tùy theo từng đối tượng.

Đến năm 1995, Hàn Quốc đã chính thức cải cách hoàn toàn cơ chế quản lý xin cho và tập quyền để dứt khoát trao quyền tự chủ cho các trường với những nội dung cơ bản như sau:

- Đa dạng hóa và chuyên sâu hóa hệ thống giáo dục ĐH.

- Đa dạng hóa các tiêu chí cho phép thành lập các trường đại học tư thục.

- Trao quyền tự chủ cho các trường quyết định chỉ tiêu tuyển sinh và quản lý trường.

- Tạo hệ thống hỗ trợ đặc biệt cho nghiên cứu khoa học.

- Gắn kết chặt chẽ giữa đánh giá chất lượng của trường đại học với hỗ trợ tài chính từ Chính phủ.

* Kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Nga.

Sự điều chỉnh trong quản lý của chính quyền liên bang, Bộ giáo dục đã ảnh hưởng, tác động tới các lĩnh vực sau đối với các trường đại học:

- Học phí của sinh viên: mặc dù vẫn mang tiếng là tự chủ về tài chính nhưng lượng học phí mà các trường Đại học thu của sinh viên vẫn phải bị điều chỉnh và giới hạn của chính quyền Liên Bang (tỉ lệ phần trăm nhất định).

- Chi phí cho nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo, chỗ ở cho sinh viên bắt đầu bị ảnh hưởng bởi khái niệm “tư nhân hóa”. Tức là, sinh viên (người học) dù ít dù nhiều vẫn phải đóng góp và bắt đầu tham gia vào quá trình “thị trường hóa” giáo dục.

- Mặc dù đã có vai trò nhất định trong quá trình tự chủ về giáo dục nhưng các trường đại học ở các vùng miền khác nhau trên toàn lãnh thổ Nga vẫn bị điều phối trong các vấn đề như: lập kế hoạch xây dựng trường, chiến lược trung và dài hạn, ban điều hành (Ban Giám hiệu), đặc biệt là trong giai đoạn đầu của việc hình thành một trường đại học. Điều này được lý giải là sự can thiệp của chính quyền nhằm làm cho các trường đại học dù tự chủ về kinh tế, cân đối lỗ - lãi nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm chung trong việc đào tạo nguồn nhân lực và phẩm chất đạo đức, tư cách của người học.

- Nhà nước cho phép nhiều sự tự chủ hơn đối với các viện nghiên cứu, các trường đại học của giáo dục đại học, cho phép họ tìm kiếm nguồn lực, chịu trách nhiệm và tự do theo đuổi, thực hiện những quyết định và nhiệm vụ của mình. Với đặc trưng là chính sách tập trung kinh tế và quan liên bao cấp

nên trước đây, hầu như toàn bộ ngân quỹ của các trường đại học, các viện nghiên cứu được nhà nước Liên Xô (cũ) bao cấp. Vì thế, khi trào lưu “đổi mới” xuất hiện, các trường đại học bị cuốn theo vào xu thế này một cách mạnh mẽ, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cái gọi là “Phương Tây hóa” và Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển (OEDC). Đối với các trường đại học của

“Phương Tây – chỉ các nước tư bản chủ nghĩa hoặc chịu sự lãnh đạo của các Đảng dân chủ tự do”, sự thay đổi này không xảy ra do tính tự chủ đã được duy trì từ khá lâu và họ không chịu sự chi phối nhiều về tài chính của nhà nước. Sự gia tăng cũng như sự thay đổi của hệ thống phân phối sản phẩm và nền kinh tế thị trường cộng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và ứng dụng của nó đã làm thay đổi mục tiêu, nội dung đào tạo, chiến lược đào tạo và phương pháp quản lý. Liên quan đến sự thay đổi, các trường đại học đóng vai trò vừa là cỗ máy cái của việc đào tạo nguồn nhân lực, vừa là nơi thể hiện năng lực của cá nhân cũng như vừa là tổ chức giáo dục, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống cho công dân của đất nước. Một số áp lực của sự thay đổi, đã làm gia tăng vai trò của nhà nước (trong đó có nhà nước Liên bang và chính sách của các bang và nhà nước độc lập khác) trong việc kinh doanh (lúc này quá trình đào tạo là quá trình cân đối lỗ - lãi trong đào tạo nguồn nhân lực và giáo dục giá trị công dân) đã trở thành vấn đề sống còn với các cơ sở giáo dục đại học. Bên cạnh đó, một số áp lực lại làm yếu đi và ít nhiều làm suy giảm vị trí của một số trường đại học – những trường được bao cấp quá nhiều hoặc chưa được chuẩn bị hoặc có cơ chế chuyển đổi linh hoạt không phù hợp. Ví dụ, như một số trường đại học mà có số lượng sinh viên người thiểu số chiếm tương đối đông thì gặp phải và đối mặt với vấn đề tài chính vì lượng sinh viên theo học bị giảm dần. Mặc dù có sự tự chủ nhưng nhà nước cũng đòi hỏi các trường đại học dù công (vẫn còn tồn tại một số trường công ở Liên bang Nga) hay tư cũng phải chịu trách nhiệm đối với

sinh viên, gia đình và những người đóng học phí. Vì thế, nhà nước yêu cầu các trường phải lựa chọn người lãnh đạo, ban điều hành một cách minh bạch, xứng đáng với sự tin tưởng của người dân. Sự thay đổi về chính trị và mức độ quản lý không còn sát sao như trước đã trở thành lực li tâm đẩy các trường đại học xa dần sự quản lý của các bang và chính quyền trung ương đồng thời nó lại làm cho các trường đại học tiệm cận gần hơn với khách hàng của mình (sinh viên) và đối tác (các nhà tuyển dụng).v.v…Những áp lực từ sự “đổi mới” khiến các trường đại học tìm kiếm sự tự chủ mạnh mẽ hơn và mang nhiều sắc thái hơn.

Nhìn chung, sự tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học ở Liên bang Nga liên quan tới sự phân quyền hóa và tư nhân hóa. Tính tự chủ được đề nghị theo kiểu: tự chủ hoàn toàn, hoặc tự chủ một phần trong vòng kiểm soát của chính quyền liên bang hoặc chính quyền bang. Càng tăng tính tự chủ cho các trường đại học, các trường đại học càng được phép thiết lập chính sách, các chương trình và sử dụng tiền một cách hợp lý. Nhưng, với chính sách phân quyền hóa, các trường đại học lại có thể sử dụng sự ưu ái này đưa ra các quyết định ảnh hưởng tới chính sách chung về hệ thống giáo dục đại học của cả nước.

Tính tự chủ của các trường đại học được xem xét ở một số khía cạnh sau:

- Vai trò của hiệu trưởng, ban điều hành, giám đốc viện nghiên cứu được tăng cường đối với nhân viên thuộc quyền.

- Bằng cấp và chương trình đào tạo.

- Tiêu chuẩn về quản lý và các chương trình đào tạo cũng như số lượng sinh viên cho mỗi lớp học.

- Sự kết hợp giữa các khoa, trường đại học với các nhà tuyển dụng với những điều kiện về học thuật và đảm bảo về công việc.

- Sự sử dụng kinh phí, nguồn vốn, ngân quỹ hợp lý của tổ chức, cá nhân và các khoản chi khác.v.v…

*Kinh nghiệm của một số quốc gia khác.

Có thể nói là không có một mô hình hay chuẩn mực về tự chủ ĐH mà một nước này có thể cho là tối ưu hay áp dụng. Cuối thế kỷ 20, ở Thụy Điển, cuộc cải cách sâu rộng nhằm phân quyền quản lý của chính phủ cho các cơ sở GD gần như đã hoàn thành trong khi chính phủ nước láng giềng Đan Mạch lại đang can thiệp để cắt giảm bớt thời lượng của các khoá học và thời gian học để tốt nghiệp. Ý đã thông qua tự chủ ngân sách và thực thi pháp luật trao cho các cơ sở GD một phạm vi ra quyết định rộng rãi hơn.

Tại New Zealand, sau một thời gian thực hiện phân quyền rất rộng rãi và dường như rất ít ràng buộc. Chính phủ đang xem xét việc sửa đổi chính sách GDĐH trong đó rất có thể là sẽ giảm bớt sự tự chủ của cơ sở GD. Ở nước này, hội đồng trường được cho là quá cồng kềnh, tính đại diện đã làm suy yếu hiệu lực của việc ra quyết định, trách nhiệm giải trình yếu và rối rắm, thiếu chặt chẽ. Nhìn chung, các nước thuộc khối OECD đang thể hiện một xu hướng hội tụ.

Các cơ sở thuộc hệ thống Mỹ-Anglo có truyền thống được hưởng tự chủ đáng kể trong một thập kỷ gần đây đang được yêu cầu có trách nhiệm giải trình nhiều hơn. Tại các nước châu Âu, các cơ sở GD đã hoạt động lâu dài trong một khung pháp luật cụ thể, xuất hiện các cuộc cải cách ở đó chính phủ trung ương chuyển giao quyền cho cơ sở. Ở những nước này sự can thiệp của chính phủ vào công việc của trường ĐH chủ yếu được thực hiện gián tiếp thông qua quyền về lập pháp và liên quan đến tài chính.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực tự chủ tài chính tại trường đại học công nghiệp hà nội (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)