Điều kiện dân sinh, kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý rừng bền vững tại công ty tnhh lâm nghiệp sông kôn, tỉnh bình định (Trang 30 - 34)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI KHU VỰC NGHIÊN CỨU

3.1.2. Điều kiện dân sinh, kinh tế - xã hội

- Dân số, dân tộc: Theo Niên giám thống kê huyện Vĩnh Thạnh năm 2014, tình hình dân số và dân tộc trong vùng có liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Dân số trong vùng là 24.862 người; trong đó người dân tộc thiểu số 8.601 người, chiếm 34,6%, người Kinh 16.261 người chiếm 65,4%.

- Lao động: Độ tuổi lao động 14.443 người, chiếm 58,1% tổng số dân. Cơ cấu lao động theo ngành nghề. Nông lâm nghiệp chiếm 82,7% tổng số lao động. Ngành nghề khác chiếm 17,3 % tổng số lao động. Hiện tại số người trong độ tuổi lao động mới chỉ sử dụng hết trên 60 % vào mùa vụ tháng 3, 4, 5 và tháng 8, 9 10; các tháng còn lại trong năm nhàn rỗi hơn và có tới 60% số lao động trong độ tuổi không có việc làm. Đây là nguồn lực lao động vô cùng quan trọng để thu hút vào phát triển sản xuất lâm nghiệp, phục vụ cho yêu cầu quản lý rừng bền vững. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp sử dụng lao động hợp lý thì ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội và phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.

3.1.2.2. Sản xuất nông nghiệp

- Trồng trọt: Diện tích đất nông nghiệp có tỷ lệ nhỏ so với tổng diện tích tự nhiên.

Trong đó đất trồng lúa, màu ít, bình quân 860m2/người. Sản phẩm trồng trọt chủ yếu là lúa nước, ngô, lúa nương, sắn. Ruộng nước hầu hết là ruộng bậc thang phân bố ở các bãi bồi ven suối gần dân cư. Năng suất lúa nhìn chung còn thấp do điều kiện tự nhiên bất lợi và kỹ thuật canh tác chưa cao, giống chưa được cải thiện. Lúa nương được canh tác trên các sườn có độ dốc thấp. Do canh tác trên đất có độ dốc và hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên năng suất thấp và bấp bênh. Diện tích lúa nương thường không ổn định do sự thoái hóa, bạc màu của đất qua nhiều vụ canh tác. Các loại hoa màu ngô, sắn, đậu các loại…được trồng trên các sườn núi phía trên ruộng nước tại những vùng chưa có điều kiện làm ruộng bậc thang. Do diện tích ruộng nước ít, năng suất thấp nên người dân phải làm rẫy để bổ sung nguồn lương thực. Diện tích rẫy hiện nay tuy không cao nhưng nếu rẫy không cố định thì diện tích rừng bị chuyển đổi sẽ tăng lên.

- Chăn nuôi cũng đã có bước phát triển tuy nhiên chưa được chú trọng đầu tư chiều sâu. Thành phần đàn gia súc chủ yếu là trâu, bò, lợn, gà. Công tác thú y đã được chú trọng, các xã đều có nhân viên Thú y xã và Thú y cơ sở phụ trách tới thôn. Các nhân viên thú y đã được đào tạo qua lớp thú y sơ cấp ngắn hạn. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện còn hạn chế, phần lớn công tác tiêm phòng còn nhờ cán bộ thú y huyện. Nhìn chung, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc và phát triển một số mô hình chăn nuôi mới như nuôi ong lấy mật, nuôi dê và nuôi heo đặc sản.

3.1.2.3. Y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng

- Y tế: Trong những năm qua thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, lao, v.v..., trên lĩnh vực y tế đã có bước phát triển đáng kể, các loại dịch bệnh đã được kiểm soát, bệnh sốt rét đã giảm nhiều so với trước đây. Hầu hết các xã trong vùng dự án đều có trạm xá. Tuy nhiên, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho việc khám chữa bệnh của các trạm y tế xã còn nghèo nàn, thiếu thuốc men.

- Văn hóa, giáo dục: Hầu hết các xã đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở. Nhìn chung cơ sở vật chất để phục vụ cho công tác dạy và học đã được tăng cường. Giáo dục học sinh dân tộc nội trú đã được quan tâm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập.

- An ninh quốc phòng: Trong thời gian qua các tổ chức chính trị, đoàn thể ở địa phương đã giúp đồng bào nhận thức về chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần tích cực ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

3.1.2.4. Kết cấu hạ tầng - Các tuyến giao thông chính

+ Tuyến tỉnh lộ từ quốc lộ 19 (cầu Vườn Xoài) đi trung tâm huyện Vĩnh Thạnh dài 22 km là trục giao thông chính của huyện, đã nâng cấp bê tông nhựa theo tiêu chuẩn cấp IV miền núi, riêng đoạn đường từ cầu Định Bình đến trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn cấp II đồng bằng, đang sử dụng tốt.

+ Tuyến đường tránh hồ Định Bình từ trung tâm huyện Vĩnh Thạnh đi xã Vĩnh Sơn theo hướng phía tây huyện, dài 36 km, thi công theo tiêu chuẩn cấp IV miền núi, tạo thuận lợi cho việc nhân dân trong vùng đi lại và vận chuyển lâm sản.

+ Tuyến đường tránh hồ Định Bình từ huyện Vĩnh Thạnh đến xã Vĩnh Sơn theo hướng ven hồ Định Bình, được bê tông hóa, dài 40 km, hiện nay đang lưu thông, đi lại thuận lợi.

+ Trục đường vận chuyển gỗ từ xã Tú An, thị xã An Khê đến xã Vĩnh Sơn. Đây là trục đường vận chuyển cũ của Công ty, nhưng hiện nay không sử dụng nên đường hư hỏng nặng.

+ Năm 2014, được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cho phép Công ty mở tuyến đường lâm nghiệp kết hợp đường băng cản lửa và đường tuần tra bảo vệ rừng tại xã Bók Tới, huyện Hoài Ân; Công ty đã thi công đến tháng 3/2015 hoàn thành và đưa vào sử dụng với chiều dài 3,194 km. Công trình bước đầu phát huy tác dụng tốt;

+ Nâng cấp sửa chữa 03 tuyến đường lâm nghiệp. Về hiệu quả, ngoài việc đảm bảo cho giao thông đi lại để tuần tra bảo vệ rừng tự nhiên còn phục vụ cho việc kinh doanh rừng trồng.

- Điện: Hiện nay 100% số xã trong vùng đều có điện lưới quốc gia về đến trung tâm xã, có khoảng trên 80% số hộ được dùng điện. Riêng làng O2, xã Vĩnh Kim chưa có điện, đang sử dụng máy phát điện và sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời làm năng lượng thắp sáng để sinh hoạt.

- Thông tin liên lạc: Trung tâm các xã có bưu điện văn hóa, giúp bà con trao đổi thông tin liên lạc. Gần đây mạng điện thoại vô tuyến Vinaphone, Mobiphone, Viettel đã phủ sóng toàn khu vực các xã.

- Thuỷ lợi: Trên địa bàn các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Hảo, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Thuận, Vĩnh Quang, Vĩnh Hoà, thị trấn Vĩnh Thạnh - huyện Vĩnh Thạnh có các hồ thủy lợi, thủy điện lớn như hồ Trà Xom, hồ Vĩnh Sơn, hồ Định Bình. Trong đó, chỉ có hồ Trà Xom thuộc lâm phận của Công ty. Trên các vùng đất canh tác lúa nước, điều kiện nguồn nước không khó khăn do có nhiều khe suối. Ở một số vùng ruộng nước có diện tích tương đối tập trung, Nhà nước đang tập trung đầu tư xây dựng chương trình kiên cố hóa kênh mương bằng các nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ.

Bên cạnh đó, còn có hệ thống thủy lợi do người dân địa phương tự tạo thành các đập nhỏ, làm hệ thống tự chảy phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Các công trình tự tạo này mang tính tạm thời, phần lớn khi mùa mưa đến chúng bị nước cuốn trôi phải sửa chữa lại. Do đó, cần đẩy mạnh đầu tư hơn nữa các công trình thủy lợi nhỏ nhưng kiên cố để phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, tăng vụ trên diện tích canh tác hiện có, đảm bảo cơ bản lương thực tại chỗ, góp phần giảm áp lực tới công tác bảo vệ rừng.

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật khác: Bằng những nguồn vốn lồng ghép khác nhau của huyện, tỉnh thời gian qua đã đầu tư xây dựng các công trình nước sạch ở tất cả các thôn và các công trình phúc lợi như nhà văn hoá, nhà rông v.v... Góp phần nâng cao chất lượng đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần cho nhân dân.

3.1.2.5. Dịch vụ môi trường rừng

- Với mục đích tạo thêm nguồn kinh phí ổn định cho công tác Quản lý bảo vệ và Phát triển rừng. Góp phần quan trọng mang lại hiệu quả thiết thực để đảm bảo cho phát triển bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân lân cận. Hiện nay tỉnh UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là đơn vị sự nghiệp trong đó có chức năng nhận uỷ thác chi trả các dịch vụ môi trường rừng cho các đối tượng được hưởng theo quy định.

- Toàn bộ lâm phận Công ty quản lý là lưu vực đầu nguồn của các suối Đăk Lót, suối Quyên, suối Đăk Trú;cả ba hệ thống suối trên đều có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước cho các Nhà máy thủy điện và phòng hộ đầu nguồn ở hạ lưu Sông Kôn (hồ Định Bình). Do đó dịch vụ môi trường ở đây được xác định là sản xuất thủy điện trên hệ thống Sông Kôn, đặc biệt là nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Trà Xom, Ken Lút Hạ, Sông Ba Hạ, An Khê - KaNák, Định Bình với tổng diện tích có rừng là 9.176,9 ha trên toàn lâm phần của Công ty.

Diện tích rừng thuộc lâm phận của Công ty TNHH lâm nghiệp Sông Kôn cung cấp dịch vụ môi trường cho các lưu vực thủy điện là 9.176,9ha. Trong đó, lưu vực thủy điện Trà Xom: 3.334,25 ha; sông Ba Hạ: 770,0 ha, Ken Lút Hạ: 2.823,9, thuỷ điện An Khê – KaNak: 770,0 ha và thủy điện Định Bình: 8.406,86 ha.

*) Đánh giá chung về đặc điểm kinh tế - xã hội

Với sự lỗ lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân; sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã và đang đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự hợp tác của các đơn vị trên địa bàn như Công ty Cổ phần thủ điện Trà Xom, Công ty Cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn. Trong quá trình sản xuất kinh doanh lâm nghiệp đã tạo nhiều việc làm khá ổn định thông qua công tác phát triển rừng, bảo vệ rừng cũng như sử dụng rừng vv... vì vậy đời sống của các hộ dân nơi đây đã dần được khởi sắc, bộ mặt kinh tế xã hội của xã có những chuyển biến tích cực. Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội có những thuận lợi và khó khăn sau:

- Thuận lợi

+ Đồng bào các dân tộc nơi đây có tinh thần đoàn kết, có tính cộng đồng rất cao, tiếng nói của những người có uy tín trong làng (già làng) rất được người dân nghe theo. Vì vậy, để công tác bảo vệ rừng, sản xuất kinh doanh được tốt cần phải chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, vận động người dân cùng tham gia và cùng chia sẻ lợi ích.

+ Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã có nhiều cải thiện đáng kể nhất là về giao thông và thông tin liên lạc là điều kiện cơ bản, là động lực có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

+ Về sản xuất nông nghiệp: Đã đưa các giống cây trồng có năng suất và áp dụng tiến bộ trong canh tác; hệ thống thuỷ lợi tuy chưa hoàn thiện nhưng đã cơ bản cung cấp nguồn nước tưới cho canh tác lúa nước. Do đó giải quyết cơ bản lương thực tại chỗ cho người dân.

- Khó khăn

+ Mặc dù được chính quyền địa phương, cán bộ Công ty tích cực tuyên truyền song ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Tình trạng

người dân tự ý xâm canh trong trong lâm phận quản lý của Công ty vẫn còn xảy ra gây khó cho công tác quản lý và hoạt động sản xuất của Công ty.

+ Phương thức canh tác chưa thật sự bền vững nhất là canh tác nương rẫy, đất sớm bạc màu, thoái hoá nên năng suất chưa cao, chưa ổn định. Mặt khác, tỷ lệ gia tăng dân số còn cao nên nguy cơ thiếu đất sản xuất cho người dân là rất dễ xảy ra trong tương lai gần nếu không có những giải pháp lâu dài để tăng năng suất và canh tác bền vững.

+ Việc xây dựng ồ ạt các công trình thủy điện trên Sông Kôn đã làm cho người dân ở đây không còn đất sản xuất, làm môi trường ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, từ đó tạo một áp lực lớn lên tài nguyên rừng như đốt rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất, khai thác vận chuyển lâm sản trái pháp luật…

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp quản lý rừng bền vững tại công ty tnhh lâm nghiệp sông kôn, tỉnh bình định (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)