CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.3. Các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Manh mún đất đai và những tác động của mún đất đai đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam là vấn đề được nhiều nhà khoa học, nhiều tác giả quan tâm và đã có nhiều công trình được công bố:
Đề tài: “Phân mảnh đất đai của hộ và phân mảnh đất đai giữa các hộ trong nông nghiệp Việt Nam” của Thomas Markussen, Finn Tarp (nhóm nghiên cứu Kinh tế phát triển (DERG), Trường Đại học Copenhagen Đan Mạch), Đỗ Huy Thiệp, Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Trung tâm Chính sách Nông nghiệp (CAP), Viện Chiến lược và Chính sách Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (IPSARD). Kết quả quan trọng nhất của nghiên cứu này cho thấy tác động của phân mảnh là khá mạnh và mức độ tác động rất đáng chú ý, chi phí lao động/ha của các hộ nông dân nhỏ cao gấp 5 lần so với hộ quy mô lớn. Điều này cho thấy việc dồn điền đổi thửa có tác dụng rất lớn trong việc giải phóng lao động ra khỏi nông nghiệp ở Việt Nam.
Đề tài: “Phát triển nông nghiệp và chính sách đất đai ở Việt Nam” của Sally P.
Marsh, T. Gordon MacAulay (đại học Sydney) và Phạm Văn Hùng (đại học Nông nghiệp I - Hà Nội). Trong nghiên cứu này, các tác giả đã chỉ ra rằng manh mún đất đai là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp tại Việt Nam, manh mún đất đai vừa có những tác động xấu vừa đem lại lợi ích cho sản xuất nông nghiệp.
Tập trung đất đai có thể sẽ có lợi cho nông dân trong ngắn hạn nếu xem xét dưới góc độ năng suất cây trồng nhưng nó cũng có thể tạo thêm chi phí nếu xét đến khả năng giảm rủi ro và một số lợi ích riêng khác của việc có nhiều mảnh, đặc biệt là trong bối cảnh nền nông nghiệp còn tự cung, tự cấp. Đề tài đưa ra kiến nghị những chính sách tập trung đất đai theo định hướng của Chính phủ cần phải được thực hiện với sự chú ý và cẩn thận hơn. Ở một vài nơi, manh mún đất đai có thể có lợi ích, nhất là ở những vùng miền núi hay những nơi có mức độ rủi ro về hạn hán và lụt lội cục bộ thường xảy ra cao hơn.
Đề tài khoa học của Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn do Đào Thế Anh làm chủ nhiệm “Nghiên cứu thực tiễn dồn điền, đổi thửa ở một số tỉnh và đề xuất chính sách khuyến khích dồn điền đổi thửa nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở đồng bằng Sông Hồng”. Các tác giả nghiên cứu ba hình thức dồn điền đổi thửa chính là: tự do mua bán dồn đổi; bán tự nguyện (nông dân tổ chức đăng ký dồn đổi, cơ quan địa phương hỗ trợ) và hình thức tổ chức can thiệp hành chính trên diện rộng. Đề tài kết luận: dồn điền đổi thửa tác động đến sự phát triển của nông nghiệp, kinh tế xã hội nông thôn là rất phức tạp, theo hai chiều (-) và (+), do đó cần xem xét kỹ vấn đề này trước khi áp dụng dồn điền đổi thửa tại mỗi địa phương khác nhau.
Đã có nhiều bài đăng trên báo và tạp chí phản ánh sự manh mún đất nông nghiệp tại nhiều địa phương khác nhau, các bài viết đều khẳng chỉ ra sự tác động không tốt của việc manh mún ruộng đất đến tính hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp và giải pháp khắc phục. Ví dụ như:
Huỳnh Văn Chương, Nguyễn Thụy Đoan, “Thực tiễn công tác dồn điền đổi thửa và tác động đến phát triển nông nghiệp và nông thôn tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học và Phát triển 2013, tập 11, số 7:1005-1014.
Xuân Thân, “Muốn phát triển nông nghiệp, phải tập trung đất đai”, Báo điện tử đài tiếng nói Việt Nam, tháng 11/2013.
Nguyễn Văn Toàn, Phạm Xuân Hùng, Dương Thị Tuyên, “Ảnh hưởng của tình trạng manh mún đất đai đến chi phí và kết quả sản xuất của các hộ trồng lúa ở huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình”, tạp chí Khoa học, số 2/2014.
Lê Thị Anh, “Manh mún đất đai sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, tạp chí Tri thức và phát triển, ngày 25/8/2014.
Nhiều luận văn cũng nghiên cứu đề tài này như: luận văn “Đánh giá tác động của dồn điền đổi thửa đến phát triển kinh tế hộ nông dân tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh” của Ngô Việt Phương, năm 2009; luận văn của Chu Mạnh Tuấn (2007) “Nghiên cứu ảnh hưởng của dồn điền đổi thửa đến hiệu quả sử dụng đất của hộ nông dân ở huyện ứng hòa, tỉnh Hà Tây”, luận văn “Đánh giá ảnh hưởng của công tác chuyển đổi ruộng đất đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp huyện Hà Trung - Tỉnh Thanh Hoá” của Trần Thị Thanh Huyền, năm 2006… Các luận văn ấy đã chỉ ra thực trạng manh mún đất đai và những tác động của công tác dồn điền đổi thửa từ những góc nhìn khác nhau của các địa phương cụ thể.
Nhìn chung, các công trình trên đã đề cập những tác động của mún đất đai đến sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương khác nhau ở Việt Nam và đưa ra những giải pháp nhằm tích tụ đất đai, trong đó có công tác dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên, kết quả
của các nghiên cứu trên cho thấy rằng việc dồn điền đổi thửa đã thành công ở nhiều nơi, nhiều chỗ nhưng cũng có những địa phương đã thất bại khi triển khai và mức độ thành công của các địa phương là khác nhau, điều này đã xảy ra ngay trong cùng một huyện có xã thành công và có xã không thành công.
Luận văn này kế thừa các kết quả của những nhà nghiên cứu trước liên quan đến đề tài và sẽ xem xét vấn đề này tại thị xã Điện Bàn - một địa phương mà những năm gần đây công tác dồn điền đổi thửa mới được triển khai thực hiện trên quy mô nhỏ tại một số xã, phường; nghiên cứu đề tài này nhằm đánh giá mức độ hiệu quả của công tác dồn điền tại địa phương từ đó đưa ra những kiến nghị và tìm ra các giải pháp thích hợp để sử dụng đất sản xuất lúa tại địa phương được hiệu quả.
CHƯƠNG 2