MỐI QUAN HỆ CỦA CÔNG TÁC DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA VỚI CÔNG TÁC QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT VÀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất nông nghiệp sau tiến hành dồn điền đổi thửa tại xã phong thủy, huyện lệ thủy, tỉnh quảng bình (Trang 35 - 39)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.5. MỐI QUAN HỆ CỦA CÔNG TÁC DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA VỚI CÔNG TÁC QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT VÀ QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI

1.5.1. Với quy hoạch sử dụng đất

Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bố lại nguồn lực đất đai quốc gia trong giới hạn không gian và thời gian xác định với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của đất đai, bảo vệ tốt hệ sinh thái và bền vững của môi trường; quy hoạch sử dụng đất cũng là hệ thống các giải pháp mang tính kinh tế - kỹ thuật - pháp lý để quản lý tài nguyên và tài sản đất đai quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất phải chỉ ra được sự phối hợp sử dụng đất của các địa phương trong một vùng ra sao để đảm bảo sự đồng bộ trong phát triển;

Quy hoạch sử dụng đất không đơn thuần là một hoạt động kinh tế - kỹ thuật mà còn là một hoạt động quản lý có ý nghĩa kinh tế - chính trị, thể hiện ý chí của nhà nước về phát triển trong tương lai mà mọi người đều phải chấp hành; chính vì lẽ đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, được quy định tại Điều 35 Luật Đất đai năm 2013. Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Thông tư 29/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể yêu cầu, nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gắn sử dụng đất với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch sử dụng đất là yêu cầu nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khai thác sử dụng nguồn tài nguyên đất đai một cách có hiệu quả, hợp lý, đảm bảo tính bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái;

Dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp gắn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là cơ sở cho sự định hướng quy hoạch sử dụng đất, là tiền đề cho tính khả thi trong quá trình triển khai các hạng mục quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, kiến thiết đồng ruộng của các kỳ quy hoạch. Công tác DĐĐT luôn gắn với quy hoạch sử dụng đất, với mục đích là khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, phân tán, để tạo điều kiện thực hiện quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tổ chức lại sản xuất, tạo thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nhằm giảm chi phí sản xuất; nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, cơ cấu kinh tế thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Tạo quỹ đất sạch tập trung thực hiện quy hoạch nông thôn mới theo hướng: Dồn tập trung đất công ích xã đang phân tán về vị trí theo quy hoạch đã được phê duyệt: xây dựng trang trại kinh tế tổng hợp, công trình công cộng của địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Dồn đất của những hộ không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp tập trung vào khu đầu tư trang trại kinh tế tổng hợp; Vận động nhân dân đóng góp đất thực hiện chỉnh trang đồng ruộng (làm đường giao thông nội đồng và kênh mương); Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới;

Việc chuyển đổi ruộng đất không đồng nghĩa với việc chuyển xem xét tiêu chuẩn để chia lại ruộng đất vì thế phải tuân thủ nguyên tắc (sinh không tăng, tử không giảm) đảm bảo theo đúng qui định tại nghị định 64/CP năm 1993 của Chính phủ đồng thời phải giao đủ số diện tích các hộ được chia theo Nghị định 64/CP đang quản lý, sử dụng theo quy định tại phương án chuyển đổi đã được phê duyệt trước đây; Dồn điền, đổi thửa phải đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị ở nông thôn, gắn với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp và các quy hoạch liên quan khác trên địa bàn và kế hoạch sử dụng đất hàng năm; Chỉ tiến hành dồn điền đổi thửa ở những nơi, những vùng sản xuất nông nghiệp ổn định theo quy hoạch được duyệt; Tôn trọng quyền lợi của chủ sử dụng đất đã được giao theo Nghị định 64-CP của Chính phủ, Kết luận số 36/KL-HU ngày 17/2/2012 của Ban Thường vụ Huyện ủy về chỉ đạo điểm xã Phong Thủy thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, kết hợp xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết số 02/NQ-ĐU ngày 13/3/2012 của BCH Đảng bộ xã Phong Thủy về việc lãnh đạo thực hiện công tác dồn điền đổi thửa; Đồng thời xử lý những tồn tại trong việc quản lý sử dụng quỹ đất công ích của địa phương. Vận động các hộ gia đình, cá nhân tự nguyện góp một phần diện tích đất nông nghiệp ổn định đang sử dụng (UBND xã dự kiến và được nhân dân bàn bạc thống nhất) để có quỹ đất thực hiện xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới;

Việc xây dựng quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng phải dựa vào các tiêu chí của phương án dồn điền đổi thửa. Thực hiện chỉnh trang đồng ruộng theo quy

hoạch được tiến hành trước khi đo giao ruộng để dồn điền đổi thửa; từng thửa ruộng sau dồn đổi phải tiếp giáp với đường giao thông và hệ thống thủy lợi nội đồng; Không để đất công ích xã đan xen với đất giao ổn định của hộ gia đình, cá nhân; quỹ đất này được dồn chuyển thành vùng tập trung theo vị trí đã được quy hoạch để thực hiện xây dựng các công trình phục vụ sản xuất (giao thông nội đồng, thủy lợi), phúc lợi xã hội, khu trang trại kinh tế tổng hợp gắn quy hoạch xây dựng nông thôn mới được phê duyệt. Sau khi thực hiện xong dồn điền đổi thửa phải thực hiện chỉnh lý biến động đất đai và hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật, để làm cơ sở cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân;

Tóm lại, công tác dồn điền đổi thửa với công tác quy hoạch sử dụng đất có mối quan hệ tương tác và hỗ trợ cho nhau, thực hiện phương án dồn điền đổi thửa phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngược lại xây dựng quy hoạch sử dụng đất phải căn cứ vào các tiêu chí của phương án dồn điền đổi thửa, hai công tác này luôn tồn tại song trùng và cùng hỗ trợ lẫn nhau để thực tôt chiến lược phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dưng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

1.5.2. Với công tác quản lý nhà nước đối với đất đai

DĐĐT vừa ổn định về mặt tổ chức sản xuất nông nghiệp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giao đất, cấp giấy CNQSD đất cho người sử dụng đất, là cơ sở giúp Nhà nước quản lý tốt về đất đai đối với nông nghiệp nông thôn; Với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa thì phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp và sản xuất hàng hóa là nhu cầu tất yếu khách quan. Chủ trương phát triển sản xuất hàng hóa trong kinh tế nông nghiệp được Đảng ta đặt ra như một bước đi tất yếu để giải quyết vấn đề tam nông. Một trong nhưng biện pháp quan trọng nhất để phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp là giải pháp tập trung ruộng đất để tổ chức sản xuất ở quy mô lớn hơn. Chìa khóa pháp lý để thực hiện giải pháp này là việc Nhà nước trao cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Đây chính là nội dung đổi mới chủ yếu trong đổi mới chính sách pháp luật đất đai đã được cụ thể hóa trong Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai năm 2003. Dựa vào cơ sở pháp lý này, Nhà nước khuyến khích khu vực nông thôn thực hiện phong trào "dồn điền, đổi thửa"

để khắc phục tình trang manh mún do quá trình giao đất trước đây, có điều kiện quy hoạch lại đồng ruộng, sử dụng được các dịch vụ công nghiệp, giao thông, điện, thủy lợi, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, v.v. và áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp. Từng người nông dân, hộ gia đình nông dân hay một nhóm hộ gia đình có năng lực làm nông nghiệp có thể tập trung ruộng đất hình thành các trang trại để có một địa bàn hoạt động rộng hơn, đa dạng hơn và công nghiệp hơn;

Công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) sẽ giúp giải quyết được cơ bản tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ tạo điều kiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, thuận lợi để áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí và tăng hiệu quả lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi, thực hiện nhóm tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất trong nông thôn mới. Do vậy, công tác DĐĐT là một đòi hỏi thiết thực đối với nông dân, nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng chặt chẽ hơn. Quá trình thực hiện DĐĐT còn thể hiện việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, có sự đồng thuận cao giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân. Nhờ DĐĐT mà ruộng đất được quy hoạch khoa học, được cải tạo tốt. Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi nội đồng được nâng cấp làm mới, nhân dân tự giác đầu tư cho sản xuất, nhiều mô hình trang trại từ đó được hình thành mang lại thu nhập cao trên từng đơn vị diện tích. Việc xây dựng phương án sản xuất cụ thể sát đúng với thực trạng tình hình quản lý đất đai, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng, từng cơ sở. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho từng vùng sản xuất.

Căn cứ vào mục tiêu, phương án của huyện, các địa phương đã xây dựng Nghị quyết từ Đảng ủy đến chi bộ, kịp thời chỉ đạo các HTX trong từng khâu dịch vụ nông nghiệp mà không ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất của nhân dân;

Đối với chính sách đất đai, Nhà nước đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa cho đất sản xuất nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận để các nông hộ yên tâm sản xuất; khuyến khích khai hoang, phục hóa để phát triển mở rộng đất sản xuất nông nghiệp. Nghi định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai (năm 2003) đã đưa ra loại đất nông nghiệp khác bao gồm các loại đất phi nông nghiệp sử dụng để phục vụ sản xuất nông nghiệp được hưởng các chế độ sử dụng đất như đối với đất sản xuất nông nghiệp. Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 lại quy định cụ thể hơn là khi chuyển mục đích sử dụng từ đất sản xuất nông nghiệp (trừ đất chuyên trồng lúa nước), đất rừng sản xuất sang đất nông nghiệp khác thì không phải nộp tiền sử dụng đất. Hơn nữa, các trang trại chăn nuôi tập trung được hưởng chế độ ưu đãi về sử dụng đất như đối với các khu công nghiệp. Đây là một chính sách rất quan trọng để tạo điều kiện cho các nông hộ tổ chức sản xuất kết hợp giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và dịch vụ;

Dồn điền đổi không những là một trong các tiêu chí xây dựng NTM mà dồn điền đổi thửa còn tạo thuận lợi cho hộ canh tác, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

từng bước phân công lao động trong từng địa bàn, tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý nhà nước đối với đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng ngày càng đi vào nề nếp và ổn định.

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất nông nghiệp sau tiến hành dồn điền đổi thửa tại xã phong thủy, huyện lệ thủy, tỉnh quảng bình (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)