Bài học kinh nghiệm sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa tại xã

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất nông nghiệp sau tiến hành dồn điền đổi thửa tại xã phong thủy, huyện lệ thủy, tỉnh quảng bình (Trang 78 - 85)

CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.5. BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP SAU KHI THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA TẠI XÃ PHONG THỦY

3.5.1. Bài học kinh nghiệm sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa tại xã

Sau thời gian thực hiện đến nay công tác dồn điền đổi thửa của xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy đã thực hiện hoàn thành theo các tiêu chí của đề án dồn điền đổi thửa, người nông dân đã sử dụng đất ổn định trên thửa ruộng của mình. Sau dồn điền đổi thửa số thửa bình quân của mỗi hộ gia đình giảm từ 12 thửa xuống còn 3 đến 4 thửa, diện tích bình quân trên thửa lớn hơn so với trước từ 350 m2/thửa lên 900-1000 m2/thửa, diện tích đất nông nghiệp tăng lên do phá bờ, cải tạo đất hoang hóa,...Điều kiện sản xuất trên đồng ruộng được cải tiến, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được tăng lên;

Tuy nhiên, sau dồn điền đổi thửa bình quân số thửa trên hộ vẫn còn cao, diện tích các thửa đất dưới 500,0 m2 vẫn còn nhiều, Nhiều nơi có khả năng để giảm số thửa nhiều hơn nữa nhưng chưa quyết tâm cao để đạt kết quả tốt hơn. Thửa đất được giao mới tuy có diện tích lớn hơn trước, nhưng còn rất nhiều nơi hình thể thửa đất có dạng hẹp và chạy dài, kích thước giữa chiều dài và chiều rộng chênh lệch nhau lớn, tình trạng thửa đất có chiều rộng dưới 5 m còn rất nhiều, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất. Như vậy, tình trạng manh mún ruộng đất mặc dù đã được cải thiện so với trước nhưng vẫn chưa hoàn toàn triệt để, nhiều thôn khi thực hiện vẫn mang tính hình thức, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Trong thời gian tới xã cần phải tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa để đạt được kết quả tốt hơn nữa;

Dồn điền đổi thửa phải gắn liền với công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo từng cây trồng, vật nuôi ổn định lâu dài. Dồn điền đổi thửa làm xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình làm kinh tế trang trại tập trung có hiệu quả kinh tế cao, nhưng chủ yếu là tự phát. Vì vậy, cần có các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện và thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp hiện có;

Làm tốt công tác tuyên truyền từ trong Đảng đến các tổ chức, đoàn thể, quần chúng nhân dân nhằm thống nhất tư tưởng và nhận thức về chủ trương của Đảng, Nhà nước với chủ trương dồn điền đổi thửa khắc phục tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất như hiện nay, tạo điều kiện cho việc thâm canh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa năng suất và chất lượng cao;

Tập trung chỉ đạo thống nhất từ huyện đến cơ sở, phát huy khả năng của đội ngũ cán bộ địa phương, chủ động khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành tốt nhiệm vụ khi được phân công, từng đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cho đến khi hoàn thành công việc. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai;

Sau khi đã hoàn thành phương án dồn điền đổi thửa, để có tính khả thi cao điều quan trọng là phải tổ chức họp dân, thảo luận dân chủ, chọn phương án giao ruộng.

Quá trình giao ruộng phải giữ nguyên tắc mà đề án của tỉnh đã đề ra: giữ nguyên số hộ, số khẩu, diện tích, hạng đất tính thuế... Sau khi giao ruộng tình hình nông thôn phải được ổn định [41];

Cán bộ trực tiếp xây dựng phương án giao ruộng phải có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình, công tâm và có uy tín với nhân dân. Khi xây dựng phương án nên mở rộng tham khảo ý kiến của một số lão nông, cán bộ nghỉ hưu có nhiều kinh nhiệm đồng ruộng, làm được như vậy thì chất lượng phương án giao ruộng đạt kết quả cao hơn, thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành. Làm tốt công tác chuẩn bị như: Các loại sổ sách có liên quan tới đất đai, phân tích biến động về đất đai, nhân khẩu đã giao theo nghị định 64/CP. Phương án quy hoạch lại đồng ruộng, phương án dồn đổi đất công ích, phương án xây dựng giao thông, thuỷ lợi nội đồng;

Tổ chức duyệt phương án tại các cụm dân cư phải chặt chẽ, cần tập trung vào một số nội dung: số hộ, số khẩu, diện tích đất tiêu chuẩn, diện tích đất công ích, diện tích đất làm giao thông, thuỷ lợi mới, số thửa trên hộ, diện tích trên thửa…, tất cả các nội dung này phải được tổng hợp trước khi duyệt phương án;

Tổ chức tốt việc giao ruộng ngoài thực địa, đồng thời làm tốt công tác kiểm tra để làm căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ nông dân;

Chọn thời điểm giao ruộng thuận lợi nhất trong năm, không làm ảnh hưởng đến sản xuất của các hộ nông dân. Biểu dương khen thưởng kịp thời những đơn vị và cá nhân tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Qua thực tế chỉ đạo của Đảng uỷ, HĐND, UBND xã về công tác dồn điền đổi thửa trong thời gian qua và kết quả các thôn đã đạt được; rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bằng nhiều hình thức để nhân dân thấy được mục đích, ý nghĩa và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước từ đó nhân dân hưởng ứng, đồng tình và tích cực tham gia dồn điền đổi thửa tạo thành động lực mới thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển;

- Cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, tạo phong trào sâu rộng trong nhân dân.

tăng cường vai trò Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị;

- Phải thống nhất và tập trung cao sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng uỷ, cấp uỷ chi bộ. Sự điều hành tập trung, thống nhất, xử lý và giải quyết linh hoạt, kịp thời, đúng nguyên tắc của Ban chỉ đạo xã về những đề nghị, kiến nghị của nhân dân và Ban DĐĐT các thôn xóm. Phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo xã, thôn và các đoàn thể; Phát huy vai trò nòng cốt của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục, làm cho nhân dân hiểu rõ dồn điền đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp là mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho chính bản thân và gia đình họ.

- Thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; dân chủ gắn liền với giữ vững nguyên tắc, mục tiêu, đúng pháp luật. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2010-2020;

- Ban chỉ đạo DĐĐT các thôn làm tốt công tác chuẩn bị như thu thập hồ sơ, tài liệu, lập sơ đồ đất nông nghiệp ngoài đồng theo từng xóm, có đủ các hồ sơ quy hoạch,...nghiên cứu xây dựng phương án định hướng của xã chi tiết, tính toán điều chuyển đất đai, Nhận thức rõ công tác dồn điền đổi thửa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi sự tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền. Trong quá trình thực hiện cần phải học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương đã làm, vận dụng linh hoạt nhất là khi xác định hệ số K của mỗi vùng đất, mỗi địa phương một cách hợp lý, không áp đặt;

- Thực hiện nghiêm túc các quy trình, trình tự bước đi, cần khẩn trương nhưng không nóng vội chủ quan. Dồn điền đổi thửa phải được thực hiện triệt để, nhanh chóng nhằm từng bước thực hiện mục tiêu CNH và HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức dồn điền đổi thửa phải đảm bảo chặt chẽ, thống nhất từ huyện đến cơ sở, với phương châm “làm đâu được đấy” hoàn thành trong thời gian ngắn nhất và đảm bảo sớm ổn định phát triển sản xuất. phải hoàn chỉnh việc chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính kịp thời, đúng với thực tế khi dồn điền đổi thửa, tiến hành thu lại GCN QSDĐ đã cấp và cấp đổi GCN QSDĐ cho nhân dân.Có quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển xây dựng nông thôn mới;

- Hỗ trợ đủ kinh phí để tổ chức thực hiện công tác dồn điền đổi thửa.

3.5.2. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau khi đồn điền đổi thửa tại Phong Thủy

Dồn điền đổi thửa không phải là 1 tiêu chí trong xây dựng NTM, nhưng dồn điền đổi thửa là điều kiện cần và đủ cho các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như giao thông, thủy lợi nội đồng… Mặt khác, giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, tạo thuận lợi cho hộ canh tác, thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từng bước phân công lao động trong từng địa bàn, tạo việc làm, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất. Qua kết quả DĐĐT và hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp tại xã Phong Thủy như đã phân tích ở trên, trong thời gian đến để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất sau khi DĐĐT và tạo điều kiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn xã Phong Thủy, tôi đề xuất một số giải pháp sau đây:

* Về cơ chế hỗ trợ

Có cơ chế nâng mức hỗ trợ đầu tư đối với các dự án xây dựng hạ tầng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác dồn điền đổi thửa, trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm đó là:

Hỗ trợ 100% kinh phí đào đắp giao thông, thủy lợi nội đồng; Nhà nước cấp 80%

và nhân dân đóng góp 20%;

Hỗ trợ toàn bộ bằng tiền để mua vật tư (khối lượng vật tư được tính theo định mức kỹ thuật quy định của Nhà nước) khi thực hiện kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong đó ngân sách cấp Tỉnh hỗ trợ 50%; ngân sách cấp huyện 30%, ngân sách cấp xã hỗ trợ 20%;

Hỗ trợ Ban chỉ đạo cấp xã, thôn kinh phí hoạt động, tổ chức hội họp tuyên truyền. Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/ha. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện bổ sung có mục tiêu cho ngân sách xã;

Hỗ trợ toàn bộ chi phí đo đạc, cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, xây dựng bản đồ, quy hoạch đồng ruộng, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng theo định mức quy định của Nhà nước. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp Nhà nước từ nguồn khai thác quỹ đất.

* Về cơ chế ưu đãi đầu tư

Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2012/NĐ- CP ngày 04/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư 11/2012/TTLT-BNNPTNT- BTC-BKHĐT, ngày 01/3/2012 của liên bộ Bộ Nông nghiệp và PTNT - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Đề án phát triển giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp, giống vật nuôi và thủy sản đến năm 2020;

Được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 70% giá trị đầu tư của dự án;

Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ sau khi các cơ sở hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện.

* Khuyến khích và hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở: sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản

Cơ sở sơ chế rau, củ, quả;

Cơ sở bảo quản giống, bảo quản các nông sản;

Cơ sở sơ chế trứng gia cầm.

Nội dung và mức hỗ trợ:

Được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 61/2012/NĐ- CP ngày 04/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Được hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 70% giá trị đầu tư của dự án.

Phương thức hỗ trợ:

Hỗ trợ sau khi các cơ sở đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.

Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện.

* Khuyến khích và hỗ trợ đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi mua các loại máy móc, thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp bao gồm: máy làm đất; máy gieo cấy; máy gặt đập liên hợp; máy sấy hạt; máy phun thuốc có động cơ; hệ thống tưới tiết kiệm; máy phát điện chạy bằng khí sinh học; máy thái cỏ được Nhà nước hỗ trợ như sau:

Được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vay được hỗ trợ tối đa 100% giá trị sản phẩm.

Phương thức hỗ trợ:

Hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thông qua hợp đồng tín dụng vay vốn của các Ngân hàng Thương mại được UBND cấp xã xác nhận và UBND cấp huyện phê duyệt, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách huyện.

* Khuyến khích xây dựng kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm

Các thôn, xóm, bản làng, khu dân cư nông thôn khi thực hiện việc kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới. Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hỗ trợ sau đầu tư, ngân sách các cấp hỗ trợ thông qua ngân sách xã để tổ chức thực hiện. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện 50%, xã 30% và nhân dân 20%.

* Khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu và cấp đổi GCNQSD đất Đối với xây dựng cánh đồng mẫu

Hỗ trợ chi phí xây dựng cánh đồng mẫu, tùy theo quy mô mà có mức hỗ trợ kinh phí cho phù hợp về các khâu công việc như: cơ giới hóa khâu làm đất, khâu thu hoạch, xây dựng hạ tầng khu vực sản xuất (bao gồm: hệ thống đường giao thông và kênh mương nội đồng, đường điện phục vụ sản xuất).

Về điều kiện hỗ trợ:

Trong vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, tập trung phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; Diện tích thực hiện dồn điền, đổi thửa phải đảm bảo tối thiểu 10 ha;

Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa bình quân diện tích mỗi thửa ruộng phải đạt từ 700 m2 trở lên và mỗi hộ chỉ còn từ 1 đến 3 thửa. ;

Có sự liên kết giữa các hộ nông dân do đại diện hộ dân hoặc thông qua Hợp tác xã, Tổ hợp tác ký kết hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp thực hiện một trong các nội dung sau: cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; tiêu thụ sản phẩm;

Có kế hoạch sản xuất của cánh đồng mẫu đảm bảo sản xuất tối thiểu trong hai năm (4 vụ sản xuất) được Ủy ban nhân dân cấp xã phê duyệt;

Nông dân tự nguyện tham gia bằng việc cam kết thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật do cơ quan chuyên môn ban hành; đầu tư cho sản xuất đảm bảo đủ, đúng định mức quy trình sản xuất quy định; thực hiện đúng các cam kết đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp hoặc tổ chức đơn vị sự nghiệp.

Phương thức hỗ trợ:

Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho Ngân sách cấp xã để tổ chức thực hiện theo Phương án dồn điền, đổi thửa được duyệt.

Nguồn vốn hỗ trợ:

Nguồn kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách tỉnh và nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án bổ sung có mục tiêu khác;

Ngoài mức hỗ trợ từ Ngân sách tỉnh, huyện và xã có trách nhiệm bố trí từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho các nội dung cần thiết khác nhằm đạt được mục tiêu của công tác dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn.

Đối với cấp đổi GCNQSD đất

Hỗ trợ chi phí cấp mới, cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa và hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính dạng giấy và dạng số;

Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban dồn diền, đổi thửa thôn để tổ chức hội họp, tuyên truyền, xây dựng phương án dồn diền, đổi thửa. Mức hỗ trợ tính theo diện tích DĐĐT đơn vị tính là ha.

* Về ban hành các cơ chế chính sách về ưu đãi và hỗ trợ UBND tỉnh Quảng Bình cần:

Ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí cho xây dựng cánh đồng mẫu, giao thông, thủy lợi nội đồng và cấp giấy chứng nhận QSD đất; có cơ chế ưu đãi về lãi suất ngân hàng tín dụng cho công tác DĐĐT.

Ban hành Chính sách hỗ trợ khuyến khích dồn điền, đổi thửa; xây dựng cánh đồng mẫu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013-2015, với mục tiêu Khuyến khích các địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa tạo ra những ô thửa lớn hơn, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân; Khuyến khích xây dựng cánh đồng mẫu trồng các loại cây: lúa (lúa lai và lúa chất lượng); lạc (lạc giống, lạc thâm canh); rau chế biến; rau an toàn. để hình thành những cánh đồng sản xuất hàng hóa tập trung có cùng loại sản phẩm, có quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp;

Giao cho các Sở, ban ngành liên quan tổ chức phối hợp thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho công tác DĐĐT, công tác quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cánh đồng mẫu, cấp đổi GCNQSD đất cho nhân dân và quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn xã Phong Thủy nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói chung

Tóm lại, trong những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác đất nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhằm tạo tiền đề và là cơ sở pháp lý để thực hiện các giải pháp khác và giữ vai trò then chốt trong việc phát huy nguồn lực đất đai nói chung và tài nguyên đất nông nghiệp nói riêng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong giai đoạn tới.

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất nông nghiệp sau tiến hành dồn điền đổi thửa tại xã phong thủy, huyện lệ thủy, tỉnh quảng bình (Trang 78 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)