Chủ trương, biện pháp của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề giải quyết việc làm và sinh kế cho hộ nông dân sau khi bị thu hồi đất ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp ổn định sinh kế của các hộ dân bị thu hồi đất ở trung tâm huyện bố trạch, tỉnh quảng bình (Trang 27 - 31)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

1.2.4. Chủ trương, biện pháp của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề giải quyết việc làm và sinh kế cho hộ nông dân sau khi bị thu hồi đất ở Việt Nam

Việt Nam là một nước nông nghiệp với 65,4% dân số sống ở nông thôn và làm nông nghiệp. Theo thống kê của hội Nông dân Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, tương ứng với mỗi hộ có khoảng 1,5 lao động mất việc làm. Điều này đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có biện pháp giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất, làm sao để đảm bảo sinh kế bền vững cho họ. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11/2006/CT – TTG yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương có định hướng quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi mục đích sử dụng, chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm và vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch và kế hoạch thu hồi đất nông nghiệp.

(http://www.cpv.org.vn/print_preview.asp?id= BT2410088126).

- Thứ nhất: là việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sao cho có hiệu quả, nâng cao độ phì của đất, bồi dưỡng đất, tăng hiệu quả kinh tế của đất. Vì đất đai là tư liệu sản

xuất đặc biệt, không sinh thêm mà lại ngày càng thu hẹp lại cho nên phải có kế hoạch sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, đất nào sử dụng với mục đích ấy. Hạn chế tối đa việc sử dụng đất 2 vụ lúa vào xây dựng KCN, khu đô thị. Nên sử dụng đất đồi, đất bãi để xây dựng KCN. Trước khi quy hoạch sử dụng đất để xây dựng KCN, khu chế xuất, khu đô thị mới thì cần thông báo công khai cho nhân dân biết. Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp để tuyên truyền chủ trương, chính sách đất đai của Đảng và Nhà nước. Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và đền bù phải theo quy định.

- Thứ hai: là việc giải quyết việc làm cho nông dân đang là vấn đề bức xúc.

Trong những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân những vùng bị thu hồi đất như chính sách định cư tại chỗ, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề... Các cấp chính quyền nên tạo điều kiện cho những hộ nông dân bị mất đất sản xuất có việc làm mới ngay trên địa bàn: cho họ vào làm tại các nhà máy, xí nghiệp ngay trên mảnh đất của họ trước đây. Thực hiện phương châm “Ly nông bất ly hương”. Phải có biện pháp bắt buộc thực hiện chính sách dạy nghề miễn phí cho người dân trong vùng bị lấy đất. Phải có lớp tập huấn, đào tạo để giúp người nông dân có kiến thức về sản xuất, kinh doanh, giúp họ tiếp cận thị trường.

Chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi cũng cần cải cách. Ngoài ra, một biện pháp đang được đánh giá ưu việt là khi thu hồi đất nhà đầu tư không bồi hoàn tất cả mà để lại cho người dân một phần cổ phần nhất định trong dự án đó. Nếu bồi hoàn toàn bộ 1 lượng tiền, người nông dân không có nghề nghiệp có thể sẽ tiêu hết tiền và trở thành người trắng tay, trong khi nếu có cổ phần họ sẽ có được lợi ích lâu dài để đảm bảo cuộc sống.

Để tạo việc làm một cách bền vững và phát triển mạnh thị trường xuất khẩu lao động, chiến lược đào tạo của quốc gia cần có sự định hướng rõ ràng ngay từ cấp trung học. Trên cơ sở chiến lược phát triển Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những định hướng đào tạo nghề cho học sinh ngay từ bậc trung học: Khoảng 1/3 số học sinh PTTH sẽ tiếp tục học lên Cao đẳng, Đại học; 1/3 đào tạo nghề theo mô hình công nhân kỹ thuật cao, số này sẽ cung cấp lao động cho các KCN, khu chế xuất và phục vụ xuất khẩu, 1/3 còn lại sẽ được đào tạo nghề kỹ thuật cơ bản, nghề thủ công truyền thống, số này có thể đáp ứng được lực lượng lao động cho khối các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

(http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=4&news_ID= 11448185).

Với những hộ nông dân có nhu cầu đến vùng khác để sinh sống thì chính quyền địa phương nên phối hợp với hội nông dân và các ban ngành khác để có chính sách hỗ trợ việc di dân, định canh, định cư.

- Thứ ba: là tình trạng hộ nông dân thiếu đất sản xuất do phát triển KCN ngày càng có xu hướng tăng. Vì vậy việc giao đất ở địa phương không chỉ giao cho những hộ có hộ khẩu trong vùng, mà phải mở rộng cho các đối tượng nghèo không có ruộng

khác. Tuy nhiên phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để bị lợi dụng giao đất sai đối tượng, giao đất sai mục đích. Chính quyền các cấp kết hợp với các đoàn thể, đặc biệt là hội nông dân vận động người dân nâng cao nhận thức, tuân thủ luật pháp nói chung và luật đất đai nói riêng.

1.2.5. Một số kinh nghiệm giải quyết vấn đề sinh kế và việc làm cho hộ nông dân bị thu hồi đất ở Việt Nam.

1.2.5.1. Kinh nghiệm của thành phố Hà Nội

Hà Nội đã đưa ra các chủ trương hỗ trợ nông dân bị thu hồi đất như sau:

- Một là, UBND thành phố đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ ổn định đời sống, phổ cập giáo dục, học nghề và việc làm cho các hộ nông dân bị mất trên 30% đất sản xuất nông nghiệp được giao theo NĐ64/CP của Chính phủ. Quỹ này sẽ có vốn ban đầu là 40 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cấp, tiếp theo sẽ trích nguồn kinh phí của các nhà đầu tư khi được giao đất.

- Hai là, trẻ em của các gia đình bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ học phí phổ thông trong 3 năm. Người lao động có nhu cầu học nghề sẽ được cấp thẻ học nghề có giá trị tối đa 6 triệu đồng, ưu tiên những người này tham gia kinh doanh các hoạt động dịch vụ tại các khu đô thị và KCN. Hỗ trợ 100% kinh phí BHYT cho người trên 60 tuổi đối với nam và trên 55 tuổi đối với nữ.

Ngoài ra các giải pháp khác được UBND Thành phố quan tâm đó là xây dựng, ban hành quy chế ưu tiên đấu thầu kinh doanh dịch vụ tại các khu đô thị, KCN mới hình thành, xã hội hoá các hoạt động dịch vụ tại các khu đô thị, KCN xây dựng trên diện tích đất nông nghiệp. Cho người dân có đất bị thu hồi tham gia kinh doanh, đặc biệt sẽ ưu tiên cho lao động của hộ bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất. Có cơ chế về đầu tư, xây dựng hạ tầng nông thôn tại các khu vực thu hồi nhiều đất nông nghiệp để tạo điều kiện kinh doanh dịch vụ phục vụ các KCN, khu đô thị, giải quyết việc làm tại chỗ, đảm bảo sự gắn kết hạ tầng của khu đô thị và KCN với vùng dân cư.

Từ thực tiễn giải quyết việc làm cho người dân mất đất tại Hà Nội ta thấy:

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề bằng thẻ học nghề sẽ tránh được việc người dân sử dụng tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề vào việc khác mà không phải là việc học nghề. Tuy vậy, Hà Nội chưa quan tâm rõ đến từng đối tượng, chưa có chính sách cho những người lao động đã qua độ tuổi lao động hoặc gần hết tuổi lao động. Họ không có điều kiện chuyển đổi nghề mới.

Thứ hai, Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ học phí cho con em những hộ bị mất đất. Lập quỹ hỗ trợ ổn định đời sống.

1.2.5.2. Kinh nghiệm của tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong vòng 10 năm (từ 1997 đến 2007) nhờ phát triển các KCN tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 17.1%.

Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi để xây dựng các khu đô thị, KCN… Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn nông dân bị mất việc làm. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, sau 10 năm kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc đã thu hồi hơn 4.000ha đất nông nghiệp để xây dựng các KCN, khu đô thị và hạ tầng. Việc thu hồi đất đã khiến hơn 10.000 hộ dân mất một phần hoặc toàn bộ đất ở, đất canh tác. Sau khi bị thu hồi đất, có khoảng 45.000 lao động nông thôn mất hoặc thiếu việc làm. Thời gian tới đây, đất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục bị thu hồi để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Số lượng nông dân không còn tư liệu sản xuất sẽ tiếp tục gia tăng, tạo sức ép rất lớn trong vấn đề giải quyết việc làm. Trước thực trạng đó, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp giải quyết cơ bản…

Với quan điểm: Có “an cư” mới “lạc nghiệp”. Để sớm ổn định đời sống cho người dân có đất ở bị thu hồi phải nhanh chóng giải quyết tốt vấn đề tái định cư cho dân. Đây là quan điểm nhất quán của tỉnh. Vì vậy, tỉnh chủ trương khi tái định cư cho dân phải bảo đảm nơi ở mới có điều kiện sống, sinh hoạt tốt hơn nơi ở cũ. Trên thực tế đã có nhiều địa phương làm khá tốt việc này, được dư luận nhân dân đánh giá cao như Vĩnh Yên, Mê Linh, Phúc Yên…

Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã sớm xây dựng đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn, lao động ở vùng dành đất phát triển công nghiệp”.

Đối với những lao động bị thu hồi đất nhưng tuổi đã cao, khó chuyển đổi nghề, tỉnh xác định hướng giải quyết là tạo việc làm tại chỗ. Để làm được điều này, một mặt, tỉnh chú trọng đến công tác quy hoạch, phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề thủ công, tiểu thủ công… Huy động Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… vào cuộc, nhằm định hướng, dạy nghề, tạo việc làm cho những đối tượng phù hợp, có nhu cầu. Mặt khác, một mô hình được dư luận đánh giá có tính “đột phá” đã và đang được tỉnh áp dụng rộng rãi.

Từ thực tiễn giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân tỉnh Vĩnh Phúc ta thấy: Tỉnh Vĩnh Phúc đã có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cụ thể cho từng đối tượng. Tỉnh cũng đã có những hỗ trợ dành cho những lao động bị thu hồi đất nhưng tuổi đã cao. Tuy nhiên đó mới chỉ là những giải pháp bước đầu giải quyết được tình trạng thiều việc làm và thất nghiệp của hộ nông dân. Các biện pháp đó chưa mang tính đồng bộ và dài hạn, chưa gắn kết với các Sở, Ban, Ngành và lồng ghép sâu rộng với các chương trình, dự án của Tỉnh cũng như trên phạm vi toàn quốc.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu giải pháp ổn định sinh kế của các hộ dân bị thu hồi đất ở trung tâm huyện bố trạch, tỉnh quảng bình (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)