CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. TÌNH HÌNH THU HỒI ĐẤT Ở TRUNG TÂM HUYỆN BỐ TRẠCH
Huyện Bố Trạch nằm ngay cửa ngõ Bắc thành phố Đồng Hới thủ phủ của tỉnh Quảng Bình và là một trong số ít huyện có chiều từ Tây sang Đông chiếm toàn bộ chiều ngang của Việt Nam. Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy Bố Trạch tiếp giáp với cả Biển Đông và biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Trong những năm qua việc thu hồi đất trên địa bàn huyện để xây dựng hạ tầng phát triển đất ở, làm đường giao thông, phát triển khu đô thị mới …tương đối nhiều.
Với việc thu hồi đất đã tác động không ít tới các hộ dân bị thu hồi đất. Tuy nhiên huyện đã có những quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cụ thể:
3.2.1. Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
* Quy hoạch sử dụng đất:
- Huyện Bố Trạch đã triển khai thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 (QHSDĐ) và đã được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt tại Quyết định số 1525/QĐ-UBND ngày 03/7/2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn huyện theo đúng pháp luật, đồng thời là khung định hướng để lập quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất của huyện và của cấp xã.
- Cấp xã: 30/30 đơn vị hành chính xã, thị trấn của huyện Bố Trạch đã hoàn thành việc lập QHSDĐ đến năm 2020.
* Kế hoạch sử dụng đất:
Trước đây trên địa bàn huyện việc lập kế hoạch sử dụng đất mới dừng ở mức thống kê danh mục, diện tích các công trình dự án, lập kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và thủy sản chuyển sang sử dụng vào mục đích chuyên dùng và đất ở. Tuy nhiên, từ năm 2015, 2016 UBND huyện đã tiến hành lập kế hoạch sử
dụng đất của từng năm trình UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Nhìn chung, công tác điều tra, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của huyện trong những năm qua đã được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả khá tốt. Kết quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã giúp cho UBND các cấp đánh giá, quản lý, sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đất đai, làm cơ sở hoạch định phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi rộng cũng như phục vụ cho quá trình giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cụ thể ở mỗi địa phương, cho từng đối tượng, từng chủ sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều phương án quy hoạch, kế hoạch chất lượng chưa cao, còn chồng chéo nhất là quy hoạch sử dụng đất của các ngành. Thực tế hiện nay, các ngành, lĩnh vực có sử dụng nhiều đất đang phải tiến hành rà soát điều chỉnh hoặc xây dựng mới phương hướng, quy hoạch phát triển của ngành mình.
* Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về đất đai của huyện thời gian qua đã có bước chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
* Quản lý việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất
- Năm 2016, UBND huyện đã giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định và tham mưu được 11 công trình là Tạo quỹ đất xã Nam Trạch; Tạo quỹ đất xã Đồng Trạch; Tiểu dự án cải tạo lưới điện trung áp tỉnh Quảng Bình tại địa phận huyện Bố Trạch; Tạo quỹ đất khu vực Lòi Huyện và Động Cát xã Đại Trạch; Quy hoạch chi tiết khu vực khai thác sét gạch ngói làm VLXD của công ty TNHH Hương Hạnh tại xã Đại Trạch; Quy hoạch chi tiết xã Vạn Trạch; Đường dây 220kV Ba Đồn - Đồng Hới bổ sung; Nâng cao độ tin cậy cung cấp lưới điện trung áp tại xã Lý Trạch; QH chi tiết xã Đức Trạch; Tạo quỹ đất khu dân cư tỉnh lộ 2 bổ sung; Đường ra Biên giới Thượng Trạch bổ sung.
- Được sự tham mưu của Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất ở và ban hành các Quyết định về đấu giá quyền sử dụng đất ở tại các xã Hưng Trạch, Nam Trạch, Trung Trạch, Đồng Trạch, Vạn Trạch, Hoàn Trạch, thị trấn Hoàn Lão, Bắc Trạch, Đức Trạch; đất nuôi trồng thủy sản và đất thương mại, dịch vụ tại xã Trung Trạch.
- Ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất ở tại các xã Bắc Trạch, Hưng Trạch, Nam Trạch, Hoàn Trạch, Đức Trạch, Tây Trạch, Đại Trạch, Nhân Trạch, Thanh Trạch, thị trấn Hoàn Lão, Trung Trạch, Nhân Trạch.
- Ra Thông báo bán giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất đã đưa ra đấu giá nhưng không có người tham gia tại các xã: Đức Trạch, Lý Trạch, Bắc Trạch, thị trấn Hoàn Lão.
- Phối hợp trong công tác xác định giá đất cụ thể để đấu giá và giao đất.
3.2.2. Tình hình thu hồi đất ở trung tâm huyện Bố Trạch (nghiên cứu tại 05 xã:
Thanh Trạch, Đồng Trạch, Trung Trạch, Đại Trạch và thị trấn Hoàn Lão)
Từ Năm 2014 đến 2016 ở trung tâm huyện Bố Trạch (tại 05 xã: Thanh Trạch, Đồng Trạch, Trung Trạch, Đại Trạch và thị trấn Hoàn Lão) đã thực hiện thu hồi đất gần 37,36 ha phục vụ cho xây dựng KCN, khu đô thị, khu dân cư, làm đường giao thông, cụ thể như sau:
Bảng 3.5: Tình hình thu hồi đất ở trung tâm huyện Bố Trạch
TT Địa
điểm
Loại đất
Diện tích thu hồi
(m2)
Số hộ bị thu hồi
(hộ)
Ghi chú
1 Xã Thanh Trạch Đất sản xuất NN 128.970,3 20 Được bồi thường 2 Xã Đồng Trạch Đất sản xuất NN 46.640,8 3 Được bồi thường 3 Xã Trung Trạch Đất sản xuất NN 13.533,8 133 Được bồi thường 4 Xã Đại Trạch Đất sản xuất NN 88.970,4 51 Được bồi thường 5 TT Hoàn Lão Đất sản xuất NN 101.522,4 280 Được bồi thường
Tổng cộng 373.637,6 487
(Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường) Ở trung tâm huyện Bố Trạch có 487 hộ bị thu hồi đất từ năm 2014- 2016 với tổng diện tích đất bị thu hồi là 373.637,6 m2 (tương đương gần 37,36 ha) chủ yếu là đất đang sản xuất nông nghiệp của người dân. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân trong khu vực này.
Trước khi tiến hành thu hồi đất để đầu tư cho xây dựng KCN, khu đô thị, khu dân cư, làm đường giao thông, các cấp có thẩm quyền đã họp bàn với dân, đưa ra những chủ trương kế hoạch của nhà nước, của tỉnh, của huyện, kế hoạch bố trí việc làm mới, kế hoạch tái định canh, kế hoạch hỗ trợ để ổn định đời sống, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, kế hoạch đền bù đúng với quy định của nhà nước…cho người dân biết. Chính việc làm này đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thu
hồi đất và giải quyết đền bù cho người dân và người dân cũng không gây khó khăn gì cho công tác thu hồi đất, không có hiện tượng tranh chấp hay khiếu nại về việc đền bù chưa thoả đáng.
Việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cho người dân được nhà nước quy định cụ thể tại Luật Đất đai 2013 với nhiều điểm mới đã có hiệu lực từ ngày 1/07/2014 trong đó đáng chú ý là các quy định về Bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Việc bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất được quy định từ Điều 74 Luật Đất đai 2013 đến Điều 87 trong đó về điều kiện được Bồi thường hỗ trợ về đất quy định tại Điều 75 với các điều kiện cơ bản là: có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng người sử dụng đất có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận: ” …có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp….” [1]
Để hướng dẫn thực hiện nội dung này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2014/NĐ- CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất [16].
Tiếp đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành Thông tư số 37/2014/TT- BTNMT ngày 30/06/2014 để hướng dẫn chi tiết về quy trình lập phương án thu hồi đất, phương án bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Đồng thời cũng quy định về các trường hợp cụ thể, các hồ sơ tài liệu chứng minh quyền sử dụng đất của người sử dụng đất, các trường hợp bồi thường hỗ trợ công trình, tài sản trên đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp không đủ điều kiện để bồi thường hỗ trợ về quyền sử dụng đất [17].
Diện tích đất ở trung tâm huyện Bố Trạch được thu hồi phục vụ cho xây dựng KCN, khu đô thị, khu dân cư, làm đường giao thông đều nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu là đất trồng lúa và hoa màu. Theo NĐ 47/2014/NĐ- CP của Chính phủ về quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất thì:
- Đền bù đất (tính cả đền bù hoa màu): 22.000 đ/m2
- Hỗ trợ chuyển đổi nghề: 44.000 đ/m2 (bằng 2 lần giá đất NN)
- Hỗ trợ ổn định đời sống: (thu hồi <30% diện tích thì không được hỗ trợ; thu hồi từ 30-70% diện tích thì hỗ trợ 1.800.000 đ/nhân khẩu; thu hồi >70% diện tích thì hỗ trợ 3.600.000 đ/nhân khẩu).
Bảng 3.6: Tình hình bồi thường sau thu hồi đất
Chỉ tiêu Số lượng Giá trị (VNĐ)
Đền bù đất 373.637,6 m2 8.220.027.200
Hỗ trợ chuyển đổi nghề 373.637,6 m2 16.440.054.400
Hỗ trợ ổn định đời sống 1785 nhân khẩu 2.205.000.000
Hỗ trợ ổn định đời sống cho hộ
mất đất <30% 850 nhân khẩu 0
Hỗ trợ ổn định đời sống cho hộ
mất đất từ 30-70% 645 nhân khẩu 1.161.000.000
Hỗ trợ ổn định đời sống cho hộ
mất đất >70% 290 nhân khẩu 1.044.000.000
Tổng 26.865.081.600
Bình quân 1 hộ 55.164.439
(Nguồn: Hội đồng GPMB huyện) Tính tất cả tiền đền bù đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề và hỗ trợ ổn định đời sống bình quân mỗi hộ cũng nhận được 55.164.439 triệu đồng. Mà việc tái lập cuộc sống của các hộ sau khi bị thu hồi đất chủ yếu dựa vào số tiền này, với số tiền này nhiều gia đình có thể đầu tư để tăng thu nhập. Số tiền này tuy nhận liền một lúc với người nông dân là quá lớn nhưng liệu nó đủ để đảm bảo ổn định cuộc sống cho những hộ không còn một ít đất sản xuất nông nghiệp nào không?