CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội thành phố Tuy Hòa
3.1.1. Điều kiện tự nhiên 3.1.1.1. Vị trí địa lý
Nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, thành phố Tuy Hòa là tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, an ninh quốc phòng của tỉnh. Tọa độ địa lý: Từ 109o10’ đến 109o21’05” kinh độ Đông và 13o00’30”
đến 13o11’00” vĩ độ Bắc.
Hình 3.1. Bản đồ hành chính TP Tuy Hòa (thu nhỏ từ bản đồ tỷ lệ 1.25.000) Nguồn: Trung tâm Công nghệ thông tin - Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên
Giới cận
- Phía Bắc giáp huyện Tuy An.
- Phía Nam giáp huyện Đông Hòa.
- Phía Đông giáp Biển Đông.
- Phía Tây giáp huyện Phú Hòa.
Diện tích tự nhiên 11.060,6 ha, dân số 158.664 người (năm 2016). Gồm 16 đơn vị hành chính, trong đó có 12 phường và 04 xã.
3.1.1.2. Địa hình, địa mạo
Thành phố Tuy Hòa nằm ở hạ lưu cuối cùng sông Ba, có cửa sông Đà Diễn, tiếp giáp biển, có núi, đồi, đồng bằng và cồn cát sông, biển nên địa hình, địa mạo tương đối phức tạp [39].
- Khu vực đồi, núi có núi Chóp Chài đỉnh cao 391m, Núi Nhạn với đỉnh cao 65m có độ dốc cao trên 250 nằm trong khu vực nội thị của thành phố, các đồi núi thấp có độ cao dưới 200 mét, độ dốc thấp, thoai thoải từ 8 đến 250 ở phía tây, tây bắc của các xã Hòa Kiến, Bình Kiến, An Phú.
- Khu vực đồng bằng thuộc hạ lưu vùng châu thổ sông Ba hết sức màu mỡ và bằng phẳng, có cao độ từ 0,7m đến 2,0m, đã được cải tạo mặt bằng, xây dựng đồng ruộng, nên hết sức thuận lợi trong sản xuất lúa 2 vụ cho năng suất cao, đồng bằng tập trung ở phường Phú Lâm, phường 9, xã Bình Ngọc, xã Bình Kiến, xã Hòa Kiến, đặc biệt giữa lòng thành phố có vùng đồng bằng trồng lúa của lạch Bầu Hạ.
- Vùng đất cồn cát ven biển có cao độ dưới 10m, phân bố dọc theo ven biển, có nơi rộng đến 03km, đất cồn cát ven biển có ở các xã An Phú, Bình Kiến, phường 9, phường 7, phường Phú Đông và phường Phú Thạnh. Ngoài ra, trong lòng sông Đà Rằng có nhiều cồn, bãi cát trong lòng sông là nguồn vật liệu dùng san lấp mặt bằng và xây dựng được bồi tụ hàng năm theo dòng nước Sông Ba.
3.1.1.3. Khí hậu thủy văn
Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, chịu tác động trực tiếp của khí hậu biển. Trong năm có 02 mùa rõ rệt. Điểm đặc biệt thành phố có 01 trạm khí tượng-thủy văn cấp I và 01 trạm thủy văn cấp III (trạm thủy văn Củng Sơn cấp I)[39].
Trong những năm qua tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, các yếu tố dị thường của thời tiết hạn hán, nhiệt độ cao, mưa lũ cường độ lớn bất thường, gió bão, áp thấp nhiệt đới không đúng quy luật đã tác động phức tạp đến kinh tế - xã hội gây nhiều thiệt hại về người và của. Hiện nay xâm thực thủy triều, nước biển dâng tác động xói lở bờ biển ở xã An Phú, phường Phú Đông, lấn sát vào đất liền đã xảy ra liên
tục từ nhiều năm gần đây làm mất nhiều nhà cửa của nhân dân, buộc phải di dời. Cửa sông Đà Diễn thường xuyên bị bồi lấp gây ách tắc lưu thông ghe thuyền, phải nạo vét.
Kịch bản nước biển dâng trong thế kỷ 21 có thể từ 0,3m đến 1m. Với kịch bản nước biển dâng 0,3m vào năm 2050, thành phố Tuy Hòa sẽ mất 350 ha, bằng 3,32%
diện tích tự nhiên. Tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm mất đất sản xuất, đẩy quá trình xâm nhập mặn sâu vào nội địa, hủy hoại môi trường nước ngọt làm biến đổi khí hậu, hệ sinh thái vốn đang ổn định, môi trường sống bị thay đổi, dịch bệnh, thiên tai xảy ra với tần suất nhiều hơn, bất thường hơn…[39].
3.1.2. Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội
3.1.2.1. Thực trạng phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế a) Khu vực kinh tế Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp
Sản xuất Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp (viết tắt là TTCN) trên địa bàn tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng cao. Giá trị sản xuất Công nghiệp – TTCN bình quân hàng năm đạt 1.173,5 tỷ (theo giá cố định năm 1994), tăng 18,1%/năm, đưa tỷ trọng ngành công nghiệp-TTCN lên 26,84% trong cơ cấu GDP năm 2015. Số lượng, quy mô các cơ sở sản xuất ngày càng tăng, từ 338 cơ sở (năm 2010) tăng 708 cơ sở năm 2014 đã giải quyết được 11.247 lao động (tăng 5.647 lao động so với năm 20010), chiếm 23,7% lao động trong thành phố [39]. Kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh, góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế địa phương. Để phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố đã hình thành điểm công nghiệp Chóp Chài, Đông Tác đã khép kín, khu công nghiệp An Phú và đang quy hoạch các điểm mới. Các cơ sở tư nhân tăng mạnh gần đây ở khu vực phường 9, Bình Kiến,….
b) Khu vực kinh tế Thương mại - dịch vụ
Ngành thương mại - dịch vụ trên địa bàn có bước phát triển cao trong 5 năm qua, đúng hướng là thành phố dịch vụ - công nghiệp - nông, thủy sản, đã được đầu tư xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất - kỹ thuật, chất lượng hoạt động ngày càng cao. Giá trị ngành thương mại dịch vụ tăng bình quân 23,91%, so với Nghị quyết vượt 3,41%;
nâng giá trị ngành thương mại – dịch vụ năm 2014 đạt 1.677,7 tỷ đồng (theo giá thực tế), chiếm 44,20% trong cơ cấu GDP. Ngành dịch vụ có bước chuyển biến tích cực, phát triển đa dạng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Hàng hóa trên thị trường phong phú, đa dạng, các mặt hàng thiết yếu luôn được đảm bảo, lưu thông hàng hóa được mở rộng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các phương tiện chất lượng cao phục vụ nhu cầu khách hàng [39].
c) Khu vực kinh tế Nông - lâm - ngư nghiệp
Sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, tình hình dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp nhưng vẫn duy
trì ở mức tăng trưởng khá, nhất là khai thác cá ngừ đại dương. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân hàng năm (giai đoạn 2010-2014) là 5,1%. Đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học – công nghệ mới cho nông dân áp dụng vào sản xuất ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả cao. Thực hiện đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã mang lại hiệu quả bước đầu có tác dụng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường, huy động nhiều nguồn lực tham gia. Trong 05 năm qua, đã trồng mới được 84 ha rừng tập trung và 915 nghìn cây phân tán; tỷ lệ độ che phủ rừng đảm bảo đạt 43%; thực hiện giao đất, giao rừng cho hộ nông dân, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng[39].
3.1.2.2. Thực trạng phát triển xã hội
Dân số của thành phố Tuy Hòa đến năm 2016 là 158.664 người, mật độ dân số trung bình 1.435 người/km2. Theo tính toán, năm 2010, mức độ đô thị hóa của thành phố Tuy Hòa là 80,08%, năm 2014 là 80,65%. Điều này phản ánh mức độ đô thị hóa của thành phố có phần gia tăng, mặc dù trong giai đoạn 2010-2014 thành phố có nhiều điều chỉnh về địa giới hành chính như tách phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông, phường 9; tăng diện tích đất đô thị, giảm diện tích đất nông thôn. Tỷ lệ tăng dân số trung bình hiện nay là 1,23%/năm, trong đó: tăng tự nhiên là 1,07%, tăng cơ học 0,16%. Thu nhập và đời sống của nhân dân trong các năm gần đây ngày càng được tăng cao và cải thiện đáng kể. GDP bình quân đầu người tăng từ 9,04 triệu đồng năm 2010 lên đạt 45,0 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4% so với tiêu chí 2006- 2010 [39].