Những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đất đai tại thành phố tuy hòa, tỉnh phú yên giai đoạn 2011 2016 (Trang 65 - 72)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.3. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TUY HÒA

3.3.3. Những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và nguyên nhân

Từ năm 2011- 2016, trên địa bàn thành phố Tuy Hòa triển khai 85 dự án, công trình lớn, do đó tình hình khiếu nại, tố cáo hằng năm có tăng về số lượng, số vụ việc.

Tuy nhiên, tỷ lệ tăng không nhiều và chưa có những diễn biến phức tạp, ít vụ việc khiếu nại gây gắt, đông người, không có vụ việc tồn động, phức tạp, kéo dài liên quan đến đất đai. Nhiều trường hợp khiếu nại có liên quan đến việc Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, như đòi được bồi thường đất ở, nâng giá bồi thường, tăng tiền hỗ trợ, bố trí tái định cư, giải quyết việc làm; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, nhà ở; Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, có một số khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội, kỷ luật của cán bộ, công chức... Về nội dung tố cáo, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức làm sai chính sách, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, bao che người bị tố cáo, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

3.3.3.1. Tồn tại trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện công tác giải quyết KNTC

- Một số cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo đôi lúc còn coi nhẹ công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, chưa phát hiện giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo phát sinh, có nơi có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm. Trong giải quyết chưa huy động được vai trò của tổ chức quần chúng, thiếu thống nhất trong cách giải quyết. Một số địa phương chú trọng vào vấn đề phát triển kinh tế mà chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề xã hội phát sinh từ việc thu hồi đất như: Tái định cư, giá đất, hỗ trợ việc làm,..

- Việc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật đất đai và giải quyết chưa phù hợp với chính sách pháp luật các vụ tranh chấp, khiếu nại về đất đai thời gian qua vẫn còn xảy ra. Một số quyết định giải quyết lần đầu của UBND Thành phố chưa thấu tình, đạt lý, bị điều chỉnh một phần bởi quyết định giải quyết lần hai của UBND Tỉnh. Một số quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành hoặc khó khả thi trên thực tế. Việc tổ chức thực hiện quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật còn thiếu kiên quyết, dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, khiếu kiện kéo dài.

- Công tác hòa giải ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức, nhiều địa phương không bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm đảm nhiệm công việc này nên việc hòa giải đạt hiệu quả chưa cao. Đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai ở một số địa phương còn hạn chế về năng lực và kinh nghiệm. Chưa chủ động có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được giao nên tiến độ giải quyết công việc còn chậm, chưa đáp ứng công việc.

- Hình thức văn bản giải quyết một số vụ việc chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật như việc ban hành công văn, thông báo… để thay thế quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

- Việc phân công thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND các cấp giải quyết các khiếu nại, tranh chấp về đất đai cũng không thống nhất: ở cấp tỉnh có vụ việc giao cho Thanh tra tỉnh, có vụ việc giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường; ở cấp thành phố có nơi giao cho Thanh tra thành phố, có nơi giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường. Tình trạng nêu trên đã tăng thêm khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai của công dân và lúng túng trong việc xác định thẩm quyền tham mưu giải quyết.

Một số địa phương chưa coi trọng công tác quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo, chưa báo cáo kịp thời tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh, gây nhiều khó khăn trong công tác tổng hợp, báo cáo và nắm bắt tình hình KNTC. Người đi khiếu kiện

thường gửi đơn nhiều lần, đến nhiều cơ quan nhưng hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước chưa có phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo trùng lặp nhiều dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp, báo cáo khi có yêu cầu.

3.3.3.2. Tồn tại trong công tác quản lý đất đai

- Những tồn tại do lịch sử để lại như trưng dụng, trưng thu, trưng mua, thu hồi đất chưa có quyết định, chưa bồi thường hoặc đã bồi thường nhưng không còn lưu hồ sơ chứng cứ. Việc thực hiện không triệt để các quy định của pháp luật đất đai ở các cấp làm cho hồ sơ địa chính không đồng bộ, sổ sách, bản đồ, tư liệu thiếu; trước đây, việc ban hành các văn bản về quy hoạch đất đai chậm, thiếu các văn bản về hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm dẫn đến công tác quản lý đất đai và giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai gặp nhiều khó khăn.

- Công tác lưu trữ tư liệu địa chính chưa tốt nên việc tra cứu gặp nhiều khó khăn.

- Công tác quản lý đất đai ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, năng lực cán bộ còn hạn chế, cơ cấu, tổ chức hay luôn bị thay đổi.

3.3.3.3. Tồn tại trong ý thức chấp hành pháp luật của người đi khiếu kiện

- Nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai mặc dù các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương đã nỗ lực cố gắng vận dụng chính sách giải quyết có lý, có tình, phù hợp với tình hình thực tế và đúng với quy định của pháp luật, đã được đối thoại trực tiếp nhiều lần nhưng do nhiều động cơ khác nhau người khiếu nại vẫn cố tình đeo bám, khiếu kiện và làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn.

- Một số đối tượng đi khiếu nại có hành vi vượt quá giới hạn, VPPL, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo đã có hành vi quá khích gây mất trật tự an toàn công cộng, ảnh hưởng đến công tác và hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và tình trạng người khiếu nại gửi đơn tràn lan, vượt cấp đến nơi không có thẩm quyền giải quyết vẫn diễn ra phổ biến.

3.3.3.4. Nguyên nhân của những tồn tại

- Bất cập của hệ thống chính sách pháp luật đất đai: Hệ thống pháp luật quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong thời gian qua chưa đồng bộ. Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Đất đai có các quy định không thống nhất trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tranh chấp của nhân dân. Việc phân định thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tranh chấp về đất đai liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, mối quan hệ trong giải quyết KNTC, TCĐĐ giữa cơ quan hành chính với Toà án nhân dân, giữa cơ quan chuyên ngành với Thanh tra chưa cụ thể, thống nhất dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng giải quyết đơn thư KNTC, TCĐĐ của công dân.

Một số quy định về đất đai phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn dẫn đến tình trạng thiếu ổn định, tính khả thi thấp, nhất là các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là nguyên nhân gây ra nhiều so bì, khiếu kiện; Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả các văn bản QPPL về đất đai và pháp luật về KNTC, là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng KNTC của công dân, gây khó khăn cho việc thực hiện quyền KNTC của công dân, nhất là tình hình KNTC đông người, phức tạp trong thời gian qua.

- Nhận thức pháp luật của người dân:

Mức độ nhận thức về áp dụng pháp luật của người dân tại thành phố Tuy Hòa cho thấy trình độ hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật nhân dân trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế, thể hiện qua Bảng 3.8.

Bảng 3.8. Mức độ tìm hiểu pháp luật đất đai của người dân 03 phường:

Phường 9, phường Phú Đông, xã Bình Ngọc

Mức độ tìm hiểu pháp luật đất đai Số phiếu Tỷ lệ (%)

Thường xuyên 36 40,00

Không thường xuyên 29 32,22

Rất ít 25 28,78

Tổng 90 100

(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra, khảo sát) Qua 90 phiếu điều tra người SDĐ tham gia TCĐĐ tại thành phố Tuy Hòa giai đoạn 2011 - 2016 cho thấy: có 40,00% số người được phỏng vấn thường xuyên tìm hiểu pháp luật đất đai, còn có 32,22% trường hợp không thường xuyên tìm hiểu pháp luật đất đai và 28,78% trường hợp rất ít khi tìm hiểu pháp luật đất đai. Như vậy, số lượng người SDĐ thường xuyên tìm hiểu pháp luật đất đai chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Phần lớn những người SDĐ không thường xuyên tìm hiểu pháp luật đất đai vì không có thời gian tìm hiểu, bận rộn với cuộc sống mưu sinh hằng ngày. Đa số những người được phỏng vấn tìm hiểu pháp luật đất đai khi phát sinh những vấn đề liên quan đến đất đai như cấp GCNQSDĐ, chuyển nhượng QSDĐ, để thừa kế QSDĐ...

Bảng 3.9.Hình thức tìm hiểu pháp Luật Đất đai của người dân 03 phường:

Phường 9, Phú Đông, xã Bình Ngọc tại thành phố Tuy Hòa

Hình thức tìm hiểu pháp luật đất đai Số phiếu Tỷ lệ (%)

Hỏi người thân, bạn bè 30 33,33

Hỏi các chuyên gia 51 56,67

Tự tìm hiểu thông qua sách, báo, tra cứu Internet 35 38,89

Hình thức khác 05 5,55

Tổng/Trung bình 90 33,61

(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu điều tra, khảo sát) Phần lớn những người được phỏng vấn tìm hiểu pháp luật đất đai bằng nhiều hình thức khác nhau. Trung bình mỗi hình thức tuyên truyên pháp luật đất đai có 33,61% số người tìm hiểu. Trong đó, hình thức tìm hiểu pháp luật đất đai chủ yếu của người SDĐ là hỏi các chuyên gia như cán bộ quản lý đất đai, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đất đai, chiếm 56,67% trong tổng số người được phỏng vấn.

Theo điều tra cho thấy, khi phát sinh những vấn đề liên quan đến đất đai, 38,89%

người được phỏng vấn tự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các thông tin về đất đai thông qua sách, báo tại nhà.

Ngoài việc hỏi ý kiến chuyên gia và tự nghiên cứu, có 33,33% số người SDĐ được phỏng vấn cho biết họ thường hỏingười thân, bạn bè, hoặc tra cứu Internet và 5,55% tìm hiểu pháp luật đất đai thông qua các hình thức khác như xem tivi, tham gia các buổi hòa giải TCĐĐ hoặc tham gia các buổi tiếp dân tại thành phố. Phần lớn những người SDĐ tìm hiểu pháp luật đất đai thông qua các chuyên gia và tra cứu Internet, những hình thức nào thuận tiện và gắn liền với công việc và có thời gian rảnh thì mới có điều kiện tìm hiểu.

Ngoài ra các xã, phường trên địa bàn thành phố Tuy Hòa thường xuyên được tuyên truyền pháp luật đất đai cho người dân thông qua loa phát thanh, các cuộc họp dân phố, các buổi tiếp dân, buổi hòa giải cơ sở khi giải quyết TCĐĐ hoặc đối thoại trực tiếp khi giải quyết khiếu nại về đất đai. Ngoài ra, khi người SDĐ đến các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn thành phố thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, cán bộ quản lý đất đai cũng hướng dẫn các thủ tục theo quy định của

pháp luật, cho người dân biết các quyền và những nghĩa vụ phải thực hiện trong quá trình SDĐ... Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền pháp luật đất đai, người SDĐ có nhiều cơ hội được tiếp cận pháp luật đất đai, biết được các quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai. Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền pháp luật đất đai, qua trao đổi với nhân dân, tiếp thu ghi nhận ý kiến của nhân dân rồi tự nghiên cứu, kinh nghiệm của cán bộ quản lý đất đai được nâng cao.

Mặc dù những người được phỏng vấn là những người đã gửi đơn TCĐĐ, đã tham gia các buổi hòa giải cơ sở và đã được phổ biến pháp luật về đất đai nhưng người SDĐ không nắm được những quy định cụ thể của pháp luật, chứng tỏ mức độ hiểu biết pháp luật của người dân vẫn còn hạn chế. Phần lớn người được phỏng vấn không nắm được những quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật đất đai. Khi phát sinh vấn đề liên quan đến đất đai, người SDĐ thường hỏi ý kiến cán bộ quản lý đất đai hoặc xử lý theo quán tính, theo kinh nghiệm của bản thân. Phần lớn những vấn đề liên quan đến pháp luật mà người SDĐ tìm hiểu là những vấn đề liên quan trực tiếp, tác động trực tiếp đến quyền lợi của người SDĐ hoặc những trường hợp họ hoặc người thân đã từng tham gia, giải quyết trong thực tế.

Qua trình phỏng vấn thực tế còn cho thấy nhận thức và mức độ am hiểu pháp luật đất đai của người SDĐ không đồng đều tại các xã, phường khác nhau và trong các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Phần lớn những người SDĐ được phỏng vấn ở các phường nội thành thường xuyên tìm hiểu pháp luật đất đai và tìm hiểu bằng nhiều hình thức khác nhau, do đó có mức độ am hiểu pháp luật cao hơn các xã xa trung tâm thành phố như xã An Phú, xã Hòa Kiến. Lĩnh vực pháp luật người SDĐ thường tìm hiểu là các lĩnh vực pháp luật cụ thể tác động đến lợi ích của người SDĐ. Theo điều tra, phần lớn phường 2,3,4 cán bộ quản lý đất đai và người SDĐ ở chú ý và am hiểu các thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong việc lấn, chiếm đất đai… Trong khi đó, cán bộ và nhân dân các phường, phường 6, 7, 8 quan tâm và am hiểu nhiều về thủ tục chuyển nhượng QSDĐ, thủ tục cho thuê, thế chấp QSDĐ. Đối với các phường 5, 9, phường Phú Đông, Phú Thạnh, xã Bình Kiến .., người SDĐ thường am hiểu pháp luật về giải tỏa đền bù, thủ tục xin cấp GCNQSDĐ, thủ tục giao đất... vì ở những khu vực này có những dự án quy hoạch được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, có thể nhận thấy nhận thức về pháp luật đất đai nói chung của người SDĐ tại các xã, phường trên địa bàn thành phố không đồng đều và chưa cao.

Ngoài ra, trong quá trình vận dụng pháp luật đất đai vào thực tế, người SDĐ thiếu sự linh hoạt và chưa thành thạo trong quá trình vận dụng pháp luật. Khi phát sinh các vấn đề trong quá trình SDĐ, người SDĐ thường xử lý theo kinh nghiệm của bản thân.

Đối với trường hợp thực hiện các thủ tục hành chính, người SDĐ phải phụ thuộc vào kinh nghiệm, mức độ am hiểu pháp luật và cách xử lý công việc của cán bộ quản lý đất đai tại các xã, phường. Bên cạnh đó, hiện tại có quá nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn một lĩnh vực đất đai cụ thể và các văn bản thay đổi thường xuyên trong thời gian ngắn, do đó người SDĐ khó tiếp cận pháp luật, không biết vận dụng văn bản nào. Ngoài ra, pháp luật đất đai vẫn còn một số quy định khó hiểu, khó áp dụng trong thực tiễn.

Nhìn chung, nhận thức pháp luật đất đai của người dân trên địa bàn thành phố Tuy Hòa chưa cao, phần lớn ở mức độ trung bình, dẫn đến tình trạng lấn, chiếm đất đai; chuyển nhượng QSDĐ đối với những trường hợp đất không có giấy tờ chứng minh QSDĐ; cho mượn, cho thuê QSDĐ không kí kết hợp đồng hoặc hợp đồng không hợp lệ là nguyên nhân phát sinh TCĐĐ, khiếu nại, tố cáo ngày càng nhiều. Với những hạn chế trên, trong thời gian tới, thành phố cần có những biện pháp, hình thức tích cực nâng cao mức độ hiểu biết về pháp luật đất đai của cán bộ và người SDĐ, đáp ứng yêu cầu đổi mới pháp luật đất đai phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

- Mức độ am hiểu pháp luật đất đai của đội ngũ cán bộ giải quyết tranh chấp đất đai: Theo số liệu điều tra cán bộ giải quyết TCĐĐ tại thành phố cho thấy, 100% cán bộ tự đánh giá mình thường xuyên tìm hiểu pháp luật đất đai đặc biệt là pháp luật quy định về công tác giải quyết đơn, mục đích nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn, phục vụ cho quá trình công tác. Những đối tượng được điều tra là 13 phiếu cán bộ giải quyết đơn của thành phố Tuy Hòa như Thanh tra thành phố, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Bộ phận tiếp công dân.

Bảng 3.10. Hình thức tìm hiểu pháp luật của cán bộ giải quyết tranh chấp đất đai

Hình thức tìm hiểu pháp luật đất đai Số phiếu Tỷ lệ (%)

Hỏi người thân, bạn bè 01/13 7,60

Hỏi đồng nghiệp, chuyên gia 11/13 84,60

Tự tìm hiểu thông qua sách, báo, tra cứu Internet 13/13 100,00 Tham gia công tác tuyên truyền pháp luật đất đai 04/13 30,80

Hình thức khác 01/13 7,60

Tổng 13 46,12

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo đất đai tại thành phố tuy hòa, tỉnh phú yên giai đoạn 2011 2016 (Trang 65 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)