Chương 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.2.2. Tình hình phát triển các Khu kinh tế ven biển ở Việt Nam
Sau 10 năm kể từ KKT ven biển đầu tiên được thành lập, hiện nay Việt Nam đã có 15 KKT ven biển. Một số KKT đã đi vào ổn định trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút đầu tư, một số KKT đang trong giai đoạn đầu của quá trình triển khai các công tác quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng, chuẩn bị lập và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các dự án quy mô lớn.
Bảng 1.1. Các khu kinh tế biển ở Việt Nam tính đến tháng 12/2015 và quy hoạch đến năm 2020
STT Danh sách các khu kinh tế
Địa phương thành lập
Thời điểm thành lập
Diện tích (ha)
1 Chu Lai Quảng Nam 05/6/2003 27.040
2 Dung Quất Quảng Ngãi 11/3/2005 10.300
3 Nhơn Hội Bình Định 14/6/2005 12.000
4 Chân Mây – Lăng Cô Thừa Thiên Huế 05/01/2006 27.108
5 Vũng Áng Hà Tĩnh 03/4/2006 22.781
6 Vân Phong Khánh Hòa 25/4/2006 150.000
7 Nghi Sơn Thanh Hóa 15/5/2006 18.612
8 Vân Đồn Quảng Ninh 31/5/2006 217.133
9 Đông Nam Nghệ An Nghệ An 11/6/2007 18.826
10 Đình Vũ – Cát Hải Hải Phòng 10/01/2008 21.600
11 Nam Phú Yên Phú Yên 29/4/2008 20.730
12 Hòn La Quảng Bình 10/6/2008 10.000
13 Định An Trà Vinh 27/4/2009 39.020
14 Năm Căn Cà Mau 27/10/2010 11.000
15 Phú Quốc Kiên Giang 22/5/2013 58.923
16 Đông Nam Quảng Trị Quảng Trị Đã đưa vào quy hoạch 23.460 17 Ven biển Thái Bình Thái Bình Đã đưa vào quy hoạch 28.070
18 Ninh Cơ Nam Định Đã đưa vào quy hoạch 13.950
Tổng 730.533
(Nguồn:[3])
Đối với các KKT như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây – Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội và Vân Phong đến nay cơ bản hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho đầu tư và phát triển các KKT. Các KKT như Hòn La, Định An, KKT Năm Căn, ….hiện đang trong giai đoạn tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các KKT được đầu tư trong thời gian qua đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Trong nghiên cứu này chúng tôi chỉ xem xét một số KKT điển hình thuộc khu vực Miền Trung như sau:
Khu kinh tế mở Chu Lai – tỉnh Quảng Nam
KKT mở Chu Lai tỉnh Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ thuộc vùng duyên hải Trung trung bộ, nằm ở trung độ của cả nước, tổng diện tích tự nhiên là 27.040 ha bao gồm 16 xã phường của thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành. KKT mở Chu Lai nằm trong vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, liền kề với KKT Dung Quất, cách trung tâm thành phố Tam Kỳ khoảng 20km và cách thành phố Đà Nẵng khoảng 90km, có đường Quốc lộ 1A, sân bay Quốc tế Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà là điều kiện thuận lợi để phát triển thành một KKT tổng hợp…. KKT mở Chu Lai hình thành đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương Núi Thành và thành phố Tam Kỳ nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Một số công trình hạ tầng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng gồm: Cầu cảng số 2, luồng vào cảng Kỳ Hà, đường vào nhà ga hàng không Chu Lai, đường An Hà - Quảng Phú, đường ĐT 618 mới, đường Nguyễn Văn Trỗi nối dài. Nhà ga hàng không quy mô 300 hành khách, hệ thống cấp điện, cấp nước, hạ tầng 12 khu tái định cư, hạ tầng KCN Tam Điệp, KCN Bắc Chu Lai. Cảng hàng không Chu Lai đã mở chuyến bay thành phố Hồ Chí Minh – Chu Lai, cảng Kỳ Hà đã đón tàu 7.000 DWT[3].
Khu kinh tế Nhơn Hội – tỉnh Bình Định
KKT Nhơn Hội, tỉnh Bình Định được hình thành trên cơ sở Nghị quyết số 39- NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị và Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Ngày 14 tháng 6 năm 2005 KKT Nhơn Hội được thành lập theo quyết định số 141/2005/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ, có diện tích gần 12.000 ha, KKT Nhơn Hội nằm trong định hướng phát triển trở thành trung tâm đô thị - công nghiệp - dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Với cơ chế chính sách và hệ thống hạ tầng cơ bản đã hoàn thiện, KKT này sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. KKT Nhơn Hội được quy hoạch phát triển thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm 02 khu chức năng chính là Khu phi thuế quan (khoảng 530 ha) và Khu thuế quan (bao gồm các khu công nghiệp diện tích 1.385 ha, khu điện gió 1.509 ha, cảng tổng hợp Nhơn Hội 110 ha, các khu du lịch 2.570 ha, các khu đô thị có quy mô 1.120 ha). Đến nay đã
hoàn thành việc xây dựng tuyến cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội để kết nối bán đảo Phương Mai với thành phố Quy Nhơn. Hoàn thành xây dựng hệ thống giao thông trục chính, đường nối từ đường trục đến trung tâm xã Nhơn Lý, đường trục KKT và các công trình cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hạ tầng khu tái định cư Nhơn Phước giai đoạn I, hạ tầng KCN A và KCN B, cảng biển[26].
Hiện nay, KKT Nhơn Hội đã thu hút 37 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 33.520 tỉ đồng, trong đó có 11 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư 540 triệu USD. Trong 37 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thì có 12 dự án đã đi vào hoạt động, các dự án khác đang trong giai đoạn triển khai xây dựng cơ bản[26].
Khu kinh tế Vũng Áng – tỉnh Hà Tĩnh
Được thành lập theo quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2006.
Đây là 1 trong 5 KKT trọng điểm của cả nước được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép tập trung nguồn lực đầu tư tại Văn bản số 1231/TTg-KTTH ngày 17/8/2012.KKT Vũng Áng có tổng diện tích 22.781 ha, nằm ở phía Nam huyện Kỳ Anh, tiếp giáp ranh giới tỉnh Quảng Bình. Với định hướng xây dựng, phát triển là KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là luyện cán thép, cảng biển nước sâu, trung tâm Nhiệt điện, lọc hóa dầu,… KKT Vũng Áng có bờ biển dài hơn 40 km, cũng là nơi hội tụ dãy núi Hoành Sơn tiếp giáp biển để phát triển du lịch sinh thái.
KKT Vũng Áng là điểm đầu xuất phát của Quốc lộ 12 đi Lào và các tỉnh Đông bắc Thái Lan, cách cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) sang nước Lào 140 km và cách cửa khẩu Thà Khẹt sang các tỉnh Đông Bắc Thái Lan 270 km. KKT Vũng Áng cách sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) 65 km, cách sân bay Vinh (Nghệ An) 60 km. Quốc lộ 1A chạy dọc theo KKT với chiều dài 30 km đã được Thủ tướng Chính phủ cho nâng cấp thành 4 làn xe hoàn thành trong năm 2014.
Hiện nay, KKT Vũng Áng đã hoàn thành cầu cảng số I và số II để đón tàu 1,5 vạn DWT, quốc lộ 12 đoạn từ quốc lộ 1A xuống cảng Vũng Áng, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, cảng dầu khí, hạ tầng KCN Vũng áng, hạ tầng nhà máy nhiệt điện,...
Tính đến thời điểm 31/3/2013 KKT Vũng Áng đã có trên 220 doanh nghiệp và nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy đăng ký kinh doanh với tổng vốn gần 16 tỷ USD, vốn đăng ký đầu tư trong KKT Vũng Áng hiện tại gần 25 tỷ USD. Nhiều dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai đúng tiến độ như: Cảng thương mại tổng hợp có 2 cầu cảng công suất 1,32 triệu tấn/năm; Tổng kho xăng dầu, dầu khí quy mô 110 nghìn m3 xăng dầu và 1.700 m3 khí hóa lỏng đã đi vào khai thác, sử dụng; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 1.200MW chuẩn bị phát điện vào nửa cuối 2013; Khu liên hợp luyện cán thép và cảng nước sâu Sơn Dương do tập đoàn FORMOSA đầu tư có tổng mức giai đoạn 1 là 10 tỷ USD đang triển khai đồng bộ các hạng mục để cuối năm 2014 có sản phẩm thép ra lò; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 công suất 1.200MW, vốn đăng ký 2,5 tỷ USD dự kiến khởi công trong năm 2013 và nhiều dự án công nghiệp phụ trợ khác cũng đang được thực hiện[3].
Khu kinh tế Nghi Sơn – tỉnh Thanh Hóa
KKT Nghi Sơn nằm phía Nam tỉnh Thanh Hoá, trên trục giao lưu Bắc - Nam của đất nước, cách Thủ đô Hà Nội 200 km về phía Nam, là cầu nối giữa vùng Bắc Bộ với Trung Bộ, Tây Bắc và Nam Bộ, với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan Nghi Sơn có Cảng biển nước sâu, đã được quy hoạch xây dựng cụm cảng cho tầu 50.000 DWT cập bến. Cảng Nghi Sơn có tiềm năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất cả nước với năng lực xếp dỡ lên đến hàng trăm triệu tấn/năm.
Từ những tiềm năng và lợi thế trên, ngày 15 tháng 5 năm 2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 102/QĐ-TTg về việc thành lập KKT Nghi Sơn.
KKT Nghi Sơn có tổng diện tích 18.612 ha, trên phạm vi 12 xã thuộc huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa[3].
Nghi Sơn được xây dựng với mục tiêu phát triển thành KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản như: Công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp luyện cán thép cao cấp, công nghiệp sửa chữa và đóng mới tàu biển, công nghiệp nhiệt điện, công nghiệp vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu… Với tiềm tăng lợi thế và vị trí thuận lợi KKT Nghi Sơn trở thành một khu vực phát triển năng động, một trọng điểm phát triển ở phía Nam của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo động lực mạnh để thúc đẩy, lôi kéo kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận phát triển nhanh, thu hẹp khoảng cách với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với cả nước.
Để thực hiện mục tiêu phát triển KKT Nghi Sơn, Chính phủ đã ban hành và cho áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất của nhà nước Việt Nam dành cho các nhà đầu tư có dự án đầu tư vào KKT Nghi Sơn. Phát triển KKT Nghi Sơn là mục tiêu và nhiệm vụ trọng yếu của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2006 – 2015. Sau hơn bảy năm thành lập, được sự quan tâm của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên dành nguồn lực tài chính cao nhất cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KKT, các công trình biển (bến cảng, đê chắn sóng, nạo vét luồng,…), công trình xây dựng đường giao thông, xây dựng hệ thống cấp nước, cấp điện, các khu tái định cư,... đồng loạt được triển khai xây dựng với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng đã và đang được tỉnh Thanh Hóa thực hiện với sự quyết tâm nỗ lực cao nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư được giao đất triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ.
Tính đến tháng 6 năm 2013, KKT Nghi Sơn đã thu hút được 61 dự án trong nước vào đầu tư với tổng vốn là 92.061,55 tỷ đồng và 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 9,7 tỷ USD. Một số dự án đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả cao, như: Nhà máy Xi-măng Nghi Sơn, Nhà máy Xi-măng Công Thanh giai đoạn 1, Nhà máy Bia Nghi Sơn, Nhà máy ống cốt sợi thủy tinh, dịch vụ cảng, Nhà máy Giày ANNORA,.... góp phần thúc đẩy KKT Nghi Sơn nhanh chóng phát triển trở thành Trung tâm công nghiệp lớn của đất nước[3].
Hình 1.1. Vị trí các Khu kinh tế ven biểntheo định hướng Quy hoạch phát triển đến 2020
(Nguồn:[3])