Tình hình nghiên cứu

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại (Trang 30 - 45)

Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.2. Tình hình nghiên cứu

1.2.1 Các công trình nghiên cứu lý thuyết tản văn

Khác với sinh mệnh của những thể loại văn xuôi khác (tiểu thuyết, truyện ngắn…), trong văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX, tản văn tồn tại mờ nhạt. Trong một giai đoạn dài, trong ý thức sáng tạo và nghiên cứu, tản văn có vị trí bất bình đẳng với các thể văn xuôi khác. Vì vậy, tản văn không phải đối tượng được quan tâm của người viết, người đọc và giới nghiên cứu. Mặc dù tản văn của văn học Việt Nam hiện đại có lịch sử trên dưới một trăm năm, nhưng lịch sử nghiên cứu về nó mới được bắt đầu.

Về mặt lý luận, văn học Việt Nam thế kỷ XX thiếu hụt những công trình nghiên cứu chuyên biệt về thể loại tản văn song trong một số bài nghiên cứu các thể loại văn học nói chung, tản văn vẫn được nhắc tới như một thể loại văn học hiện đại. Ở góc độ tổng quan, nhóm các tác giả của Từ điển thuật ngữ văn học xem xét và định nghĩa tản văn với tư cách một thể loại độc lập mà điểm nổi bật là dấu ấn của tác giả được thể hiện trong sáng tác; tản văn được nhìn nhận ngang hàng với thơ,

kịch, tiểu thuyết; có kết cấu, cách thức miêu tả, cách khắc họa nhân vật. Tuy nhiên, việc xây dựng khái niệm về tản văn trong từ điển vẫn chưa khái quát được hết những đặc điểm độc đáo khác của thể loại mà các tác giả, tác phẩm tản văn gần đây bộc lộ rõ.

Năm 1999, trong công trình nghiên cứu Năm bài giảng về thể loại, tác giả

Hoàng Ngọc Hiến đặt tản văn về đúng vị trí một thể loại độc lập. Nhà nghiên cứu đề cập tới những bài ký được gọi bằng tản văn, ông nhấn mạnh đó là một tiểu loại ký ngắn gọn, hàm súc, có những đặc điểm riêng cụ thể: “tản văn là một tiểu loại của thể ký. Lối thể hiện đời sống mang tính chấm phá; chạm vào những hiện tượng được tái hiện ở những khía cạnh cốt yếu, bất ngờ; mang đậm dấu ấn, cách cảm nhận và cảm nghĩ rất riêng của tác giả” [30]. Dù chưa đi sâu cắt nghĩa và phân tích cụ thể những đặc điểm chuyên biệt của thể loại, nhưng việc tác giả chỉ ra những nét cơ bản trên là sự

định hướng cách nhận biết tản văn khi đặt nó bên cạnh những thể loại khác.

Trong Văn học Việt Nam hiện đại- Sáng tạo và tiếp nhận, tác giả Bích Thu đem đến cho độc giả một cái nhìn khái quát và về văn học Việt Nam từ những thập niên đầu thế kỷ XX tới đương đại. Các bài viết tập trung xem xét “các bình diện sáng tạo và tiếp nhận qua các hiện tượng văn học, các vấn đề thể loại… đồng thời người viết cũng phản ánh “những chuyển biến, ngữ cảnh sáng tạo và góp một cách nhìn về sự vận động, phát triển của quá trình văn học” [80/tr18]. Trong đó, bài nghiên cứu về sự giao thoa giữa truyện và ký xếp tản văn, tạp bút như một biến thể nhỏ của ký. Tác giả cho rằng “Ký: Một loại hình văn học bên cạnh thơ, tiểu thuyết và kịch, gồm nhiều thể, chủ yếu là văn xuôi, bút ký, hồi ký, du ký, nhật ký, phóng sự, ký sự, tùy bút, tự truyện, tạp văn, bút ký chính luận” [29/tr35]. Tương tự, nhóm soạn giả trong Tuyển tập Ký – Tản văn Thăng Long – Hà Nội chia Ký thành các nhóm: có Ký văn học (màu sắc chủ quan của người viết nổi bật); Ký báo chí (bảo đảm tối đa sự khách quan của các sự kiện) và Ký – tản văn, gồm các tác phẩm

“được viết bằng văn xuôi, vừa dành sự chú ý cho ít nhất một sự kiện được ghi chép lại theo một chủ đề hay mục đích nhất định, vừa ít nhiều bày tỏ cái tôi của người sáng tác như là người trực tiếp can dự đến sự kiện đó” [16/tr12]. Như vậy, thể ký được xem là cái gốc châu tỏa thành nhiều tiểu loại, trong đó, hàm lượng hiện thực

khách quan và chủ quan tác giả là yếu tố quyết định màu sắc “ký” và cách gọi tên tiểu loại, tản văn cũng chỉ là thuật ngữ định lượng sức nặng của cái tôi tác giả của một tiểu loại ký.

Ngoài Từ điển thuật ngữ văn học xuất bản năm 2004 xây dựng khái niệm về tản văn, phải kể tới nghiên cứu của tác giả Lê Trà My (năm 2008) - công trình đầu tiên ở miền Bắc xem xét tản văn Việt Nam thế kỷ XX từ cái nhìn thể loại. Ở đó, tác giả Lê Trà My cung cấp thông tin khái quát về thể loại: từ sự hình thành, đặc trưng, vị trí của tản văn trong hệ thống thể loại tới việc xác định một số loại hình tản văn hiện đại; bước đầu đánh giá sự phát triển của thể loại khi đặt tản văn trong diễn tiến môi trường sinh thái văn hóa thế kỷ XX. Ở thời điểm đó, có thể xem công trình của tác giả Lê Trà My là cơ sở lý thuyết về thể loại ít được quan tâm nghiên cứu, khởi đầu xác lập sự tồn tại độc lập của tản văn trong một trăm năm. Sau đó, tác giả còn cho ra đời một loạt những bài viết có tính chất bổ trợ, mở rộng các góc nhìn về tản văn đương đại. Khảo sát sáng tác tản văn Việt Nam thuộc ba giai đoạn: đầu thế kỷ XX đến trước thời kỳ Đổi mới; sáng tác tản văn in trên báo, tạp chí trong nước thời kỳ từ 1986 trở lại (chủ yếu tác phẩm đăng tải trên báo Văn nghệ, Hà Nội mới, Thanh niên hay tạp chí Văn nghệ Quân đội); các sáng tác tản văn của một số tác giả

được xuất bản từ năm 1986 trở về sau đã giúp tác giả Lê Trà My nhận diện sự biến đổi của thể loại qua các giai đoạn. Không dừng lại ở những đánh giá ban đầu về diện mạo của tản văn từ đầu XX tới thời kỳ Đổi mới, tác giả đồng thời chỉ ra đặc thù của thể loại tản văn Việt Nam trong môi trường sinh thái văn hóa cuối thế kỷ XX. Ngoài việc khái quát lịch sử tản văn thế kỷ XX, tác giả Lê Trà My còn thực hiện tuyển tập Tản văn Việt Nam hiện đại (2011) bao gồm cả tản văn của một số tác giả trong vùng đô thị miền Nam trước giải phóng năm 1975. Những nghiên cứu trước đó và tuyển tập sau đó phần nào đáp ứng được sự đòi hỏi hiểu biết bao quát về thể loại của những người sáng tác và những độc giả yêu thích tản văn. Tinh thần của cuốn sách được Giáo sư Trần Đình Sử khẳng định: “tản văn hiện đại Việt Nam là một thể loại có thành tựu và không thể bỏ qua” và “tập sách cho ta thấy diện mạo tản văn Việt Nam của hơn một thế kỉ. Đất nước đã thống nhất ba mươi lăm năm rồi” [49/tr5].

Chúng tôi đặc biệt quan tâm những bài viết tìm hiểu về lịch sử, sự phát triển, cấu trúc của tản văn với tư cách một thể loại văn học độc lập. Tiêu biểu xu hướng này là các bài viết của tác giả Lê Trà My với những thông tin khảo cứu, khái quát lịch sử tản văn Việt Nam trong suốt thế kỷ XX và sự kết nối với tản văn của thế kỷ tiếp theo (Tình hình nghiên cứu tản văn ở Việt Nam và Trung Quốc; Tản văn - một thể loại của văn xuôi hiện đại; Một dòng chảy của tản văn đương đại; Tản văn Việt hành trình một thế kỷ, Tản văn hiện đại Việt Nam – Lí thuyết và Lịch sử...). Trong loạt bài viết nêu trên, người đọc có thể tìm thấy các thông tin về lý thuyết cấu trúc, diễn trình lịch sử của thể loại tản văn; diện mạo riêng của tản văn Việt Nam trong môi trường sinh thái văn hóa; những đánh giá về các yếu tố truyền thông, môi trường văn hóa truyền thông, tính cộng sinh của thể loại tản văn với văn hóa nghệ

thuật trong môi trường văn hóa truyền thông ấy. Bên cạnh đó, đã xuất hiện những bài viết bước đầu quan sát, đánh giá khái quát về tản văn đầu thế kỷ XXI. Những bài viết này không tiếp cận thể loại bằng cách khảo sát tác phẩm, tác giả, mà từ góc độ thể loại để xem xét quan niệm, sinh mệnh, sự biến đổi cấu trúc tản văn trong một chặng đường mới (bài viết Bản sắc văn hóa trong tản văn thời đổi mới và hội nhập của tác giả Nguyễn Bích Thu; Lỗi tại … tạp văn đăng trên trang văn hóa của trang báo điện tử tiasang.com…). Những bài viết nhìn nhận tản văn ở giai đoạn mới đều ý thức giải thích hiện tượng “bùng nổ” của tản văn bằng cách đặt thể loại trong không gian văn hóa, lịch sử đương đại; xác định mức độ tương tác, ảnh hưởng của môi trường văn hóa truyền thông, môi trường sống hiện đại tới sự phát triển của tản văn;

chỉ ra đặc trưng và khẳng định tản văn là thể loại ngang hàng với các thể loại khác, nó đủ dấu hiệu để chứng minh ưu thế của mình trong xu hướng kiếm tìm và chọn lựa của độc giả, đặc biệt là người đọc trẻ tuổi. Tuy nhiên, dựa trên những gì chúng tôi thu thập được, có thể nhận thấy phần lớn sự quan tâm thể loại tản văn mới dừng lại ở những bài viết, nghiên cứu cụ thể một tác giả, tác phẩm hay một phương diện của thể loại, thiếu nhiều những nghiên cứu bao quát và sâu sắc về lý thuyết thể loại;

càng thiếu các nghiên cứu khái quát về thể loại từ khi hình thành cho tới đầu thế kỷ XXI. Đó là một khó khăn cho người nghiên cứu trong việc tìm kiếm một tài liệu có hệ thống về thể loại tản văn Việt Nam hiện đại.

Có thể nói ở thời điểm hiện tại, trong nghiên cứu văn học nói chung chưa có những công trình chuyên biệt nghiên cứu về thể tản văn. Thuật ngữ, thể loại này được đề cập như một phần nhỏ của đời sống văn học trong các tập Từ điển Văn học, Từ điển thuật ngữ văn học, Từ điển thể loại… Để có cái nhìn rộng mở về lý thuyết thể loại, ở phần nghiên cứu này, chúng tôi muốn kiếm tìm những thông tin về lý thuyết thể loại trong văn học hiện đại Trung Quốc và văn học phương Tây vì thể tản văn hiện đại Việt Nam được định hình trên thực tiễn sáng tác ở Việt Nam nhưng có những nét tương đồng với tản văn hiện đại Trung Quốc và phần nào đó có nét tương đồng với essay của phương Tây.

Bản thân thuật ngữ tản văn (tiếng Pháp: essai, tiếng Anh: essay; tiếng Nga:

exxe) tồn tại khá khiêm nhường trong một số từ điển văn học phương Tây và được sử dụng với hàm nghĩa linh hoạt, các ấn phẩm có gắn “essay/essai” có thể dịch là

tiểu luận, ký, hoặc thí luận (theo cách dịch của giáo sư Đặng Thai Mai). Trong Từ điển Penguin về các vấn đề thuật ngữ văn học, tác giả J.A.Cudden cho biết người đầu tiên đặt ra khái niệm “essay” vào năm 1580 là nhà văn Montaigne, khi ông đặt tiêu đề Essais cho cuốn sách xuất bản lần đầu của mình. Theo đó, tản văn là thuật ngữ chỉ một tác phẩm thường được viết bằng văn xuôi; tự do về dung lượng, chủ đề;

đó là một thể loại “linh hoạt và dễ thích nghi nhất” trong số các thể loại văn học.

Năm 1597, nhà văn Bacon viết nhiều những tác phẩm có dung lượng vài trăm từ theo cách thức này và ông cho rằng tản văn giống như những hạt muối nhỏ, nó giống một thứ gia vị của cảm xúc. Ngoài Montaigne và Bacon tiên phong khai thác thể văn xuôi này, thế kỷ XVII còn có W. Cornwallis, N. Breton, Thomas Overbury, J.Earle, A.Cowley... sử dụng tản văn như một phương tiện diễn đạt những ngẫm ngợi chủ quan về nhiều vấn đề của đời sống phương Tây đương thời. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, hai nhà văn – nhà phê bình là A.Cowley và S.Evermond khơi lại sự ảnh hưởng của tản văn theo phong cách Montaigne. Tiếp đó, nhà thơ J.Dryden và các nhà văn R.Steele, R.L’Estrange, E.Ward, Tom Browne, J.Dunton...

không những duy trì lối viết của Montaigne mà còn phổ biến và đem lại màu vị mới cho tản văn, đó là sự gia tăng chất hiện thực và tính đối thoại. Từ cuối thế kỷ XIX trở đi, tản văn ở phương Tây được phổ biến rộng rãi song các nhà phê bình nhận

thấy đây là thể loại “khó kiểm soát” về đặc trưng. Nghĩa của từ “essay” đã mặc định bản chất của phương thức sáng tác: một thể loại sáng tác vừa dễ, vừa khó. Dễ là vì

“phóng bút, tùy bút, tự do viết” nhưng chính vì tự do trong giới hạn ý thức nghệ

thuật mà trở nên khó. Đặc tính “khó kiểm soát” khiến tản văn ở phương Tây có nét thú vị riêng nhưng vẫn không được coi là thể loại văn học chính thức và quen thuộc (như các thể loại khác). Những lý do lịch sử khiến văn học Việt Nam có cơ hội sớm được tiếp xúc, ảnh hưởng văn học Pháp nói riêng, văn học phương Tây nói chung.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của tư duy thể loại tản văn ở phương Tây với thực tiễn sáng tác tản văn ở Việt Nam không đáng kể.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới quan niệm về tản văn của Trung Quốc bởi đây là quốc gia tập trung nhiều nghiên cứu sâu nhất về thể tản văn. Việc xem xét tình hình nghiên cứu tản văn ở Trung Quốc là sự đối sánh cần thiết để đi tìm những đặc trưng của tản văn Việt Nam. Khái niệm về thể loại mà văn học Trung Quốc xác lập có thể không trùng với thực tiễn sáng tác tản văn tại Việt Nam nhưng ở một số

giai đoạn nhất định, tản văn Trung Quốc có ảnh hưởng tới tư duy thể loại ở Việt Nam. “Ảnh hưởng này chủ yếu rơi vào thời điểm một số tác phẩm tản văn Trung Quốc được dịch ở Việt Nam những năm chín mươi, kèm theo đó là lời giới thiệu ngắn gọn về thể loại” [51]. Trong văn học hiện đại Trung Quốc, mặc dù việc xây dựng quan niệm về thể tản văn được quan tâm song quan điểm của một số nhà

nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học tiêu biểu của Trung Quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ở tập Tản văn giám thưởng nghệ thuật thám vi của tác giả Phùng Văn Mẫn, tản văn được mô tả là những sáng tác gồm bốn đặc điểm: “Chuộng sự

chân thực về đối tượng miêu tả và cảm xúc (không phải mô phỏng thực tại một cách máy móc); tính chất hiển lộ, biểu hiện ở khả năng thu hút quảng đại người đọc; lối viết tự do, ý theo ngòi bút, ít bị câu thúc; ngôn ngữ sinh động” [dẫn lại, 16/tr10].

Nghiên cứu đặc trưng thể tản văn của tác giả Tạ Sở Phát cũng xem xét thể loại ở các phương diện: nội dung phản ánh, tính chất, hành văn, ngôn từ song bốn đặc điểm của tản văn ông nêu khác hoàn toàn Phùng Văn Mẫn: “Tính chất thực dụng; lối viết sáng gọn, tinh giản; tính phức tạp về nội dung phản ánh; tính ổn định về mặt lý luận” [dẫn lại, 16/tr10]. Năm 2006, tác giả Đàm Gia Kiện nghiên cứu tản văn Trung

Quốc cổ đại “gói” bốn đặc điểm tản văn trong tám chữ: “tính tản, thực dụng, cầu giản, pháp cổ” [dẫn lại, 16/tr10]. Trong đó, ông cho rằng “tính tản” là đặc điểm cơ bản nhất của tản văn: tự do; đối lập sự quy định chặt chẽ nhưng vẫn tuân thủ trật tự

do ý tưởng kết cấu nhà văn chủ động xác lập – một thứ tự do trong khuôn khổ để

“tản mà không loạn”; giống các thể loại văn học khác ở chỗ coi trọng sự tinh tế của nghệ thuật nhưng khác các thể loại có quy phạm (thơ, từ, hí kịch, khúc…) ở sự

khước từ các khuôn mẫu kết cấu để được tự do “truy cầu sự cân chỉnh, truy cầu cái đẹp”. Người viết “chỉ cần suy nghĩ ra sao đều có thể phóng bút mà thành”. Đàm Gia Kiện cũng là người chia tản văn cổ đại thành bốn nhóm dựa trên tiêu chí nội dung:

- Nhóm tản văn ghi về con người và sự vật (truyện ký, bi ký…) - Nhóm tả cảnh, tả vật (các tác phẩm du ký, tiểu phẩm…) - Nhóm trữ tình và ngôn chí (văn tế, tự, tùy bút…)

- Nhóm thuyết lý luận đạo (tản văn nghị luận, tạp văn…).

Giới nghiên cứu văn học ở Trung Quốc những thập kỷ đầu của thế kỷ XX có xu hướng giới định một đường biên cho tản văn, tách tản văn ra khỏi tập hợp các sáng tác văn học ngoài tiểu thuyết, thơ và kịch. Trong phần đối chiếu tản văn Trung Quốc với tản văn Việt Nam, tác giả Lê Trà My có nhắc đến quan niệm của Thẩm Nghĩa Trinh, xem tản văn là một thể loại văn học có những đặc trưng riêng biệt được “hợp lưu từ tùy bút của người Anh (essay) và văn tiểu phẩm đời Minh” [48].

Để dung hòa quan niệm có sự thay đổi qua những giai đoạn lịch sử văn học, lí luận hiện đại của Trung Quốc chia tản văn thành hai loại: tản văn truyền thống và tản văn hiện đại, tản văn trong văn học truyền thống của người Trung Quốc, trong đó

“chỉ những sáng tác văn xuôi, là văn học chính tông xếp ngang hàng với thơ từ”.

Còn trong văn học Trung Quốc hiện đại, tản văn được coi là “một thể tài văn học cùng với thơ ca, tiểu thuyết, kịch, bao gồm các hình thức văn kể chuyện, văn trữ tình, phóng sự, tạp văn v.v… để phân biệt với khái niệm “văn xuôi” cổ đại, nên cũng gọi là văn xuôi văn học” [50/tr18]. Có thể nói, tản văn là thể loại có lịch sử lâu đời, có vai trò quan trọng không kém các thể loại khác. Vai trò này được khẳng định bởi ý thức xây dựng định nghĩa, khái niệm thể loại của những tên tuổi lớn trong văn học Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại (Trang 30 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)