Chương 2 TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI
2.3 Sự kế thừa và cách tân của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI
Đặt trong mối quan hệ nối tiếp tản văn thế kỷ XX, tản văn Việt Nam đầu thế
kỷ XXI đã thể hiện rõ tính ổn định trong những giá trị được kế thừa và nhiều biến đổi, sáng tạo, phản ánh sự vận động không ngừng của thể loại.
Tản văn XXI tiếp nối những gì từ tản văn XX? Có ba yếu tố tương đối ổn định được tản văn đầu thế kỷ XXI bảo lưu: đề tài; một số đặc trưng về nghệ thuật;
hình tượng cái tôi tác giả trong tản văn.
Ở phương diện đề tài, dễ nhận thấy một mạch nguồn chảy bền bỉ trong tản văn qua hai thế kỉ: truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Đầu thế kỉ XXI, giới hạn đề tài được mở rộng tới mức gần như chẳng có chuyện gì không xuất hiện trong tản văn nhưng trong số những tập tản văn được chọn khảo sát, chúng tôi nhận thấy mọi rung động trong khoảnh khắc của người nghệ sĩ trước đời sống cuối cùng vẫn trở về với câu chuyện văn hóa dân tộc. Chỉ có điều, hiện thực cuộc sống vận động không ngừng khiến diện mạo văn hóa cũng thay đổi, góc tiếp cận và những xung động tình cảm của người viết về văn hóa cũng theo đó thay đổi. Điều quan trọng, đích tới cuối cùng của những người viết là ý thức bảo tồn các giá trị thuộc về bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được duy trì ổn định trong tản văn thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI. Ở mảng nội dung về văn hóa dân tộc, những tản văn có tính khảo cứu về văn hóa địa phương nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung tiếp tục ra đời và đến với công chúng, đủ sức thức gợi nhu cầu tìm hiểu văn hóa ở người đọc. Đó là những tập ghi chép khảo cứu dày dặn của Nguyễn Ngọc Tư về văn hóa Nam Bộ; Y Phương, Đỗ Bích Thúy với những khảo cứu chi tiết về văn hóa vùng cao, đặc biệt là văn hóa Tày; Lê Minh Quốc với những tìm tòi về vai trò của người Quảng Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc; Băng Sơn, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý, Lê Minh Hà, Đỗ Phấn, Uông Triều với hành trình khảo cứu, mô tả hồi ức đặc biệt về Hà Nội; Đàm Hà Phú, Khải Đơn, Nguyễn Duy Quyền, Trần Nhã Thụy, Trác Thúy Miêu với văn hóa Sài Gòn; Cao Huy Thuần, Trần Đức Tiến quan tâm đặc biệt tới văn hóa tôn giáo v.v…
Xét từ phương diện nghệ thuật, tản văn đầu thế kỷ XXI vẫn duy trì sự linh hoạt trong việc tương tác, cộng hưởng giữa các thủ pháp văn học với các đặc trưng loại hình nghệ thuật khác; tính tự do trong cách biểu hiện; giọng điệu phong phú
nhưng đậm cá tính. Trước hết, tản văn thế kỷ XX đã có những thành công bước đầu trong việc kết hợp giữa các thủ pháp của văn học với tố chất của nhiều thể loại văn học khác (kí, thơ ca, kịch…) và loại hình nghệ thuật khác (hội họa, điện ảnh, sân
khấu…). Đầu thế kỉ XXI, tản văn tiếp tục phát huy cách viết sáng tạo đó mà nhà
văn – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là trường hợp tiêu biểu. Tập tản văn Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc gồm 25 tản văn, được chia làm bốn phần, được ví như bốn giấc mộng có sự kết nối với nhau. Bên cạnh mỗi bài viết là một bài thơ, tồn tại như một kết nối đầy cảm xúc. Mỗi bài viết là một câu chuyện, chứa đựng những suy nghĩ và trăn trở rất riêng của nhà văn những được diễn đạt hỗ trợ bằng bài thơ chứa đựng triết lý khiến người đọc se sắt lòng bởi những trăn trở về cái hữu hạn của kiếp người… Phần lớn, tản văn mang trong mình dáng dấp của truyện ngắn, có khởi đầu, tình huống thắt nút, kết thúc; có nhân vật và sự hình dung tương đối đầy đủ về một chân dung được tái hiện. Một nhóm tản văn khác thể hiện tính gắn kết với bút kí hoặc tùy bút v.v… Sự giao lưu của tản văn với các thể loại văn học, các loại hình nghệ thuật khác khiến nó trở thành thể văn năng động, thích hợp với trạng thái của đời sống hôm nay.
Cách biểu hiện đa dạng, phóng khoáng cũng là đặc điểm ổn định từ tản văn thế kỉ XX tới tản văn đầu thế kỉ XXI. Hai thập kỷ trôi qua, đặc tính phóng khoáng của một thế kỷ trước đó không chỉ được duy trì mà còn phát triển sắc nét hơn. Tản văn hôm nay không bận bịu với băn khoăn được viết và không được về điều gì?
được viết và không được viết thế nào? những ai được viết và ai không được viết?
Không chỉ xóa bỏ các vùng cấm nội dung, đề tài của tản văn hôm nay còn vượt qua tất cả các thể loại văn học khác, do đó người ta gọi tản văn là “viện bảo tàng của cuộc sống” vì nó được ra đời bởi lực lượng sáng tác đa dạng, trải nghiệm sống phong phú.
Sau cùng, đặc trưng giọng điệu tản văn XX tiếp tục được duy trì trong những tản văn XXI. Mục đích của tản văn là bày tỏ quan điểm, cảm xúc cá nhân thông qua một hoặc một vài sự kiện của đời sống. Mục đích đó đòi hỏi người viết cần phả vào con chữ giọng điệu trò chuyện chân thành, giọng chia sẻ có phần nhỏ nhẹ, tạo sức lay động thực sự. Viết những hồi ức về Đà Lạt như Nguyễn Vĩnh Nguyên khiến người đọc tưởng tim mình có thể tan chảy với giọng văn mong manh nhẹ như sương khói; giọng điệu chầm chậm kể nỗi buồn đau thân phận con người trong tản văn của Nguyễn Ngọc Tư khiến người đọc chảy tràn nước mắt; Hoàng
Việt Hằng ngậm ngùi khi nhớ về bóng mẹ quanh nếp nhà xưa; Nguyễn Quang Lập hay Nguyễn Việt Hà dù có hóm hỉnh tới đâu cũng vẫn không giấu được những băn khoăn, tiếc nuối mơ hồ… không thể kể hết nét riêng trong giọng điệu của mỗi người viết nhưng chắc chắn trong số vô vàn dòng chảy vẫn có sự nhập cuộc chung, đó là
giọng điệu sẻ chia – đối thoại thật gần gũi giữa người viết với người đọc. Nếu mất đi điều này, hẳn tản văn không phải là lựa chọn của những độc giả đòi hỏi sự trung thực trong cách nhìn cuộc sống và những chia sẻ, cảm thông.
Nếu đặc trưng của tản văn thế kỷ XX được định hình qua một số phong cách cá nhân thì sang đầu thế kỷ XXI, sự hình thành các phong cách cá nhân tiếp tục khẳng định tản văn thực sự là vùng đất màu mỡ để người viết thể hiện cái tôi nghệ
thuật. Một Phan Thị Vàng Anh duyên dáng, hóm hỉnh, sắc sảo khi thể hiện tinh thần công dân xây dựng, dân chủ và thẳng thắn; tản văn Nguyễn Ngọc Tư nhẹ nhàng mà gai góc, có khả năng làm tổn thương ngay cả những trái tim lạnh; phong thái tản văn Nguyễn Việt Hà giống như sự “nén file” những trăn trở trong giọng điệu tưng tửng, hài hước; Y Phương lại lặng lẽ bước vào chiếu tản văn bằng trang phục, dáng vẻ, ngôn ngữ, thói quen, bản tính con người đậm chất văn hóa vùng cao; một Nguyễn Quang Lập – nói theo cách người Nam, thật “sắc xéo”… 163 tuyển tập tản văn là sự lựa chọn phong cách của 462 tác giả, trong đó, đề tài và tư tưởng là sự trở đi trở lại tạo thành các loại hình nội dung tương đối ổn định của thể loại nhưng cái tôi tác giả và phương thức biểu đạt lại đem tới sự đa dạng về phong cách, đem tới sự sống phong phú cho văn học dân tộc ở đầu thế kỷ XXI.
2.3.2 Những cách tân
Sự đa dạng của lực lượng sáng tác là điều quan trọng trong quá trình cách tân của thể tản văn. Sáng tác đặt ra những chủ đề liên quan đến con người trong tính mở nhiều hơn vì sự mở rộng giới hạn trong đội ngũ tác giả cũng giống như việc mở rộng thế giới được phản ánh trong mỗi tản văn. Đầu thế kỷ XXI, sự cởi mở trong việc dung nạp những cây bút không chuyên vào đội ngũ nhà văn đã khiến quan niệm về nhà văn trở nên linh hoạt; cũng vậy, việc nhà văn xuất hiện trong sáng tác như người bạn đồng hành cùng độc giả trong đời sống thường nhật đã làm thay đổi mối quan hệ hai bên. Người sáng tác tản văn thuộc nhiều ngành nghề, độ tuổi,
không gian địa lý khác nhau. Ngoài những cây bút chuyên nghiệp còn có nhiều tác giả xuất phát điểm từ công việc xa lạ với văn chương (nhà văn hóa, nhà sưu tầm đồ cổ, tiến sĩ khảo cổ học, kĩ sư công nghệ, kiến trúc sư…); một số nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ, đạo diễn, họa sĩ rẽ ngang sang chiếu tản; bên cạnh các bậc cao niên trên văn đàn (Băng Sơn, Nguyễn Quang Lập, Y Phương, Cao Huy Thuần, Nguyễn Quang Thiều, Phan Vàng Anh, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Giang, Dạ Ngân…) còn có lớp trung niên sung sức (Mai Lâm, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Hoàng Hồng Minh, Uông Triều …), có những cây bút rất trẻ đại diện cho tiếng nói của những người ở độ tuổi 20 (Mạc Thụy, Ubee Hoàng, Anh Khang, Hamlet Trương, Iris Cao, Phan Ý Yên, Gào, Minh Nhật, Phan Ngọc Thạch, Hạ Vũ, Dung Keii…). Bên cạnh nhưng cây bút trong nước, lượng tác giả là người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài cũng trình làng số lượng tản văn lớn. Đặc biệt là sự xuất hiện của thế hệ công dân toàn cầu đã xuất hiện ở cuối thế kỷ XX và ngày càng nhiều ở đầu thế kỷ XXI. Ai cũng có thể tham gia cuộc chơi và sẽ trụ lại trong lòng độc giả nếu thỏa mãn hai tiêu chí căn bản: câu chuyện cuộc sống được nhiều người đồng cảm và những vẫn đề có giá trị được gợi mở sau đó. Như vậy, nếu nhìn từ góc độ thể loại, quan niệm về một người sáng tác tản văn đã bớt phần khắt khe. Đội ngũ sáng tác đông đảo, đa dạng trở thành điểm mạnh của tản văn đầu thế kỷ XXI song cũng chính vì thế mà tản văn dễ bộc lộ nhược điểm về chất lượng nghệ thuật, có lúc tản văn được liên tưởng tới fastfood (món ăn nhanh, tiện ích) và đứng ở nhóm văn học bình dân do chưa có sự kết tinh thực sự.
Ở giai đoạn nào, tản văn cũng thể hiện cái tôi tác giả đậm nét. Tuy nhiên, tản văn đầu thế kỷ XXI có sự trùng khít giữa cái tôi đời thường với cái tôi trong sáng tác. Trong tản văn ở thế kỷ XX, ấn tượng về cái tôi nhà văn là sự uyên bác. Đề tài sở trường của tản văn thế kỷ XX là vẻ đẹp quê hương đất nước gắn liền với văn hóa truyền thống dân tộc. Ở đó, người viết huy động vốn văn hóa, trải nghiệm phong phú để biểu đạt cảm nhận cá nhân, từ đó hình thành cái tôi ngẫm ngợi, uyên bác.
Đầu thế kỷ XXI, cái tôi hiền triết chỉ còn thu lại trong những tản văn nghiêng về khảo cứu, cái tôi đời thường chiếm ưu thế. Người viết đem bản mộc của những suy ngẫm vào trang viết, không đòi hỏi chỉnh sửa, không bị ràng buộc bởi những hình
dung về phản ứng của người đọc. Cách đặt vấn đề tự nhiên như những cuộc trò chuyện giữa hai người bình thường; không còn khoảng cách trong tâm thế của người truyền đạt với người tiếp nhận; giọng điệu trò chuyện, chia sẻ thành thực của tác giả thường giành được thiện cảm từ phía độc giả. Việc không ngại ngần kể lại những trải nghiệm trong đời mình (từ đẹp đẽ tới thô nhám) mới thực sự phác họa chân dung cái tôi người viết đậm nét nhất trong tản văn hôm nay, làm nên sự khác biệt căn bản giữa tản văn XX và đầu thế kỷ XXI. Các sáng tác của Băng Sơn, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Ngọc Tư, Y Phương, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Bích Thúy v.v… giống như những mảnh vụn ký ức được bày ra trong tập sách. Chất đời nằm ở những câu chuyện nhỏ của chính nhà văn nhưng rất có thể người đọc cũng từng trải, nó khiến người ta vừa cười vừa khóc vì hồi ức không phải lúc nào cũng đẹp cho dù nó rất đáng quý. Chất văn thể hiện ở cách mà người viết khơi gợi, diễn đạt và biến câu chuyện nhỏ trong đời mình thành vấn đề của thời đại, đem theo những thông điệp nhân văn. Như vậy, sự trùng khít giữa cái tôi đời thường với cái tôi nghệ thuật của nhà văn không đơn giản là sự việc nói quá nhiều về cái tôi cá nhân như một người độc thoại ích kỷ. Thực chất, trải nghiệm cá nhân chỉ là cái cớ để nhà văn cùng người đọc nghĩ về những điều lớn hơn, sâu sắc hơn của cuộc đời.
Một nét mới nữa ở tản văn đầu thế kỷ XXI là sự đa dạng trong cảm quan sáng tác. Chúng tôi muốn nói tới kiểu cảm nhận đời sống, trạng thái tinh thần mang nét riêng của người viết tản văn hiện đại và nhận thấy phần lớn các tản văn đầu thế kỷ XXI
“chụm” lại ở cảm quan thế sự, hồi ức và triết luận. Thực tế, cảm hứng thế sự đã có ở thế kỷ XX nhưng ở thời điểm này, sự cảm nhận và thể hiện nhân tình thế thái với mật độ dày đã thành hình rõ nét dòng cảm quan thời cuộc. Người viết dòng tản văn này có góc nhìn trực tiếp đời sống thực tại nên sáng tác phản ánh trọn vẹn nhịp sống đương thời. Nguyễn Trương Quý là nhà văn tiêu biểu, anh viết nhiều tản văn như bản tin của chuyên mục chuyển động 24h, mọi hình ảnh đời sống và con người thành thị diễu qua trước mắt nhà văn đều có thể nảy bật những vấn đề bức xúc cần phải viết ra, lúc này tản văn rất gần với báo chí nhưng hấp dẫn hơn vì những thông tin vốn có của báo chí đã được chuyển thành thông tin nghệ thuật giàu cảm xúc.
Cảm quan triết luận là đặc điểm nổi bật đầu thế kỷ XXI, bộc lộ cảm nhận chủ quan của tác giả về thế giới khách quan. Người viết thường bắt đầu bằng những vấn đề nhỏ trong đời sống, triển khai bằng logic lập luận rồi khép lại bằng triết lý.
Giọng điệu những tản văn này thường mang tính trào lộng, châm biếm. Thường thì phần đầu diễn ra chậm nhưng bất ngờ như một cú đánh lái gấp, phía cuối sáng tác là một triết lý hài hước. Cảm quan này thể hiện rõ trong tản văn của Trang Hạ, Nguyễn Việt Hà, Phan Thị Vàng Anh v.v…
Nhưng phần đánh thức những xúc cảm mơ hồ, giàu nhân văn phải kể tới xu hướng cảm quan hồi ức, hoài niệm. Nhiều nhà văn xa xứ vọng về phía quê hương nhớ ngày cũ; nhiều người đi quá nửa cuộc đời trở lại nhớ tuổi ấu thơ; hầu hết mọi người ở nhiều lứa tuổi đến một lúc nào đó đều có nhu cầu khơi gợi lại kỷ niệm cất giữ trong ký ức. Sự hồi ức có khi bắt đầu từ những điều thật ngẫu nhiên, bé nhỏ, thân thuộc. Một âm thanh, một hình ảnh, một bóng dáng, món ăn, nụ cười, mùi hương đều có thể khơi thành sáng tác nhỏ chứa chan xúc cảm. Câu chuyện trong những tản văn thể hiện cảm quan hồi ức phần lớn có sự gắn bó chặt chẽ cuộc đời thực của người viết. Dòng hồi ức được viết ra thể hiện rõ nhất chất tản mạn của thể loại và dễ có được sự đồng cảm từ người đọc.
Tuy nhiên tăng cường tính chất đối thoại mới thực sự là điểm cách tân có ý nghĩa nhất của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Sự khơi gợi nhu cầu tranh biện, cộng hưởng cảm xúc giữa nhà văn và người đọc chỉ có ở tản văn thời đoạn này, điều mà ở giai đoạn trước chưa làm được. Trong văn học, đối thoại không đơn giản là hội thoại của ngôn ngữ mà được hiểu là trạng thái của tư tưởng, biểu hiện qua sự
đồng tình hoặc bất đồng. Tính đối thoại ấy được tạo ra từ chính vấn đề tác phẩm khơi gợi. Sự phát triển của mạng internet, những hình thức truyền thông như email, blog, tính năng chat, các giao diện cá nhân (facebook, instargram…) thỏa mãn nhu cầu tương tác (giao tiếp, chia sẻ) nhằm thể hiện tiếng nói cá nhân và tìm kiếm sự
đồng cảm trong thế giới con người. Để tạo ra những “cú hích” tranh biện, người viết phải thực sự thấu hiểu người đọc khi đứng trước những vấn đề của đời sống xã hội được quan tâm và có tầm ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống con người; người viết cũng cần thẳng thắn, chân thực, khách quan khi nhìn nhận một vấn đề, có như vậy mới diễn ra sự tương tác, sự tranh biện từ hai phía – đó chính là sự sống sôi nổi của