Chương 2 TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI
3.2 Tản văn về văn hóa, phong tục
Viết về các giá trị văn hóa truyền thống của một vùng miền dọc chiều dài đất nước là dòng cảm hứng đã có trong những sáng tác đầu thế kỷ XX tới nay. Chỉ có điều, văn hóa phong tục của một vùng đất trong tản văn thế kỷ XX được các nhà văn viết trong tâm thế người nghệ sĩ trải nghiệm nên chất liệu được lọc lựa, văn phong chăm chút, tản văn lúc đó tựa như những phim ngắn giàu thẩm mỹ từ hình ảnh tới xúc cảm. Đầu thế kỷ XXI, nhà văn viết trong tâm thế quan sát, suy ngẫm, phản ánh trung thực nên tái hiện được từng góc nhỏ của đời sống trong bộn bề, mang đậm sắc thái địa văn hóa.
3.2.1 Phong tục, truyền thống
Những năm đầu thế kỷ XXI, đời sống sinh hoạt tinh thần của con người Việt Nam sôi động hẳn lên bởi nhu cầu được đi và trải nghiệm những vùng văn hóa ngoài không gian sống quen thuộc của mỗi người. Xu hướng khám phá văn hóa vùng cao khiến văn hóa du lịch phát triển, kéo theo là hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, tản văn về bức tranh cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa phong tục miền núi có dịp bừng nở. Đỗ Bích Thúy là cây bút cần mẫn tái hiện văn hóa vùng núi đá Hà Giang trong văn chương. Từ căn nhà có gác áp mái, Đỗ Bích Thúy ngắm nhìn được nhiều thứ để sau này “vẫn tự hào nói với bạn văn rằng, Hà Giang là một trong số rất ít vùng đất còn giữ được gần như nguyên vẹn hồn vía, sự mất đi của hồn vía mặc dù không thể tránh khỏi trong cơ chế thị trường, nhưng ít nhất cũng không làm du khách thất vọng” (Trên căn gác áp mái). Lễ cúng tạ ơn trời đất cho mùa màng tươi tốt trong những dịp lễ lớn vốn là phong tục đẹp của người vùng cao, vào ngày Rằm tháng Bảy, “khi đã có hạt lúa mới về nhà, người Dao bắt đầu làm bánh dày bằng cum lúa nếp đầu tiên vừa mang từ bên kia song về. Nếp nương làm bánh dày phả ra mùi hương thơm đặc quánh, ngọt lịm. Sau một đêm thùm thụp tiếng chày giã bánh, sang sớm, các nhà người Tày dưới thung lũng mở cửa ra thế nào cũng thấy một hai chục bánh dày, gói trong lá dong, treo ngay trên cánh cổng. Không biết ai cho và cũng không biết túi bánh treo ở đấy từ lúc nào, nhưng bánh vẫn còn mềm, trắng
muốt trong lá gói xanh biếc” (Kungfu người Co Xàu). Thành kính và rộng lượng, bao dung những người từ vùng đất khác tới lập nghiệp đã đem tới bản sắc văn hóa đa sắc của Hà Giang. “Ở đây, người Tày trồng ngô, lúa sát triền sông, trên ruộng bậc thang; người Dao trồng sắn, lúa nương trên mấy sườn đồi đất đỏ như gấc; người Kinh từ Nam Định, Thái Bình lên trồng hoa màu, cam quýt ở những mảnh vườn sát chân núi” (Tôi đã trở về trên núi cao)… Với cư dân đồng bằng, tản văn của Đỗ Bích Thúy kể những điều mới lạ, bức tranh văn hóa của người vùng cao được bày ra, mời chào người đọc đến mức chỉ nghe nhắc những địa danh đã gợi háo hức lên đường: Mã Pì Lèng, Mèo Vạc, sông Nho Quế, cao nguyên đá Đồng Văn, Xìn Cái lên đến chợ tình Khau Vai; những tập tục cưới dừng chân giữa đường để bày ra ăn uống, cô dâu thay váy mới trước khi về tới nhà chồng; rượu ngô, thịt bọc trong lá, chợ tình, bánh ngô, quẩy tấu đầy bánh nếp; bài dân ca cổ của người Mông.
Tản văn hiện đại viết về lễ hội (cả truyền thống lẫn hiện đại), khơi lại vẻ đẹp của những lễ nghi truyền thống như một cách thức dậy tinh thần tôn trọng văn hóa dân tộc; đồng thời người viết cũng không né tránh thực tế các giá trị văn hóa truyền thống ở các lễ hội đang dần bị mai một, cách mà hiện tại đang thực hành nghi lễ quá xa mẫu gốc, khiến tư tưởng, quan niệm hạt nhân nguyên thủy còn lại không đáng kể. Khó có người nào vượt qua được nhà văn Y Phương ở khả năng thức dậy tinh thần ngày Tết rực rỡ màu sắc của đồng bào vùng cao. Tháng giêng- Tháng giêng…
một vòng dao quắm, Fừn Nèn – Củi tết, Kungfu người Co Xàu – bộ ba tản văn đặc sánh không khí văn hóa Tày Nùng của Y Phương có vô cùng nhiều ký ức được đặt vào các tản văn mô tả bức tranh văn hóa Ngày Tết anh cả (Tết Nguyên Đán) đậm nét sắc màu vùng cao: mâm quả Còn nhiều màu sắc; các phiên chợ Co Xàu, Thông Huề, Pò Tấu, Pác gà, Tà Lịnh… chỉ nghe tên đã đủ kích thích sự tò mò háo hức được trải nghiệm; những chum rượu gạo, rượu ngô “phình phàng ngất ngưởng” bày từ sáng sớm đến chiều tà với “cả tá lão ông, lão bà nhão nhoét như bùn” vì say mèm; tiếng lợn eng éc bị mổ giữa một màu khói trắng; những nàng dâu mới (pỉ lùa, pỉ nàng). Người đồng bằng có lệ đêm Giao thừa tắm nước lá mùi già thơm tẩy bụi trần để sẵn sàng một sự thơm tho sạch sẽ đón chào năm mới thì ở đây, người Tày Nùng trên đất Cao Bằng lại có lệ sáng mùng một, nhà nào cũng cắm cành bưởi lên
hai bên cánh cửa để trừ tà. Đun một nồi nước lá thơm, xông hương ban thờ. Nét độc đáo của văn hóa Tày nằm ngay trong những khái niệm: nèn chiêng (ngày đầu năm mới), kin nèn (ăn tết); cuổi vàng (chuối trâu); các loại bánh khẩu sli, pẻng phạ, lau cau; khau lồm (lá dùng để tắm); người ta chúc người già slổnglàu chau ké; những mu ót (lợn ỷ) hay mu sláy (lợn bột), nựa lạp (thịt hun khói), phúng xàng (lạp xưởng), lăng goòng (bánh sấm). Những trang văn miêu tả lễ hội từ mùa Xuân tới mùa Thu, vắt qua mùa Đông và kéo sang mùa Hạ phong phú vô cùng: Tết cả, Tết thanh minh, Tết Slip Sli thịt vịt, Tết Hạ chí, Tết trâu, Tết cốm...
Bên cạnh Y Phương, nhiều tác giả dành một góc nhỏ cho hồi ức về Tết của những năm tháng đã qua. Nhà văn Hoàng Hồng Minh sống ở Pháp nhưng chưa khi nào nguôi nỗi nhớ về buổi sớm tinh sương, thanh thoát của ngày đầu năm mới chỉ có ở khung cảnh làng quê yên tĩnh: "Ngọn gió Giao thừa lặng lẽ ùa về trên đầu ngọn tre ngoài ngõ. Nhìn quanh, cái gì cũng cũ. Nhưng lòng mình chợt thoáng tươi mới lạ, không nhiều, chút ít, vẫn có. Vẫn thế. Sáng mồng Một, lặng lẽ, tinh tươm. Mùi rơm ẩm sương ở góc vườn quyện đọng hơn, thân thương hơn ngày thường. Như tờ giấy trắng được mở ra, chẳng nỡ viết gì phiền muộn. Nhưng lời trong lòng vẫn kéo tới, “Hợm cái đã nào.../ Con gà gáy báo Năm Ta/ Siêu nước dưới nhà đã giục trà Ta/ Bồi hồi bóc tờ lịch Ta" (Tết Tây Tết Ta, lịch Tây lịch Ta) [154/tr18]
Trong tâm trí nhà văn Hoàng Việt Hằng thường trực nhớ hình ảnh mẹ tất bật mỗi ngày trước tết và mâm cỗ truyền thống đầy đặn trong mỗi món ăn mẹ nấu vào ngày Tết. Tản văn của bà có thể khiến người xa xứ lén lau nước mắt khi tái hiện lại nguyên trạng Tết theo phong cách thuần truyền thống. Có tranh Đông Hồ vẽ hình con vật biểu tượng theo năm, có ông nội nhà văn - một cụ đồ Nho không thỏa mãn với lịch in chữ quốc ngữ bán ngoài chợ nên thường tự mình viết lịch; đêm Giao thừa ấm sực củi lửa đun nồi bánh chưng sôi lục bục; tiếng pháo, xác pháo, mùi thơm kỳ lạ của pháo “gây cảm giác hưng phấn náo nức” và “từ đây người ta chỉ còn mê đi trong cái khoảnh khắc thiêng liêng nhất của thời gian”, nhâm nhi miếng bánh chưng vuông có lượt áo ngoài màu xanh để thấy bao cầu nguyện năm mới an lành tan trong miệng. “Nhân thịt lợn đỗ xanh béo ngậy. Sắc lá dong xanh ngấm vào gạo trắng lên màu cốm. Ăn miếng bánh chưng đêm giao thừa trong phút giây đầy nhiệm
màu của năm mới như thực hiện một nghi lễ. Đưa miếng bánh lên môi cảm nhận được hương vị đất đai, nắng gió quê nhà” (Tiếng dẻ cùi phía cây cơm vàng). Chậu hoa cúc, vạn thọ, vườn đào và quất trước thềm nhà, phong tục lì xì, chúc tết, du xuân, hội làng xuất hiện trên trang văn làm sống dậy xôn xao không khí đoàn viên đáng trông đợi nhất trong năm.
Thực tế không phải phong tục tập quán nào cũng mang những giá trị tích cực. Ở vùng cao, nhiều thứ bị xếp vào hủ tục cần phải thay thế để cuộc sống con người tốt lên. Tản văn không viết nhiều về mảng tối của tập quán mà hầu hết đều viết về những giá trị văn hóa tốt đẹp, từ trong cái tốt đẹp ngày cũ đã chớm mở những trăn trở, lo âu về sự mai một của văn hóa giữa đời sống hiện đại. Nhà văn Đỗ Bích Thúy đau đáu đi tìm cái đã mất. Tìm các giá trị đó ở đâu? “Làm sao có lại được cái tết của ông, của cha mẹ con ngày xưa, hở ông? Tại sao người trẻ như con lại cứ phải tìm đến những người như ông mới mong thấy được?” – Ông bảo: “Tìm ở trong mình ấy. Tổ tiên đồng đất có còn ở trong mình không? Còn chứ gì, vậy là
không phải lo đi tìm ở đâu cả. Tất cả cứ sáng rờ rỡ ra như thế là bởi cảm được nó trong khi những cái khác chen lấn đi đó thôi” (Tôi đã trở về trên núi cao). Mỗi con người là một di sản văn hóa sống, con người thay đổi, văn hóa cũng thay đổi. Khi các cô gái Mông bắt đầu bập bẹ tiếng Anh. Và đá, thứ làm nên một cao nguyên có một không hai trên vùng núi phía Bắc cũng đang bắt đầu bị khai thác, các di tích bị hiện đại hóa một cách vô trách nhiệm và thiếu kiến thức, người ta dần rời đất để đi, mang theo phong tục tới một vùng đất mới và hứa hẹn những đổi thay, mất mát trước mắt. Giá như sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên thì phong tục trong mỗi người- mỗi vùng đã được trân trọng, hòa hợp, thích nghi. Không may là văn hóa phong tục bị mất đi phần hồn và chỉ lưu giữ dấu vết. Điều này còn buồn hơn khi nhìn dấu vết văn hóa, ta hiểu đã mất một thứ vô hình không bao giờ lấy lại được.
“Có bao giờ bạn nghĩ, rằng bạn trở về nhà bạn, bước chân qua ngưỡng cửa mà bỗng dưng cái ngưỡng cửa ấy không còn là ngưỡng cửa của mình dù vết dao băm lên ngưỡng cửa lúc mình còn thơ bé vẫn hiện hữu ở đó? Thì bạn có buồn không? Bạn có thấy mình đang mất đi một thứ quý giá đến nỗi không thể cầm nắm được không?” (Hoa vàng mấy độ). Một tản văn trong Thành phố những thước phim quay
chậm (Huỳnh Như Phương) kể về sự hụt hẫng khi cảm nhận mất mát những giá trị đẹp đẽ trong ký ức. Hình ảnh người bà là linh hồn của quê cũ, nên khi bà khuất bóng, quê hương trong ký ức cũng mất dấu. Một người cháu của bà định cư ở Mỹ, có lần viết thư về “ước gì năm nay em được về làng mình ăn tết”. Người anh là nhà
giáo trả lời em bằng bài thơ: “Bây giờ mà có về quê/ Cũng như Lưu Nguyễn xưa về trần gian/ Vườn xưa nhà cũ hoang tàn / Phôi pha kỷ niệm, ngỡ ngàng bước chân/
Đâu còn bóng mẹ đầu sân/ Chờ con về tết mỗi lần xuân sang” (Thành phố những thước phim quay chậm).
Tuy nhiên văn hóa phong tục không phải yếu tố bất biến nên nếu như có sự
thay đổi, mất mát thì đó cũng là quy luật. Nhưng trách nhiệm của mỗi người bắt đầu từ nhận thức sau đó tới hành động giữ gìn, bảo vệ, phát triển hoặc kiếm tìm giá trị tích cực hơn để thay thế. Tản văn đang làm công việc đánh thức nhận thức. Phần hành động là hệ quả tác động của người độc giả. Nếu chỉ viết để than, chỉ đọc để thấy mà không hành động thì đến một lúc chúng ta vì mải miết mở cửa, hội nhập mà đánh mất bản sắc.
3.2.2 Văn hóa tâm linh, tín ngưỡng
Ở Việt Nam, lễ hội, tết, tín ngưỡng và tôn giáo có mối quan hệ gắn bó, giao hòa với nhau. Văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt là đức tin chân thành đối với người đã khuất. Người vùng xuôi cũng như vùng cao, chọn Tết tảo mộ làm dịp thể hiện tưởng nhớ của người sống với người đã khuất. Với người Tày, “đó là
ngày mở cửa mồ. Người dương gặp lại người âm, trong niềm nhớ thương vô hạn.
Người âm hiện hồn lên phù hộ độ trì, ban bố phúc lộc cho người dương”. Viết về văn hóa tâm linh, tản văn Y Phương thường sử dụng những hình ảnh mang tính huyền thoại hoặc được giải thích với sắc màu thần thoại của người dân tộc thiểu số
(chân dung Bà Phò…). Ông cũng có những tản văn giới thiệu tín ngưỡng thú vị của người Tày. Chẳng hạn Tết vía trâu - cái tết thể hiện lòng biết ơn của con người đối với con vật: “Người Tày Nùng vốn coi trọng nghĩa tình. Ăn lộc của ai phải biết ơn người ấy. Ăn lộc từ thiên nhiên người phải biết ơn cây cỏ. Huống chi trâu là bạn nhà nông. Nên bà con dành hẳn cho trâu một cái tết” (Fừn nèn - Củi tết). Đó hẳn là một niềm tin mang đậm dấu ấn văn hóa nông nghiệp mà ý nghĩa của cái tết phản
ánh lối sống trọn vẹn, tính cách hiền lành, chất phác của người Tày. Những tản văn của Y Phương không chỉ dừng lại ở sự hồi cố về văn hóa xứ mình như một nỗ lực lưu giữ bản sắc văn hóa của “người đồng mình”. Sau mỗi ký ức, ẩn hiện những băn khoăn về sự mất mát dần sự tồn tại của những lễ nghi nguyên thủy. Ông đau xót nhớ về lễ tế Thần Nông linh đình của hai làng Hiếu Lễ, Tà Thanh vài ba chục năm về trước những cũng ý thức một ngày không xa, sẽ không còn ngày tế Thần Nông bên nhau ăn uống vui vẻ. Như thế, một lễ tế mang ý nghĩa tốt đẹp có từ bao đời sẽ bị cuộc sống mới nhấn chìm vào biển lãng quên, để lại bao ngơ ngác cho lớp người từng được trải nghiệm không gian sinh hoạt văn hóa hồn nhiên và chứa chan hy vọng.
Trong tản văn đầu thế kỷ XXI, có một dòng cảm hứng mới được khơi nguồn.
Ở đó, người viết bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới trạng thái tinh thần con người Việt Nam đương đại. Năm 2011, tác giả Thích Đổng Sơn ra mắt độc giả tập Phật giáo và những tản văn. Đây là một trong những tư liệu về Phật giáo mà tác giả (các bậc Đại lão Hòa thượng) đã trình bày để đưa những hình ảnh thực tế trong Phật giáo đến với bạn đọc. Độc giả sẽ gặp một Khuất Nguyên trong cụ Thiều Chửu, một thiền phái Trúc Lâm trong thuyết Tam hợp, một hoài bão nhân gian Phật giáo trong lòng Hòa thượng Thích Trí Hải, một tấm lòng nặng trĩu của tác giả đối với Phật giáo… Một tập sách khác, Thiên thần của sự sống (Lữ thế Cường) gồm 36 bài viết của cây bút thế hệ 6x đang sinh sống tại Hà Lan lại là những câu chuyện rất thiền vị từ kinh nghiệm thực tế, từ sự thực tập và góc nhìn của một người hoạt động trong lĩnh vực xã hội học đã làm cho tản văn thật sự sống động và đầy sức sống. Tác giả cho người đọc nhận ra những suy nghĩ tích cực có ý vị triết lý Phật giáo, có những lúc ở những nơi tưởng chừng đau khổ nhưng lại là nơi nảy mầm hạnh phúc khi nhận diện được niềm vui, hạnh phúc và đừng phê phán hay từ chối cuộc sống vì sống là một niềm vui. Mọi triết lý rút ra từ những suy ngẫm của một người tôn trọng sự cân bằng tinh thần trong Phật giáo cuối cùng quy về tinh thần hạt nhân của tôn giáo này: tình thương. Đó thực sự là một vị thuốc bổ dưỡng tinh thần thời đại mà một số độc giả
hôm nay kiếm tìm. Nhà văn Cao Huy Thuần lại khai thác Phật giáo ở chiều sâu ảnh hưởng văn hóa dân tộc. Hai tập tản văn Chuyện trò, Sợi tơ nhện chứa đầy đủ những mẩu chuyện nhỏ giáo dục con người theo triết lý Phật giáo. Những câu chuyện thần