Sự nở rộ của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại (Trang 45 - 52)

Chương 2 TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI

2.1 Sự nở rộ của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI

2.1.1 Môi trường sinh thái văn hóa – tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Khái niệm “môi trường” không đơn thuần là những yếu tố có sẵn trong tự

nhiên, mà còn bao gồm cả những yếu tố nhân tạo (văn hóa, xã hội …) xung quanh sự sống của con người, có tác động trực tiếp tới con người. Khi xem xét môi trường sinh thái văn hóa trong quan hệ với văn học nói chung, chúng tôi hiểu “môi trường”

là điều kiện, trạng thái, hoàn cảnh, bối cảnh, thực tiễn… của văn hóa, xã hội có ảnh hưởng trực tiếp tới thể loại, phong cách, nghiên cứu văn học. Theo giáo sư Trần Đình Sử, đó là mối quan hệ có tính chất “cộng sinh, đáp ứng, thích nghi, lựa chọn, biến đổi, phát triển, biến dạng theo điều kiện môi trường” [78].

Điểm nổi bật trong bức tranh văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XXI là sự phát triển của thế giới công nghệ. Song song với thời đại 4.0 là sự phát triển phong phú

các kênh truyền thông, đem tới cho con người cơ hội được tiếp nhận lượng thông tin khổng lồ mỗi ngày. Bên cạnh những kênh xuất bản truyền thống (báo in, sách in, truyền thanh, truyền hình…) là sự xuất hiện đa dạng các kênh truyền thông hiện đại (điện thoại thông minh, mạng internet). Trong đó, công cụ hỗ trợ hữu ích nhất kết nối độc giả với văn học là mạng internet (ebook, báo điện tử, facebook, blog, instagram, zalo v.v…). Giữa nhịp sống đó, chọn lựa các thể văn nhỏ gọn, có thông điệp rõ ràng như tản văn là điều dễ hiểu. Nó thỏa mãn điều kiện từ hai phía: Người viết tỏ bày trực tiếp suy ngẫm về những điều mắt thấy tai nghe; người đọc tận dụng những kẽ hở thời gian tìm những đồng cảm về các vấn đề trong cuộc sống. Thay vì

di chuyển, chọn lựa, thanh toán tiền để sở hữu một cuốn sách, bây giờ, người đọc chỉ cần một công cụ thông minh, kết nối internet đã có thể sở hữu một thư viện trong tay. Trước đây, độc giả cần có không gian, thời gian riêng để đọc một cuốn sách và nếu có những điều băn khoăn, họ phải độc lập, tự mình giải quyết. Bây giờ,

người ta có thể đọc sách ở bất cứ không gian, thời gian nào và nếu cần có thể tương tác trực tiếp với tác giả. Như thế, kênh truyền thông hiện đại đã và đang trở thành phương tiện đắc lực có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển nhanh chóng của tản văn.

Công nghệ đã khiến đời sống văn hóa, văn học thay đổi và tản văn không nằm ngoài sự tác động đó. Sự thay đổi trong tản văn đầu thế kỷ XXI bắt đầu từ cái tôi hiện diện trong sáng tác, đó là tiếng nói riêng của một cá nhân, một thế hệ. Vì ai cũng có thể sở hữu một phương tiện hiện đại để gửi đi (send), chia sẻ rộng rãi (share) nên bất cứ cá nhân nào cũng có thể lên tiếng, cho ra đời một tản văn nhỏ ghi lại khoảnh khắc cảm xúc bất chợt. Nó kéo theo sự thay đổi từ phía người tiếp nhận, độc giả có thể nhận được một sáng tác chỉ sau vài giây bài viết xuất hiện (up), họ

đọc và đối thoại, phản biện (chat, reply, comment). Chu trình tương tác được diễn ra không gặp trở ngại nào về không gian, thời gian.

Sự thay đổi trong đề tài, góc tiếp cận đời sống của tản văn cũng là đặc điểm dễ thấy. Khởi nguồn từ những phần văn bản chia sẻ cảm xúc chủ quan trên những trang mạng cá nhân, rất nhiều tản văn đã ra đời. Trước hết đó là sự phản ứng cảm xúc tức thời của một cá nhân trước hiện trạng đời sống, sau đó có thể trở thành những tác phẩm nếu được gia cố tính nghệ thuật. Nhờ đó, mọi câu chuyện cuộc sống con người đều có thể trở thành vấn đề được phản ánh trong tản văn. Từ những vấn đề bản năng, riêng tư nhất (tính dục, tâm linh) cho tới những vấn đề lớn lao của nhân loại (văn hóa, truyền thống, môi sinh, chiến tranh…); từ những bức xúc của cá

nhân cho tới nỗi bức xúc của số đông v.v... Không gian trò chuyện của tản văn đầy ắp chất hiện thực, thời sự. Cách tiếp cận đời sống thẳng thắn, cởi mở. Người viết không né tránh những gì đang hiện diện, họ tự do nêu chính kiến mà không bận tâm những câu hỏi: có được viết? có nên viết? Tuy nhiên, sự tự do đó không đồng nghĩa sự vô trách nhiệm hay nói “văng mạng” nhằm giải tỏa những bức xúc cá nhân. Tản văn tự do trong một định hướng rõ ràng, cho dù bắt đầu từ câu chuyện nào, dường như người viết cũng ý thức sáng tác phải đi tới gõ cửa lương tâm, đánh thức cảm xúc thẩm mỹ, tác động nhận thức tích cực ở người đọc và thể hiện được cá tính.

Thế giới mạng là cha đẻ của ngôn ngữ mạng xuất hiện với mật độ dày trong sáng tác tản văn hiện nay. Cách thức liên lạc mới (thư điện tử, các dạng tin nhắn,

hoạt động chat…) sử dụng hệ thống ký tự trên bàn phím đã định dạng ngôn ngữ mới – được gọi là ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ @. Với những người gắn liền cuộc sống hằng ngày với bàn phím, thứ ngôn ngữ này không chỉ là thói quen công việc mà còn tiện ích trong diễn đạt và nó chứng tỏ người dùng hợp thời. Ngôn ngữ @ ban đầu được sử dụng trong công việc có liên quan, sau đó trở thành ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ, rồi nó bước vào văn chương, tồn tại trong thể tản văn tự nhiên như hơi thở cuộc sống hiện đại. Có lúc xã hội lên tiếng phản đối bởi việc biến hình và biến nghĩa tiếng Việt làm mất đi vẻ đẹp vốn có của tiếng Việt nhưng dần dà, một số nhà

văn đã khiến lượng ngôn ngữ mới trở nên “có duyên” khi xuất hiện đúng chỗ, đúng ý đồ biểu đạt. Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý, Trang Hạ, Đỗ Phấn, Uông Triều v.v…là những cây bút như thế. Sự xuất hiện của lượng ngôn ngữ mạng vừa đủ trong một tản văn phản ánh tinh thần cập nhật trạng thái văn hóa xã hội, hình thức ngôn ngữ hiện hành phù hợp những câu chuyện mô tả thực tế. Ngôn ngữ phổ thông có thể khiến tản văn nghiêng về nhóm văn chương đại chúng nhưng nó có lượng độc giả đông đảo vượt trội so với văn học tinh hoa vốn kén người đọc.

Có thể nói sự phát triển của một thể loại văn học có được phải dựa vào nhiều yếu tố: thời đại, sự vận động nội tại của thể loại, lực lượng sáng tác, độc giả, những yêu cầu của đời sống xã hội đối với văn học nói chung v.v… Tuy nhiên, sự phát triển của thể loại tản văn ở đầu thế kỷ XXI xuất phát từ sự thích hợp cao độ giữa đặc trưng thể loại với môi trường văn hóa đương thời. Hiện tượng tản văn nở rộ ở thời điểm này cũng giống như hạt giống có từ sớm nhưng thiếu đất gieo, phải đợi tới đầu thế kỷ XXI, khi bối cảnh đời sống văn hóa, xã hội có nhiều thay đổi theo hướng phù hợp đặc tính thể loại, tản văn hiện đại thực sự bùng tỏa.

2.1.2 Sự thích ứng của tản văn trong môi trường sinh thái văn hóa đầu thế kỷ XXI

Sự phát triển của một thể loại văn học không chỉ do sự tác động của bối cảnh xã hội, văn hóa, văn học trong một giai đoạn lịch sử cụ thể mà sự phát triển ấy còn phụ thuộc vào sự vận động bản thân thể loại. Một trong những lý do cơ bản khiến tản văn ở đầu thế kỷ XXI trở thành hiện tượng là sự thích ứng của thể loại với trạng thái tinh thần con người; thích nghi với trạng thái văn hóa, xã hội đương thời.

Đối với văn học nghệ thuật, nguồn chất liệu hiện thực đời sống ở giai đoạn nào cũng hết sức phong phú nhưng vì những lý do lịch sử mà không phải lúc nào văn chương cũng được tự do phản chiếu bề rộng và chiều sâu hiện thực đó. Sự sống cốt yếu của tản văn là cái tôi tác giả và tự do trong cấu tứ, biểu đạt. Nó chỉ có thể sống khỏe trong môi trường, tư duy xã hội phù hợp và môi trường sinh thái văn hóa đầu thế kỷ XXI đã “cấp” cho tản văn quyền được tự do trọn vẹn. Nếu tản văn ở thế

kỷ XX vẫn khá dè dặt khép mình trong một số đề tài mà người viết tự hạn định cho mình thì tản văn đầu thế kỷ XXI thẳng thắn, cởi mở bày tỏ mọi cảm nhận, suy nghĩ về mọi vấn đề của đời sống. Vẫn là cảnh sắc thiên nhiên nhưng không phải chỉ có mỹ cảnh mới được xuất hiện mà thiên nhiên được cảm nhận đa chiều: có cảnh đẹp (đô thị cổ, vùng cao, làng quê…) nhưng cũng có cảnh quan được mô tả chằng chịt vết thương do đời sống hiện đại gây ra (những đô thị lớn như Đà Lạt, Sài Gòn, Huế, Hà Nội). Cảnh quan, thiên nhiên đa chiều trong tản văn hôm nay phản ánh tương đối đầy đủ hiện thực khách quan. Sự cập nhật và thẳng thắn trong góc nhìn khiến bức tranh trong tản văn thời điểm này không đơn sắc. Thêm nữa, chủ nghĩa xê dịch có từ thời Nguyễn Tuân tới nay đã trở thành trào lưu của một thế hệ. Dường như trong mỗi cây bút tản văn đều có chút “máu phượt” nên cảnh sắc thiên nhiên trong tản văn hôm nay đa dạng tới mức người đọc có thể làm một cuộc viễn du trong tưởng tượng tới bất cứ vùng đất nào. Ở mỗi vùng miền, tản văn lại khám phá những đặc trưng, nét đẹp khác nhau. Trong đó, Hà Nội và Sài Gòn là dòng cảm hứng lớn của nhiều tản văn.

Sự thích ứng của tản văn với bối cảnh mới còn biểu hiện ở sự đáp ứng kịp thời của thể loại với những đòi hỏi đặt ra với văn hóa dân tộc. Giữa thời đại mới, chưa có bao giờ như bây giờ, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được đặt ra riết róng như vậy. Bởi quá trình hội nhập mạnh mẽ khiến chúng ta hoang mang giữa rất nhiều luồng văn hóa mới được du nhập, đôi lúc, bản sắc văn hóa dân tộc bị mai một, mờ nhòa, thậm chí chìm khuất; đồng thời, chúng ta cũng nhận thức rõ bản sắc văn hóa dân tộc có ý nghĩa sống còn – mất văn hóa là mất đất nước. Tản văn bằng cách đi riêng của mình, đã gợi và chạm tới các vấn đề văn hóa của dân tộc một cách giản dị, gần gũi và đầy sức thuyết phục. Có thể là các giá trị văn hóa vật chất (ẩm thực,

kiến trúc, trang phục), có thể là các giá trị văn hóa tinh thần (tôn giáo, niềm tin, tín ngưỡng, phong tục tập quán, truyền thống, đạo đức, lối sống, ứng xử, văn học nghệ

thuật …). Các giá trị văn hóa đó tiềm ẩn trong mọi vấn đề của đời sống được đề cập trong tản văn (giáo dục, y tế, lễ tết, món ăn, cảnh sắc, lối sống, ứng xử đời thường, kiến trúc đô thị v.v…). Ở vấn đề văn hóa, tản văn của nhà văn Y Phương thực sự là

mảng khối văn hóa độc đáo của người Tày; Băng Sơn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý, Đỗ Phấn, Lê Minh Hà am hiểu văn hóa kinh kỳ; Nguyễn Ngọc Tư thực sự đau đáu dòng văn hóa Nam Bộ; Lê Minh Quốc với bức tranh văn hóa Quảng Nam; riêng Cao Huy Thuần và Thích Đồng Bổn lại quan tâm tới văn hóa tôn giáo… Nhìn chung, trong cách mà các nhà văn phản ánh các vấn đề văn hóa của Việt Nam ở đầu thế kỷ XXI, bên cạnh giọng điệu ngợi ca, tự hào đã có thêm sự

mạnh dạn bày tỏ những lo âu, trăn trở (hàm lượng này thường nổi trội) về vấn đề làm thế nào để giữ gìn được văn hóa truyền thống, họ lo âu khi chứng kiến sự mai một của các giá trị truyền thống mà không thể gìn giữ.

Trong nghiên cứu phê bình sinh thái, giáo sư Trần Đình Sử nhấn mạnh sự

tác động quan trọng của trạng thái tinh thần xã hội tới văn học, ông cho rằng “tinh thần như một yếu tố quan trọng hàng đầu trong toàn bộ hệ thống sinh thái xã hội, trong đó tinh thần vừa là môi trường nuôi dưỡng mọi sáng tạo vật chất và tinh thần, lại vừa là sản phẩm của chính môi trường văn hóa tinh thần do con người tạo ra.

Trên cơ sở đó rà soát các hệ thống giá trị nội tại của con người, sự xung đột của các giá trị truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, các giá trị thật và giả tạo, cao cả

và tầm thường, chân thực và hư ảo”[77]. Rất nhiều tản văn đầu thế kỷ XXI xoáy vào sự hỗn mang của đời sống tinh thần con người hiện đại song hầu như nhà văn nào cũng viết về nỗi nhớ: người trẻ quay đầu về phía ấu thơ, người già ngoảnh lại nhớ thời thanh xuân, người xa xứ nhớ về quê nhà, người còn sống nhớ người đã khuất, con cái đi xa nhớ cha mẹ… và nỗi nhớ thường được đọng kết trong hương vị những món ăn quen thuộc; một hình ảnh, một chi tiết bé nhỏ nào đó thấm đẫm dư vị đời sống thường nhật. Nên tản văn đầu thế kỷ XXI có một motip khá phổ biến: ẩm thực không chỉ đánh thức vị giác mà còn đánh thức ký ức, các chi tiết bé nhỏ cũng có khả năng tương tự. Phải chăng đời sống hiện đại là guồng máy vội vã, ồn ào, vô

cảm khiến con người khát khao tìm kiếm những điều ấm áp, đẹp đẽ, đầy nhân tính đã mất, chỉ còn đọng lại trong ký ức? Tản văn là lát cắt của cảm xúc tức thời, nó thỏa mãn những khoảnh khắc kiếm tìm trong nỗi nhớ. Vì thế, tản văn đầu thế kỷ XXI dễ tìm được sự đồng cảm và chạm tới tâm hồn của nhiều đối tượng độc giả

khác nhau hơn so với tản văn ở thế kỷ trước.

Chiếm lĩnh ưu thế trong xuất bản và cạnh tranh thành công (nhìn từ công chúng tiếp nhận) không chỉ là sự may mắn của tản văn ở đầu thế kỷ XXI, mà là kết quả của một số nguyên nhân, trong đó, yếu tố quan trọng nhất là sự thích ứng của thể loại tản văn (các đặc trưng của nó) với môi trường sinh thái văn hóa đương đại.

Nhờ sự thích ứng đó, đầu thế kỷ XXI được xem là “thời của tản văn”. Không thể nói trước về tương lai thể loại nhưng chắc chắn ở thời điểm này, tản văn Việt Nam hiện đại đã chứng tỏ được vị thế trên văn đàn Việt Nam.

2.1.3 Tản văn mạng- bộ phận không tách rời của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Mạng internet là công cụ hữu ích nhất của môi trường văn hóa truyền thông cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Sự xuất hiện của internet và các sản phẩm công nghệ thông minh đem lại cho con người một cuộc sống nhiều tiện ích: con người có

“cả thế giới trong tầm tay”, tương tác nhanh chóng, xóa mọi khoảng cách không gian và công nghệ đã tạo ra cuộc cách mạng lớn trong đời sống văn học. Riêng với tản văn, nhờ mạng công nghệ mà thể loại có sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều phương diện, theo đó, tản văn (trên) mạng trở thành phần quan trọng góp phần làm nên diện mạo và là bộ phận quan trọng của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

Ở góc độ sáng tác và tiếp nhận, công nghệ giúp người viết có thể sáng tác trong thời gian ngắn, chia sẻ tác phẩm trên mạng ở bất cứ không gian, thời gian nào mà không gặp nhiều rào cản như hình thức sáng tác và xuất bản truyền thống trước đó. Bằng công nghệ hiện đại, cách mà độc giả tiếp nhận một tác phẩm cũng nhanh như việc người viết chia sẻ một sáng tác. Hơn nữa, sự tương tác giữa hai bên diễn ra nhanh chóng, dễ dàng. Những bình luận (comment), trao đổi (chat) dưới dạng một tin nhắn (messenger) thường diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, phản ánh đúng tốc độ đời sống của thế giới hiện đại. Thực tế cho thấy trong 10 năm đầu thế kỷ

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại (Trang 45 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)