Diện mạo chung của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại (Trang 52 - 75)

Chương 2 TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI TẢN VĂN VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI

2.2 Diện mạo chung của tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI

Đầu thế kỷ XXI, tản văn có một lực lượng sáng tác hùng hậu và đa dạng: Họ

đa dạng từ lứa tuổi tới nghề nghiệp; họ trưởng thành từ những vùng miền văn hóa khác nhau; họ viết tản văn khi sinh sống ở những không gian địa lý khác nhau… Có những cây bút thuộc thế hệ 3x (Lê Giang, Băng Sơn); 4x (Cao Huy Thuần, Thái Kim Lan, Y Phương); đông đảo các tác giả thuộc thế hệ 5x (Huỳnh Như Phương, Trần Chiến, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Hà, Trần Tiến Dũng, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Thị Hậu, Lê Minh Quốc, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Lê Văn Nghĩa, Bảo Ninh, Đỗ Phấn…); thế hệ 6x (Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Lữ Thế Cường, Lê Minh Hà, Nguyễn Việt Hà, Trần Thùy Linh); thế hệ 7x (Hoàng Hồng Minh, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Tư, Đinh Vũ Hoãng Nguyên, Uông Triều) và thế hệ 8x (Phan An, Khải Đơn, Hamlet Trương, Đặng Thiên Sơn…). Mỗi thế hệ một góc nhìn, một thế

mạnh trong cách viết và câu chuyện được viết trong tản văn. Họ có thể là nhà văn nhưng cũng có thể là một nhà lí luận phê bình văn học (Huỳnh Như Phương); một nhà khảo cổ học (Nguyễn Thị Hậu); một giáo sư triết học (Thái Kim Lan); một nhạc sĩ (Dương Thụ); MC nổi danh (Trác Thúy Miêu); một đạo diễn điện ảnh (Lê Hoàng, Việt Linh); họ cũng có thể là những họa sĩ – kiến trúc sư (Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý, Đinh Vũ Hoàng Nguyên…); rất nhiều nhà báo viết tản văn (Khải Đơn, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Ngữ Yên, Trang Hạ); nhiều nhà thơ lựa chọn sáng tác tản

văn như sự thể nghiệm dạng thức biến thể của thi ca (Đặng Thiên Sơn, Phan Vàng Anh, Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Lê Minh Quốc, Lê Giang, Hoàng Việt Hằng…); nhà văn trào phúng là Lê Văn Nghĩa cũng viết tản văn… Người viết tản văn trong nước đông đảo, song cũng có nhiều nhà văn hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài lựa chọn tản văn như hình thức sẻ chia ký ức (Lữ Thế Cường ở Hà Lan; Hoàng Hồng Minh, Việt Linh, Cao Huy Thuần ở Pháp; Thái Kim Lan, Trần Thùy Linh, Mai Lâm, Lê Minh Hà … ở Đức).

Nhìn chung, có thể xếp lực lượng sáng tác tản văn ở giai đoạn này vào hai nhóm chính: những cây bút có ý thức chuyên nghiệp, được xác định là tác giả tản văn (hầu hết là những nhà văn đã thành danh, tên tuổi quen thuộc với độc giả: Băng Sơn, Y Phương, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư v.v…); những cây bút nghiệp dư và sáng tác tản văn chỉ là một bộ phận nhỏ (phần lớn là những cá nhân có sự ảnh hưởng rộng ở lĩnh vực ngoài văn học, viết tản văn không phải là hoạt động thường xuyên như: Cao Huy Thuần, Nguyễn Thị Hậu, Thái Kim Lan, Lê Minh Quốc, Dương Thụ, Lê Hoàng …).

Đội ngũ sáng tác ngày càng đông đảo vừa là ưu điểm, vừa là hạn chế của tản văn. Một mặt, mở rộng phạm vi người viết cho thấy tinh thần dân chủ của các thể loại văn học. Lợi thế của tản văn là tính tự do trong bộc lộ xúc cảm. Khi gỡ bỏ dần những trói buộc của văn nghệ đường lối sẽ khích lệ người viết thể hiện cá tính, suy nghĩ cá nhân, những đối thoại và đề xuất một cách thoải mái – điều này hoàn toàn phù hợp với tản văn. Tính dân chủ ở đây được hiểu là sự bình đẳng trong nhu cầu được thể hiện và bộc lộ cho nên bất cứ ai – là nhà văn chuyên nghiệp hay không chuyên đều có quyền cất lên tiếng nói của riêng mình. Tính dân chủ còn thể hiện ở nội dung tư tưởng trong tác phẩm, tản văn dường như không hạn chế câu chuyện, vấn đề nào của đời sống xã hội, con người… Tuy nhiên, chính vì đội ngũ sáng tác có vẻ hơi ồ ạt nên chất lượng tản văn là một vấn đề. Ở hạn chế này, chúng tôi đồng tình với cái nhìn của tác giả Mai Anh Tuấn khi mổ xẻ sự bùng nổ của tản văn đầu thế kỷ XXI: “Thoạt nhìn, viết tản văn dễ đến mức như là công việc xảy ra trong lúc nhàn rỗi, trong lúc chờ đợi cái gọi là “tác phẩm lớn” của người viết. Trên thực tế,

không hiếm những cuốn tản văn đã làm chật và chướng giá sách bởi sự xông xáo quá đà của giới xuất bản. Xin nói ngay rằng, với tôi, việc đọc những tản văn chỉ quanh quẩn ở nhớ nhung kỉ niệm hoặc lật trang nào cũng vấp phải vài màn than nghèo kể khổ và được kịch tính hóa bằng cách đổ lỗi cho số phận là việc bất đắc dĩ (…). Tản văn, vì bị coi là thức quà ăn nhanh, cũng rặt bóng dáng nhiều đầu bếp vụng về” [80]. Chính vì thế, tản văn ở giai đoạn này phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn thiếu sự kết tinh, có giải thưởng nhưng hiếm hoi. Nghiên cứu sự “bùng nổ” của tản văn nhưng chúng tôi không ảo tưởng sức mạnh của thể loại mà rất khách quan để thấy “muốn nâng tản văn như là một lao động thể loại, (…) vẫn cứ phải kí kết với những cây bút thuần thục kinh nghiệm. Ở đó, một tản văn hay bao giờ cũng nảy lên một giọng điệu, lớp ngôn ngữ riêng, một ý tưởng và chủ kiến cá nhân, một quan sát và tái hiện độc đáo. Một tản văn hay sẽ biết ra đòn hấp dẫn và dừng lại đúng lúc”[85]. Điều đó thêm một lần nhắc nhở người viết và cả người đọc tiết chế sự ưu ái, dễ dãi với thể loại bởi vì sự ra đời có vẻ dễ dàng dễ bị nhầm tưởng với thể văn xoàng xĩnh, có phần “bình dân” trong khi đó, “tản văn đã chứng thực là một thể loại khó viết chứ không phải là cuốn lịch để ghi vội vài dòng tản mạn tùy thời tiết, tâm trạng”[85]. Tản văn cũng đòi hỏi triển khai một tứ với tâm thế một người giàu trải nghiệm, thậm chí viết với tâm thế của một người nghiên cứu tinh thần con người, trạng thái xã hội.

2.2.2 Số lượng sáng tác

Nhìn nhận đời sống tản văn đầu thế kỉ XXI chưa nói hết được sự phát triển sôi nổi của thể loại nhưng nếu có một con số thống kê chính xác số lượng tác phẩm ra đời và được xuất bản thì đó sẽ là con số ấn tượng mà rất nhiều thể loại văn học khác phải “ghen tị”, nhất là trong bối cảnh các nhà xuất bản phải cân nhắc lựa chọn đầu sách đảm bảo doanh thu. Hai thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XXI chỉ là chặng khởi động và vẫn còn chặng đường rất dài phía trước để tản văn tiếp tục khẳng định vị thế trong đời sống văn hóa, văn học.

Để làm một con số thống kê chính thức về số lượng tản văn thực sự khó vì

hàng ngày, hàng giờ, những tản văn vẫn được ra đời và được đón nhận. Song số tản văn được khảo sát cho luận án này cũng là những con số biết nói: 163 tập tản văn

của 462 tác giả, gồm 6.602 bài tản văn. Chỉ cần nhìn vào một số cây bút đều tay xuất bản tuyển tập tản văn và số lần tái bản, số sách mỗi lần tái bản cũng đủ thuyết phục về sự lan tỏa mạnh mẽ của tản văn hiện nay. Chẳng hạn trường hợp nhà thơ Y Phương quay sang tản văn bắt đầu bằng những bài viết nhỏ đăng trên chuyên mục văn hóa của một tạp chí và sau đó xuất bản liền ba tập tản văn gồm 107 bài viết; nhà văn Nguyễn Việt Hà tung ra bốn cuốn tuyển tập tản văn gồm 248 bài tản văn; nhà văn Nguyễn Trương Quý có 177 bài viết nằm trong sáu tập tản văn về Hà Nội; cũng lấy Hà Nội làm trung tâm cảm hứng, nhà văn Băng Sơn có lẽ giữ kỷ lục về sức viết khi ông có bảy tập tạp văn (tái bản nhiều lần) gồm 363 bài viết; nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng không ngơi nghỉ khi vừa viết truyện ngắn, truyện dài, vừa “dạo” qua tản văn cũng kịp xuất bản tám tập tạp văn gồm 260 bài viết, trong đó riêng cuốn Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư được tái bản lần thứ 20 và nằm trong nhóm sách bán được trên 20.000 bản… Những tác giả trên đều thuộc nhóm “tem bảo đảm” cho các nhà xuất bản và các tập sách nêu trên đều trong tình trạng “khốn đốn” vì hiện tượng sách lậu, nhìn một cách tích cực thì đó là do cầu tăng đột biến so với cung.

Tín hiệu đáng mừng khác về văn hóa đọc của giới trẻ và sự sống mạnh mẽ của tản văn là hiện tượng tuyển tập tản văn của những cây bút trẻ được tái bản trong đón đợi nhiệt thành của công chúng. Tập sách Ngày trôi về phía cũ của tác giả Anh Khang sau một năm phát hành, tới tháng 9/2013 đã tái bản lần thứ tư với 20.000 cuốn được bán. Trong Top 10 cuốn sách bán chạy năm 2013 của Tiki – đơn vị phát hành sách lớn trên mạng, cuốn tản văn Thương nhau để đó đứng ở vị trí thứ ba, còn Ngày trôi về phía cũ đứng thứ chín. Ngày 18/1/2014, tác giả Iris Cao phát hành tập tản văn Người yêu cũ có người yêu mới. Ngay lập tức sách đã đứng số một trong danh sách “Sách bán chạy nhất tháng” của Vinabook. Cũng có trường hợp tản văn của cây bút lớn chưa được nhiều bạn đọc biết tới thì hôm nay, sách được tái bản giới thiệu tới công chúng một cách rộng rãi. Đó là trường hợp nhà văn Võ Phiến (Tràng Thiên) được ví như một Nguyễn Tuân của miền Nam, nhưng không nhiều người được biết và đọc tác phẩm tản văn của ông. Cuối năm 2012, cuốn sách Quê hương tôi và giữa năm 2013 là tập Tạp văn Tràng Thiên được Nhã Nam và nhà xuất

bản Thời đại phát hành thì độc giả mới được thưởng thức những trang tạp văn của một cây bút có tên tuổi của văn học đô thị miền Nam trước năm 1975.

Tuy nhiên, nhìn từ giá trị sáng tác, sự phát triển quá nhanh về mặt số lượng của tản văn cũng có hai mặt. Một mặt, nó chứng minh rằng không phải những thể loại văn xuôi có lịch sử sinh mệnh bề thế lúc nào cũng ngồi “chiếu trên”. Trong định kiến về thể loại, tản văn là thứ lép vế trên văn đàn vì chẳng nói được điều gì

lớn lao, song “sự đảo chiều trong thời đại thông tin, nơi cái nhanh gọn, dễ nắm bắt, dễ triển khai là qui tắc hàng đầu của mọi kênh phát và nhận, nên tản văn có cơ hội giành lấy vị thế mới”[85]. Vị thế mới ấy là gì? tản văn viết những câu chuyện đời thường đem lại cho độc giả cảm giác quen thuộc, được sẻ chia và cảm thông nhờ đó chiếm lĩnh số lượng lớn người đọc phổ quát, dần dần xác lập giá trị. Mặt khác, sự

phát triển nhanh chóng về số lượng cũng bộc lộ những hạn chế nhất định, đó là cảm giác tản văn hôm nay chẳng khác gì “một cửa hàng bách hóa tổng hợp” chiều khách đến – vừa lòng khách đi. Bởi nó “bày biện tất thảy các loại gia vị, từ vui vẻ, bông đùa, giễu cợt đến nghiêm ngắn, thiết tha, “tải đạo” và không hiếm trường hợp là lảm nhảm trữ tình” [85]. Người đọc kĩ tính hoa mắt trước kệ sách tản văn, tạp văn và

cũng cần một thái độ công bằng gạn lọc để thấy có những thứ thú vị, nhưng cũng có nhiều thứ “nhảm”. Nếu kéo dài tình trạng “ào ào” vàng- thau lẫn lộn như đã và đang diễn ra ở đầu thế kỷ XXI, sợ rằng thể loại sẽ nhanh thắm mau phai vì “một thể loại gặp thời không có nghĩa là trường thọ” [85].

2.2.3 Một số cây bút tiêu biểu

Khi lựa chọn những cây bút nổi bật của tản văn Việt Nam trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI, chúng tôi xây dựng một số tiêu chí căn bản.

Trước hết, sáng tác của cây bút được lựa chọn phải mang những đặc trưng cơ bản của thể loại, đồng nghĩa người sáng tác vừa am hiểu và tuân thủ nghiêm ngặt đặc điểm thể loại lại vừa đóng góp để đặc điểm thể tùy bút phát triển theo hướng ngày càng sắc nét. Tiêu chí thứ hai là sự hình thành một phong cách độc đáo ở thể loại tản văn (điều này thì thường có ở những cây bút đã thuần thục kinh nghiệm sáng tác ở những thể loại khác đã khẳng định được vị trí của mình). Thứ ba, một tác giả tiêu biểu còn là nhà văn có số lượng sáng tác tản văn trong hai thập kỷ đầu thế

kỷ XXI tương đối lớn song số lượng phải đồng hành chất lượng, giải thưởng cũng là

một yếu tố quan trọng để đánh giá… Căn cứ vào những dấu hiệu nổi bật đó, chúng tôi lựa chọn giới thiệu bốn cây bút tản văn được bạn đọc yêu thích và phê bình, nghiên cứu văn học quan tâm, đó là: Y Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư và Trang Hạ - một mặt, họ là những cá tính sáng tạo độc đáo, mặt khác, những tác giả này đã tích cực góp phần làm cho tản văn Việt Nam phong phú về đề tài, đa dạng về cảm hứng và phương thức sáng tác, thể hiện rõ đặc trưng thể loại, khẳng định vị trí của tản văn trong hệ thống thể loại văn học hiện hữu.

2.2.3.1 Tản văn của Y Phương

Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1947 tại Trùng Khánh, Cao Bằng). Ông là gương mặt thơ tiêu biểu, xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Những sáng tác của Y Phương mang phong cách độc đáo, vừa đậm đà bản sắc “người đồng mình” (văn hóa Tày), vừa rộng mở, giao hòa với vùng văn hóa rộng lớn để hợp lưu thành dòng thi ca trong văn học Việt Nam. Nhưng không chỉ là một nhà thơ người Tày danh tiếng, Y Phương còn là cây bút tản văn góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị trí của thể loại văn học này trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Từ năm 2010 tới 2016, ông đem tới cho độc giả ba tập tản văn: Tháng Giêng- tháng Giêng một vòng dao quắm (2009), Kungfu người Co Xàu (2011), Fừn nèn (Củi tết) (2016). Trong đó, tập tản văn Kungfu người Co Xàu đạt giải thưởng Hội văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2011, tập Tháng Giêng – tháng Giêng một vòng dao quắm được tặng Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010.

Đến với thể loại tản văn, Y Phương chia sẻ: “Tôi viết như gieo một loài giống mới trên cánh đồng trinh nguyên… Tôi trông chờ sản phẩm “ra lò” là một thể loại nào đó của văn xuôi. Mọi người gọi là tản văn. Ừ thì tản văn. Nó không giống tùy bút. Càng không như phóng sự. Nó là nó. Nhưng tôi lén coi tản văn với thơ như hai anh em con dì con già. Viết tản văn phải có chất thơ. Nghĩa là nó biêng biêng trên nền tảng hiện thực. Nó bám hiện thực, nhưng rồi đến khi có đà, nó bay lên trên hiện thực” [30].

Đúng như Y Phương quan niệm về sự bắt rễ hiện thực của tản văn, ba tập tản văn Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm, Kungfu người Co Xàu, Fừn nèn (Củi tết) bám sát những vấn đề thiết yếu của đời sống. Đó là những lát cắt muôn màu về bức tranh toàn cảnh văn hóa (xưa và nay) của người Tày nói riêng, người vùng cao nói chung. Tình yêu thiết tha ông dành cho ngôi làng Hiếu Lễ (Cao Bằng) khiến mỗi tản văn như “rứt” ra từ máu thịt một người Tày mang theo văn hóa

“người đồng mình” trong từng tế bào. Từ đây, tản văn của Y Phương mở rộng dần biên độ, đề tài và những vấn đề được phản ánh trở nên phong phú, tình yêu văn hóa quê hương trở thành tình cảm với văn hóa dân tộc. Nhưng “Y Phương không yêu dân tộc mình ở đầu lưỡi, lạm dụng chất dân tộc. Qua tất cả những cảnh huống sinh hoạt vật chất và tinh thần hiện thực, những đam mê và đau khổ trần trụi, những chìm lặng không sao nói hết và những sự thật cuộc đời… Y Phương tiếp tục phát hiện về dân tộc mình” [7/tr278]

Giữa rất nhiều cây bút viết tản văn, giữa vô số những tập tản văn được giới thiệu với bạn đọc trong 20 năm qua, sáng tác của Y Phương là mảng màu riêng tạo nên bởi hai yếu tố: cảnh sắc thiên nhiên vùng cao và cuộc sống con người vùng cao gắn liền với phong tục tập quán, truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.

Cảnh sắc thiên nhiên trong tản văn của Y Phương được gợi, dựng từ những chất liệu quen thuộc của quê hương, đó là dòng sông, dáng núi, cây tre, cây trúc, quả trám, hạt dẻ… chúng sinh động và tươi nguyên sự sống mặc dù xuất hiện trong hiện tại hay trở về ký ức. Y Phương say mê trước cảnh hoàng hôn quê hương:

“Chiều quê tôi sánh vàng như mật. Đấy là thời khắc ve ran như sôi. Lá rừng thiêm thiếp” (Về Trùng Khánh mà nghe hạt dẻ); ông dẫn dụ người đọc hình dung ra cả

không gian núi rừng xanh ngắt chỉ với tấm chiếu trúc: “Đi hết cuộc đời người cha, sang cuộc đời con đến cuộc đời cháu, chắt, chút, chít… vẫn quẩn quanh núi trúc…

Chỉ cần nghe lá trúc reo, là hổ báo với lợn rừng tự mình mềm oặt…” (Chiếu trúc nhìn ta). Ở thành phố, không nguôi nỗi nhớ sông Bắc Vọng, Quây Sơn, con sông

“…quanh năm trong xanh ngăn ngắt. Ngay cả đến những ngày bão lũ, nước chỉ đùng đục có vài ba giờ. Sao đó trở lại màu xanh rêu vốn có. Cái màu xanh rêu như trời dưới đáy sông, đã làm cho tôi sợ từ hồi còn nhỏ, đến bây giờ. Bà nội tôi bảo

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Văn học: Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI từ góc nhìn thể loại (Trang 52 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)