Chương 4 NGUYÊN TẮC GIAO TIẾP VÀ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN NGUYÊN TẮC GIAO TIẾP VÀ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN
4.2 Phương thức thể hiện
4.2.1 Đa dạng hóa ngôn ngữ 4.2.1.1 Khẩu ngữ - ngôn ngữ tự do
“Khẩu ngữ” được hiểu là ngôn ngữ nói thông thường, được sử dụng để trao đổi thông tin, tình cảm, tư tưởng trong đời sống hàng ngày, tồn tại ở dạng nói.
Trong văn học, khẩu ngữ được dùng như một dạng chất liệu ngôn ngữ đặc biệt. Về mặt hình thức, có vẻ như khẩu ngữ đối lập ngôn ngữ nghệ thuật vì nhà văn chủ
động sử dụng nhiều phương ngữ, các thán từ, trợ từ đưa đẩy, các hình thức tỉnh lược câu, những kiểu ngôn ngữ phát sinh trong đời sống đương thời… thực chất, việc sử dụng khẩu ngữ cũng là một lựa chọn có cân nhắc của người viết vì sử dụng đắc địa lớp ngôn ngữ này, nhà văn sẽ cùng lúc đạt được nhiều mục đích: rút ngắn khoảng cách giữa văn học với đời sống; bộc lộ rõ cá tính, phong cách; khẳng định năng lực nghệ thuật bởi khẩu ngữ là con dao hai lưỡi – một mặt nó sẽ tái hiện sự sống tươi
rói, mặt khác, nó dễ biến thành thứ suồng sã, thô lậu, giản đơn vì thế không phải nhà văn nào cũng dám lạm dụng khẩu ngữ và không phải nhà văn nào sử dụng khẩu ngữ cũng thành công. Biểu hiện dễ thấy của lớp ngôn ngữ này là sự xuất hiện của từ ngữ dân giã, tự nhiên; mật độ dày đặc phương ngữ, phản ánh thói quen ăn nói của một vùng, miền nào đó; ngôn ngữ “vỉa hè” hay ngôn ngữ được sử dụng trên mạng internet, những câu nói viral (có hiệu ứng lan truyền nhanh) hoặc cách diễn đạt đã thành hot trend (xu hướng thịnh hành được nhiều người quan tâm và bắt chước diễn đạt lại trong các cảnh huống khác của đời sống)…
Ngoài việc tiếp thu và sử dụng thứ ngôn ngữ uyên bác, giàu thẩm mỹ của tản văn thế kỷ XX, tản văn thế kỷ XXI còn tự làm mới mình bằng việc đẩy mạnh việc sử dụng ngôn ngữ đời thường, tự do, đậm chất khẩu ngữ nhằm thỏa mãn đòi hỏi gần gũi, dễ hiểu hơn của văn chương giữa bối cảnh mới. Tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI sử dụng khẩu ngữ như một chiến lược giao tiếp nhằm về gần độc giả nhất mức có thể, nghĩa là thể loại chọn “tính đồng đại của sự tiếp xúc giao tiếp”. Xu hướng này bao gồm hai bình diện cơ bản của một diễn ngôn: ngữ cảnh và tâm lý. Ở bình diện ngữ cảnh, khẩu ngữ được chấp nhận khi nó “mở rộng trường nghĩa trên cơ sở ngữ cảnh văn hoá xã hội, lịch sử và các ngữ cảnh khác”[9] thuộc môi trường văn hóa, văn học đầu thế kỷ XXI; còn nhìn từ bình diện tâm lý, khẩu ngữ đặt đúng vị trí sẽ thoát khỏi tính dung tục, thô nhám trong đời thường để trở thành nơi “dự trữ tình cảm, nghị lực chứa đựng trong diễn ngôn và cung cấp cho nó sức mạnh khơi gợi”[11]. Cần nhớ chiến lược giao tiếp chỉ là chủ định của cấu trúc diễn ngôn, trong khi “diễn ngôn là cách nói năng, phương thức biểu đạt về con người, thế giới,về các sự việc trong đời sống. Nhưng diễn ngôn không phải là cách nói thế nào trong tương quan với nói cái gì, không phải là hình thức. Diễn ngôn là hiện tượng tư tưởng [12]. Điều này có nghĩa diễn ngôn không phải là công cụ diễn đạt, mà là bản thể tư tưởng, bản thân tư tưởng, mọi tư tưởng đều biểu hiện thành diễn ngôn, như vậy tản văn chọn chiến lược khẩu ngữ không đồng nghĩa với việc tản văn sử dụng đơn vị ngôn ngữ sinh hoạt đời thường một cách suồng sã, ngẫu hứng - mà bản thân khẩu ngữ đã mang tính tư tưởng, đó là lúc khẩu ngữ trở thành văn khẩu.
Nếu làm một cuộc bình chọn nhanh cho giải thưởng người sử dụng khẩu ngữ ấn tượng nhất trong tản văn, có lẽ người được nhớ đầu tiên không ai khác là nhà văn Nguyễn Quang Lập. Tản văn của ông sử dụng khẩu văn với mật độ dày đặc. Trước ông, nhiều nhà văn tên tuổi từng sử dụng khẩu văn để tái hiện bức tranh đời “nhưng phải đến Nguyễn Quang Lập mới trở thành một hình thức văn lạ, một loại ngôn ngữ văn xuôi mới (…). Khẩu văn Nguyễn Quang Lập có sự pha trộn của lối nói dân gian tự nhiên, sinh động với thể văn hồi kí phóng túng, đầy cảm hứng.
Khẩu văn Nguyễn Quang Lập là viết theo lối nói, như tác giả đang nói/trò chuyện trực tiếp với người đọc, do đó, đọc Kí ức vụn, ta khoái cảm như nghe những dòng âm thanh đang chạy rần rật, “như thấy những con chữ đang cựa quậy trên trang giấy”. Chẳng riêng gì Kí ức vụn (1,2) mà trong Bạn văn (1,2) xuất hiện dày đặc các lớp từ ngữ gồm từ khẩu ngữ, từ địa phương và từ thông tục, biến chúng thành những mã thẩm mĩ có sức ám gợi người đọc, tạo nên nét cá tính khẩu văn. Sử dụng thường xuyên nhưng có chọn lọc, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, gắn với những ngữ cảnh nhất định. Lớp từ khẩu ngữ đã thực sự tạo được những liên tưởng bất ngờ, những hàm nghĩa tinh tế, sinh động, có tác dụng trong việc làm cho đối tượng, sự
việc được miêu tả thực hơn, tạo nên những nhận thức mới. Mỗi người đọc, dù khác nhau về tuổi tác, trình độ nhưng khi đọc Kí ức vụn của Nguyễn Quang Lập đều có cảm giác như đang tiếp xúc với những lời nói quen thuộc hàng ngày, tự nhiên, sinh động. Đó là những từ ngữ dùng để xưng hô thằng, con, mụ, mẹt, thằng cu, anh cu, ông cu,... và cách xưng gọi thằng Á, thằng Tuỵ, thằng Du, thằng Nguyên (Phạm Xuân Nguyên), con Hà, con Sử, con Thuỷ, mụ Cà, mẹt Lạm, cu Cá, cu Đô, thằng cu Hói, anh cu Luật, ông cu Hoi,... một cách bỗ bã, suồng sã nhưng gần gũi thân mật.
Cái duyên hấp dẫn người đọc nhất của Nguyễn Quang Lập là việc sử dụng các tổ hợp từ khẩu ngữ hết sức tự nhiên, tần số cao như: chán ốm, mừng húm, sướng rêm, cười ré, khoẻ re, giỏi cực, hay hè, sướng râm ran, chán mớ đời, trắng gớm hè, trật chỏng vó, sợ bằng chết, nảy đom đóm, hăng máu vịt, mừng tha dép, câm miệng hến, trơ mắt ếch, khoẻ như tru, đập một phát, mặt xanh như đít nhái,... Những kiểu nói lặp từ, những kiểu cấu tạo từ chỉ dùng trong khẩu ngữ hàng ngày xuất hiện dày đặc trong văn Nguyễn Quang Lập: giỏi hè giỏi hè, ừ đo ừ đo, phi công phi keo, sướng
cuống cà kê, mừng nha mừng nha, rứa a rứa a, quẹt quẹt ẻ ẻ, thở vô thở ra, trẻ hè trẻ hè, (cười) tít ta tít tít, ê ê trật trật, sai sai ngu ngu, đổi mới đổi méo, bờ lốc bờ leo, cười cái liếc cái, văn nghệ văn gừng, viết sách viết siếc, thủ trưởng thủ triếc, tào lao chi khươn, giới hạn giới heo,... Rồi người ta luôn nhớ blog có tên Quê Choa, nhớ Bọ Lập hơn là tên đầy đủ (Nguyễn Quang Lập) chỉ vì những nick đó có đính thương hiệu Quảng Bình, phương ngữ Quảng Bình. Tương tự vậy, nhà văn quen gọi em trai mình – nhà văn Nguyễn Quang Vinh là “cu Vinh”, ở mọi mặt trận dù nghiêm túc hay dân dã, khi nhắc tới em, Bọ Lập vẫn gọi “cu Vinh”. Cũng vậy, trong Kí ức vụn còn có sự góp mặt của lớp từ địa phương giàu màu sắc biểu cảm - cảm xúc, có tác dụng làm tinh tế hoá ý nghĩa cho câu văn. Các từ ngữ địa phương thuộc phương ngữ Quảng Bình nói riêng, vùng phương ngữ Bắc Trung Bộ nói chung được sử dụng với số lượng lớn, tần số cao như: bọ, mạ, y chang, rứa, răng, mần, mần răng, chi, nha, con bạ men, ui ui, ui xời, ẻ vô ẻ vô… các từ ngữ địa phương được sử dụng hết sức tự nhiên như chính lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân quê ông nhằm bộc lộ cách nghĩ, cách cảm của quê choa, “định hình một thương hiệu bọ Lập”, thậm chí là những cụm từ độc quyền của nhà văn gốc Quảng Bình (hehe, thất kinh, ẻ vô...). Dùng từ thông tục, Nguyễn Quang Lập như tự sự với đời, muốn làm người trong cuộc mượn cái tục để chuyển tải những vấn đề bức xúc rất thực, rất đời. Sự thông tục đó không chiếm diện tích hết phần ngôn ngữ trong tạp văn của ông, nhà văn tiết chế và sử dụng cái tục - cái thanh hoà làm một. Cái tục được sử dụng không phải để tạo cảm giác, gây ấn tượng mà chủ ý của tác giả là tạo cảm xúc thẩm mĩ, gợi cho người đọc những suy nghĩ, triết lí sâu sắc về phận người, kiếp người trong cuộc mưu sinh dâu bể. Cái tục trong văn Nguyễn Quang Lập đã tạo được những phản ứng thẩm mĩ nơi người đọc.
Về mặt ngôn ngữ học, Y Phương là trường hợp đặc biệt sử dụng loại ngôn ngữ hỗn hợp giữa Kinh và Tày, có lẽ sau Nguyễn Tuân, ông là nhà văn dùng nhiều từ láy, nhiều từ tượng thanh đạt đến mức tinh tế, gợi được sự sống xôn xao chỉ qua ngôn hình đơn sắc. Nhà thơ Y Phương miêu tả bánh cuốn nướng, đặc sản của Cao Bằng: “Hãy lắng nghe. Hình như có tiếng ban mai róc rách trong miệng nồi. Nước đang âm ỉ sôi và xương ống đang khe khẽ nát. Lát nữa, bánh sẽ tưới tắm trong bát
nước canh. Rắc lên trên một chút mùi tàu thái chỉ. Bạn lắng nghe nhé. Cả lũ bánh đang bì bõm sướng”… Bao trùm tập tản văn Tháng giêng, tháng Giêng một vòng dao quắm là trái tim khẽ khàng của tác giả muốn được bâng khuâng cùng cốt cách người Tày thắp lửa truyền đời được diễn giải qua phương ngữ chỉ đọc lên đã thấy hình ảnh người Tày không thể lẫn: "Nhà rách, vách nát, áo ngắn, quần vá, nhưng chủ nhân lại đầy một bụng chữ. Chữ nào cũng lành lặn. Chữ nào cũng núc ních béo tròn phúc hậu. Những con chữ đưa tay ra cứu vớt người".
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại có sở trường bứng nguyên ngôn ngữ quê mình vào trang viết. “Cái đầu tiên làm người đọc choáng váng (cách thích thú), là nồng độ phương ngữ miền Nam trong truyện của Nguyễn Ngọc Tư” (Trần Hữu Dũng).
Đó là thứ ngôn ngữ không chạy qua màng lọc của sự cắt tỉa, mà nó đi thẳng từ đồng ruộng sông nước mênh mông vào tác phẩm, khiến bất cứ ai sinh ra từ nơi này đều tưởng Ngọc Tư viết về mái nhà của mình, tuổi thơ của mình. Trong tản văn của chị, có rất nhiều từ ngữ phản ánh đặc trưng của một vùng quê Nam Bộ. Đó là những từ chỉ địa hình, sản vật gắn với một vùng sông nước: bình bát, bông, hột, bông súng, bông trang, mồng gà, ô rô, cây tra, lồng đèn, sạp ghe, tủ kiếng, cải lương, vọng cổ,… cách xưng gọi mang sắc thái Nam Bộ: bây, má, tía, qua, chế… Đó là những từ biến âm và biến âm có rút gọn: bi nhiêu, hổng dè, thiệt, thí mồ, ảnh, trển, ổng, phải hôn… Đó là cách diễn đạt kiểu Nam Bộ: mùi ác liệt, mệt gì đâu, mắc mớ, mùi rụng rún, mần chi, ngắc ngứ hoài, coi đâu có được, cực trần ai khoai củ, như vầy nè, lãng òm, dữ ôn vậy không biết, mắc cười muốn chết (…). Những tình thái từ như: nghen, hén, chèn ơi... Một hệ thống những từ ngữ biểu cảm, giàu hình ảnh mà khoe được tính cách hồn nhiên của con người Nam Bộ: nhảy cà tưng, tỉnh bơ ba khía, héo queo héo quắt, cà xình cà xàng, búa lua xua, lửng ta lửng tửng, tí ta tí tởn, chết ngoẻo cù nèo, nhát hít, mắc dịch,trống hơ trống hốc, sướng thấy mồ, hổng dè, đã thiệt, mát trời ông địa, bảnh thiệt, mắc mớ, mần chi, coi cẳng, coi giò,… Đọc tản văn của Nguyễn Ngọc Tư tưởng như đó không phải văn mà là ghi chép ngẫu hứng về mấy má, mấy chị vừa bơi xuồng vừa nói qua nói lại chuyện này chuyện nọ, lời vừa tự nhiên gần gũi vừa duyên dáng và không thiếu chất nghệ thuật.
Văn phong của nhà văn Trần Chiến thể hiện trong A đây rồi Hà Nội bảy món cũng rất ấn tượng bởi cách sử dụng từ ngữ mạnh: “Thiêng liêng nhất là gian thờ (…) mở ra, mùi nhang đen, hoa huệ và bưởi đột kích vào mũi gây cảm giác rất lạ”; đôi phố trở thành “khu thương nghiệp phừng phừng sức sống”; rất cần làm “đông cứng”
phố cũ Hà Nội để còn giữ lại chút gì đó giống như bản sắc để làm du lịch; “biệt thự
đang trèo ra ngoại thành(…) đó là không gian cho người thích thanh tâm”… Sự cập nhật thứ ngôn ngữ đường phố của thời mới cũng được Trần Chiến sử dụng nhiều lần:
những “nhà công ten nơ”, “bao diêm có mái”; thành ngữ đời mới “nhà mặt phố bố
làm to”, những “tay lái lụa” mới len lách được qua tầng tầng lớp lớp những quán mọc lên vỉa hè hoặc “đánh võng “ trên các phố đi bộ; thiếu nữ Hà Nội nhờ phố ẩm thực mà đâu đâu cũng thấy “eo bánh mì”…
Khẩu ngữ là ngôn ngữ tồn tại chủ yếu ở dạng nói, được sử dụng để trao đổi tư tưởng, tình cảm trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc trưng của khẩu ngữ là hình thức đối thoại, phát ngôn giản lược ngắn gọn, đơn giản về cấu trúc, thiên về sắc thái cảm xúc và nhiều biến thể phát âm. Sử dụng khẩu ngữ như một chiến lược trong giao tiếp của tản văn khiến thể loại một mặt khoe được khả năng sáng tạo ngôn ngữ từ phía chủ thể sáng tác, mặt khác thể hiện đặc trưng tự do, linh hoạt trong diễn đạt;
tính thời sự, cập nhật đời sống và cái tôi cá tính của người sáng tác trong cách thể hiện quan điểm về đời sống. Bên cạnh đó, chiến lược khẩu ngữ trong tản văn còn liên quan mật thiết tới nguyên tắc đối thoại đã nêu trên.
4.2.1.2 Ngôn ngữ mạng
Ngôn ngữ tự do, khẩu ngữ có thể xóa khoảng cách giữa tác giả và độc giả
nhưng ngôn ngữ mạng mới thực sự là yếu tố làm những người trẻ phải tìm đọc tản văn vì sự thú vị của ngôn ngữ họ ưa dùng. Hiểu đơn giản, “ngôn ngữ mạng” là lớp từ vựng phổ biến trên mạng internet hoặc những thuật ngữ phát sinh trong thời đại công nghệ được sử dụng trong các sáng tác văn học như một dấu hiệu cho thấy sự
cập nhật thời đại của văn chương. Đặc tính ngôn ngữ mạng ở Việt Nam là sự biến thể so với chuẩn mực tiếng Việt. Nó không chỉ đơn giản hóa cấu trúc ngữ pháp và từ ngữ để sử dụng nhanh gọn mà còn sử dụng các ký hiệu, biểu tượng vừa biểu đạt thông tin vừa làm cho ngôn ngữ trở nên sinh động. Ngôn ngữ mạng mang tính cởi
mở bởi nó là ngôn ngữ của giới trẻ với tâm lý muốn sáng tạo trào lưu, tạo một thứ
ngôn ngữ riêng của thế hệ nhằm khẳng bản thân, vì thế, mặc dù khá trí tuệ, hiện đại, hài hước, giàu hình ảnh nhưng đôi khi ngôn ngữ mạng có phần suồng sã, dung tục.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập thừa nhận rằng nhờ có mạng internet ông được bạn đọc biết đến nhiều hơn, sáng tác “khỏe” hơn ngay cả khi đã “thành phế nhân”, chỉ ở trong nhà với một chiếc máy vi tính. Phải công rằng sự phát triển của các kênh truyền thông, đặc biệt là mạng internet đã tạo ra thứ ngôn ngữ chuyên biệt và phổ biến tới mức nếu bạn ra đường không hiểu được ý nghĩa của thứ ngôn ngữ đó, không bật cười trước ngôn ngữ đó khi nó xuất hiện trong văn học, trên phim ảnh…
thì rõ ràng bạn được xếp vào nhóm “những người tối cổ” (ngôn ngữ mạng), tức những người thuộc thế hệ già cỗi, không cập nhật internet. Khi thứ ngôn ngữ này bước thẳng vào trang viết tản văn thì cùng lúc nó biểu hiện được các yêu cầu của thể loại: bộc lộ tính cập nhật cực nhanh của ngôn ngữ và đời sống; thể hiện được cá
tính của người viết; tạo sức hấp dẫn với đối tượng độc giả mới – ít nhất là những độc giả của thời đại truyền thông, công nghệ; tính giải trí của ngôn ngữ này tương đối cao…
Ngôn ngữ mạng trong tản văn Việt Nam đầu thế kỷ XXI vừa mang tính đời thường, vừa giàu tính triết luận; nó là sự kết hợp linh hoạt với ngôn ngữ báo chí;
đồng thời mang tính chất toàn cầu hóa. Đặc điểm nổi bật nhất của ngôn ngữ mạng chính là đời thường hóa thuật ngữ công nghệ hoặc thuật ngữ hóa khẩu ngữ thông dụng, cho nó một lớp nghĩa mới. Thay vì “thế hệ thành thạo công nghệ” người ta gọi “thế hệ @”; thay vì “chạy đi, thoát đi, biến đi” sẽ dùng “cancel”; thay vì “họp lớp, họp nhóm, tụ tập” sẽ dùng “off lớp”, “off team”; thay vì nói “trình độ nâng cao” sẽ thành “lên level” v.v… Song thuật ngữ thuộc về công nghệ là lượng từ giới hạn, còn lớp ngôn ngữ chệch chuẩn từ phát âm đến chữ viết được thế hệ trẻ cách tân nhằm thể hiện cái tôi sáng tạo, hài hước, hiện đại thì vô hạn. Ví dụ: “mùng mood (một)”, thứ high (hai) là ngày đầu tuần/ thứ bar (ba)…”, “tình phôi fine” (phai), “#
(thăng) hoa”, “pà kon”, “con vk” (vợ), “anh ck” (chồng), “lun lun” (luôn luôn), “mãi iu” (yêu); những cách viết tắt mà muốn hiểu được nghĩa phải “thâm nhập” vào đời sống giới trẻ mới hiểu hết được (cml, cmlr, vcc, klq, cdsht…); những thuật ngữ mà